Mẫu hình Phật tử Việt Nam trong tư tưởng của Trần Nhân Tông

Ảnh: Nhuận Thường
Ảnh: Nhuận Thường
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mẫu người Phật tử Việt Nam thời Trần là một mẫu người Bồ-tát trang nghiêm, là một mẫu người trượng phu trung hiếu.

Bồ-tát dĩ nhiên là một phạm trù tư tưởng lớn của Phật giáo, còn trượng phu là một phạm trù của tư tưởng Nho giáo. Nhưng cứ đọc các tác phẩm Nho giáo nói về trượng phu, ta mới thấy những đóng góp mới của Trần Nhân Tông.

Sạch giới lòng, dồi giới tướng,

nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,

đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

(Hội thứ sáu, Cư trần lạc đạo phú)

Mẫu người Phật tử Việt Nam thời Trần là một mẫu người Bồ-tát trang nghiêm, là một mẫu người trượng phu trung hiếu. Bồ-tát dĩ nhiên là một phạm trù tư tưởng lớn của Phật giáo, còn trượng phu là một phạm trù của tư tưởng Nho giáo. Nhưng cứ đọc các tác phẩm Nho giáo nói về trượng phu, ta mới thấy những đóng góp mới của Trần Nhân Tông.

Trong thiên Đằng Văn Công hạ của Mạnh Tử, ta được bảo rất rõ thế nào là một trượng phu: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” (giàu sang không thể mê hoặc, nghèo hèn không thể lay chuyển, uy vũ không thể khuất phục, đó gọi là đại trượng phu).

Trượng phu trong tư tưởng Nho giáo là thế, nhưng so với định nghĩa của Trần Nhân Tông ta thấy nội dung đó hạn hẹp và tủn mủn, bởi vì “ngay thờ chúa, thảo thờ cha”, một con người như thế tất không thể nào bị tác động bởi giàu sang nghèo hèn hay uy vũ. Nội hàm của phạm trù trượng phu trong tư tưởng Trần Nhân Tông do vậy tỏ ra rộng lớn và phong phú hơn nhiều.

Đây là một thí dụ điển hình khác của việc tổ tiên ta có thể sử dụng một số từ ngữ Trung Quốc, mà khi đọc lên, thường gây ấn tượng mang sắc thái Nho giáo. Nhưng khi đi sâu vào phân tích, ta thấy những từ ngữ này mang một nội dung khác hẳn. Trước đây, chúng tôi đã thử phân tích tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi mà người ta thường cho là của Nho giáo, và đã đạt đến những kết luận hoàn toàn khác hẳn.

Từ đó mẫu người lý tưởng của Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên được quy định một nội dung hết sức cụ thể. Họ không chỉ “sạch giới lòng, dồi giới tường” để trở nên “Bồ-tát trang nghiêm”, mà còn “ngay thờ chúa, thảo thờ cha” để thành những “trượng phu trung hiếu”. Đây có thể nói là một đúc kết về hình tượng người Việt Nam lý tưởng, chứ không phải chỉ của Phật giáo.

Thực tế những người làm nên sự nghiệp oanh liệt của dân tộc ta vào thời Trần Nhân Tông có thể nói hầu hết đều là Phật tử, từ những vị lãnh đạo tối cao ở trung ương như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải cho đến những người dân ở xã ấp như Lê Công Mạnh và anh em con cháu. Vì họ là những Bồ-tát trang nghiêm nên đối với bản thân họ giữ gìn kỷ luật và sống cuộc sống có lý tưởng. Nhưng đồng thời họ cũng là những trượng phu trung hiếu, nên họ trung thành với Tổ quốc, sống hiếu thảo với cha mẹ ông bà:

Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha,

thờ thầy học đạo.

Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt,

cầm giới ăn chay.

(Hội thứ bảy)

để có thể đóng góp cho xã hội qua những công tác cụ thể như bắc cầu, đóng đò với một tấm lòng hỷ xả, từ bi:

Dựng cầu đò, dồi chiền tháp,

Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.

Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi

Nội tự tại kinh Lòng hằng đọc.

(Hội thứ tám)

Sau hai cuộc chiến tranh do quân thù áp đặt vào những năm 1285 và 1288, bao nhiêu cơ sở hạ tầng của đất nước ta, đặc biệt là hệ thống cầu cống và bến đò, do yêu cầu tác chiến về phía ta cũng như sự tàn phá không tiếc thương của kẻ thù, đã bị hủy hoại gần hết. Thế mà trong lần đi sứ vào năm Chí Nguyên Nhâm Thìn (1292), tên Phó sứ Trần Phu đã thấy ở kinh đô Thăng Long của Đại Việt những chiếc cầu bắc qua sông hùng vĩ. Y viết: “Từ sứ quán đi 60 dặm thì qua tới cầu An Hóa, lại đi một dặm thì đến phía Bắc cầu Thanh Hóa. Trên cầu này là một ngôi nhà 19 gian” như ta đã thấy ở trên. Cả nước Đại Việt là một công trường xây dựng lớn sau chiến tranh. Người dân Đại Việt hăng say lao động để kiến tạo lại đất nước mình sau những năm chiến tranh gian khổ và mất mát.

Chính hình ảnh và khí thế của những con người lao động như thế đã đập vào mắt người lãnh đạo đất nước, để lại trong tâm khảm những ấn tượng khó phai mờ. Cho nên khi viết Cư trần lạc đạo phú, vua Trần Nhân Tông đã không quên đưa việc dựng cầu đò, xây chiền tháp để làm cho đất nước đẹp đẽ, trở thành một nhiệm vụ, một nghĩa vụ mà người Phật tử Việt Nam có bổn phận phải hoàn thành đối với Tổ quốc. Và Tổ quốc Việt Nam sau những năm tháng chiến tranh ấy đã trở thành một cõi đất Phật, mà trạng nguyên Huyền Quang Lý Tải Đạo đã diễn tả trong bài phú Vịnh chùa Vân Yên:

Phen những ôi!

Tây Trúc dường nào

Nam châu có mấy

Non Linh Thứu ai đem về đây

Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đáy,

Vào chưng cõi Thánh thênh thênh

Thoát rẽ lòng phàm phây phấy.

Đất nước Việt Nam vào thời ấy được nhìn như thế. Cho nên, người dân đã sẵn sàng hy sinh chiến đấu để bảo vệ, và cũng sẵn sàng hăng say xây dựng để kiến tạo một cõi Phật cho chính mình và con cháu. Người Phật tử Việt Nam vào thời ấy tuy có nhận định việc xây dựng chùa chiền là “khơi vét máu mỡ của dân”, nhưng không phải cực đoan đi đến chỗ phủ nhận việc xây dựng chùa chiền, hay chống lại một sự nghiệp như thế. Có lẽ trong tâm thức tầng lớp lãnh đạo Phật tử Việt Nam thời đó vẫn thấy chùa chiền là nơi để củng cố nền vững bền của đất nước.

(Trích Toàn tập Trần Nhân Tông, tựa của Giác Ngộ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.