Pháp thân, tiếng Phạn là Tỳ-lô-giá-na, dịch là biến nhất thiết xứ, có nghĩa là có mặt ở khắp mọi nơi. Ta biết rằng Đức Phật là Như Lai, có nghĩa là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu (Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ). Bởi ở đâu cũng có thì làm gì có đến và đi.
Pháp thân là một dạng năng lượng, cũng giống như sóng đài hay sóng điện thoại vậy. Sóng ấy có mặt khắp không gian, chỉ cần thiết bị được bật đúng tần số thì sẽ bắt được sóng. Cho nên trong Phật pháp mới có câu “hữu cầu tất ứng”, chỉ cần tâm chúng sinh nào tương ứng với tâm Phật thì sẽ nhận được năng lượng gia hộ của Phật: “Ngàn sông ngàn nước ngàn trăng hiện/ Vạn dặm không mây vạn dặm trời” (Thiên gian hữu thủy thiên gian nguyệt/ Vạn lý vô vân vạn lý thiên).
Pháp thân, hiểu theo nghĩa đơn giản là lấy pháp làm thân. Pháp là tất cả các pháp, không giới hạn một pháp nào. Trong lúc tu hành Bồ-tát đạo, Đức Phật thực hành hạnh vô ngã vị tha, quên đi bản thân mình để phục vụ chúng sinh, hòa cái riêng biệt của mình vào hoàn cảnh của chúng sinh để thấu hiểu, cảm thông họ, vui với cái vui của họ và khổ với cái khổ của họ, như Bồ-tát Duy Ma Cật nói “vì chúng sinh bệnh nên Bồ-tát bệnh”. Khi pháp tu này được hoàn thiện thì sẽ không còn khoảng cách giữa Phật và các pháp, “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”, Phật ở trong các pháp và các pháp ở trong Phật vậy.
Phàm phu vì còn có ngã cho nên thấy cái ngã của mình khác với cái ngã của người khác, hơn nữa, coi cái ngã của mình là trung tâm, là quan trọng, là đáng quý hơn người khác. Cái ngã có thể là cá nhân của một người, cũng có thể được mở rộng ra gia đình, tổ chức hay một dân tộc, một quốc gia. Có những người quên đi cá nhân của mình để phục vụ cho quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân. Những người ấy mới nhìn có vẻ như vị tha mà thực chất vẫn còn vị kỷ, có vẻ như vô ngã nhưng thật ra là vẫn còn ngã, bởi vì chưa loại trừ được cái “tôi”, còn phân biệt quốc gia của tôi với quốc gia của người khác. Và ai đụng tới cái tôi mở rộng đó thì bản chất vị kỷ liền lập tức hiện nguyên hình. Nói chung là họ vẫn còn hữu ngã. Mà còn hữu ngã thì không thể hòa hợp trở thành một với các pháp được.
Cũng như chư Phật, những bậc đắc đạo đều có một đặc điểm chung là không chấp thân làm bản ngã riêng tư mà lấy mình làm mọi người và lấy mọi người làm mình. Trong Đạo đức kinh (chương 13), chép rằng: “Quý thân chính là lấy thân làm thiên hạ, đáng được thiên hạ giao phó. Yêu thân chính là lấy thân làm thiên hạ, đáng được thiên hạ cậy nhờ” (Quý dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả ký thiên hạ. Ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ). Giải thích hai câu này, Thiền sư Viên Minh, trong Tư tưởng của Lão Tử qua quan điểm Phật học, viết rằng: “Thiên hạ ở đây không chỉ có nghĩa là người đời mà còn bao hàm một nghĩa rộng hơn là thiên địa vạn vật, vũ trụ càn khôn hay thế giới tự nhiên của sự sống. Đặc biệt ám chỉ thể tánh bản nguyên mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Pháp tánh, chân như thực tại, hay gọi tắt một chữ Pháp cũng đủ bao gồm tất cả”.
Khi vua Trần Thái Tông muốn bỏ ngôi vua vào núi tu hành, Quốc sư Phù Vân cũng khuyên vua rằng: “Phàm làm bậc quân vương thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Đời sống của người tu là đời sống của “một bát cơm ngàn nhà”, nghĩa là ta không còn là cá nhân của riêng ta nữa mà trong ta có tất cả chúng sinh. Khi dạy chúng ta quán từ bi, Đức Phật dạy ta rải lòng từ một phương cho đến mười phương, cho đến vô lượng vô biên… Đó đều là những hạnh tu để hòa cái ta của mình vào pháp giới chúng sinh và cũng là cái nhân, là phương pháp để chứng ngộ Pháp thân đó vậy.
Là một phàm phu nhưng lại dám lạm bàn chuyện của chư Phật thì cũng quá lắm, chẳng qua là người viết dựa vào thuyết nhân quả trong Phật pháp, nhân nào thì quả nấy, mà suy luận ra vấn đề. Nếu mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình, còn nếu mình lấy tất cả pháp làm thân thì việc chứng đắc Pháp thân như là một phản ứng/kết quả tự nhiên của quá trình tu tập đó, thiết nghĩ cũng không phải là một suy luận quá viển vông. Còn nếu như kiến giải của người viết không đúng thì cái hạnh vô ngã vị tha mà chư Phật đã dạy cũng đáng để cho ta đem ra thực hành trong bối cảnh xã hội hiện nay.