Đến mùa Vu lan, tôi nhớ lại bài sám Vu lan mà tôi cảm tác năm 1975 như sau:
“Đệ tử hôm nay, gặp ngày Tự tứ, những bậc đại sứ, của Đức Như Lai, nguyện cứu muôn loài. Hiện vào lục đạo, phá tan phiền não, dẹp bỏ vô minh, giảng pháp thuyết kinh, trợ khai Phật huệ.
“Trí sâu như bể, đức sánh trời cao, sanh ở trần lao, lòng không nhiễm trước. Sống trong ngũ trược, chẳng khác Niết-bàn, như cánh sen vàng, không còn sợ lửa, chúng con nương tựa, cảm thấy an lòng.
“Chư Phật đạo đồng, ngày nay mới rõ, không còn sợ khó, quyết chí tu hành, cùng với chúng sanh, đồng thành Chánh giác.
“Mở cửa Cực lạc, tại chốn Ta-bà, độ chúng hằng sa, đền ơn Đức Phật. Nương trí chơn thật, khai phương tiện môn, tận dụng Lục thông, cần hành Lục độ. Chúng sanh hết khổ, con mới yên lòng, thế giới đại đồng, nguyện con viên mãn.
“Hết lòng tán thán công đức các Ngài, thập phương Như Lai cùng Tăng giải thoát. Xin trên thấu đạt, tấc dạ chí thành, con với chúng sanh đồng thành Phật đạo”.
Lúc đó đất nước mới được giải phóng, Tăng Ni không thực tu đã hoàn tục rất nhiều. Những người quyết tâm tu, không màng phú quý lợi danh mới còn ở lại.
Mùa Tự tứ năm ấy, tôi thấy chư Tăng tuy không còn đông, nhưng ai cũng có tâm hồn trong sáng, không lo sợ, buồn khổ. Chỉ một lòng muốn thấy Phật, không tiếc thân mạng. Rõ ràng ai nấy đều chuẩn bị tinh thần thanh tịnh, bỏ thân là về với Phật.
Cảnh giải thoát ấy tạo cho tôi độ cảm và tự nghĩ mình cũng chuẩn bị tâm hồn trong sạch, nếu có đạn ghim vào đầu, thì chân linh về thẳng Tịnh độ. Chính sức mạnh dồn tất cả nỗ lực hướng về Phật như vậy, tác động tôi cảm nhận sự bình an thực sự. Và phải nói, trải qua hơn 20 năm hoằng pháp được, cũng là nhờ ở gốc an vui, giải thoát này.
Lòng của Bồ-tát ví như cánh sen vàng, không bị lửa đốt cháy. Càng khó khăn, gian nan, càng thấy được lòng kiên định của Bồ-tát trong nhà Phật pháp và tình thương của các ngài đối với chúng sanh.
“Đệ tử hôm nay, gặp ngày Tự tứ, những bậc đại sứ của Đức Như Lai, nguyện cứu muôn loài. Hiện vào lục đạo, phá tan phiền não, dẹp bỏ vô minh, giảng pháp thuyết kinh, trợ khai Phật huệ…”.
Tôi cảm nghĩ chư Tăng đại diện cho Phật, mà tôi được gặp gỡ và cúng dường để trồng căn lành. Nếu chết về với Phật hay tái sanh cũng được ở trong Tăng đoàn, giữ gìn Chánh pháp. Nhờ tâm niệm và việc làm này, tôi tạo được thành quả ngày nay. Thiết nghĩ chúng ta tu, có tâm vì đại chúng, vì Phật pháp, hy sinh tất cả cho lý tưởng này, mới nhận được phần thưởng xứng đáng của Phật trao cho.
“Trí sâu như bể, đức sánh trời cao, sanh ở trần lao, lòng không nhiễm trước. Sống trong ngũ trược, chẳng khác Niết-bàn, như cánh sen vàng, không còn sợ lửa, chúng con nương tựa, cảm thấy an lòng…”.
Đó là những đức tánh của người xuất gia mà tôi quý trọng nhất. Sống trên cuộc đời, nhưng không bị trần lao làm ô nhiễm. Ở trong cảnh phiền não, nhưng không bị xã hội gây phiền hà, không bị thiên nhiên làm khổ. Đạt được nếp sống cao quý ấy, cuộc đời người tu mới có ý nghĩa.
Sống ở thế giới Cực lạc với Phật và sống với chúng sanh cang cường ở thế giới ô trược, lòng chúng ta cũng như nhau, không thay đổi. Có tâm an định ấy, là biết chúng ta sống được với chân linh, thay thế được Phật để nuôi dưỡng tâm Bồ-đề cho chúng sanh trên cuộc đời này.
Lòng của Bồ-tát ví như cánh sen vàng, không bị lửa đốt cháy. Càng khó khăn, gian nan, càng thấy được lòng kiên định của Bồ-tát trong nhà Phật pháp và tình thương của các ngài đối với chúng sanh.
Bước theo dấu chân Bồ-tát, chúng ta cũng vậy. Không lo, không buồn, không khổ, vì đắc đạo thì có gì đáng để ta lo. Hay nói cách khác, có lo cũng chẳng được và ta không lo cũng không mất gì. Đó là kinh nghiệm của tôi trên bước đường hành đạo.
Buổi thuyết giảng trực tuyến từ 8h30 sáng 21-8-2021 từ Hạ trường chùa Huê Nghiêm |
Việc chính yếu theo tôi là lo đoạn phiền não của chính mình. Hết nghiệp thì không còn phiền não nào có khả năng quấy rầy chúng ta nữa, cũng như vàng ròng, lửa không đốt cháy được nó. Được như vậy, mới xứng đáng cho Phật tử nương tựa.
“Chư Phật đạo đồng, ngày nay mới rõ, không còn sợ khó, quyết chí tu hành, cùng với chúng sanh, đồng thành Chánh giác…”.
Chư Phật ba đời, cho đến các vị Tổ sư, các bậc chân tu đều làm công việc cứu nhân độ thế. Ngày nay ta cũng phải làm được giống như các Ngài. Đối với ta, khó khăn không làm chùn bước, vì nhờ có tình huống khó xử trí, mới có dịp cho ta thể hiện tài năng, đức độ.
Quyết chí tu hành, tiếp độ chúng sanh, tôi thành lập đạo tràng Pháp hoa. Những người đồng hạnh nguyện cùng với tôi phục vụ đạo pháp, giữ gìn Phật pháp tồn tại trên thế gian, thể hiện niềm tin kiên cố với những giá trị vô cùng của Phật dạy qua việc làm an vui giải thoát cho chính bản thân và cho mọi người.
Từ quyết chí mang cả tâm huyết phụng sự đạo pháp, tôi đề ra bốn đại nguyện cho việc hành đạo của mình: Đời đời kiếp kiếp nguyện làm hành giả Pháp hoa kinh, thọ trì, đọc tụng Pháp hoa kinh, quảng tuyên lưu bố Pháp hoa kinh, tu học nhân hạnh Pháp hoa kinh.
Tôi tâm niệm đời tôi chỉ làm bốn việc này, nhưng không có nghĩa là tu theo bộ kinh Pháp hoa bằng giấy trắng mực đen. Làm sao đời sống chúng ta đẹp như hoa sen, tâm hồn trong sáng như ngọc, không chút tỳ vết, trí tuệ và đạo đức vượt hơn người mới có Pháp hoa. Vì vậy, phải nỗ lực trì tụng cho được bộ kinh đó, tức đạt được trí tuệ đồng với Phật và có năng lực cảm hóa chúng sanh như Ngài.
Được như vậy rồi: “Mở cửa Cực lạc tại chốn Ta-bà, độ chúng hằng sa, đền ơn Đức Phật. Nương trí chơn thật, khai phương tiện môn, tận dụng Lục thông, cần hành Lục độ. Chúng sanh hết khổ, con mới yên lòng, thế giới đại đồng, nguyện con viên mãn…”.
Thành tựu được phước đức, trí tuệ rồi, ta mở cửa Cực lạc tại nơi đây, xây dựng Phật pháp ở đây, không đưa người về Tịnh độ. Vì thử nghĩ tất cả người giỏi, tốt, hiền đều về Cực lạc, thì ở đây còn toàn người xấu ác, ta làm được gì.
Ta cầu mong Bồ-tát đồng hạnh nguyện cùng với ta độ đời. Cứu độ được nhiều người để đền ơn chư Phật, vì Phật đã tế độ ta đắc đạo, nay ta thay Phật cũng để thực hiện mục tiêu đó.
Chúng ta tu trên chân thật môn, chứng chân thật môn; nhưng mở cửa phương tiện, nghĩa là tùy chỗ, tùy người, tùy lúc, tạo điều kiện giúp đỡ người tu hành.
Đừng đưa ra khuôn cố định áp đặt cho người, vì bất cứ khuôn mẫu nào cũng chỉ thích hợp với một số người, sử dụng được cho một số trường hợp mà thôi, người khác không thể theo được. Thí dụ ở Campuchia, những người nhất định quấn y, nên bị Pôn Pốt nhận diện được hình thức tu sĩ và giết chết họ. Còn những vị sư không chấp chặt hình thức, khoác vào chiếc áo nông dân mới thoát nạn, còn sống sót, phục hồi được Tăng đoàn. Hình thức tuy cần, nhưng thiết nghĩ nội dung quan trọng hơn. Tu hành, điều tất yếu phải giữ được mạng sống chúng ta.
Và bước thứ hai mới đáng để chúng ta suy nghĩ, tu tạo cho được giới thân huệ mạng. Đối với người tu, trí tuệ mới đích thực là sự nghiệp của mình.
Nương trí chân thật, dùng vô lậu huệ quán sát nhân duyên, chỗ nào nên đến, lúc nào nên đi. Không đủ duyên hành đạo, chắc chắn phải ẩn tu. Như bước đường hoằng pháp của tôi, 40 năm trước không phải lúc đi truyền bá Chánh pháp. Không quán duyên đúng như vậy, mà làm bừa là tự sát. Nhưng ngày nay, nhân duyên đầy đủ, nếu bỏ lỡ cơ hội hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử, là ta không sáng suốt, có tội.
Quán sát duyên hành đạo của mình đang gặp nhiều thuận lợi, tôi hoan hỷ mở rộng việc hoằng pháp đến mọi miền đất nước, nỗ lực gieo trồng hạt giống Bồ-đề vào tâm khảm của Tăng Ni, Phật tử.
Tóm lại, chúng ta nỗ lực tu hành, thân cận những bậc chân tu để nhờ các ngài giúp mình biết cách tu và phát huệ thực sự, mới làm được việc lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo. Và chúng ta dùng thành quả có giá trị ấy hồi hướng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hiện đời, nhiều đời cùng tất cả chúng sanh trong Pháp giới. Đó là cách báo hiếu báo ân tốt nhất trên bước đường tiến tu theo Phật.