Và Tứ niệm xứ: thân, thọ, tâm, pháp là bốn đề mục mà Đức Phật dạy cho hàng đệ tử như là một pháp tu căn bản để hành giả ý thức về bản thân cũng như đoạn trừ phiền não, đưa đến giác ngộ và giải thoát. Người thực hành có thể quán niệm riêng từng đề mục, song thật ra trong một đã hàm chứa cả bốn rồi.
Quán thân là chú ý từng hơi thở và từng cử chỉ của thân “thành tựu chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác”.
Hành giả tu thiền Tứ niệm xứ sẽ ý thức rất rõ những diễn biến của thân và tâm mình |
Quán thọ là ý thức các cảm giác đang có mặt bao gồm cảm giác dễ chịu (lạc thọ), cảm giác khó chịu (khổ thọ) và cảm giác bình thường (vô ký thọ). Quán tâm là nhận biết mình đang có những tâm gì như tâm tham, tâm sân, tâm si… Quán pháp là quán các hiện tượng về tinh thần, vật chất và các pháp môn tu tập như vô thường, vô ngã, tứ đế… Những điều này được Đức Phật giảng dạy rất cụ thể và đầy đủ trong kinh Tứ niệm xứ nên không cần phải nhắc lại. Điều người viết muốn nói ở đây là bốn đề mục hay đối tượng tu tập này, chúng ta có thể tu riêng từng đề mục mà cũng có thể tu cả bốn đề mục một lượt, vì thực chất bốn đề mục không tách rời nhau.
Khi tu thân niệm xứ, ta tập trung vào những diễn biến của thân nhưng sẽ thiếu sót nếu ta không ý thức đến cảm giác bên dưới những diễn biến đó. Ví dụ khi ta bước tới, ta không bước như một cái máy mà còn chú ý cảm nhận cảm giác khi bước đó như thế nào, dễ chịu, khó chịu, hay bình thường? (Thọ niệm xứ). Khi ta cảm giác như vậy thì trạng thái tâm gì khởi lên, tham, hay sân, và ta có tham đắm vào cảm giác đó không? (Tâm niệm xứ). Những cảm giác và trạng thái tâm đó còn mãi như vậy hay thay đổi theo tiến trình sanh trụ dị diệt (vô thường, vô ngã - Pháp niệm xứ); tại sao chúng xảy ra, và kết quả như thế nào? (Tứ đế - Pháp niệm xứ). Qua đó, ta thấy trong thân niệm xứ bao hàm cả thọ, tâm và pháp. Đối với thọ, tâm và pháp cũng vậy, trong một xứ đã chứa đủ cả ba xứ còn lại. Một là tất cả, tất cả là một. Tâm-sinh-vật lý không tách rời nhau, tương thông với nhau.
Thông thường, khi mới bắt đầu, chúng ta thường được dạy tu một trong bốn đề mục của Tứ niệm xứ một cách độc lập, vì việc tu phải được tiến hành từng bước, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nhưng nếu ta cứ dừng lại ở đó mãi thì kết quả sẽ rất hạn chế. Ví dụ nếu ta chỉ tu thân niệm xứ, tức chỉ dừng lại ở việc chú ý hành động của thân thì cái ta đạt được chỉ là thiền Chỉ. Đó là chưa kể ta có thể rơi vào trạng thái vô ký khi cứ bám chặt vào những hành động của thân một cách máy móc.
Tu hành mục đích không chỉ là đoạn trừ vọng tưởng. Cái máy thì không có vọng tưởng, không có phiền não và cái máy cũng không thể phát sinh trí tuệ. Chỉ có con người mới có vọng tưởng và phiền não. Sự tu của ta không phải biến mình thành cái máy mà là ý thức rõ về vọng tưởng và phiền não để đoạn trừ chúng cho trí tuệ phát sinh. Dĩ nhiên cũng có trường hợp tu thân niệm xứ một thời gian thì tự nhiên người ta cũng ý thức được điều này và kết hợp tu tập với những đề mục còn lại. Nhưng nếu biết được điều này ngay từ đầu thì sự tu tập của ta sẽ được thuận lợi và tiến bộ nhanh hơn.
Hành giả tu thiền Tứ niệm xứ sẽ ý thức rất rõ những diễn biến của thân và tâm mình. Do đó họ sẽ biết được các cơ quan trong thân thể họ khỏe hay yếu, cũng như đang ở giai đoạn nào của sự sống. Qua đó họ có thể đoán được khi nào các tế bào trong cơ thể không còn hoạt động nữa. Tôi nghĩ rằng đây là lý do vì sao những người tu hành đắc đạo đều biết trước thời gian họ nhập Niết-bàn.