“Đức Phật trong ba lô”, nghĩ về hành trang vào đời của tuổi trẻ hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Đức Phật trong ba lô” là tựa đề một tác phẩm của Daisaku Ikeda. Mới nghe qua, bạn tưởng đây là một quyển sách nói về Phật giáo hay triết lý nhà Phật. Hãy mở sách ra bạn sẽ thấy rằng ấn tượng đó đã không hoàn toàn đúng.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1306 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1306 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Daisaku Ikeda đưa ra những đối thoại nhẹ nhàng về tất cả những điều có thể xảy ra trong cuộc sống. Ông đem đến một cái nhìn mới về cuộc đời, đặc biệt cho giới trẻ, nhằm tạo dựng một tinh thần tích cực, một nhân sinh quan mạnh mẽ hơn. Ông viết: “Bản thân tôi có một niềm tin vô hạn dành cho giới trẻ”.Chúng ta cần biết thêm rằng Daisaku Ikeda là một triết gia, một nhà giáo dục, và người ủng hộ giải trừ hạt nhân của Nhật Bản. Ông đề cập từ học tập đến công việc, đặc biệt nhấn mạnh đến ước mơ và mục tiêu trong cuộc sống, cũng như sự tự tin, lòng dũng cảm và nhất là lòng từ bi.

Việc khám phá ra mục đích và mơ ước của chúng ta bắt đầu với bước đầu tiên là quyết định đi tìm chúng. Từ đó, chúng ta bước từng bước một - lớn dần qua nỗ lực hàng ngày. Ngoài ra, tuổi trẻ phải khám phá được sứ mệnh của mình trong cuộc sống? Sứ mệnh đó là tuổi trẻ phải ước mơ đóng góp cho việc xây dựng một xã hội phát triển trên cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó cũng chính là ước mơ hạnh phúc. Tuổi trẻ phải ý thức được rằng hạnh phúc của chính mình tồn tại khi những người chung quanh cũng hạnh phúc như mình. Từ đây, tuổi trẻ hướng đến hạnh phúc. Hướng đến hạnh phúc là hướng đến sự giải thoát khỏi khổ đau, giải thoát mọi chướng ngại do tham, sân, si gây ra. Từ đây, tuổi trẻ là tuổi hướng thiện, hướng đến việc xây dựng nếp sống an bình cho mình và đóng góp vào sự an bình cho mọi người. Ikeda muốn tuổi trẻ phải tìm một công việc phù hợp.

Về công việc, Ikeda nhắc lại lời Tsunesaburo Makiguchi – Chủ tịch đầu tiên của Soka Gakkai – nói rằng có ba tiêu chuẩn: cái đẹp, lợi ích và cái thiện. Trong thế giới đang vận động, tìm một công việc bạn thích tương ứng với tiêu chuẩn về cái đẹp, với tiền lương có thể chu cấp cho cuộc sống hàng ngày của bạn tương ứng với tiêu chuẩn về lợi ích, và tiêu chuẩn về cái thiện nghĩa là tìm một công việc giúp đỡ những người khác và đóng góp cho xã hội. Nghĩa là phải biết làm việc vì một lý tưởng. Ông nói: “Khao khát cống hiến cho một mục đích nhân văn, nêu cao nhân quyền và hành động với mong muốn làm việc vì hạnh phúc và sự thịnh vượng của người khác, là một ước vọng thật sự đáng khen ngợi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không thể đóng góp cho hòa bình và sự phát triển của xã hội nếu bạn không làm một công việc hay thuộc một tổ chức đặc biệt nào đó. Hơn nữa, phải lắng nghe con tim của mình”.

Nếu được lựa chọn, ông đoán chắc nhiều người tuổi trẻ muốn không phải làm bất cứ việc gì. Ông cho rằng một số người xem công việc họ phải làm chỉ để kiếm tiền chu cấp cho các hoạt động của họ. Như trong vở kịch The Lower Depths của Maxim Gorky, một nhân vật đã nói: “Khi công việc là niềm vui thích, cuộc sống trở nên thú vị! Khi công việc là trách nhiệm, cuộc sống trở nên bí bách”. Thế nên, ông viết: “Thái độ của bạn với công việc - ngay cả việc học ở trường đại học, có thể chiếm phần lớn thời gian hàng ngày của bạn - sẽ quyết định hoàn toàn chất lượng cuộc sống của bạn”.

Còn về tính cách, có người cho rằng không thể thay đổi tính cách vì họ tin rằng tính cách được quy định bởi số phận hoặc di truyền và chúng ta chẳng thể làm gì được. Nhưng trong thực tế, hãy nhớ rằng chỉ lo lắng về những vấn đề của mình thôi thì sẽ chẳng thay đổi được gì. Khi nhận ra những thiếu sót của mình, bạn đã ở vị thế để bắt đầu kiểm soát chúng và thay đổi hành vi của mình.

Một phẩm chất ông nhấn mạnh là “Lòng dũng cảm (Chương 7) trong sự cố gắng của con người, như tham gia vào một chuyến phiêu lưu mạo hiểm hay để đạt thành tích xuất sắc trong các môn thể thao, nhưng đó chỉ là một khía cạnh của lòng dũng cảm. Liều lĩnh chơi các trò chơi mạo hiểm hay trở thành một tên côn đồ là một dạng hoàn toàn khác của lòng dũng cảm mà chúng ta đang nói tới. Dũng cảm khác với bạo lực vì bạo lực thường thiếu đi trí tuệ, sự quan tâm đến người khác và tinh thần hợp tác. Ông muốn tuổi trẻ luôn tự tin và nuôi dưỡng hy vọng, tránh rơi vào tình trạng bi quan và vô vọng. Đừng nên lúc nào cũng lo lắng miên man về mọi trở ngại hay mọi vấn đề. Trên tất cả, đừng thất vọng hay bị đánh bại bởi sự nôn nóng của bản thân. Đừng so sánh mình với ai khác! Hãy là chính mình và không ngừng học tập với tất cả lòng can đảm. Thậm chí nếu bạn bị nhạo báng, thậm chí nếu bạn phải chịu đựng sự thất vọng và thất bại, hãy tiếp tục tiến lên và đừng để bị đánh gục”.

Một điều quan trọng ông nhấn mạnh là “chuyển hóa nghiệp” mà nhiều người cho rằng: “Chẳng phải mọi việc đều đã được định đoạt từ trước rồi sao?”. Vì theo đạo Phật, giáo pháp có nền tảng là luật nhân quả, nhưng không có nghĩa “mọi sự đã an bài” mà chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hóa nó theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Hành trang vào đời của tuổi trẻ ngoài lòng can đảm, sự tự tin, đối diện với mọi trở lực, sự chỉ trích hay cả sự thất bại bước đầu còn một phẩm tính quan trọng nữa là lòng từ bi (Chương 8), hay nói nôm na là sự quan tâm đến người khác khi dường như người ta quá ích kỷ với nhau, ngay cả trong những người trẻ tuổi, họ cũng ít quan tâm đến nhau mà để ý đến trang phục, cách chưng diện, và những vẻ ngoài hào nhoáng khác. Cách người ta cư xử với người khác, nhất là những người ở vị thế kém may mắn hơn, thể hiện khá rõ tính cách họ. Một cử chỉ yêu thương hay một câu nói đồng cảm có thể để lại ấn tượng không bao giờ phai. Và hành trang ấy cần “lòng từ bi” hay lòng tốt thực sự. Điều hết sức quan trọng là chân thành mong muốn thấy người khác được hạnh phúc. Và đó là điều mà chúng ta nên nỗ lực hướng tới mỗi ngày.

Cuốn sách “Đức Phật trong ba lô” mang lại một cách nhìn mới mẻ về cuộc sống cũng như tất cả những điều nhỏ nhặt (nhưng quan trọng) trong cuộc sống của tuổi trẻ. Mục đích của cuốn sách không phải biến tuổi trẻ thành những Phật tử mà khuyên họ hãy cứ là chúng sinh nhưng là những chúng sinh hạnh phúc, biết trân trọng và tận hưởng hạnh phúc.

Tuổi trẻ hôm nay thiếu vắng những thần tượng?

Nếu hỏi: “Tuổi trẻ Việt Nam đang ước mơ điều gì?”. Không ít người sẽ lúng túng hay cho rằng họ muốn có việc làm lương cao, trở nên giàu có. Liệu như thế có “khái quát hóa” ước mơ của họ không? Còn mục tiêu nào cho xã hội, cho nhân quần? Hãy thử xem thần tượng hôm nay của họ là ai?

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ cuối tháng 10-2017, Hà Nội trở nên náo nhiệt khi hai thành viên Running Man là Kwang Soo và Haha đến tham dự một sự kiện trong khuôn khổ giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc 2017. Ở Sân bay Nội Bài, nhiều người hâm mộ bật khóc nức nở. Trầm trọng hơn, hàng chục thanh niên ngất xỉu vì kiệt sức do chen lấn chỉ để giành vị trí đẹp nhìn mặt thần tượng rõ nhất. Sau đó, dư luận lại dậy sóng khi trong cuộc “Đối thoại với Jack Ma” ngày 6-11-2017 ở Hà Nội, một sinh viên đứng lên nói “I love you, Jack Ma”, sau đó quỳ lạy nhân vật này, khiến nhiều người bàng hoàng.

Vài năm gần đây, tuổi trẻ chúng ta lại bộc lộ tâm trạng ấy khi họ đang gom tiền tặng thần tượng. Theo báo Phụ nữ TP.HCM (23-8-2020), một nhóm người hâm mộ phim Hoa ngữ (có đến 40.000 thành viên) tại Việt Nam kêu gọi quyên góp để mua quà tặng diễn viên phim “Lấy danh nghĩa người nhà”. Điều đáng buồn là cả ba diễn viên chính trong phim là Đàm Tùng Vận, Tống Uy Long và Trương Tân Thành từng chia sẻ hình ảnh bản đồ Trung Quốc cùng đường chín đoạn bao trọn Biển Đông, xâm phạm lợi ích quốc gia của Việt Nam kèm câu nhấn mạnh: “Trung Quốc, một tấc đất cũng không thể thiếu”. Kế hoạch hướng đến của nhóm là quyên góp 300 triệu đồng; đã quyên được 80 triệu đồng, dự tính sẽ gửi cho quản trị viên các trang Weibo của người hâm mộ các diễn viên này (!) Theo phóng viên Nguyễn Ngọc “… yêu thích đến mức lờ đi chuyện các diễn viên trong phim từng có lời nói, hành động sai trái xâm phạm lãnh thổ nước ta, để quyên góp mua quà tặng họ, quả là việc làm khó hiểu, thể hiện ý thức nông cạn của các bạn trẻ”. Trước đây, nếu các bạn thanh niên ấy biết Jack Ma không chỉ đến Việt Nam với thiện ý dạy họ làm giàu mà ông ta đang nhắm đến thị trường thanh toán trực tuyến của Việt Nam khi Alipay ký kết hợp tác với NAPAS - Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam.

Cụ thể hơn, đầu năm 2025, tôi thử làm một survey trong số sinh viên 2 lớp của mình (90 em) về ước mơ và thần tượng của họ thì cảm thấy hài lòng hơn khi họ không bị cuốn hút theo những celebrities như trước dù có đến 15 em là fan của nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc) vì họ thích những bài hát mang thông điệp nhân văn của nhóm, số không ít khoảng 16 em xem Khánh Vy, cô MC lưu loát nhiều sinh ngữ là thần tượng, khoảng 8 em ca ngợi mẹ mình, vài em khen Hieuthuhai, Sơn Tùng, Jennie, Khoai Lang thang… Như vậy các em cũng chưa hiểu rõ “thần tượng” là như thế nào? Điều làm người viết ngạc nhiên một cách tạm hài lòng là các em không còn chọn “Jack Ma” hay “Cường Đô la” hoặc một thiếu gia giàu có hợm mình nào, nghĩa là tiêu chuẩn giàu, thành đạt không còn là số một. Là sinh viên, các em cũng phần nào nhận thức những kẻ giàu xổi ấy không tượng trưng cho bất kỳ giá trị nào, quá khứ cũng như hiện tại.

Tuổi trẻ thiếu lý tưởng?

Chúng ta hãy khoan lên án tuổi trẻ vì những sở thích có phần “mê muội” của họ, mà hãy nhìn kỹ vào nguồn cơn của vấn đề. Lỗi có phải chăng ở sự phát triển công nghệ thông tin với những trang web và những loại phương tiện không thể kiểm soát. Chúng ta phải nhìn nhận sự thật là đang có sự khủng hoảng về lối sống của một “bộ phận không nhỏ” thanh niên, theo như cách chúng ta quen nói. Theo Jonathan Haidt trong Thế hệ lo âu thì “… chúng ta thấy một thế hệ đang rời xa thế giới thực và chuyển sang thế giới ảo nhờ sự kết hợp giữa điện thoại thông minh, mạng xã hội và Internet không dây tốc độ cao”. (The Anxious Generation, 2024, Mokona dịch)

Về vấn đề này, có người cho rằng điều tiên quyết là giáo dục các bạn trẻ về trình độ nhận thức văn hóa. Gia đình và nhà trường, hội, đoàn cần dạy hay trang bị cho các em về ý thức trách nhiệm và khả năng nhận thức trong từng việc nhỏ và ngay từ nhỏ.

Tuổi trẻ, vì vậy, lớn lên thiếu lý tưởng, hoặc có lý tưởng nhưng xa vời thiếu thực tế. Khi đối phó với áp lực xã hội hiện đại: nhịp sống nhanh, căng thẳng (stress)… và nhất là khi nhu cầu vật chất đóng vai trò chi phối những suy nghĩ của giới trẻ trong việc lựa chọn công việc, các em xây dựng những giá trị sống trên tư duy thực dụng.

Trong một bài viết cách đây đã lâu, chúng tôi đã nêu lên thực trạng “Suy dinh dưỡng tâm hồn” của giới trẻ Việt Nam, đơn giản là các em không hấp thụ được những thứ chúng ta muốn, mà lại “nạp” vào nhiều thứ không phù hợp với thể trạng, cơ địa của mình.

Chúng tôi cũng đã từng nói về việc nâng cao chuẩn mực văn hóa trong giới trẻ, nhằm làm tăng sức đề kháng với các cuộc tấn công của môi trường “lạ” hay bất cứ cuộc xâm nhập nào của những luồng thông tin hay văn hóa ngoại lai. “Sức đề kháng yếu đi vì tình yêu thương đã dần phai trong con người chúng ta hôm nay khi người ta trở nên ích kỷ và tham lam hơn. Chúng tôi thấy cần nhắc lại một câu nói của Krishnamurti: ‘Khi nào tâm hồn còn so sánh thì không thể có tình yêu xuất hiện và tâm hồn liên tục cân đo đong đếm, phán xét…’. Bạn so sánh chính bản thân với một người nào đó tốt hơn xuất sắc hơn, giàu có hơn; bạn liên tục quan tâm đến bản thân mình… Theo cách này ngày càng muốn chiếm hữu nhiều hơn, ngày càng ích kỷ hơn…”.

Thế nên thần tượng của các em trước đây nếu không phải trong giới “showbiz” thì là những đại gia mà trong số đó không ít kẻ làm ăn phi pháp, bất chấp thủ đoạn (!) Nhận thức ngoại quan kích thích nhận thức nội quan. Phương pháp giáo dục hoàn chỉnh là phương pháp giúp cho con người xây dựng nhận thức nội quan hay nói cách khác, xây dựng Chánh kiến, nhìn nhận chính xác đối với bản thân mình, làm chủ cảm giác và tâm thức.

Hãy để tuổi trẻ thấm nhuần tinh thần Đức Phật trong ba lô với những lời khuyên và bài học thiết thực như nói ở phần trên.

Con người hôm nay đang mải mê đi tìm một thứ hạnh phúc phù phiếm, đúng hơn phải gọi là khoái lạc, vốn chỉ tồn tại nhất thời, vì chính xã hội chúng ta hiện nay đang suy thoái về đạo đức, bị vây quanh bởi thói tư lợi và lòng ích kỷ. Lý tưởng hay chính là ước mơ mà có lần chúng tôi đã viết: Tuổi trẻ phải biết ước mơ. Ước mơ về cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó cũng là một cách nối dài ước mơ như Thiền sư Nhất Hạnh đã viết “Giấc mơ Việt Nam là sông, núi, rừng, biển và ruộng vườn của chúng ta được bảo vệ an lành để chúng ta và con cháu chúng ta cũng như thế giới cũng được bảo vệ an lành và để cho mọi người được tiếp tục thừa hưởng tất cả những gì hùng vĩ, cẩm tú và giàu sang của đất nước này”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.