Trên đỉnh núi Thứu

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Núi Thứu (Grdhrakuta), về mặt địa lý, là một ngọn núi không lớn, không nguy nga hùng vĩ, nhưng trong tâm thức cộng đồng Phật giáo, núi Thứu thiêng liêng, cao lớn và hùng vĩ nhất.

Thiêng liêng nhất, vì nơi đó lưu giữ hình bóng đức Đạo Sư một thời lưu trú. Cao lớn và hùng vĩ nhất, vì ở đó Đức Phật đã tuyên thuyết những bộ kinh lớn, mang tư tưởng lớn, được xem là đỉnh cao của triết lý Phật giáo.

Tương truyền trên đỉnh núi Thứu, Đức Phật đã thuyết giảng bộ kinh Pháp hoa vốn được xem là vua của các kinh và các bộ kinh thuộc hệ Bát-nhã vốn cũng là đỉnh cao tư tưởng Phật giáo.

Núi Thứu vì vậy về mặt nhận thức tư tưởng, được xem là đỉnh cao của triết lý Phật giáo. Tinh yếu của Bát-nhã nằm gọn trong câu chú: Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha. Nghĩa là: Vượt qua, vượt qua, hoàn toàn vượt qua, đạt đến giác ngộ.

Hầu như mục đích của các tư tưởng gia, các hệ triết học và các triết thuyết tôn giáo đều hướng con người đến điều thiện, sống thiện. Socrate nói: “Điều quan trọng không phải là sống mà là sống thiện”. Phật giáo cũng hướng con người đến đời sống thiện nhưng không dừng lại nơi cái thiện mà vượt qua nó. Đó là đỉnh cao triết lý sống của Phật giáo. Phật giáo không chỉ là sống thiện, mà sống vượt qua cái thiện.

Nhưng tại sao phải vượt qua cái thiện? Theo cái thấy của Phật giáo, bản chất tâm lý con người là bám chấp vào công lao, công trạng, nghĩa là bám chấp vào những điều lành, điều thiện mà mình đã làm. Trong thẳm sâu tâm thức, con người vẫn tự hào, hãnh diện về những điều tốt đẹp mà mình đã thực hiện. Đó là bóng dáng của cái “tôi”, bản ngã mà trong nhận thức của Phật giáo, nó là nguyên nhân của mọi buộc ràng, bất an và phiền não.

Cho nên vượt qua cái thiện là để thấy rằng hành thiện mà không có người hành thiện, tức không có bản ngã hành thiện, không có cái “tôi” hành thiện. Không có người hành thiện thì không bị kẹt nơi cái thiện. Không bị kẹt nơi cái thiện thì mới đạt đến tự do, tự tại và giải thoát. Một nhận thức nữa của Phật giáo là sự sống bản lai vốn hoàn hảo, không có thiện ác, tốt xấu. Vì vậy vượt qua cái thiện vốn dĩ là để trở về với sự sống vốn xưa nay hoàn hảo tuyệt vời đó mà thôi.

Vậy, vượt qua cái thiện bằng cách nào? Là “quên” đi cái thiện. Chỉ khi quên đi, cái thiện mới trở nên hoàn hảo. “Quên đi” là paramita (ba-la-mật), là sự hoàn hảo. Quên đi cái thiện, ấy là sự hoàn hảo của việc hành thiện. Trang Tử nói: “Quên đi cái bụng, ấy là sự hoàn hảo của chiếc nịt. Quên đi cái chân, ấy là sự hoàn hảo của đôi giày”.

Một hành động thiện hoàn hảo là một hành động thiện được quên đi. Nếu làm một điều thiện mà không quên được việc làm đó, ấy là điều thiện chưa hoàn hảo, chưa siêu việt. Quên đi cái thiện là vượt qua cái thiện, siêu việt cái thiện. Nếu chỉ dừng lại nơi cái thiện thì cái đích cao nhất trong nấc thang triết lý của Phật giáo ta chưa vươn tới được.

Chính trên nấc thang triết lý cao tột này, khi Lương Võ Đế hỏi Tổ sư Đạt-ma bao nhiêu việc thiện lành lớn lao mà ông đã làm có công đức hay không, ngài trả lời rằng chẳng có tí công đức nào hết! Phải vượt lên cái thiện ta mới chạm được chân lý của sự sống. Phải vượt qua cái thiện ta mới tiếp xúc được với sự sống đích thực vốn xưa nay không thiện ác tốt xấu. Vượt qua cái thiện mới là đáo bỉ ngạn, là giải thoát, là qua bờ bên kia, bờ của sự sống đích thực.

Còn nghĩ về cái thiện vẫn còn lẩn quẩn nơi bờ thiện ác, chưa vượt qua được bờ thiện ác. Quên cái thiện đi là một bước nhảy qua bờ, qua bờ tự do giải thoát, không còn vướng kẹt nơi thiện ác. Bên này bờ là thiện ác, bên kia bờ là không thiện ác. Đáo bỉ ngạn là qua bờ không thiện ác.

Bờ không thiện ác, đấy là cảnh giới mà ngài Huệ Năng gọi là không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác không có nghĩa là không phân biệt thiện ác. Phân biệt thiện ác là bước đầu nhận thức chánh kiến mà bất cứ người Phật tử nào cũng phải nhận biết rõ ràng. Trong kinh Chánh tri kiến (Trung bộ kinh), Đức Phật đã giảng thuyết một cách phân minh, đâu là thiện, đâu là bất thiện.

Vậy thì không thiện ác hay không nghĩ thiện, không nghĩ ác ở đây muốn nói là gì? Không nghĩ thiện, không nghĩ ác có nghĩa là vượt lên thiện ác. Vượt lên không có nghĩa là hành động mà không phân biệt thiện ác; mà nó có nghĩa: Ban đầu ta tránh cái ác không làm, ta chọn cái thiện để làm. Nhưng chọn cái thiện rồi ta phải biết vượt lên cái thiện. Đó là ý nghĩa không nghĩ thiện, không nghĩ ác mà ngài Huệ Năng muốn nói. Ta hành động bằng cái thiện mà không vượt lên được cái thiện thì bị mắc kẹt nơi cái thiện. Mắc kẹt nơi cái ác thì bị đọa lạc khổ đau, nhưng mắc kẹt nơi cái thiện thì cũng không thể tự do, giải thoát được. Đó là ý nghĩa của bờ không thiện ác, tức bờ giải thoát.

Vượt lên còn hàm nghĩa vô phân biệt. Vô phân biệt không có nghĩa là không phân biệt tính chất thiện ác, tốt xấu, đúng sai… theo hiện thực khách quan của sự vật hiện tượng, mà không nhận thức phân biệt mang tính phê phán chủ quan. Ai nói hay làm điều gì hợp với ý ta, họ là người tốt; còn không hợp với ý ta họ là người xấu. Ai ủng hộ, bênh vực ta, người đó là thiện; ai cản trở, chống đối ta họ là ác. Đó là thiện ác tốt xấu xét theo bản ngã, tham ái của ta chứ không phải giá trị khách quan.

Ở đây, câu thiền ngữ không nghĩ thiện, không nghĩ ác của ngài Huệ Năng giúp ta phát hiện thêm một tầng nghĩa nữa. Đó là, không nghĩ thiện, không nghĩ ác không có nghĩa là không phân biệt thiện ác, sống buông tuồng bất chấp đạo đức luân lý mà không nghĩ thiện, không nghĩ ác muốn nói ở đây là, không phân biệt thiện ác tốt xấu theo tính chất tham ái của mình.

Triết lý sống, triết lý hành động của Phật giáo là vượt qua, Trung đạo vì vậy không có nghĩa là ở giữa, mà vượt qua hay vượt lên. Trung đạo là vượt lên nhị nguyên tính, đối ngẫu tính hay các cực đối lập như trong ngoài, sáng tối, phải trái, đúng sai, thiện ác…Vượt lên như thế nào? Là xóa bỏ các đối cực? Là triệt tiêu đối ngẫu tính? Không, vượt lên không phải là xóa bỏ các đối cực hay triệt tiêu đối ngẫu tính của hiện thực, mà chỉ là không bị mắc kẹt vào chúng.

Vượt lên cái đúng cái sai không có nghĩa là xóa bỏ cái đúng cái sai mà chỉ đơn giản là không bị dính mắc vào chúng. Đúng sai của hiện thực vẫn luôn có đó, tức quy luật hiện tượng hay chân lý quy ước nhưng ta đã vượt thoát khỏi chúng. “Thoát khỏi quy ước không phải là bác bỏ mà là không bị dối gạt bởi nó nữa. Có thể sử dụng nó như một công cụ thay vì bị nó sử dụng” (Alan Watts). Vượt lên cũng chính là chấp nhận tính quy luật hiện tượng hay chân lý quy ước đó. Chấp nhận là để vượt lên, sống ung dung tự tại trên chúng.

Nếu ta phản ứng lại tính quy luật của hiện tượng, ta không thể vượt lên trên nó được. Nói như Osho: “Chấp nhận tính hai mặt, những mối quan hệ biện chứng của cuộc sống, và do đó vượt lên trên sự đối ngẫu của nó. Quá trình vượt lên trên này sẽ không thể xảy ra nếu bạn vẫn xung đột, bạn vẫn chọn phần này và chối bỏ phần khác. Sự vượt thoát này chỉ xảy ra khi bạn chấp nhận cả hai phần một cách vô điều kiện, khi bạn chấp nhận cái tổng thể của cuộc sống”.

Trong môi trường tư duy nhị nguyên, bạn luôn thấy thế giới phân đôi: một bên là toàn vẹn, bên kia là không toàn vẹn. Bạn luôn thấy mình đứng ở phía không toàn vẹn đi tìm sự toàn vẹn. Nhưng hành trình đi tìm ấy sẽ trở nên dài vô tận, bởi sẽ không bao giờ bạn tìm được sự toàn vẹn đích thực.

Trong thế giới tư duy nhị nguyên, làm sao khi ta thấy sự toàn vẹn mà không thấy cái không toàn vẹn nối đuôi theo sau đó. Cái mà ta thấy toàn vẹn ấy luôn bị đe doạ truất ngôi bởi cái không toàn vẹn. Vậy thì cái toàn vẹn ấy có thực sự là toàn vẹn? Tất nhiên là không. Không có cái toàn vẹn thực sự nào mà bị cái không toàn vẹn vượt qua. Nhưng khi vượt qua được tư duy nhị nguyên, không còn chia chẻ thế giới thành toàn vẹn và không toàn vẹn nữa, bạn sẽ thấy thế giới là một sự toàn vẹn đích thực.

Lúc này bạn nhìn đâu cũng thấy sự toàn vẹn. Bạn thấy toàn vẹn này tiếp nối toàn vẹn kia, tất cả là một sự toàn vẹn không ngừng trôi chảy. Bạn toàn vẹn ở tuổi đôi mươi trẻ trung, bạn toàn vẹn ở tuổi trung niên chín chắn, bạn toàn vẹn ở tuổi “thất thập cổ lai hy”… Từng giai đoạn trong cuộc đời của bạn là từng giai đoạn toàn vẹn tiếp nối nhau. Cả cuộc đời của bạn là một sự toàn vẹn không ngừng.

Đỉnh núi Thứu, một biểu tượng cho tư tưởng vượt lên. Vượt lên là buông bỏ, vượt lên là không dính chấp, vượt lên là siêu việt nhị nguyên tính, là tự do tự tại. Đó là triết lý sống và hành động của Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.