Covid-19 và vắc-xin tự nhiên

Đức Phật và Tăng đoàn đệ tử của Ngài là hình ảnh sống động nhất, hoàn hảo nhất cho lối sống thân tâm lành mạnh - Ảnh: Làng Mai
Đức Phật và Tăng đoàn đệ tử của Ngài là hình ảnh sống động nhất, hoàn hảo nhất cho lối sống thân tâm lành mạnh - Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GN - Kể từ năm 2020, lần đầu tiên nhân loại chứng kiến đại dịch Covid-19 ảnh hưởng khốc liệt đến đời sống người dân trên toàn thế giới.
  • Thống kê ngày 21-2-2021 cho thấy đã có hơn 110 triệu người bị nhiễm và 2 triệu rưỡi người chết liên quan tới dịch bệnh này. Đứng trước tác hại đến sinh mạng con người và an nguy đất nước, việc nghiên cứu chế tạovắc-xin phòng chống Covid-19 đã được cấp thiết đặt làm trọng tâm hàng đầu tại mỗi quốc gia, nhất là tại các nước đã có nền khoa học vi sinh phát triển.

    Nhờ nỗ lực không ngừng của những nhà bác học, cuối năm 2020 một số quốc gia như Mỹ, Nga, Anh sản xuất được vắc-xin. Các vắc-xin này đã trải qua các chương trình thử nghiệm nghiêm ngặt, được các trung tâm y khoa hàng đầu thế giới thẩm định và cấp phép chính thức tiêm chủng. Hầu hết người dân đều vui mừng đón nhận vắc-xin, tuy nhiên cũng có thiểu số nhìn vắc-xin với chiều hướng khác, bao gồm vắc-xin Covid-19. Những người này thường có chủ trương: Một đời sống lành mạnh, ăn uống thực dưỡng lành mạnh sẽ giúp con người đủ khả năng chống lại bệnh tật.

    Quan điểm của người Phật tử về vắc-xin như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại lịch sử vắc-xin và cách các quốc gia Phật giáo tiếp nhận vắc-xin để trả lời câu hỏi này.

    Bác sĩ người Anh Edward Jenner là người đầu tiên thành công tạo ra vắc-xin vào năm 1796 để phòng chống dịch bệnh đậu mùa. Dịch bệnh nguy hiểm này chỉ riêng nửa đầu thế kỷ XX (1900-1950) đã lấy đi mạng sống trên 300 triệu người trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam khi vắc-xin chưa được ứng dụng rộng rãi, do thiếu nguồn vắc-xin và cơ sở y tế. Cứ 3 người bị nhiễm đậu mùa, một người phải bỏ mạng. Bệnh đậu mùa là nỗi kinh hoàng của nhân loại trong suốt mấy ngàn năm. Sử sách ghi lại bao vua chúa đã thiệt mạng vì căn bệnh này, bao quốc gia tàn lụi cũng vì căn bệnh này. Tuy nhiên nhờ vắc-xin, bệnh đậu mùa hoàn toàn được xóa sổ vào năm 1980 trên toàn thế giới, từ bộ lạc xa xôi trong rừng núi cho đến thị thành hiện đại.

    Kể từ khi loài người chế tạo được vắc-xin, mọi quốc gia Phật giáo đều thân thiện cẩn trọng tiếp nhận vắc-xin. Bệnh viện và trung tâm y tế do Phật giáo quản lý tại các quốc gia trên đều có chương trình chủng ngừa. Các loại vắc-xin này đã được nghiên cứu sâu rộng, tần số cứu sống con người cao hơn rất nhiều ảnh hưởng phụ.

    Bên cạnh thân thiện với vắc-xin, nền tảng Phật giáo luôn hướng dẫn con người có một đời sống thân lẫn tâm lành mạnh. Thân tâm lành mạnh không những giúp con người ngăn ngừa bệnh tật do vi khuẩn, thời tiết gây ra mà còn giúp ngăn ngừa những căn bệnh tham sân si do tâm gây ra, vốn dĩ cũng dễ dàng gây tác động đến sự sống muôn loài mà chiến tranh là một điển hình.

    Đức Phật và Tăng đoàn đệ tử của Ngài là hình ảnh sống động nhất, hoàn hảo nhất cho lối sống thân tâm lành mạnh. Mỗi ngày Đức Phật đều đi khất thực qua nhiều cây số, ăn chỉ vừa đủ, thiền định để trong sạch sáng tỏ tâm. Nhờ lối sống này, Đức Phật có sức khỏe bền bỉ tốt đẹp, tuệ giác uyên thâm thượng đẳng. Ngài nhập Niết-bàn ở tuổi 80, đây là con số rất cao vào thời điểm cách đây 2.600 năm khi tuổi thọ trung bình thường dưới 50 tuổi.

    Vậy một người trẻ tuổi thân tâm lành mạnh có cần phải tiêm vắc-xin để phòng ngừa các loài vi khuẩn có thể gây chết người? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta trở về gốc rễ đạo Phật. Đó là đạo của từ bi - từ thị nhãn chúng sinh - mắt thương nhìn muôn loài. Một thân thể khỏe mạnh giúp chúng ta có cơ hội cao chiến thắng bệnh tật, tuy nhiên trong quá trình bị nhiễm bệnh chúng ta cũng có thể phát tán, lây lan cho người khác. Mạng sống của người già yếu, người do tố chất bẩm sinh không mạnh khỏe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì sự lây lan này.

    Thiết nghĩ một cuộc sống thân tâm lành mạnh - mắt thương nhìn cuộc đời mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy sẽ giúp mỗi người con Phật vững chãi đối phó dịch bệnh Covid-19 có tính cách lịch sử này.

    Huyền Lam (Hoa Kỳ) / Báo Giác Ngộ số 1090

  • Tin cùng chuyên mục

    Tin mới

    Thư viện

    Thông tin hàng ngày

    © Giác Ngộ Online
    Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
    Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
    Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
    ©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.