Tìm lại nụ cười

Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GN - Với đại dịch, trước cái chết xảy ra hàng ngày và xung quanh chúng ta, rất nhanh và bất ngờ, mọi người ban đầu cảm thấy hoang mang nhưng rồi cũng rút ra được một số bài học.

Bao giờ trở lại ngày xưa?

Trung tuần tháng 12, các em học sinh Việt Nam cắp sách trở lại trường, dù chỉ có lớp 9 và lớp 12. Tuy nhiên, nếu hỏi các em có thật sự vui không thì chưa chắc chúng ta nhận được những câu trả lời tích cực vì còn đó lớp khẩu trang che mặt, giờ ra chơi lặng lẽ, những dặn dò của cha mẹ, những hàng rào thầy cô đo thân nhiệt. Một bầu không khí không thật sự thoải mái để các em hồn nhiên đùa giỡn như trước. Nhưng như thế cũng là may mắn vì chỉ cách đây 1 tháng, các em còn bó gối trong phòng ngồi chơi games trên iPad hoặc học online, không được ra ngoài, sao mà không nhớ vườn cỏ xanh, hay sân vận động được!

2 năm trôi qua như một cơn ác mộng kể từ sau ngày đại dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, nhân loại đã trải qua nỗi kinh hoàng chưa từng thấy khi chứng kiến bao tang thương xảy ra quanh mình, bao người ra đi không trở về. Hàng nghìn trẻ em bỗng dưng mồ côi trong thành phố chúng ta. Hình ảnh đoàn người chạy về quê trên mọi phương tiện, chủ yếu là xe máy, từ Sài Gòn hay Bình Dương, Đồng Nai về miền Trung, miền Bắc hay miền Tây vẫn sẽ là một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm thức nhiều người.

Đại dịch đã làm tan hoang nhiều thành phố lớn khác từ New York cho đến Madrid, Tehran. Có ai ngờ chỉ hai năm, dịch đã lan đến tất cả các quốc gia, làm chết hơn 5 triệu người.

Chúng ta đã mở cửa dù trong lo âu vì còn một nỗi sợ cũng lớn không kém: sự trì trệ kinh tế. Hàng chục triệu người thất nghiệp, quán xá nhiều nơi chưa mở hay phải đóng cửa vì chi phí gồng gánh mấy tháng qua hay năm qua quá sức chịu đựng, nhiều ngành dịch vụ như du lịch, hàng không tê liệt hay hoạt động cầm chừng. Ngay tại Việt Nam, những người buôn bán nhỏ, bán vé số, những người làm công, cũng đang trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn khi kinh tế suy thoái.

Những bài học cần giữ lại

Trước cái chết xảy ra hàng ngày và xung quanh chúng ta, rất nhanh và bất ngờ, mọi người ban đầu cảm thấy hoang mang nhưng rồi cũng rút ra một số bài học. Người ta cảm thấy những điều bình thường trước đại dịch trở nên “đáng quý, đáng trân trọng như không khí chúng ta đang thở, như nhịp sống hàng ngày”.

Có những người mất cả cha mẹ trong vòng vài ngày, đâm ra hoảng loạn và cảm thấy cần phải bảo vệ người già yếu hay bệnh hoạn vì họ có thể mất bất cứ lúc nào. Trong những ngày giãn cách, phong tỏa, người ta thấy thắm thiết tình làng nghĩa xóm. Có những người mà ta chẳng bao giờ nói chuyện hay hỏi thăm, bỗng dưng vì dịch bệnh, cảm thấy “nhích lại gần nhau” và đồng cảm hơn.

Trong suốt thời gian dịch bệnh căng thẳng, những cây ATM gạo - một sáng kiến của tình yêu thương và chia sẻ ra đời. Khởi nguồn từ TP.HCM, phương tiện của tình yêu thương ấy đã lan rộng, dần dần, ở khắp nơi, ta đều thấy cây ATM gạo hay “Siêu thị 0 đồng”… kể cả ở vùng sâu vùng xa, giúp người nghèo vượt qua mùa dịch bệnh. Rồi hàng đoàn người len vào thôn cùng hẻm nhỏ phân phát thức ăn, thuốc men …

Do dịch bệnh, nhiều người hiểu ra một nguyên lý: vô thường. Ai cũng biết rằng những gì vô thường dẫn đến khổ đau (Khổ đế). Trong đó quy luật sanh diệt là điều chúng ta cần phải hiểu. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở. Người hôm qua còn khỏe nhưng hôm nay hệ hô hấp bị tấn công chỉ vài ngày sau là qua đời. Chúng ta quán chiếu thân thể vô thường để không quá luyến ái mà sinh khổ đau.

Vấn đề không phải là cơn bệnh dịch đang hoành hành; vấn đề là thái độ của chúng ta khi đối đầu với nó. Nếu chúng ta bình tâm, giữ gìn vệ sinh theo hướng dẫn, tuân thủ “giãn cách xã hội” (social distancing), thì chúng ta cũng đã tôn trọng tấm thân này, nói như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là “ta phải cảm ơn mình”. Rồi sau đó là tôn trọng sự sống người khác khi ta đeo khẩu trang ta không làm lây lan cho cộng đồng. Chúng ta ghi nhận hàng vạn tấm lòng thiện nguyện từ các y bác sĩ cho đến quần chúng, cả chư Tăng Ni cũng dấn thân tình nguyện lao vào vùng dịch để cứu người dù biết là nguy hiểm.

Nguyên nhân khổ đau của con người không chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong nữa. Ai cũng có thể vin vào Khổ đế rồi nói kiếp người mong manh, tấm thân tứ đại này rồi cũng thành cát bụi; nhưng tại sao khi sống không nhìn nó tích cực hơn: sống vui, sống khỏe, sống mạnh mẽ. Cho đến nay vẫn không ai biết nguyên nhân con virus này từ đâu ra khi chúng ta đang là nạn nhân của nó. Nhưng nguyên nhân chính là chúng ta đã không thấu suốt ý nghĩa của tương tức, tương sinh giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên hay môi trường, hiểu về nguyên lý duyên khởi và luật tương sinh tương tức.

Hiểu về duyên khởi khiến chúng ta sống có trách nhiệm, có hiểu biết, có thương yêu, biết được rằng hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động ra sao đối với cộng đồng và ngược lại. Mọi chuyện đều ứng xử theo lý tùy duyên, cho các pháp tự vận hành. Tùy duyên thuận pháp, theo ý chúng tôi, không chỉ là sự thụ động chờ đợi mà ta cần chủ động dấn thân vào thực hành thiện nghiệp theo “Tứ chánh cần” và “Bát chánh đạo”, và luôn tinh tấn trong ý nghĩa tương tức tương sinh.

Tìm lại nụ cười

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã viết: “Vâng, dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng tình người ở lại, đáng quý làm sao! Thế giới không còn như xưa vì tâm thức chúng ta cũng chẳng còn như trước nữa, trừ tình yêu thương còn nguyên vẹn khi trong ta vẫn ‘hiện bóng con người’”.

Đứng trước sự vô thường và khổ đau, con người mong cầu một cái gì vĩnh cửu và không khổ đau, nhưng khi vẫn còn sống trong thời gian không ngừng trôi thì không gian vẫn còn đổi thay, biến dịch, lúc đó sẽ không có bình an và hạnh phúc. Chỉ khi thời gian không còn tách rời với không gian, khi nào con người nắm bắt được hiện tại, nhìn thấy được cái khoảng cách giữa hai khoảnh khắc của thời gian hay giữa hai niệm tưởng tiếp nối, khi đó mới có bình an hạnh phúc, khi đó chúng ta mới đón nhận được nụ cười của Đức Phật và tự mình mới có thể chân thật mỉm cười.

Chúng ta nhớ trong hai triều đại Lý - Trần khi đạo Phật lãnh đạo đất nước, đã xây dựng nên những xã hội thanh bình, đạo đức, cao điểm là khi Trần Nhân Tông lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Nguyên Mông, bảo vệ Tổ quốc toàn vẹn, xây dựng xã hội theo kỷ cương, nề nếp, mở mang bờ cõi trong tinh thần hòa bình, như vậy người đem lại nụ cười cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo nói chung, là nụ cười gắn bó với bước chân thời đại, nhân sinh, xã hội và con người. Chúng ta cần phục hoạt nụ cười ấy trước thực tại sống động ở ngay đây và bây giờ, dù còn nhiều khó khăn thử thách.

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Chúng ta sẽ phát triển kinh tế, hồi sinh nguồn lực tự thân và kết nối rộng rãi với thế giới bên ngoài. Những người công nhân sẽ trở lại xí nghiệp, quán xá hoạt động bình thường, bằng những biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, tài trợ sản xuất công nghiệp, trợ giá nông sản, giảm lãi suất… “Có thực mới vực được đạo” lo cho đời sống người dân an toàn, ấm no kèm với hệ thống y tế sâu rộng, bám chắc địa bàn, đẩy lùi dịch bệnh từng bước bằng việc tiêm vaccine và phát thuốc đầy đủ, giảm tối đa tỷ lệ tử vong…

Nụ cười rồi sẽ trở lại.

Nhưng nó vẫn sẽ mất đi khi chúng ta chìm vào tham sân si mạn nghi hay sợ hãi. Khi ấy ta không còn lắng nghe, không còn chiêm ngưỡng tôn trọng, yêu mến và biết ơn những cái đẹp của đời sống. Nụ cười đó tắt khi chúng ta không hòa nhập được vào dòng sống của xã hội, không đồng hành cùng con người và thời đại đang sống, khi ta bị vây bủa bởi lo toan và những nỗi ám ảnh vô hình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.