Khi đại dịch qua đi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1136 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1136 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - PGS.TS.BS Lê Minh Khôi: "Thế kỷ XXI chứng kiến nhiều đại dịch dồn dập đến như SARS (2003), cúm A H5N1 (2008), Covid-19 (2019). Chúng chẳng phải là vô duyên mà xảy đến, lý do là bởi vì lối sống của con người thay đổi quá nhiều"... 

Những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy trăn trở về sự sống, cái chết hay tình người sâu đậm trong tác phẩm Phía Tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi mang đến một góc nhìn mới về đại dịch Covid-19, góp phần giúp người đọc trân quý hơn cuộc sống hiện tại mà mình đang có.

Trong cuộc trò chuyện cùng báo Giác Ngộ, bác sĩ Lê Minh Khôi chia sẻ:

- Với số đông, nhiều người muốn được nghe, thấy những cảnh khốc liệt, cái chết kinh khủng hay câu chuyện cảm động cứu người bên bờ sinh tử của các bác sĩ trong đại dịch Covid-19. Nó dễ khiến họ cảm động, bật khóc hay tạo ấn tượng mạnh về sự tàn phá của con vi-rút này. Tuy nhiên, tôi muốn tiếp cận đại dịch này với góc độ tích cực hơn. Khủng hoảng có, đau khổ có, bấn loạn có nhưng chúng ta không thể cứ bám víu vào nó để mãi đau thương.

- Có thể, những hình ảnh, câu chuyện trong đại dịch sẽ được người ta khắc họa lại thành tư liệu lịch sử. Nhưng đó là chuyện sau này, việc bây giờ của chúng ta là đón nhận chuyện đã đến, tìm kiếm một giải pháp tinh thần bên cạnh các khuyến cáo về y tế để an toàn hơn trong thời gian tới.

* Vẫn biết đau thương là điều không nên nhắc đến, tuy nhiên bản thân là một nhân chứng trực tiếp chứng kiến những tàn phá của đại dịch đối với xã hội, anh có thể chia sẻ một vài điều hay không?

- Cái chết, đó là đỉnh cao của sự khốc liệt rồi. Có thể nhiều phóng sự, hình ảnh nói về điều này nhưng khó mà diễn tả hết. Có người tắc mạch máu, máu tràn ra khắp mặt mũi, chết. Có người vừa tìm được bệnh viện trong cơn hoảng loạn, khi tới nơi, chết. Trong tác phẩm Phía Tây thành phố cũng xuất hiện rất nhiều hình ảnh này, độc giả nếu chú tâm thì có thể nhận ra. Muôn vàn kiểu chết nhưng bạn phải thật sự chứng kiến nó mới thấu hiểu các cung bậc cảm xúc trong đó.

* Anh đối diện với những điều đó như thế nào?

- Với một bác sĩ thì điều sợ hãi nhất đó chính là lúc đưa ra lựa chọn, cứu người này hay người kia. Những quyết định này sẽ dằn vặt lương tâm trong suốt quãng thời gian sau này của mỗi người. Tôi từng nghĩ sẽ không chịu được sự khốc liệt đó khi đi vào cuộc chiến.

May mắn thay, tôi được thầy Viên Minh khuyên nên lấy lòng từ bi của mình trao tặng cho người khác, cố làm hết sức vai trò của một vị bác sĩ, nếu có mất mát thì đó cũng là chuyện ngoài khả năng của mình. Chưa kể, sự quan tâm của đồng nghiệp, những người thân xung quanh cũng góp phần làm cho tâm hồn tôi đỡ chênh vênh và có được chỗ dựa vững chắc hơn khi gặp những điều khốc liệt trong thời gian đó.

* Anh có thể chia sẻ thêm để độc giả hình dung những khó khăn mà bác sĩ phải đối diện trong giai đoạn đó?

- Ngày đầu mới mở trung tâm điều trị, anh em đồng nghiệp phải tự tay set up toàn bộ hệ thống vì thiếu người. Tần suất làm việc liên tục, suốt ngày người đẫm mồ hôi, ăn uống thì chỉ có những gói mì, chẳng có lấy một cọng rau xanh. Tuy nhiên, khó khăn đó chẳng có gì đáng kể cả, điều trăn trở nhất là làm sao để đồng hành với bệnh nhân, cứu họ thoát khỏi cái chết đang ngấp nghé gần bên.

Hạnh phúc mà chúng tôi có được trong thời điểm đó chính là giây phút thở phào sau khi giành giật bệnh nhân từ tay thần chết trở về. Hay những túi thức ăn, bó rau, thậm chí là những ly nước quý giá lúc toàn xã hội đang giãn cách. Trân quý làm sao cái tình đồng bào của mình, nó dễ thương chi lạ. Nhờ vậy mà anh em chúng tôi có thể tiếp tục cuộc chiến gian khổ này.

* Bên cạnh những mất mát, đau thương, anh có thể cho biết một vài điều “dễ thương”, ấm áp trong mùa dịch hay không?

- Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là khi cứu sống được 2 mẹ con bệnh nhân nhiễm Covid-19. Lúc đó, sản phụ này được tiên lượng sẽ phải bỏ đi đứa con do tình hình quá nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ lại và cố gắng điều trị. Mấy anh em phải thức trắng nhiều đêm liền để theo dõi cô, nếu không cẩn thận có thể mất cả mẹ lẫn con. May mắn thay, chúng tôi đã cứu sống được.

Còn vô vàn điều dễ thương khác trong thời điểm này nhưng một vài lời nói thì khó mà thể hiện hết. Dù vậy, tôi phải cảm ơn tất cả đồng nghiệp, người thân, bệnh nhân, những con người với sự tận tụy, hy sinh, cảm thông và san sẻ đã giúp tôi có động lực để viết cuốn sách này. Tôi cũng muốn thông qua Phía Tây thành phố để gửi lời động viên đến họ cũng như mong mọi người có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với cuộc chiến này để có thể sẵn sàng sống chung với nó.

* Những câu chữ, trang sách của anh chứa đầy triết lý, chiêm nghiệm sâu sắc về cái chết, sự tái sinh, đó là lẽ khởi sinh- hoại diệt trong cuộc sống. Bác sĩ có ảnh hưởng bởi một tôn giáo nào hay không?

- Bản thân may mắn được đọc sách Thiền sư Nhất Hạnh hay của Thiền sư Ajahn Chah, Sayadaw U Jotika, sư Minh Niệm nên nhìn nhận Phật giáo là một tôn giáo của tư tưởng, của lối sống hướng thiện chứ không phải để thờ cúng, mê tín.

Nhờ những lời dạy của những vị này, tôi hiểu rằng mọi chuyện trên đời này đều có nguyên nhân của nó. Nhìn cuộc chiến này nhẹ nhàng hơn, biết chấp nhận mất mát và có niềm tin để chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ sau này.

* Ý của bác sĩ là…?

- Thế kỷ XXI chứng kiến nhiều đại dịch dồn dập đến như SARS (2003), cúm A H5N1 (2008), Covid-19 (2019). Chúng chẳng phải là vô duyên mà xảy đến, lý do là bởi vì lối sống của con người thay đổi quá nhiều. Họ ăn uống, giết hại động vật vô tội vạ, liên tục xâm lấn, tàn phá thiên nhiên không thương tiếc. Điều này khiến cho mức độ tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã ngày càng gia tăng dẫn đến khả năng tiếp cận, lây nhiễm với các loại vi-rút rất là cao.

Những gì mà con người đang hứng chịu chính là sự phản hồi từ thiên nhiên. Chúng ta phải biết rõ và chấp nhận thực tế rằng những hành động ấy đang dần phá hủy đi môi trường sống của mình. Từ đó thay đổi suy nghĩ, thói quen để bảo vệ cuộc sống đáng yêu này.

* Đại dịch lần này là một bài học lớn cho con người, riêng bác sĩ thế nào?

- Năm 2020, chứng kiến thành phố Milan, Ý bị lockdown, bản thân thấy một đất nước có hệ thống y tế hiện đại như vậy vẫn đổ bể thì đất nước mình phải có sự chuẩn bị trước. Vì vậy, tôi là người tiên phong trong việc mở ra hơn 100 lớp đào tạo phòng, chống Covid-19. Vừa có cơ hội giảng dạy, vừa học, vừa thực hành nghiên cứu và điều trị căn bệnh mới, liên tục thay đổi này.

Bên cạnh đó, tôi cũng học được nhiều bài học về tình người, cách sống hòa hợp với mọi người xung quanh và cách truyền tải năng lượng tích cực cho mọi người. Đến nay tôi vẫn tâm đắc và lấy câu nói của một vị chủ tịch Đại học Stanford đó là khi còn trẻ thì lo đi phát triển bản thân, khi lớn lên, có một vị trí nhất định thì đi phát triển người khác, làm kim chỉ nam trong cách làm việc của mình.

* Thành phố dần dần trở lại bình thường, gần đây được đánh giá là “vùng xanh”, đã vui trở lại nhưng sao bác sĩ vẫn còn băn khoăn? Điều sau cùng mà bác sĩ muốn gửi đến độc giả về Covid-19 đó là gì?

- Con người có xu hướng mau quên những bài học lúc đau khổ nhất, thậm chí những người đã chịu đựng mất mát trong đại dịch cũng thế. Sau Covid-19 có thể có các đại dịch khác, đôi khi còn nặng hơn. Nếu con người chủ quan thì có thể phải chịu rất nhiều hậu quả không lường.

Tôi mong muốn mọi người tuân thủ tiêm vắc-xin đầy đủ, nhất là người già và người có bệnh nền. Ai có bệnh nên điều trị để có sự vững chắc, an toàn khi cơn bão Cytokine băng qua. Bên cạnh đó, chúng ta nên yêu thương nhau nhiều hơn nữa, nuôi dưỡng tình đồng bào vốn có. Đặc biệt là tôn trọng thiên nhiên, hướng đến cuộc sống tối giản và tích cực hơn nữa.

Phía Tây thành phố là tập tản văn do PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong đợt dịch thứ 4 ghi lại. Tác giả sẽ dành toàn bộ nhuận bút (10% trên giá bán) và số tiền tài trợ đóng góp vào chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” do Báo Thanh Niên phát động.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.