Lễ hội hay pháp hội trong tâm niệm của người tổ chức, tham dự đều nhằm kiến tạo bình an cho mình, cho cộng đồng. Lễ hội, pháp hội được diễn ra cũng là biểu hiện của bình an, không dịch bệnh, tai ương…
Như thường lệ, đầu năm mới là mùa lễ hội, nhưng năm nay, hầu hết các lễ hội đã bị hủy. Tại các chùa, nhất là ở các tỉnh thành có ca nhiễm trong cộng đồng, lễ cầu an, Pháp hội Dược Sư cũng được khuyến cáo tạm dừng hoặc nếu tổ chức cũng tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Phật tử Sài Gòn đi chùa trong ngày rằm tháng Giêng - Tân Sửu. Họ tuân thủ nguyên tắc 5K, phòng dịch Covid-19 - Ảnh: Bảo Toàn |
Khi các lễ hội tạm dừng
Theo đó, từ đầu tháng 2-2021, hàng loạt các lễ hội ở miền Bắc đã tạm dừng hoặc không tổ chức lễ khai hội tập trung đông người như mọi năm, chỉ có khóa lễ tâm linh nội bộ. Cụ thể, tại Hà Nội, ngày 5-2, UBND quận Đống Đa thông báo dừng lễ hội Gò Đống Đa 2021 vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. Thông báo của địa phương cho hay, dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất, nhưng “do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường nên quận quyết định dừng lại”.
UBND huyện Mỹ Đức cũng thông báo dừng tổ chức lễ hội chùa Hương - một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Trong khi đó, huyện Sóc Sơn cũng tạm dừng lễ kỷ niệm 10 năm hội Gióng vào mùng 6 tháng Giêng. Đây là lễ hội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại Nam Định, UBND tỉnh này cũng đã đồng ý đề xuất của UBND TP.Nam Định, không tổ chức lễ khai ấn và phát ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP.Nam Định). Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc, diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng hàng năm. Năm nay, đêm 14 tháng Giêng, chỉ một vài bô lão tổ chức nghi lễ nhỏ để dâng hương các vua Trần. Đền không tiếp khách đến xin ấn và tham dự lễ khai ấn vào ngày này.
Còn UBND tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu dừng 3 lễ hội lớn là Tịch điền, phát lương đức thánh Trần đền Trần Thương, khai hội chùa Tam Chúc. UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và các lễ hội truyền thống tại địa phương. Cùng nguyên nhân phòng chống Covid-19, hàng loạt lễ hội lớn tại Ninh Bình cũng dừng như Bái Đính, Hoa Lư...
Tại Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự (BTS) GHPGVN tỉnh qua trao đổi với Giác Ngộ, cho biết, khu danh thắng Yên Tử cũng không tổ chức khai hội xuân năm 2021.
Hiện khu Di tích danh thắng Yên Tử đã tạm dừng đón khách kể từ ngày 15-2. Cùng với đó, hội xuân Yên Tử chỉ thực hiện nghi thức tâm linh do nội bộ BTS GHPGVN tỉnh và ban quản lý di tích thực hiện. Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các chùa trên địa bàn tỉnh tổ chức nghi thức cầu nguyện quốc thái dân an bằng hình thức trực tuyến.
Mới nhất, ngày 20-2, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cũng ban hành công văn đề nghị BTS GHPGVN các địa phương quán triệt, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 trong tháng lễ hội xuân Tân Sửu.
Trước Tết, Trung ương Giáo hội cũng đã có công văn ngày 28-1, yêu cầu tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán - Xuân Tân Sửu. “Tất cả mọi người dân khi đến chùa phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, của UBND các tỉnh trong việc thực hiện các hoạt động Phật sự tại chùa, cơ sở tự viện tại các địa phương”, công văn đề nghị.
Như vậy, các sinh hoạt lễ hội bên ngoài cũng như khóa lễ tâm linh truyền thống tại chùa trước, trong, sau Tết đã bám sát diễn biến của dịch để ứng phó. Không đến chùa được, không tham gia lễ hội là một điều đáng tiếc nhưng là tất yếu để bình an, theo nghĩa giữ cho dịch không lây lan, mất kiểm soát.
Bình an bên trong
Người dân đến với lễ hội, tham dự các pháp hội không ngoài mục đích cầu an, gieo trồng cội phước, hướng về cội nguồn. Tuy nhiên, đời sống tâm linh vốn không bị bó buộc bởi một hình thức cụ thể bên ngoài mà quan trọng là trở về với nguồn cội bên trong.
Nhiều Phật tử đã ý thức được việc chăm sóc đời sống tinh thần bằng quán chiếu nhân duyên và thực hành tùy duyên. Thay vì đi lễ hội, đến pháp hội, mỗi người có thể thu dọn lòng mình, vén khéo ý-khẩu-thân để trở nên thanh tịnh. Sự hòa hợp được thể hiện trong bối cảnh dịch bệnh này chính là không “chống lại” các nguyên tắc an toàn của Bộ Y tế. Còn sự kiến tạo phước lành, đã được Đức Phật dạy không ngoài chuyện “làm lành lánh dữ”:
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
(Kinh Pháp cú 183, phẩm Phật-đà)
Trong kinh Dìghajjànu, người Koliya, Tăng chi bộ, Đức Phật cũng dạy:
Tháo vát trong công việc,
Không phóng dật, nhanh nhẹn,
Sống đời sống thăng bằng,
Giữ tài sản thâu được,
Có tin, đầy đủ giới,
Bố thí, không xan tham,
Rửa sạch đường thượng đạo,
An toàn trong tương lai.
Đây chính là tám pháp,
Bậc tín chủ tìm cầu,
Bậc chân thật tuyên bố,
Đưa đến lạc hai đời:
Hạnh phúc cho hiện tại,
Và an lạc tương lai.
Lời dạy của Đức Phật là kim chỉ nam cho hành động. Điều đó có thể thấy, để có đời sống bình an, phước báu đầy đủ thì mỗi người phải giữ ý-khẩu-thân thanh sạch, thường hành bố thí, giúp đời, giúp người. Trong lúc này, ở yên, ít di chuyển và chánh niệm để không buông lung (sinh hoạt tự do như thường ngày)… chính là những việc thiện, góp phần kiến tạo bình an.
Quả thực, bình an là điều mà ai cũng mong muốn. Chỉ có điều là đôi khi do tà kiến, người ta chưa biết cách kiến tạo. Dự lễ hội mà tranh giành, cướp ấn, cướp lộc gây náo loạn đã là bất an. Nhiều người đã biết cách tạo bình an đúng pháp nhưng chưa nỗ lực, thiếu tinh tấn, bị lôi kéo, phan duyên… cũng không có bình an trọn vẹn. Nói không với tụ tập, nói không với sự dễ dãi trong sinh hoạt hàng ngày chính là một sự trợ duyên, tạo nên sức mạnh tập thể để tình hình dịch bệnh được yên trước khi có vắc-xin. Chỉ khi nào thân-tâm an lạc thì ta mới có điều kiện để thực hành những thiện pháp khác một cách rốt ráo. Nghĩ thế để nhận diện, kỳ lễ hội đầu năm mới nay bị gián đoạn cũng là để mùa xuân năm sau được an lành hơn.
Đặt ý thức trách nhiệm với cộng đồng
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, Trưởng bộ môn Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) - Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ về tính thiêng của các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh dịp Tết, giữa bối cảnh dịch bệnh:
Chúng ta vẫn thường nói, trong “nguy” có “cơ”. Trong tình hình dịch bệnh tràn lan không ai muốn như hiện nay, lại rơi vào thời điểm những ngày giáp Tết với tỷ lệ hội hè đình đám rất cao, thiết nghĩ cũng là “cơ hội”, là dịp giúp chúng ta có thể nhìn lại chính mình với khoảng không gian trầm lắng. Ta tạm dừng những cuộc vui quá mức để vừa đủ nhận diện những giá trị văn hóa, cảm nhận “vị” đặc biệt của Tết an lành, để thấu hiểu và thấu cảm được hồn Việt, thấm đẫm tinh thần nhân văn và đạo lý dân tộc.
Cũng xin nói thêm, yếu tố “thiêng” là một giá trị văn hóa của người Việt. Người Việt không đẩy cái thiêng thành một nhận thức luận trừu tượng, trái lại, nó là đối tượng của những ứng xử cụ thể trong đời sống hàng ngày.
ThS.Nguyễn Hiếu Tín |
Ngày Tết như là một chu kỳ vận hành của thế giới tự nhiên, của vạn vật, có khóa, có mở. Đã là vận hành thì có ngừng nghỉ - dù dưới hình thức nào - để điều chỉnh, để tái vận động, vận hành được bình thường và tốt hơn.
Hoàn cảnh bệnh dịch cũng là cớ để điều chỉnh công cuộc vận hành lớn lao, đồng bộ giữa con người với thiên nhiên rộng lớn, giữa con người với con người. Và dịp Tết này, chúng ta đặt ra ý thức về trách nhiệm đối với đời sống toàn diện của cộng đồng, xã hội để tránh lây lan, tự bảo vệ mình. Đó cũng là một cách ăn Tết có trách nhiệm và hoàn toàn phù hợp với đạo lý của dân tộc.