Chánh kiến giúp người tu học thấy rõ bản chất của cuộc đời là vô thường, khổ, vô ngã, từ đó thoát khỏi vướng mắc và có hướng đi đúng để thẳng tiến đến quả vị giải thoát.
“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đang ở tại núi Kỳ-xà-quật. Buổi chiều, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi chào hỏi, bèn hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Đa văn Thánh đệ tử, ở trong pháp luật này, thành tựu pháp nào để gọi là có đầy đủ chánh kiến, thành tựu được trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
- Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với pháp bất thiện, biết như thật bất thiện căn, biết như thật thiện pháp, biết như thật thiện căn. Các nghiệp chẳng lành của thân, miệng, ý là pháp bất thiện. Tham, sân, si là bất thiện căn. Các nghiệp lành của thân, miệng, ý là thiện pháp. Không tham, không sân, không si là ba thiện căn.
- Như vậy, này Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đa văn Thánh đệ tử biết như vậy cho nên ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.
Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lần lượt hỏi:
- Thật chỉ có những pháp này, hay ngoài ra còn có pháp nào khác?
Tôn giả Xá-lợi-phất lần lượt đáp về Bốn loại thức ăn, về Lậu, về Tứ diệu đế, về Mười hai nhân duyên; về sự tập khởi, sự diệt tận và con đường đưa đến sự diệt tận của Bốn loại thức ăn, của Lậu, của Tứ diệu đế, của Mười hai nhân duyên.
Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi:
- Chỉ có những pháp này, hay còn có pháp nào khác không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
- Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, thầy đuổi theo cái gì vậy, rốt cuộc rồi thầy cũng không thể đến chỗ tột cùng của các luận thuyết, đạt đến biên tế của chúng được! Nếu Thánh đệ tử đã đoạn trừ vô minh và phát sanh minh trí, thì đâu cần tìm cầu gì nữa!
Sau khi đàm đạo xong, hai vị Chánh sĩ mỗi người trở về trú xứ của mình”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 14, kinh Câu-hi-la, số 344)
Chánh có nghĩa là đúng đắn, chân chánh. Kiến nghĩa là thấy, nhận thức, quan điểm. Như vậy, chánh kiến có nghĩa là thấy biết đúng như thật, không bị sai lệch. Trong Bát chánh đạo, chánh kiến giữ vị trí hàng đầu, vì đây là nền tảng giúp hành giả phân biệt đúng - sai, thiện - bất thiện, chân thật - mê lầm. Nếu không có chánh kiến thì các chi phần còn lại như chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp v.v... sẽ không thể phát huy hiệu quả, hoặc có thể bị tà kiến dẫn lối.
Câu trả lời của Tôn giả Xá-lợi-phất đã bao gồm những giáo lý căn bản của đạo Phật, đó là Tứ diệu đế, là Mười hai nhân duyên, là ba độc tham sân si, là ba nghiệp của thân miệng ý. Trong đó, sự hiểu biết về nghiệp thiện và không thiện của thân miệng ý, sự hiểu biết về gốc rễ của thiện và không thiện được tôn giả trả lời đầu tiên. Nếu Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la không hỏi thêm nữa thì có thể xem đây là nội dung căn bản của chánh kiến, cũng chính là nội dung căn bản trong giáo lý của đạo Phật. Vì sao chúng ta có thể khẳng định như vậy?
![]() |
Chánh kiến không phải là một khái niệm để bàn luận mà là một chân lý sống cần được thể nghiệm hành trì |
Đời Đường, có Thiền sư Đạo Lâm (741-824), vì sống trên chạng ba của cây tùng nên người đương thời gọi là Thiền sư Ô Khòa (鳥窠). Nghe đến đạo hạnh của sư, thái thú Bạch Cư Dị bèn vào núi yết kiến.
Bạch Cư Dị hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư bèn dùng bài kệ thông giới của bảy Đức Phật quá khứ, đáp:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
(Các điều ác chớ làm
Vâng làm các điều lành
Tự thanh tịnh ý mình
Đó lời chư Phật dạy).
Bạch Cư Dị nói:
- Con nít ba tuổi cũng nói được.
Sư nói:
- Con nít ba tuổi tuy nói được nhưng ông lão tám mươi tuổi làm không xong.
Bạch Cư Dị nghe xong vô cùng thán phục, thờ sư làm thầy.
Trong kinh Pháp cú, phẩm Song yếu, Đức Phật có dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo”.
(Pháp cú 1)
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình”.
(Pháp cú 2)
Trong ba nghiệp thì ý nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Ý nghĩ lành thì miệng nói điều lành, thân làm điều lành, sẽ được quả báo an lành. Tâm ý thanh tịnh tùy theo mức độ tồn tại của ba độc tham sân si. Tham sân si càng vắng bóng thì tâm ý càng thanh tịnh.
Trong ba độc thì tham và sân dễ nhận diện hơn. Vì sao tham sân có mặt? Vì chấp trước, dính mắc vào đối tượng. Vì sao có dính mắc? Vì mê lầm, thiếu trí tuệ nhận biết các pháp đều do duyên sinh, giả có. Thiếu trí tuệ nhận biết các pháp là vô thường rồi sẽ tan hoại. Cho nên, tuy nói ba độc nhưng si độc lại đóng vai trò chủ đạo. Tham và sân tuy nguy hiểm, nhưng có thể bị đoạn trừ khi có sự phản tỉnh kịp thời. Ngược lại, si tức là mê muội, không thấy rõ bản chất của thân, tâm và thế giới, là thứ gốc rễ sâu dày duy trì toàn bộ luân hồi sanh tử. Một người có thể kiểm soát tham hoặc sân nhất thời nhưng nếu không có chánh kiến thì si vẫn âm thầm tác động khiến họ tiếp tục tạo nghiệp. Vì vậy, đoạn trừ si ám vô minh là then chốt, và chánh kiến chính là khởi đầu của việc đó.
Thế nên si độc vắng bóng thì tâm thanh tịnh, tâm tịnh thì trí sáng tỏ. Mức độ sáng tỏ của tâm trí sẽ tương ứng với các quả vị: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát. Nếu tâm ý hoàn toàn được thanh tịnh và sáng tỏ tức ba độc tham sân si đều sạch thì đạt đến chỗ chứng ngộ của chư Phật.
Bảy Đức Phật quá khứ đều lấy bài kệ bốn câu trên để răn dạy đệ tử, bài kệ bốn câu nhưng phân tích kỹ thì quả thật tóm lược đại ý Phật pháp. Chỉ có bốn câu kệ, con nít ba tuổi cũng nói được nên khi nghe Thiền sư Ô Khòa nói xong thì ông Bạch Cư Dị xem thường. Thiền sư bèn quở: “Ông chớ có mà xem thường, bốn câu kệ đơn giản, đến con nít ba tuổi cũng nói được nhưng mà ông già tám mươi còn làm không xong đấy”. Bạch Cư Dị nghe xong liền giật mình, nhận thức được nghĩa lý sâu xa của bài kệ. Nhận thức được cốt lõi của giáo pháp, đại ý Phật pháp chỉ có thể thực hành mới có thể đạt được. Ông hết sức kính trọng thiền sư, bèn tôn ngài làm thầy.
Trở lại bản kinh, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la mong Tôn giả Xá-lợi-phất giải thích thêm về chánh kiến nhưng Tôn giả bèn nói: “Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, thầy đuổi theo cái gì vậy, rốt cuộc rồi thầy cũng không thể đến chỗ tột cùng của các luận thuyết, đạt đến biên tế của chúng được! Nếu Thánh đệ tử đã đoạn trừ vô minh và phát sanh minh trí, thì đâu cần tìm cầu gì nữa!”.
Qua lời nói trên của Tôn giả Xá-lợi-phất, ta nhận thấy điểm nhấn của bài pháp trước hết không phải ở chỗ có thể giải thích về chánh kiến một cách sâu rộng, chi tiết như thế nào, không phải nói pháp để tăng trưởng lý luận mà là để thực hành, hướng đến đoạn trừ vô minh, phát sinh minh trí. Kế đến một khi đã đoạn trừ vô minh, phát sinh minh trí thì không phải hỏi chánh kiến là gì nữa. Vì sao? Vì hành giả đã thực sự đạt được chánh kiến, trực nhận chân lý, không còn dựa trên sự học hiểu nữa.
Như vậy qua bài kinh chúng ta hiểu rằng chánh kiến hết sức quan trọng vì nó là kim chỉ nam giúp người tu hành đi đến giải thoát. Nắm bắt nội dung chánh kiến qua lý thuyết là bước đầu của người tu tập nhưng thực hành đoạn trừ vô minh, phát sinh minh trí mới thật hiểu được trọn vẹn nội dung chánh kiến. Vì thế, chánh kiến không phải là một khái niệm để bàn luận mà là một chân lý sống cần được thể nghiệm hành trì. Một vị hành giả với đời sống chánh kiến chiếu soi thì những điều thuộc về luân hồi sanh tử sẽ không đủ sức kéo lôi vị ấy vào cuộc chơi đuổi hình bắt bóng. Cánh cửa giải thoát dần hé mở kể từ đây, khi bắt đầu sự có mặt của chánh kiến.