Ôi, đứa trẻ thật “ghê gớm” làm sao! Nhìn hình ảnh ấy, ai dám bảo đứa trẻ trong trắng, không biết gì! Làm sao trong trắng khi nó hả hê với cái bậu cửa bị trừng phạt? Nó không biết gì nhưng vô thức bảo nó rằng, nó không phải là người chịu trách nhiệm cho sự té ngã của nó. Chịu trách nhiệm là cái bậu cửa! Ôi, thật oan ức cho cái bậu cửa lắm thay!
Nhìn hình ảnh ấy, gợi nhớ đến biết bao hình ảnh khác mà chúng ta đã từng chứng kiến từ nhỏ đến lớn, hễ mỗi lần có đứa trẻ vấp cái gì đó rồi té ngã òa khóc, người lớn phải đánh vào cái đó như một sự trừng phạt cho cái tội gây ra sự té ngã của nó, thì nó mới chịu ngừng khóc, chúng ta thấy có hình ảnh của mình ngày xưa trong đó.
Chúng ta cứ ngỡ mình sinh ra trong trắng như một tờ giấy trắng, nào ngờ đâu tờ giấy ấy đã nguệch ngoạc đầy đường nét rồi. Mà ai đã vẽ nên những đường nét đó? Là thượng đế? Là bẩm sinh tự nhiên như thế? Không, không có thượng đế, cũng không phải bẩm sinh tự nhiên, chính chúng ta đã vẽ nên những đường nét đó, chính chúng ta tự vẽ chân dung cuộc đời của chính mình, không ai khác vẽ thay cho ta, đó là cái thấy tuyệt vời của Phật giáo.
Trong muôn vàn đường nét mà ta tự vẽ cho mình, đậm đặc nhất, nổi bật nhất là nét tính cách quy lỗi cho người khác, đổ trách nhiệm lên người khác, không tự mình chịu lấy trách nhiệm về mình. Ta buồn phiền ư, đó không phải là tự ta làm cho ta buồn phiền, mà ai đó đã gây buồn phiền cho ta. Trong mọi bất ổn nội tâm của mình, phải luôn có ai đó chịu trách nhiệm. Cho nên, hễ có sự việc bất an, ta luôn suy xét tìm gốc rễ của vấn đề bên ngoài mà không bao giờ chịu nhìn nhận lại bản thân mình để tìm căn nguyên.
Thói quen đổ lỗi cho người khác, các đối tượng bên ngoài mỗi khi ta gặp chuyện không hay là một tập khí cố hữu làm cơ sở tâm lý hình thành nên thuyết định mệnh, tư tưởng định mệnh, xem cuộc đời, số phận của mình thuộc trách nhiệm của ai đó, đấng thần linh nào đó. Chính tập khí này lạc dẫn nhận thức, tư duy của chúng ta về lối sống vốn ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của hạnh phúc và an vui của mỗi cá nhân nên trước giờ phút quan trọng nhất, lúc Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình làm hòn đảo cho chính mình. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải trở về với chính mình, nhận lấy trách nhiệm về sự an vui khổ đau của chính mình, không đổ lỗi cho ai khác, ngoài mình. Có thể nói đây là một lời dạy đầy tính nhân bản, cốt lõi cho một tư duy, quan niệm sống tiến bộ bậc nhất của nhân loại.
“Tôi khổ là do anh, do em, do chị…”, trong những câu chuyện ta tự kể về mình, ta luôn là nạn nhân của người khác. Vậy thì “tha nhân là địa ngục” như Jean Paul Sartre đã nói? Không, tha nhân không phải là địa ngục của ta. Địa ngục hay thiên đường là tự nơi ta. Ý niệm mình là nạn nhân của người khác, trong mọi bất ổn nội tâm của mình, là địa ngục. Ngược lại thì thiên đường! Không địa ngục sao được, khi nghĩ rằng người khác đã gây ra nỗi khổ cho mình thì nỗi khổ ấy lại càng gia tăng gấp bội. Còn khi không nghĩ ai đó đã làm cho ta buồn khổ, mà tất cả đều do tự ta, tự yếu kém của ta thì tự nhiên lòng nhẹ tênh như mây mùa hạ, thong dong không còn buồn khổ nữa. Thế thì không thiên đường là gì!
Khi bạn không còn oán trách người, oán trách đời đã làm cho mình buồn khổ nữa thì nỗi khổ đó không có nơi để bám vào, chúng rơi rụng như cây trút lá vào mùa thu. Không ai trên thế gian này làm cho ta khổ ngoài chính ta. Đây chính là chân lý mà Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: phiền não do tự ta, an tịnh do tự ta. Thấy người khác hơn mình cái gì đó, trời ơi, lòng ta bị tổn thương! Có phải người bên cạnh mặc chiếc áo quá đẹp làm cho mình buồn khổ không? Có phải cái nhà đẹp lộng lẫy của anh hàng xóm làm cho mình bị tổn thương không? Không, cái buồn khổ, cái tổn thương ấy là do lòng đố kỵ của mình mà ra. Hiểu được như vậy thì buông lòng đố kỵ đi tự nhiên tâm ta trở nên an tịnh. Phật nói tịnh, không tịnh là do tự ta, nơi ta. Tự ta gây phiền não cho ta và tự ta tạo an vui cho mình, không ai làm điều đó cho ta được.
Là tự ta, do ta, do sự yếu kém thiếu tu tập của ta mà tâm thức bị mắc kẹt trong đố kỵ, tị hiềm, chấp ngã hay tham ái. Tâm bị mắc kẹt trong tham ái thì mọi nhận thức chỉ còn là những phản ứng đã bị quy định, bị lập trình sẵn bởi tập khí của bản ngã, và vì vậy ta không có tự do trong nhận thức và hành động. Làm sao có tự do nhận thức khi nhận thức ấy bị trói buộc bởi tập tính yêu ghét của bản ngã? Làm sao có hành động tự do khi hành động ấy bị chi phối bởi cảm thức ưa ghét của cái “ta tham ái”? Con người nói chung bị quy định bởi hai cực của tham ái: yêu và ghét. Một cuộc cách mạng đích thực là giải phóng con người ra khỏi sự chi phối của hai cực cố hữu yêu và ghét đó. Khi không còn mắc kẹt trong tham ái con người mới có tự do đích thực.
Tự do ấy, khi ứng vào đời sống thực tiễn, là những nhận thức và hành động uyển chuyển, linh hoạt trong mọi vấn đề của đời sống, không phản ứng cứng nhắc theo bản chất tham ái. Nhận thức ấy, hành động ấy, Đức Phật gọi là nhận thức nhu nhuyến, hành động nhu nhuyến hay tâm nhu nhuyến. Nhận thức nhu nhuyến là không dán nhãn cho một tình huống nào đó là xấu hay tốt, vì khi làm vậy, ta đánh mất đi khả năng nhận thức linh hoạt về tình huống đó và vì vậy ta bị mắc kẹt vào đó, không có tự do đối với nó. Thực tại là thực tại, không có thực tại tốt xấu. Tốt xấu là câu chuyện mà ta tự kể cho mình hơn là sự thật nằm nơi bản chất của thực tại. Trời mưa là một hiện tượng nhân duyên của trời đất, không mang bản chất tốt hay xấu, nhưng người bán áo mưa thì vui mừng cho là tốt, còn người bán dù che nắng thì buồn bã cho là xấu. Xấu tốt là câu chuyện mà mỗi chúng ta tự kể cho mình mà thôi.
Một câu chuyện nữa, minh họa cho ý này là Tái ông thất mã mà ai cũng biết, khi ông mất con ngựa, mọi người đến chia buồn nhưng ông nói: xấu hay tốt, thật khó nói lắm! Đến khi con ngựa quay về dẫn thêm một con ngựa hoang nữa, mọi người đến chúc mừng ông, nhưng ông nói: tốt hay xấu, thật khó nói lắm! Câu chuyện tiếp diễn khi cậu con trai của ông cỡi con ngựa hoang ấy bị té ngã gãy chân, mọi người lại đến chia buồn cùng ông, nhưng ông vẫn nói: xấu hay tốt, thật khó nói lắm!
Rồi khi đất nước có chiến tranh, trai tráng trong làng phải tòng quân tử trận rất nhiều thì con trai ông vì chân tật nguyền nên được miễn nghĩa vụ, sống an toàn ở nhà cùng gia đình. Mọi người lại đến chúc phúc ông, ông lại nói: xấu hay tốt, thật khó nói lắm! Trời ơi, làm sao nói tốt xấu được khi mọi thứ trong cuộc đời luôn biến động vô thường! Trong một tích tắc chuyện nọ đã hóa ra chuyện kia rồi. Nếu không nhận thức cứng nhắc vào tình huống, tâm ta trở nên nhu nhuyến, uyển chuyển, linh hoạt, không còn bị mắc kẹt vào cái bẫy của các tình huống nên có tự do tự tại. Ta gán cho tình huống là tốt hay xấu, tình huống đó sẽ trở thành đối tượng thao túng tâm lý chúng ta, làm cho chúng ta bất an, dao động, lo lắng và sợ hãi.
Đem cái tâm nhu nhuyến ấy mà đi vào đời, thì không gì có thể làm cho ta tổn thương, như cây tre mềm mại, uốn lượn uyển chuyển nên gió bão không bao giờ có thể làm gãy đổ nó được. Vậy thì sự té ngã của ta không phải do cái bậu cửa, mà do sự bất cẩn của ta. Đứa bé ngày xưa là chúng ta ấy nào có ý thức gì đâu, chỉ tội bị cái vô thức dắt mũi nên hả hê với việc trừng phạt cái bậu cửa. Thế nhưng khi chúng ta lớn lên, trưởng thành có ý thức hẳn hoi, tưởng sẽ không hành xử như đứa bé ngày xưa vấp té nơi bậu cửa nữa, nhưng rồi chúng ta vẫn hành xử y hệt như đứa trẻ ấy.
Nghĩa là mỗi lần ta va vấp điều gì đó trong cuộc đời gây ra nỗi khổ niềm đau cho mình, ta thường đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh bên ngoài. Cái bậu cửa ấy giờ đây có thể là sếp, đồng nghiệp, chồng, vợ, con cái hay một ai đó mà ta nghĩ là nguyên nhân gây ra niềm đau cho ta. Đã đến lúc chúng ta phải minh oan cho cái bậu cửa, nhận lấy trách nhiệm về sự bất cẩn của mình, để thấy rằng mọi nỗi khổ niềm đau là do tự mình gây ra chứ không phải ai khác bên ngoài. Hiểu được như vậy cũng là cách để tự mình tạo an vui cho mình. Đó là minh triết tuyệt vời nhất mà Đức Phật đã trao cho chúng ta.