Dục-tham ái & dục-mong muốn khác nhau thế nào?

GN - Khi phiên dịch Tam tạng Pali thì Kāma (Tham ái) và Chanda (Mong muốn) thường được một số dịch giả dịch sang tiếng Việt bởi cùng một từ là Dục, do vậy đã gây nhiều hiểu biết sai lầm lời Phật dạy, cho rằng hễ có Dục là bất thiện.

lotus-4312141_1280.jpg

Các loại Dục?

Theo Từ điển Pali - Việt của ngài Bửu Chơn thì:

- Chanda: [m] Sự ước muốn, ước nguyện, động lực thúc đẩy.

- Kāma: [m] Sự thỏa thích, tình dục, sự thưởng thức, vật vui thích trần thế.

Trong Tâm sở vấn đáp có giải thích:

Tâm sở Tham luôn luôn có tính bất thiện, mang tính chất đạo đức xấu.

Tâm sở Chanda - Dục (mong muốn) không mang tính chất đạo đức, chỉ là sự mong ước suông, nhưng kết hợp theo cảnh có thể trở thành hoặc bất thiện, hoặc thiện, hoặc không thiện cũng không bất thiện. Như vậy Chanda - Dục (mong muốn) có 3 loại là:

1. Kāmacchanda (Dục dục): là sự tầm cầu năm trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc) tốt đẹp hay những pháp khả ái trong Dục giới như: vua, quan đại thần, chư thiên… Dục dục (hay tham dục) chính là một trong năm pháp triền cái (Nīvaraṇa). Đây là một loại “mong ước xấu”, đưa đến kết quả tai hại. Dục dục là bất thiện.

2. Dhammacchanda (Pháp dục): là “mong cầu” đạt được pháp thượng nhân như thiền định, đạo quả siêu thế, Niết-bàn. Chính Pháp dục là nền tảng cho sự thành tựu những thiện pháp, đồng thời làm tăng trưởng những thiện pháp ấy cho đến khi viên mãn. Chư vị Bồ-tát dù là Bồ-tát Thinh văn, Bồ-tát Độc giác hay Bồ-tát Chánh Đẳng Giác đều xuất phát từ Pháp dục này. Chính Pháp dục này khiến Thái tử Siddhattha lìa bỏ dục lạc thế tục, xuất gia để tìm đạo thoát khổ. Pháp dục là thiện.

3. Kattukamyatā chanda (Tác dục): là sự “ý muốn làm”. Đây là sự “mong mỏi” của vị A-la-hán đối với chúng sinh, vị A-la-hán “mong” chúng sinh thoát khỏi khổ, nên các ngài có “ý muốn trợ giúp” chúng sinh bằng cách giảng pháp, hoặc tạo điều kiện cho chúng sinh thoát khỏi khổ do sự cúng dường đến hay đảnh lễ các ngài. Những việc làm của các vị Thánh A-la-hán không xuất phát từ “mong cầu hưởng thụ” cũng không xuất phát từ “mong cầu được thắng đạt” mà chỉ là “ý muốn làm”. Tác dục là không thiện cũng không bất thiện.

Đức Phật đã khẳng định: “Tất cả pháp lấy Dục - Chanda (ý muốn) làm căn bản. Tất cả pháp lấy Tác ý - Manasikāra làm sinh khởi (Kinh Tăng chi bộ, chương Mười pháp, phẩm Tâm của mình - 58). Điều này có nghĩa là trong Tam giới, các pháp đều có những mong cầu an lạc hạnh phúc thế gian do Dục dục làm nền; hoặc có những mong cầu các pháp Thượng nhân do Pháp dục làm nền; hoặc có những việc làm của vị Thánh vô lậu là do Tác dục làm nền.

Dục dục: Vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly

Trước hết, chúng ta tìm hiểu về Dục dục cùng thế nào là vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly các dục? Theo chánh kinh:

- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các dục? Này các Tỷ-kheo, có 5 pháp dục công đức - Kāma-guṇā này: Các sắc pháp do nhãn căn (các tiếng do nhĩ căn, các hương do tỷ căn, các vị do thiệt căn, các xúc do thân căn) nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, có năm pháp dục công đức như vậy. Này các Tỷ-kheo, y cứ vào năm pháp dục công đức này, có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hiểm các dục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác. Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục.

(Mong muốn có tài sản mà không được; Có tài sản mà không giữ được; Do dục làm nhân, làm duyên mà tranh đoạt lẫn nhau; Do dục làm nhân, làm duyên mà dàn trận đánh nhau; Do dục làm nhân, làm duyên mà cướp bóc rồi chịu các loại hình phạt; Do dục làm nhân, làm duyên mà làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung bị sinh vào cõi dữ. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục).

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự xuất ly các dục? Này các Tỷ-kheo, đây là sự điều phục dục tham đối với các dục, sự đoạn trừ dục tham, như vậy là sự xuất ly các dục.
Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ như thật tuệ tri các dục của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục, sự kiện như vậy có xảy ra.… (Xem thêm Trung bộ kinh - 13. Ðại kinh Khổ uẩn).

Để đạt tới Tam minh đoạn tận mọi lậu hoặc, cần điều phục, đoạn trừ, xuất ly các Dục tham ái - Kāmā, nguồn gốc của sự khổ nhiều, não nhiều, tai họa nhiều, Đức Phật có thuyết giảng như sau:

Thế Tôn đã nói: Dục - Kāmā được ví như khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; Dục - Kāmā được ví như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; Dục - Kāmā được ví như bó đuốc cỏ, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; Dục - Kāmā được ví như hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn; v.v...

Sau khi thấy như chân như vậy với chánh trí tuệ, sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhứt chủng, y cứ nhứt chủng, ở đây mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn, không có dư tàn, vị ấy tu tập loại xả như vậy. (Xem thêm Trung bộ kinh - 54. Kinh Potaliya).

Pháp dục: “Mong cầu” đạt được pháp thượng nhân

Để đạt tới các pháp thượng nhân, các pháp dẫn đến giác ngộ giải thoát, Đức Phật đã thuyết giảng về tu tập vun bồi Dục (Chanda) như ý túc trong khi vun bồi Tứ như ý túc (Dục - Chanda, Tinh tấn - Vīriya, Tâm - Citta, Tư duy - Vīmaṃsā) như:

- Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo nương tựa Dục - Chanda được định, được nhứt tâm, đây gọi là Dục định - Chandasamādhi.

Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sinh, vị ấy khởi lên Ý muốn - Chanda không cho sinh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sinh, vị ấy khởi lên Ý muốn - Chanda đoạn diệt, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Ðối với các thiện pháp chưa sinh, vị ấy khởi lên Ý muốn - Chanda làm cho sinh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Ðối với các thiện pháp đã sinh, vị ấy khởi lên Ý muốn - Chanda làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Những pháp này được gọi là Tinh cần hành - Padhānasaṅkhārā. Như vậy, đây là Dục - Chanda, đây là Dục định -  Chanda-samādhi, và những pháp này là Tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Như ý túc câu hữu với Dục định tinh cần hành. (Tương ưng bộ kinh - Chương 51: Tương ưng Như ý túc).

- Có người tu tập như ý túc câu hữu với Dục định tinh cần hành (tu tập Như ý túc câu hữu với Tinh tấn định tinh cần hành; tu tập tập Như ý túc câu hữu với Tâm định tinh cần hành; tu tập Như ý túc, câu hữu với Tư duy định tinh cần hành), với ý nghĩ: “Như vậy, ý muốn (Dục - Chanda) của ta sẽ không quá thụ động và không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng.

Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông…; rõ biết tâm của các chúng sinh và của những người khác.…; vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ…; với thiên nhãn thanh tịnh…; Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ và chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. (Tương ưng bộ kinh - Chương 51: Tương ưng Như ý túc).

Có hiểu biết đúng đắn, rõ ràng về các loại Dục - Chanda sẽ giúp hành giả điều phục, đoạn trừ, xuất ly các pháp có Tham dục - Kāmacchanda làm nền tảng, và không băn khoăn nghi ngờ về các pháp tu tập thực hành lấy Pháp dục - Dhammacchanda làm căn bản, để đạt tới giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, đạt được hạnh phúc, tự do thật sự - Niết-bàn.

Viên Phúc Sumangala / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.