Chiếu trải giường thiền

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cuộc đời của Điều ngự Giác hoàng cho thấy người Việt Nam không chỉ kiên cường về ý chí tự chủ mà còn cao thượng về tâm buông xả.
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn/BGN

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn/BGN

Sự kiện Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông quyết định truyền ngôi cho con trai Trần Anh Tông, chống gậy lên núi Yên Tử xuất gia chuyên tâm tu Phật sau ngày đất nước độc lập đã tô thêm một trang sử mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam, một trang sử không chỉ hào hùng khí phách về ý chí chống ngoại xâm mà còn làm rạng danh hậu thế về ý thức giác ngộ cao thượng liên quan đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Một nhân cách cao thượng chỉ được hun đúc và tôi luyện bởi một đạo lý cao thượng và một môi trường cao thượng. Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông có duyên lành học Phật từ thuở nhỏ, được nuôi dưỡng trong một dòng vương tộc anh hùng uyên thâm Phật pháp. Đức vua thấm nhuần giáo lý từ bi trí tuệ của Phật, thể hiện đời sống chân chánh nhân từ của một vị vua Phật tử thương nước thương dân.

Nhà vua ra sức bảo vệ bờ cõi khi đất nước gặp họa xâm lăng, hai lần đánh bại quân Nguyên Mông; hết giặc ngoài thì vua quay về chăm lo cái ăn cái mặc no đủ cho dân, cho mở trường dạy học, khuyên dạy thần dân tôn trọng phép nước, thực thi nếp sống bỏ ác làm lành, tu nhân tích đức. Khi người người đều yên ổn hướng thiện, nhà nhà đều yên ổn hướng thiện, đức vua nhường ngôi cho con và xuất gia, lên núi Yên Tử tinh cần nhiếp hộ tự thân, chuyên tâm hành sâu thiền định, khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm, tiếp tục công đức khơi nguồn diệu pháp làm lợi lạc lâu dài cho các thế hệ con dân Việt Nam.

Trong kinh Tăng chi bộ có lưu câu chuyện Đức Phật kể về một loài cây cho hoa thơm tinh khiết sinh trưởng ở cảnh giới chư Thiên Tam-thập-tam (Tavatimsa), để gợi cảm thức cho các học trò mình về ý nghĩa cao quý của hạnh xuất gia thực hành đạo lý giải thoát. Câu chuyện của Phật khiến chúng ta liên tưởng đến hạnh nguyện xuất gia của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, một hạnh nguyện cao quý của một vị vua anh hùng thương nước thương dân, mong muốn lưu lại cho hậu thế một di sản văn hóa có ý nghĩa lợi lạc muôn đời liên quan đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Loài cây có tên là Kovilara Paricchattaka, nở hoa rất đẹp và tỏa hương thơm lan xa khiến hân hoan vui lòng cho nhiều người. Chư Thiên ở cõi Tavatimsa rất yêu quý loài hoa này, tựa như người Nhật Bản yêu quý hoa anh đào vậy. Tương tự người Nhật biết trân trọng và thưởng thức trọn vẹn cái đẹp tự nhiên của loài anh đào, cái thú tao nhã của chư Thiên Tavatimsa là nghệ thuật quan sát và cảm nhận đầy đủ từng dấu hiệu chuyển đổi của cây Kovilara, từ khi chiếc lá vàng của nó bắt đầu khô héo rồi rơi rụng cho đến khi các nụ hoa dần dần mọc ra rồi từ từ hé nở và sau cùng đạt đến độ rực rỡ. Họ sống quán sát và cảm nhận đầy đủ về quá trình thay đổi tự nhiên của loài cây Kovilara với một tâm tư tràn đầy hoan hỷ và tin tưởng.

Cái cảm thức hỷ lạc của chư Thiên Tavatimsa đạt đến trọn vẹn chính là lúc họ cùng nhau tổ chức hội hè vui chơi bốn tháng dưới những gốc cây Kovilara đang độ nở hoa rực rỡ, tận hưởng đầy đủ vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa Kovilara và thưởng thức hương vị thanh khiết của nó lan tỏa cả một vùng không gian rộng lớn.

Xuất gia là hạnh cao quý của người con Phật, tiêu biểu cho tâm thái tha thiết mong cầu giác ngộ cho mình và cho người khác mà thuật ngữ Phật học gọi là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Do hạnh nguyện cao quý như vậy, người xuất gia được chờ đợi trải qua những giai đoạn phấn đấu tu tập để thành tựu cho được mục đích giải thoát tối hậu khiến hoan hỷ lợi lạc cho nhiều người; giống như loại cây Kovilara trải qua các chu kỳ thay đổi cành lá để sau cùng sanh ra các chùm hoa rực rỡ làm say lòng chư Thiên cõi trời Tavatimsa.

Đức Phật trân trọng cảm thức thanh nhã của người biết ngắm hoa. Từ thú tao nhã của việc theo dõi và thưởng ngoạn loài hoa Kovilara của chư Thiên Tavatimsa, Phật gợi cảm thức cho mọi người khác về ý nghĩa thanh thoát cao quý của sự kiện xuất gia tu đạo giác ngộ. Tựa như cây Kovilara đến chu kỳ ra hoa, Phật cho rằng việc xuất gia tu đạo giác ngộ của người Phật tử cũng biểu lộ các dấu hiệu đáng vui mừng chiêm ngưỡng vì nó dự báo những kết quả lợi lạc của tâm hướng thượng khiến hoan hỷ vui lòng cho nhiều người, nhất là khi người xuất gia thành tựu mục đích đoạn tận các lậu hoặc, chứng đắc đạo quả giải thoát.

Xuất gia là hạnh cao quý của người con Phật, tiêu biểu cho tâm thái tha thiết mong cầu giác ngộ cho mình và cho người khác mà thuật ngữ Phật học gọi là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Do hạnh nguyện cao quý như vậy, người xuất gia được chờ đợi trải qua những giai đoạn phấn đấu tu tập để thành tựu cho được mục đích giải thoát tối hậu khiến hoan hỷ lợi lạc cho nhiều người; giống như loại cây Kovilara trải qua các chu kỳ thay đổi cành lá để sau cùng sanh ra các chùm hoa rực rỡ làm say lòng chư Thiên cõi trời Tavatimsa.

Trong cách diễn đạt, Đức Phật xem sự kiện một người Phật tử nghĩ đến việc xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình tựa như lá cây Kovilara bắt đầu khô héo. Khi vị ấy chính thức xuất gia, trở thành Tỷ-kheo, bấy giờ vị ấy được ví như lá cây Kovilara bị rơi rụng.

Sau khi xuất gia, vị Tỷ-kheo nỗ lực chế ngự thân, chế ngự lời, chế ngự ý, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh; rồi vị ấy ly dục, ly các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm và tứ, bấy giờ vị ấy được ví như mầm non cánh hoa Kovilara đang mọc ra.

Khi vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm, bấy giờ vị ấy được ví như đọt non cánh hoa Kovilara đang nhô ra. Khi vị Tỷ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, bấy giờ vị ấy được ví như nụ hoa Kovilara đang hé lộ. Khi vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, bấy giờ vị ấy được ví như bông hoa Kovilara đang hé nở.

Khi vị Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, bấy giờ vị ấy được ví như hoa Kovilara nở toàn diện. Trong khi vị Tỷ-kheo thành tựu vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, lúc bấy giờ Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát và Giải thoát tri kiến hương của vị ấy bay khắp muôn phương, khiến cho các hàng Địa thần và chư Thiên đều vui mừng hoan hỷ, cùng nhau lớn tiếng ngợi ca đức độ tu hành của bậc chứng đạo.

Toàn bộ câu chuyện được kể như vầy:

“Này các Tỷ-kheo, khi nào cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa bắt đầu khô héo lá, thời khi ấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi Tavatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: ‘Nay lá của cây Kovilara Paricchattaka đã khô héo, không bao lâu lá sẽ rụng’.

Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa rụng lá, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi Tavatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: ‘Nay cây Paricchattaka đã rụng lá, không bao lâu mầm non cánh hoa sẽ mọc ra’.

Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa mọc ra mầm non cánh hoa, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi Tavatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: ‘Nay cây Kovilara Paricchattaka mọc ra mầm non cánh hoa, không bao lâu đọt non cánh hoa sẽ mọc ra’.

Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilara Paricchattaka mọc ra đọt non cánh hoa, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi Tavatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: ‘Tay cây Kovilara Paricchattaka mọc ra đọt non cánh hoa, không bao lâu các nụ hoa sẽ được sanh ra’.

Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa sanh ra nụ hoa, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, chư Thiên ở cõi Tavatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: ‘Nay cây Kovilara Paricchattaka sanh ra nụ hoa, không bao lâu các bông hoa sẽ được sanh ra’.

Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilara sanh ra các bông hoa, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi Tavatimsa hoan hỷ nghĩ rằng: ‘Nay cây Kovilara Paricchattaka sanh ra các bông hoa, không bao lâu các bông hoa sẽ được nở toàn diện’.

Này các Tỷ-kheo, trong khi cây Kovilara có bông hoa được nở toàn diện, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, chư Thiên Tavatimsa hoan hỷ, chơi đùa trong bốn tháng chư Thiên, dưới gốc cây Kovilara Paricchattaka, vui chơi thọ hưởng, tận hưởng năm món dục lạc. Này các Tỷ-kheo, khi cây Kovilara Paricchattaka nở toàn diện các bông hoa, mùi hương bay tràn xung quanh đến năm mươi do tuần; thuận gió, mùi hương bay đến một trăm do tuần. Đây là uy lực của cây Kovilara Paricchattaka.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Thánh đệ tử nghĩ đến xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử như lá héo cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa.

Này các Tỷ-kheo, khi Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, Thánh đệ tử như cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa bị lá rụng.

Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, Thánh đệ tử như mầm non cánh hoa được sanh ra của cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa.

Này các Tỷ-kheo, trong khi Thánh đệ tử làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử như đọt non cánh hoa được sanh ra của cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa.

Này các Tỷ-kheo, trong khi Thánh đệ tử ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, Thánh đệ tử như nụ hoa được sanh ra của cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa.

Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Thánh đệ tử xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử như các bông hoa được sanh của cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa.

Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Thánh đệ tử, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, Thánh đệ tử như các bông hoa được nở toàn diện của cây Kovilara Paricchattaka của chư Thiên Tavatimsa.

Này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, chư Địa thần tuyên bố lớn tiếng: ‘Vị tôn giả với tên họ thế này, đồng trú cùng một lòng tin với tôn giả với họ tên thế này, đã xuất gia từ làng như vậy, từ thị trấn như vậy, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Sau khi nghe tiếng của chư Địa thần, chư Thiên Bốn Thiên vương thiên… chư Thiên Tavatimsa… chư Thiên Yama… chư Thiên Tusita… chư Thiên Hóa lạc thiên… chư Thiên Tha hóa tự tại… chư Thiên Phạm chúng tuyên bố lớn tiếng: Vị tôn giả với tên họ thế này, đồng trú cùng một lòng tin với tôn giả với họ tên như thế này, đã xuất gia từ làng như vậy, từ thị trấn như vậy, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát’.

Như vậy trong sát-na ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy truyền đến Phạm thiên giới. Đây là uy lực của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc”. 1

Cuộc đời tu đạo của Điều ngự Giác hoàng mà đỉnh cao là tâm giải thoát, tuệ giải thoát đã mở ra một mùa xuân mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam, một mùa xuân “chiếu trải giường Thiền”, với tâm thanh thản và lòng trong sạch được hun đúc và tôi luyện bằng công đức thực hành thiện pháp, tu tập thiện nghiệp, chuyển hóa nội tâm, hết lòng chăm lo cho an nguy của xã tắc và muôn dân, hoàn toàn an tịnh và thanh thoát, không còn bóng dáng giặc ngoài và giặc trong.

Câu chuyện của Phật càng cho chúng ta thấy ý nghĩa cao quý của hạnh xuất gia mà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã quyết tâm thực hiện đối với vận mệnh lâu dài của văn hóa Việt Nam. Hạnh nguyện cao quý ấy đã được thai nghén và nuôi dưỡng lâu ngày bởi những tâm hồn cao thượng trong dòng vương tộc nhà Trần và đến thời Trần Nhân Tông thì trở thành hiện thực. Trần Nhân Tông đã thực hiện hóa mong ước tu đạo của tổ tiên mình với hạnh nguyện xuất gia, khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm mang đậm dấu ấn thiết thực của Thiền Nguyên thủy được vận dụng ứng hợp với điều kiện và tâm thức Việt Nam.

Cuộc đời tu đạo của Điều ngự Giác hoàng mà đỉnh cao là tâm giải thoát, tuệ giải thoát đã mở ra một mùa xuân mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam, một mùa xuân “chiếu trải giường Thiền”, với tâm thanh thản và lòng trong sạch được hun đúc và tôi luyện bằng công đức thực hành thiện pháp, tu tập thiện nghiệp, chuyển hóa nội tâm, hết lòng chăm lo cho an nguy của xã tắc và muôn dân, hoàn toàn an tịnh và thanh thoát, không còn bóng dáng giặc ngoài và giặc trong.

Sử liệu ghi nhận rằng sau khi trải qua nhiều mùa xuân gian nan chuyên tâm tu dưỡng và vận dụng trí năng của một Phật tử chống giặc ngoại xâm, hết lòng chăm lo lợi ích cho muôn dân trong sứ mạng một đấng minh quân: tuổi về già, Điều ngự Giác hoàng quy ẩn chốn thiền lâm, chuyên tâm hành thiền, tâm thanh thản, lòng sạch trong. Rồi một mùa xuân nữa lại về. Ngồi bên bờ khe vắng một buổi chiều xuân thoảng cánh hồng rơi, Điều ngự Giác hoàng cảm nghiệm từng mùa xuân tích tập công đức đi qua đời mình cho đến lúc thản nhiên ngộ ra xuân vốn ở trong lòng: lòng trong sạch thì an lạc miên viễn, tâm trong sáng thì xuân miên trường:

Thuở nhỏ chưa từng rõ sắc không

Xuân về hoa bướm rộn trong lòng

Chúa xuân nay bị ta khám phá

Chiếu trải giường thiền ngắm rụng hồng.2

Ngày xuân, nhớ lại ngày nào Điều ngự Giác hoàng chống gậy lên núi Yên Tử quyết tâm xuất gia thì lòng hân hoan nhận ra người Việt thật may mắn khi có được một bậc minh quân mà tâm buông xả, giải thoát. Mãi mãi là tấm gương soi sáng lối đi giác ngộ cho bao đời tâm thức Việt Nam.

--------------------------------------

1 Kinh Cây Kovilara Paricchattaka, Tăng chi bộ

2 Thơ Trần Nhân Tông

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.