Tiền an cư và hậu an cư

Tiền an cư là chỉ cho việc an cư ba tháng đầu của mùa mưa; hậu an cư là chỉ cho việc an cư ba tháng sau của mùa mưa
Tiền an cư là chỉ cho việc an cư ba tháng đầu của mùa mưa; hậu an cư là chỉ cho việc an cư ba tháng sau của mùa mưa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ở Ấn Độ, vào mùa mưa cỏ cây, côn trùng, giun dế v.v... sinh trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, các tu sĩ ngoại đạo thường ở yên một chỗ trong thời kỳ mùa mưa nhằm tránh giẫm đạp lên cây cỏ, côn trùng, đồng thời cũng để chuyên tâm hơn cho việc tu hành. 

Đây là một tập tục lâu đời, điều này được xác nhận qua Luật Tứ phần, quyển 37: “Ngoại đạo cũng còn tuân theo pháp an cư ba tháng”1.

Tuy nhiên, vào thời kỳ sơ khởi của Phật giáo, trong giáo đoàn chưa có quy định như vậy. Dù chưa có quy định, nhưng với bản thể thanh tịnh của một người đã chứng đắc Thánh quả, các Tỳ-kheo cũng không tự tiện đi lại trong mùa mưa. Số còn lại, chưa chứng đắc Thánh quả, mà tiêu biểu là nhóm sáu Tỳ-kheo, thường đi suốt cả ba mùa. Điều này tất yếu khiến người dân Ấn Độ lúc bấy giờ bất bình và phê phán mạnh mẽ. Ghi chép trong hầu hết Luật tạng của các bộ phái, chính vì những lời chỉ trích ấy, và nhân sự kiện ấy Đức Thế Tôn chế định ra pháp an cư.

Luật Đại phẩm, ghi: “Các vị Tỳ-kheo ấy du hành trong mùa lạnh, mùa nóng, và cả mùa mưa nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai, rằng: Tại sao các Sa-môn Thích tử lại du hành trong mùa lạnh, mùa nóng, và cả mùa mưa nữa? Các vị đang giẫm đạp lên cỏ non, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại nhiều chúng sinh nhỏ nhoi. Ngay cả ngoại đạo có giáo lý được thuyết tồi tệ vẫn bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa. Ngay cả những con chim này khi làm tổ trên các ngọn cây cũng bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa. Còn các Sa-môn Thích tử này lại du hành trong cả ba mùa”.

Các Tỳ-kheo nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai, nên đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn nhân lý do và sự kiện ấy, đã nói pháp thoại rồi bảo các Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, Ta cho phép an cư vào mùa mưa”.

Sau khi Đức Phật chế định pháp an cư, các Tỳ-kheo suy nghĩ: “Nên an cư vào thời điểm nào của mùa mưa?”.

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có hai thời điểm an cư vào mùa mưa. Thời điểm trước và thời điểm sau. Thời điểm trước thì nên nhằm vào ngày kế của ngày trăng tròn tháng Āsāḷha, thời điểm sau thì nên nhằm vào ngày trăng tròn của tháng Āsāḷha đã trôi qua một tháng”2.

Luật Tứ phần cũng nói: “Có hai thời điểm an cư: tiền an cư và hậu an cư. Nếu tiền an cư thì ở vào ba tháng trước, hậu an cư thì ở vào ba tháng sau”3.

Luật Ngũ phần cũng ghi: “Có hai thời điểm an cư: tiền an cư và hậu an cư. Nếu không sự cố gì, nên tiền an cư; nếu có sự việc, cho phép hậu an cư”4.

Tháng Āsāḷha trong lịch pháp Ấn Độ, tương đương với khoảng cuối tháng 6 và đầu tháng 7 dương lịch, tức là vào khoảng tháng 5 âm lịch. Như vậy, thời điểm tiền an cư được xác định là ngày 16-5 âm lịch, và thời điểm hậu an cư là 16-6 âm lịch. (Phật giáo Nam tông ở xứ ta tiền an cư vào ngày 16-6 âm lịch).

Trong Luật tạng Bắc truyền, thì Luật Thiện kiến xác định: “Ngày 16-5 là tiền an cư, ngày 16-6 là hậu an cư”5.

Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ cũng xác nhận: “Ngày 16-5 nên tác pháp tiền an cư. Ngày 16-6 nên tác pháp hậu an cư”6.

Ngài Nghĩa Tịnh giải thích thêm: “Nếu tiền an cư, thời điểm bắt đầu là ngày mùng một của tháng tối7 trong tháng 5. Nếu hậu an cư, thời điểm bắt đầu là ngày mùng một của tháng tối trong tháng 6. Chỉ có hai ngày này được quy định rõ ràng để thực hiện pháp an cư, trong khoảng thời gian giữa hai ngày này, Luật tạng không ghi nhận bất kỳ ngày nào khác”8.

Ngày mùng một của tháng tối (黑月一日) là ngày nào? Lịch pháp Ấn Độ căn cứ vào sự tròn và khuyết của mặt trăng, chia mỗi tháng ra hai phần, từ ngày trăng tròn đến khi tối hẳn gọi là Hắc nguyệt (tháng tối), tương đương với âm lịch của Trung Quốc là ngày 16 đến ngày 30 (hoặc 29, nếu tháng thiếu); từ ngày trăng bắt đầu sáng dần đến khi trăng tròn gọi là Bạch nguyệt (tháng sáng), tương đương với âm lịch từ ngày mùng một đến ngày Rằm.

Như vậy, hầu hết Luật tạng của các bộ phái Phật giáo, cả Nam truyền và Bắc truyền, đều thống nhất thời điểm tiền an cư là ngày 16-5 và hậu an cư là ngày 16-6, khoảng cách giữa tiền và hậu an cư đều cách nhau một tháng.

Tuy nhiên, Luật Ma-ha Tăng-kỳ lại ghi nhận: “Tiền an cư bắt đầu vào ngày 16-4, đến ngày 15-7 [thì giải hạ]. Hậu an cư bắt đầu vào ngày 16-5, đến ngày 15-8 [thì giải hạ]”9. Quan điểm này đã bị Huyền Trang bác bỏ trong Tây vực ký: “Tăng chúng Ấn Độ y theo Thánh giáo của Phật, đều nhập an cư vào ngày đầu của nửa tháng đầu tháng Śrāvaṇa - tức ở nước ta là ngày 16-5; xả an cư vào ngày thứ 15 của nửa tháng sau tháng Aśvayuja - tức ở nước ta là ngày 15-8. Tên các tháng của Ấn Độ được lập theo chòm sao, từ xưa đến nay không thay đổi, các bộ phái đều đồng thuận. Do phương ngữ chưa thống nhất, việc truyền dịch bị sai sót, nên việc chia tháng định thời gian dẫn đến sai lệch. Vì thế mới có cách nói nhập an cư ngày 16-4, xả an cư ngày 15-7”10.

Ở đây, chúng tôi cho rằng, chưa hẳn đã có sự sai sót hay nhầm lẫn trong truyền dịch dẫn đến chọn thời điểm tiền an cư là ngày 16-4, mà có lẽ do ở Trung Quốc, hay ở một số vùng lãnh thổ, mùa mưa đến sớm hơn một tháng. Như ở miền Nam Việt Nam ta, mùa mưa bắt đầu vào tháng Tư âm lịch, do vậy việc chọn thời điểm tiền an cư vào ngày 16-4 là hợp lý.

Riêng trường hợp một số người nhầm lẫn về thời điểm hậu an cư là ngày 17-4 đến ngày 15-5, có lẽ xuất phát từ câu chuyện Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên muốn cùng Thế Tôn an cư, nhưng khởi hành từ nơi mình cư trú ngày 15, đến nơi an cư vào ngày 17, không biết xử trí ra sao, bèn trình sự việc lên chư Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: Cho phép hậu an cư11.

Trường hợp này không phải hậu an cư, mà theo Luật Tứ phần, gọi là “trung an cư”: “Có ba thời điểm an cư: tiền an cư, trung an cư, hậu an cư”12. Thuyết này cho rằng, tiền an cư bắt đầu từ ngày 16-4, trung an cư bắt đầu từ ngày 17-4 đến ngày 15-5, và hậu an cư bắt đầu từ ngày 16-5.

Tóm lại, Ấn Độ cổ đại, một mùa có bốn tháng, do đó, tiền an cư là chỉ cho việc an cư ba tháng đầu của mùa mưa; hậu an cư là chỉ cho việc an cư ba tháng sau của mùa mưa. Khoảng cách giữa tiền và hậu an cư là một tháng. Sau khi tác pháp an cư, những người đến sau, từ thời điểm 17-4 đến 15-5, vẫn được cho phép nhập chúng an cư bằng cách tác bạch với đại chúng. Trong trường hợp này không phải là hậu an cư, mà là trung an cư, như Luật Tứ phần đã nói.

---------------------------

1 Tứ phần luật, ĐCT, tập 22, trang 830b07.

2 Đại phẩm, Mahāvagga 3, trang 347.

3 Tứ phần luật, ĐCT, tập 22, trang, 832a20. Ở Ấn Độ cổ đại, mỗi năm có ba mùa, một mùa có bốn tháng. An cư từ tháng đầu tiên của mùa mưa, kéo dài đến ba tháng, gọi là “ở vào ba tháng trước”, tức tiền an cư. Mùa mưa trôi qua một tháng mới an cư, gọi là “ở vào ba tháng sau”, tức hậu an cư.

4 Ngũ phần luật, ĐCT, tập 22, trang 129b20.

5 Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, ĐCT, tập 24, trang 793b13.

6 Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tụng, ĐCT, tập 24, trang 649c05.

7 Tương đương với âm lịch của Trung Quốc là ngày 16.

8 Nam hải ký quy truyện, ĐCT, tập 54, trang 217a25.

9 Ma-ha Tăng-kỳ luật, ĐCT, tập 22, trang 451b10.

10 Đại Đường Tây Vực ký, ĐCT, tập 51, trang 918c17.

11 Tứ phần luật, ĐCT, tập 22, trang 832a.

12 Tứ phần luật, ĐCT, tập 22, trang 998b12.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.