Bồ-tát từ quả hướng nhân: Diệu Âm, Quan Âm, Phổ Hiền

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm hướng dẫn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thăm, lễ tháp chư vị Tổ sư tại các tổ đình Quảng Bá, Bồ Đề... - Ảnh: Bảo Trinh
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm hướng dẫn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thăm, lễ tháp chư vị Tổ sư tại các tổ đình Quảng Bá, Bồ Đề... - Ảnh: Bảo Trinh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Bồ-tát Diệu Âm ở thế giới phương Đông tên là Nhứt thiết Tịnh quang trang nghiêm của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1131 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1131 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Khi Đức Phật Thích Ca ở Ta-bà thuyết kinh Pháp hoa, Ngài phóng hai đạo hào quang từ vô kiến đảnh tướng và bạch hào tướng đến Diệu Âm Bồ-tát. Vô kiến đảnh tướng của Phật tiêu biểu cho đức tướng và bạch hào tướng tiêu biểu cho trí tướng. Tại sao Phật phóng hai đạo hào quang đến Diệu Âm.

Hành Bồ-tát đạo, ta cần nhớ ý nghĩa của hai đạo hào quang mà Phật muốn chỉ dạy chúng ta. Khi có người mời ta cùng làm Phật sự, ta suy xét xem có nên hợp tác với họ hay không. Bồ-tát biết chỗ đáng tới và người nên gặp; không phải chỗ nào mời cũng đi. Điều này rất quan trọng, vì nếu hợp tác với người không có đức hạnh, không có hiểu biết thì ta tự chuốc họa vào thân.

Tiếp nhận được hai đạo hào quang của Phật Thích Ca, Diệu Âm nói rất dễ thương rằng ai mời thì ta còn phải suy nghĩ. Phật Thích Ca mời, ta nhất định phải tới, vì ta được hợp tác với bậc cao quý đầy đủ đức hạnh và trí tuệ vẹn toàn như Phật Thích Ca thì việc làm chắc chắn gặt hái được công đức vô lượng.

Vì vậy, Bồ-tát Diệu Âm liền tới Ta-bà, nhưng Ngài không rời tòa ngồi mà ở Kỳ Xà Quật đã hiện ra 84.000 hoa sen. Điều này quan trọng nhất.

Nói đến núi Kỳ Xà Quật hay núi Linh Thứu ở Ấn Độ, người chấp lịch sử nói rằng ở núi này mà Phật ngồi thuyết kinh Pháp hoa không quá 30 mét vuông, làm sao có đủ chỗ ngồi cho 80.000 Bồ-tát, 72.000 chư Thiên, 12.000 Tỳ-kheo, 6.000 Tỳ-kheo-ni. Nhưng người tu theo kinh Pháp hoa thấy bằng căn lành và niềm tin mới thấy sự hiện hữu của chúng hội đầy đủ như vậy. Có thể nói người có niềm tin thấy khác với người không có niềm tin.

Ngày hôm qua, thầy Lệ Trang đưa tôi xem một tấm ảnh mà một thầy chụp được trên nóc chùa Huê Nghiêm có Đức Quan Âm đứng. Hình ảnh này gợi tôi nhớ lại lúc mới xây dựng chùa Huê Nghiêm cũng có hiện tượng này, một Phật tử chụp được hình Phật Quan Âm đứng trên nóc chùa. Theo tôi, chỉ người có niềm tin mới thấy được Phật xuất hiện. Người không có niềm tin không bao giờ thấy được sự kỳ diệu.

Người có niềm tin và căn lành thì họ kiến giải theo niềm tin và căn lành và họ hành Bồ-tát đạo sẽ có cái thấy theo Bồ-tát.

Thật vậy, Trí Giả đại sư nghĩ rằng Linh Thứu sơn không phải là ngọn núi ở Ấn Độ, nhưng là con người. Ngài dạy rằng con người chúng ta gồm có ba phần là chân linh, thân tứ đại vật chất và thức biến.

Người thấy bằng thức biến thì có cái thấy thay đổi liên tục, gọi là thiên biến vạn hóa. Còn chân linh của con người thì bất biến và thân vật chất cũng thay hình đổi dạng tùy theo nghiệp lực. Vì vậy, Ngài ví thân vật chất là quả núi mà ta thấy được bằng mắt, nhưng chân linh là hiện tượng siêu hình. Người thấy bằng thức thì thấy được từng niệm tâm mà người chưa đạt tới trình độ này thì không thể biết và cũng không thể giải thích cho hiểu được. Vì vậy, Trí Giả nói trong một niệm tâm có 3.000 thức biến hay 3.000 thế giới.

Thức của con người luôn thay đổi, biến dạng liên tục nhanh hơn con siêu vi. Như vậy, con người có phần bất biến là chân linh và có hai phần tương phản là thân vật chất và thức biến. Trên mặt chân linh không thay đổi, nhưng trên mặt thức biến thì tùy tâm hiện. Vì vậy, một trăm người có một trăm cái thấy khác nhau dẫn đến sẽ có một trăm hiện thân Phật khác nhau.

Trí Giả đại sư nghĩ rằng Linh Thứu sơn không phải là ngọn núi ở Ấn Độ, nhưng là con người
Trí Giả đại sư nghĩ rằng Linh Thứu sơn không phải là ngọn núi ở Ấn Độ, nhưng là con người

Chúng ta hiểu theo Pháp hoa thì thức luôn thay đổi. Người chấp lịch sử cho rằng 12.000 Tỳ-kheo trong kinh đề cập, họ đã chết rồi làm gì còn hiện hữu khi Phật thuyết kinh. Nhưng trong thế giới tâm linh thì người sống và người chết đồng nhau, không khác.

Có thể tạm ví dụ cho dễ hiểu, chúng ta chết giống như ngủ quên. Và trong giấc ngủ, chúng ta thấy luôn người đã chết. Thật vậy, học kiến giải của Trí Giả đại sư và bằng kinh nghiệm của tôi trong cuộc sống, tôi nhận ra điều này rất rõ. Khi tôi ngủ, hay tham thiền, thấy người chết vẫn hiện hữu một cách sống động trong thức của tôi. Vì vậy, trên bước đường hành Bồ-tát đạo, trong thức, tôi thấy Phật Thích Ca, thấy các vị Thánh Tăng và học được những yếu lý không có được trên cuộc đời này.

Phật Thích Ca thuyết kinh Pháp hoa trên chân linh của Ngài thì tất cả Tỳ-kheo còn sống hay đã chết đều tham dự pháp hội, kể cả chư thiên trên trời cũng có mặt.

Nếu các thầy tu hành có tâm yên tĩnh sẽ thấy những điều mà bình thường không có được. Riêng tôi, thuở nhỏ ở tổ đình Huê Nghiêm chỉ có hai thầy trò, buổi tối sau khi tụng kinh Pháp hoa, tôi nghe có tiếng người tụng kinh. Tôi ngạc nhiên vì không thấy ai và thưa với Hòa thượng điều này. Hòa thượng nói Tổ tụng đó con. Người tu khác với người thường ở điểm này. Trong thức của người tu hành thường nghĩ về Tổ, về Phật, về thầy, nên họ thấy được, nghe được các ngài thông qua thức dù các ngài không còn hiện hữu bằng thân vật chất. Được như vậy, họ sẽ trở thành thầy, thành Tổ, thành Phật.

Sau khi nghe được tiếng của Tổ tụng kinh, ngày hôm sau, tôi đang tụng kinh, trong ánh đèn lờ mờ, tôi thấy có nhiều người tụng kinh với mình.

Học kinh Pháp hoa, tôi hiểu được vấn đề thức biến chuyển tới vô số. Lý này được Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng “Trong một trần có trần số cõi. Trong mỗi cõi có nan tư Phật. Mỗi Phật ở giữa chúng hội. Tôi thấy hằng giảng hạnh Bồ-đề”.

Thức biến vô cùng vô tận, nhưng chúng ta có căn lành và nhân duyên thì thức của chúng ta sẽ chuyển biến theo chiều lành khiến chúng ta thấy được Phật, Tổ, Bồ-tát, chư thiên, Hộ pháp. Điều này giúp chúng ta dễ tiến tu. Nhưng nếu thức của chúng ta chuyển biến theo chiều ác thì tâm trí của chúng ta suy nghĩ về chuyện đời khiến chúng ta phiền muộn, đau khổ cho đến bỏ tu.

Từ chân linh của Phật phóng hào quang qua phương Đông, chiếu thẳng đến Diệu Âm Bồ-tát, tạo thành thế giới siêu hình mà kinh Pháp hoa diễn tả là có 84.000 hoa sen hiện lên ở núi Kỳ Xà Quật. Không phải hoa sen nổi lên ở trên núi này, nhưng điều này có ý nghĩa là thức biến.

Thiết nghĩ khi chúng ta tụng kinh Pháp hoa, với tâm tập trung cao độ khiến thức của chúng ta chuyển biến, thấy được 84.000 hoa sen, hay đó là Hóa thân của Bồ-tát hiện ra ở thế giới Ta-bà. Nói cách khác, trong Ta-bà có 84.000 phiền não trần lao của chúng sanh, nhưng 84.000 phiền não trần lao này đã được chuyển thành hoa sen. Đó là yếu lý của Pháp hoa.

Thật vậy, khi nghiệp của chúng ta quá nặng gọi là bùn nhơ tội lỗi, nhưng nhờ sự kết hợp và lực tác động giữa Pháp thân của Phật và Báo thân của Diệu Âm Bồ-tát, bấy giờ, thức của những người có căn lành và niềm tin đều biến thành hoa sen, tức họ đều có ý niệm tốt khiến phiền não trần lao của họ nhứt thời lắng yên xuống và tự nhiên mỗi người đều hiện thành hoa sen. Đó là sự kỳ diệu theo Pháp hoa khó nghĩ bàn.

Từ trực nhận yếu lý này, tôi tụng Pháp hoa, phát hiện sâu sắc rằng: “Nghiệp chướng nhiều đời bỗng lắng yên”. Nghĩa là khi tâm chúng ta đang lăng xăng lộn xộn đủ thứ, nhưng chúng ta trì kinh Pháp hoa là tâm chúng ta chí thành nghĩ đến Phật thì Phật hiện ra trong lòng chúng ta khiến tất cả trần lao liền lắng yên. Nhưng bất giác quên Phật thì trần lao này lại hiện ra.

Trở lại việc Bồ-tát Diệu Âm, Ngài tới Ta-bà bằng công đức của Ngài thể hiện bằng 84.000 hoa sen, không phải tới bằng hình hài một con người. Và kết hợp với yếu lý này, một niệm tâm chúng ta lắng xuống thì có Pháp hoa, tức pháp chân thật hiện ra. Còn phiền não nghiệp chướng của chúng ta không lắng được thì diệu pháp không có, dù tụng cả ngàn bộ kinh Pháp hoa văn tự.

Diệu Âm đến thế giới Ta-bà làm Phật sự là làm cho mọi người phát tâm xong, Ngài trở về bổn độ. Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, làm được nhiều việc tốt không cần ai biết, khác với chúng sanh làm ít mà thích người ta biết nhiều.

Hành đạo theo Diệu Âm, chỗ có người đức hạnh và hiểu biết, chúng ta đến hợp tác, xong việc thì mình về, không khoe khoang. Và ta tiếp tục làm việc thiện lành khác, giờ nào việc đó, không kể công. Đó là ý quan trọng mà chúng ta học ở Diệu Âm Bồ-tát.

Tiếp theo là hạnh Quan Âm. Ngài là Chánh Pháp Minh Như Lai hiện làm Quán Thế Âm Bồ-tát. Ngài có tôn danh đó vì Ngài luôn nghĩ đến chúng sanh hữu duyên với Ngài, nghĩ đến chúng sanh cần Ngài giúp đỡ.

Quan Âm Bồ-tát ở luôn thế giới Ta-bà. Phật nói muốn ở mãi thế giới này phải có 32 thân hình biến hóa. Vì khi nào chúng sanh cần gì thì Bồ-tát hiện được thân hình tương ứng để cứu giúp. Chỉ có một thân hình cố định không thể đáp ứng cho mọi tình huống.

Quan Âm là Phật hiện lại, nên Ngài có khả năng hiện tất cả loại hình cứu độ chúng sanh. Cần có Phật thân thuyết pháp thì Ngài hiện làm Phật, kể cả mang thân người nữ, nên Ngài được dân chúng gọi là Phật Bà. Nếu cần cứu đời giúp người, Ngài hiện làm Bồ-tát và Bồ-tát thì có vô số thân khác nhau, vì Bồ-tát đa đạng. Vì vậy, có bao nhiêu chúng sanh cần, Quan Âm hiện bấy nhiêu thân để giúp chúng sanh, gọi là thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng nghĩa là một ngàn chỗ cần Quan Âm hiện hữu, cứu giúp thì Ngài liền xuất hiện đầy đủ ở một ngàn chỗ đó.

Tôi nghe Hòa thượng Huê Nghiêm kể rằng ở núi Thị Vải có vị Tổ tên là Từ Thuận, dân chúng không dám gọi tên ngài như vậy mà gọi ngược lại là Từ Nghịch. Ngài đắc được một loại Tam muội có thể xuất hiện cùng một lúc ở nhiều nơi. Ở núi Chứa Chan kêu cầu ngài là có ngài chống gậy trúc tới, cùng lúc đó, ngài cũng xuất hiện ở Bà Rịa để đáp ứng sự mong cầu của người bị nạn. Đến một ngày nào đó, tất cả Phật tử hữu duyên cùng một lúc đều thấy ngài chống gậy tới thăm, sau đó không thấy ngài nữa. Về sau, người ta tìm thấy bộ xương khô trong hang Hàm Rồng ở núi Thị Vải, đó là ngài nhập định trong hang núi cho đến tịch luôn.

Quan Âm hiện đủ tất cả thân hình tương ưng với nhu cầu của chúng sanh để cứu độ họ, từ thân Phật, đến thân Bồ-tát, tể quan, cư sĩ… Dù Ngài hiện thân nào, thì người ta vẫn coi đó là Quan Âm Bồ-tát thị hiện. Tuy nhiên, đặc biệt, ở Hàn Quốc, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam người ta thờ tượng Quan Âm nhiều nhất mang hình tướng người nữ mặc áo trắng.

Tiêu Diện đại sĩ cũng là Quan Âm hiện ra, vì đối với cô hồn, Ngài phải có khuôn mặt dễ sợ với cái lưỡi phun ra lửa thì cô hồn mới sợ.

Tóm lại, muốn ở Ta-bà hành đạo, phải như Quan Âm, nghĩa là phải thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác rồi hiện thân lại dưới tất cả mọi dạng hình để giáo hóa chúng sanh. Đó là Bồ-tát từ quả hướng nhân của kinh Pháp hoa.


Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thuyết giảng Bồ-tát từ nhân hướng quả tại hạ trường chùa Huê Nghiêm

Phổ Hiền Bồ-tát

Bồ-tát Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm khi chúng sanh cần giúp đỡ thì các Ngài xuất hiện, khi người không cần, các Ngài biến mất, hay ẩn thân ở thế giới vĩnh hằng bất tử của Phật.

Nhưng Bồ-tát Phổ Hiền quan trọng hơn, không phải lúc ẩn lúc hiện. Ngài là Bồ-tát uy đức vô song là không có người nào so sánh được. Uy đức một là Ngài có vô số Bồ-tát thị tùng, Ngài không đi một mình, nhưng có nhiều Bồ-tát hợp tác.

Thực tế làm đạo cũng phải có nhiều người giỏi, tốt hợp tác, ta mới làm được. Nếu các thầy không được như vậy, là Thanh văn phải ẩn tu. Hoặc xung quanh mình còn nhiều người dở, xấu, giống như Di Lặc Bồ-tát có quyến thuộc còn yếu kém, nên Ngài phải xuất hiện làm từ thiện nuôi dạy họ, giúp họ nên người đã.

Quyến thuộc của Phổ Hiền, người nào cũng giỏi, tốt, hiền, giàu, mạnh, xả thân được là Ngài có nhiều người hợp tác làm được việc lớn. Ngoài ra, Phổ Hiền còn có thiên, long, bát bộ, trời, rồng, dạ xoa hỗ trợ. Trời, rồng, dạ xoa tức là vua, đại thần, tướng lãnh. Như vậy, những người theo Phổ Hiền tiêu biểu cho tất cả thành phần xã hội có uy đức, có thế lực, nên Ngài làm được những việc lớn vô cùng.

Xưa kia, có 16 ông vua cai trị vùng ngũ hà ở Ấn Độ thì trong số này đã có 8 ông vua nước lớn quy y với Phật. Phật làm được việc lớn, thành công dễ dàng vì hàng vua quan, tướng lãnh, cư sĩ, trưởng giả hết lòng cung kính Phật, nghe theo Phật và hỗ trợ Ngài việc hoằng dương Phật pháp rất đắc lực.

Phổ Hiền Bồ-tát cũng có phước đức lớn lao như vậy, nên Ngài đến đâu là cứu giúp đến đó, mang lại sự bình an cho mọi người.

Hành Bồ-tát đạo phải có đầy đủ phước đức. Vì vậy, chúng ta coi lại mình có đủ thế lực như vậy hay không. nếu chưa đủ phước báo thì chỉ làm quyến thuộc của Bồ-tát, nghĩa là chỉ làm được việc nhỏ theo sự sai bảo của Bồ-tát thôi.

Phổ Hiền đến gặp Phật, hỏi Phật rằng khi có Phật tại thế thì có kinh Pháp hoa, tức kinh Pháp hoa tiêu biểu cho Đức Phật, nhưng Phật vào Niết-bàn, chúng con phải làm sao để có kinh Pháp hoa, nói cách khác, làm sao để tu thành Phật. Vì vậy, kinh Pháp hoa gọi là Phật thừa, là pháp của Phật tu, việc của Phật làm. Thể hiện ý này, Tổ Phước Huệ nói rằng yếu chỉ của Phật và hạnh của Bồ-tát, kết hợp lại gọi là Pháp hoa.

Đức Phật trả lời Phổ Hiền rằng sau khi Ngài diệt độ, các thầy phải thành tựu đầy đủ bốn pháp thì Bồ-tát Đại Trang Nghiêm sẽ mang kinh Pháp hoa đến cho. Từ ý này, Nhật Liên Thánh nhân dạy rằng tụng kinh Pháp hoa, phải tụng ngược lại là bắt đầu từ phẩm 28 để có hiểu biết đúng đắn về kinh Pháp hoa và thực sự nhận được kinh Pháp hoa của Phật truyền trao thì mới là hành giả Pháp hoa.

Muốn có Pháp hoa, phải đầy đủ bốn pháp là phải có căn lành, được Phật hộ niệm, sống trong Chánh định và thương tất cả chúng sanh.

Người không có căn lành, hay không có hạt giống Bồ-đề thì không tu được. Vì hạt giống Bồ-đề mới mọc lên Bồ-đề, hạt giống sen mới mọc cây sen. Toàn cỏ dại thì làm sao có sen.

Vì vậy, các thầy tu được, theo Phật phải có căn lành, phải có hạt giống Bồ-đề. Hạt giống Bồ-đề này đã có từ trong đời quá khứ. Ý này Phật dạy rằng khi họ đắc La-hán vì họ đã trồng căn lành ở Phật quá khứ, nên tái sanh thì Phật Thích Ca cứu độ họ được.

Các thầy muốn độ ai, phải vào thiền định quán sát xem họ có căn lành hay không. Họ có căn lành là dù khó khổ cũng quyết lòng đi tới và tu được. Người không có căn lành, vui thì tu, khổ thì bỏ chạy và có nghiệp nặng lại càng bị nghiệp lôi kéo.

Điều thứ hai, phải được Phật hộ niệm. Có căn lành, mình phát Bồ-đề tâm, quyết lòng tu, Phật mới hộ niệm mình. Khi Phật tại thế, Ngài cũng vào thiền định thấy được người có căn lành, Ngài tới độ họ.

Phật vào Niết-bàn, nhưng ta tu Pháp hoa, biết rằng Phật vẫn hiện hữu. Phật vẫn phóng quang cứu độ, hoặc Ngài xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau để độ mình tu, không phải ai cũng nhận được Phật lực.

Thật vậy, chúng ta tin rằng các vị cao tăng đều có hai điều quý báu là căn lành và Phật hộ niệm. Điển hình là Hòa thượng Trí Tịnh kể rằng Hòa thượng Vạn Linh nói đời trước vị này đã là Hòa thượng và đời này sẽ tu cũng làm Hòa thượng. Vì Ngài có căn lành, nên nghe Hòa thượng Tổ khai ngộ là Ngài xin tu liền. Có tri kiến bên trong thì mới khai được.

Việc này trùng với trường hợp của tôi, nên tôi dễ nhận ra ý này. Lúc tôi còn là học trò ở trọ nhà chú để đi học. Mỗi ngày nghe ông tụng kinh Phổ môn, nên tôi không học mà vẫn thuộc kinh. Một hôm, ông bận việc, bảo tôi tụng kinh. Tôi nói con thuộc rồi. Ông nói vậy là con có căn lành, thôi đi tu đi! Tôi ngây thơ nói rằng tu thì tu! Ông liền cạo đầu cho tôi ngay hôm đó là ngày 15 tháng Giêng.

Có căn lành được người khai ngộ với câu nói đơn giản, mình nghe là tu. Thấy dễ vậy, nhưng với người không có căn lành thì không thể khai ngộ được, dù bắt họ vô chùa, họ cũng trốn về.

Phật nói người có trồng căn lành ở Phật quá khứ thì được Phật hộ niệm, mới tu được. Vì mới phát tâm tu, hạt giống Bồ-đề của mình còn yếu, không bảo vệ kỹ, nó sẽ bị hư, bị phiền não phá hỏng.

Để bảo vệ hạt giống Bồ-đề, phải vô chùa tu và còn phải nhờ Hộ pháp Long thiên giữ gìn mình nữa. Tôi nhớ, thuở nhỏ mới vô chùa Huê Nghiêm, đi chúc tán, Hòa thượng Bổn sư đọc một câu trước tượng Hộ pháp, tôi nghe ứa nước mắt: “Mạt pháp Tăng hành đạo lực suy vi chướng duyên biến xí nhi ký Bồ-tát thần lực minh tư”.

Nghĩa là trong thời kỳ Mạt pháp cách Phật xa, hạnh của chư Tăng yếu kém, không thể giống như hạnh của các vị Bồ-tát lớn ở thời Chánh pháp. Ngoài đức hạnh và đạo lực suy kém, chư Tăng lại gặp chướng duyên rất nhiều. Vì vậy, bước đường tu phải trải qua nhiều khó khăn, nên cần nhờ thần lực của Bồ-tát giúp đỡ, che chở để mình vượt qua những khổ nạn mới có thể tiến tu.

Điều thứ ba: phải sống trong Chánh định. Thông thường chúng ta tu hạnh Thanh văn, không dính líu với cuộc đời, không liên hệ với người thì tâm dễ dàng bình ổn. Nhưng tu hạnh Bồ-tát, phải lo cho người, phải tiếp xúc va chạm, chắc chắn buồn phiền sanh ra, tâm không còn thanh tịnh. Và khi tâm dao động buồn khổ thì không thể có Pháp hoa, giống như đài bị tạp âm không thể nghe hay trông thấy hình rõ.

Tâm bình tĩnh, sáng suốt mới quyết định những vấn đề khó khăn một cách sáng suốt mà người bình thường không giải quyết được. Dù đời có vui buồn thăng trầm đến đâu chăng nữa, chúng sanh có tệ ác khen chê cũng mặc, hành giả Pháp hoa vẫn giữ tâm hoàn toàn thanh thoát bình ổn, không dao động.

Trụ ở chơn như tâm hay đại thiền định mới có tất cả các thiện pháp mà thọ trì và tác động cho người bình ổn theo. Chúng ta phải giữ tâm yên tĩnh hoàn toàn đến độ ly trần, thấy sự vật đổi khác, thấy chính xác đúng với Phật mới làm được việc Phật.

Theo Nhật Liên Thánh nhân kiến giải ý nghĩa sống trong thiền định, người ngoài không thấy biết nhưng có khả năng tác động trên thực tế đến mức độ không thể suy tính được. Tuy nhiên, vừa lo cho chúng sanh vừa giữ tâm như như bất động là hai vấn đề đối nghịch, kết hợp được không đơn giản.

Riêng kinh nghiệm của tôi, trên bước đường tu, muốn làm một việc gì lợi ích cho đời, nhưng thấy lòng mình cộm lên một chút tính toán phiền não, tự biết mình đã rời Chánh định. Tôi lập tức ngưng ngay, không làm nữa; vì tôi ý thức rằng việc không thành cũng chẳng sao, sẵn sàng bỏ việc, để giữ Chánh niệm. Ngược lại, lao theo công việc mà trong lòng đầy dẫy phiền não sẽ dẫn đến kết quả chúng ta đọa mà thôi.

Thật vậy, chúng ta càng làm nhiều càng dễ tăng thượng mạn. Khi còn nghèo dở bị khinh thường, chúng ta dễ dàng nhịn chịu, nhưng tạo được nhiều phước báo, nhiều công đức mà bị khinh chê, chắc chắn sân hận nổ ra liền.

Chúng ta cần ghi nhớ vừa trồng căn lành vừa trụ Chánh định. Nếu mất Chánh định, căn lành cũng mất theo và cũng không được Phật hộ niệm.

Điều thứ tư để có kinh Pháp hoa, phải thương tất cả chúng sanh. An trú trong pháp chân thật và từ tâm chơn như khởi tâm đại bi, thấy mọi người bị tam độc thiêu đốt, nên chúng ta khởi niệm cứu độ họ. Dù người tốt hay xấu, thuận hay nghịch, chúng ta chỉ chuyên nghĩ một việc duy nhất làm sao cho họ phát tâm Bồ-đề. Tâm cứu độ là tâm Phật, hạnh cứu độ là hạnh Phật.

Nếu thành tựu bốn việc nêu trên, chúng ta tạo được mối tương quan mật thiết với chư Phật và chư Bồ-tát mười phương, tiếp nhận được kinh Pháp hoa chân thật mà tu hành và hoằng truyền kinh, thể hiện trong cuộc sống. Kinh Pháp hoa bằng văn tự là phương tiện giúp chúng ta phát hiện diệu lý sâu kín bên trong là Pháp hoa chân thật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.