Bồ-tát Sơ địa đến Bồ-tát Thập địa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Theo kinh Hoa nghiêm, hàng Bồ-tát Thập địa gồm mười cấp bậc tu chứng của Bồ-tát là Sơ địa, Nhị địa, Tam địa, Tứ địa, Ngũ địa, Lục địa, Thất địa, Bát địa, Cửu địa và Thập địa.

Và mười pháp tu Ba-la-mật của Bồ-tát Thập địa gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nguyện, lực và trí.

Ở mỗi cấp bậc trong mười cấp bậc của Thập địa, Bồ-tát chuyên tu một pháp chính yếu trong mười pháp Ba-la-mật nói trên. Và chín pháp còn lại thì Bồ-tát tùy hoàn cảnh áp dụng cho thích nghi để được kết quả tốt đẹp, không phải không thực hành chín pháp còn lại. Thí dụ, trong mười pháp Ba-la-mật, Bồ-tát Sơ địa tu hạnh bố thí là chính, nhưng vẫn phải thực hành chín pháp là trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nguyện, lực và trí.

Trong quá trình tu từ Sơ địa đến Tứ địa, tuy thực hành pháp tu chính yếu nhưng Bồ-tát không rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Vì Phật dạy rằng Bồ-tát hành đạo, nếu tâm không nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng là đã lạc ra phàm phu thì không được Phật hộ niệm sẽ bị đọa lạc.

Thật vậy, Bồ-tát Sơ địa tu hạnh bố thí là chính mà tâm vẫn phải luôn an trụ ở Phật, Pháp, Tăng. Và ý nghĩa của Phật Pháp Tăng theo Đại thừa, Phật là trí tuệ, Pháp là chân lý và Tăng là tinh thần hòa hợp. Cho nên, bố thí có trí tuệ chỉ đạo (Phật) nghĩa là giúp đỡ đúng người, đúng việc, đúng hoàn cảnh (Pháp) và làm trong tinh thần hòa hợp (Tăng), mới hỗ trợ họ vượt qua khó khăn và trở thành người hữu ích cho xã hội.

Là Bồ-tát sơ địa hay Hoan hỷ địa dấn thân vào đời, làm tất cả mọi việc khó dễ, hay đối trước mọi việc tốt xấu, đều hoan hỷ. Người giúp đỡ hay phá hoại, người khen ngợi hay chê bai cũng hoan hỷ. Đó là bước đầu đi vào cửa Thánh, hoan hỷ trước mọi việc, không buồn giận lo sợ, vì chúng ta biết rõ cuộc đời này rồi. Họ nói oan ức, không cãi, chúng ta nghĩ họ hiểu sai, mai mốt họ hiểu lại. Bây giờ, họ chưa muốn hiểu thì đính chính vô ích, mọi việc để thời gian tự trả lời.

Một thiền sư nổi tiếng Nhật Bản thể hiện sâu sắc ý này. Một cô gái mang bầu nói với cha mẹ là cô quan hệ với ông sư. Cha mẹ cô rất bực tức vì từng kính trọng cúng dường nhà sư này, liền đến xỉ vả, nhưng ông làm thinh, chỉ nói “Thế à”. Uy tín của ông bị giảm sút, nhưng ông thấy bình thường, vì đối với ông, kính trọng coi như không thì xỉ vả cũng vậy thôi. Rồi gia đình cô này giao đứa bé cho ông nuôi. Ông lại nói “Thế à” và nhận nuôi đứa bé. Khi đứa bé lớn lên, khôn ngoan, dễ thương. Mẹ đứa bé mới thú thật rằng cha của đứa bé là người bán cá ngoài chợ. Cha mẹ cô ta đến lạy nhà sư, xin sám hối và xin đem cháu về nuôi. Ông lại nói “Thế à” rồi giao trả đứa bé.

Điều gì người ta chưa biết thì đợi họ biết, mình lo việc mình. Hoàn cảnh càng khó càng nỗ lực tu để trí tuệ sáng hơn, đạo đức cao hơn mới có thể hành Bồ-tát đạo, vào được Hoan hỷ địa.

Và làm được việc khó, người kính trọng thì mới làm nhiều việc khác khó hơn nữa. Phật nói họ thường làm tiểu vương là vua nước nhỏ được lòng dân, được mọi người ủng hộ. Điển hình như vua Trần Nhân Tông được tôn danh là Phật hoàng, làm vua nước Việt Nam là một nước nhỏ bên cạnh Trung Hoa từng đến xâm lược nước ta ba lần đều bại trận, nhờ nhân dân hết lòng chống giặc, cứu nước nên ngài thành công trong việc giữ gìn toàn vẹn non sông lãnh thổ.

Vua Trần Nhân Tông là Bồ-tát hiện thân trên cuộc đời vào Sơ địa Bồ-tát mới là Bồ-tát Hoan hỷ địa thôi, nhưng ngài đã đánh dẹp được quân Nguyên giống như trứng chọi với đá vậy. Có một số quan lúc bấy giờ sợ quá nên đã dâng biểu đầu hàng giặc. Quân ta bắt được đem trình hàng biểu lên vua Trần Nhân Tông. Ngài thể hiện hạnh Bồ-tát rằng “Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ”. Ngài nghĩ các quan lại dâng biểu đầu hàng giặc vì họ sợ chết là bình thường và ngài ra lệnh đốt hết các tờ biểu này, không cần đọc. Rõ ràng vua Trần Nhân Tông đã vào Thánh vị của Bồ-tát Hoan hỷ địa.

Sau khi thành tựu pháp bố thí không rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tiến lên Bồ-tát Nhị địa thường tu trì giới cũng luôn an trụ nơi Phật, Pháp, Tăng. Và điều quan trọng kèm theo việc trì giới, Bồ-tát Nhị địa cũng thực hành pháp thứ hai trong Tứ nhiếp pháp là ái ngữ. Thật vậy, phát xuất từ tình thương người, Bồ-tát thể hiện được lời nói nhẹ nhàng êm dịu mới tạo được lực cảm hóa người nghe theo. Nhờ lời nói làm mát lòng người, Bồ-tát quy tụ được nhiều người hợp tác mới có thể đạt được vị trí Chuyển luân Thánh vương.

Bồ-tát Sơ địa làm tiểu vương cai trị bằng pháp luật, tiến lên Bồ-tát Nhị địa, Phật dạy rằng họ làm Chuyển luân Thánh vương cai trị dân bằng đạo đức là không cần luật pháp nhưng dân thương kính làm theo. Hòa thượng Pháp Lan lúc sanh tiền làm câu đối nói về đạo đức như sau:

Tôn mạc tôn hồ đạo, chỉ kỳ đạo vô vi nhân phục.

Mỹ mạc mỹ hồ đức, duy hữu đức bất trị dân tùng.

Các thầy muốn tu Bồ-tát đạo phải làm được như vậy. Thông thường, người ta thấy việc mình làm khiến họ nể phục. Còn Thánh vương làm trong vô vi nghĩa là không làm mà làm, vì Thánh vương có đức cao quá, đạo cao quá nên được tất cả mọi người kính phục. Trong khi tiểu vương phải xông pha, làm đủ mọi việc như vua Trần Nhân Tông lên làm Thái thượng hoàng, lúc đó Ngài đi tu rồi mà còn phải đến nước Chiêm Thành ngoại giao để giữ yên bờ cõi. Ngài đã hết lòng vì dân, vì nước, nên dân chúng thương quý Ngài.

Thánh vương không làm mà người kính phục vì ngài có đức độ khiến người giỏi tìm đến hợp tác, gọi là tôi Hiền, chúa Thánh. Thực tế là Thánh vương biết rõ nhu cầu xã hội và ngài đáp ứng được sự mong mỏi của toàn dân nên người ta nể phục, hết lòng làm việc với ngài. Nhờ những người theo Thánh vương là người giỏi, tốt khiến dân chúng càng kính trọng ngài hơn.

Còn vua không phải là minh quân, không tốt thực, nhưng người nịnh theo phò, họ không có tài vẫn được vua cất nhắc, cho thăng quan tiến chức, hưởng nhiều quyền lợi, nên dân càng thêm bất mãn.


Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thuyết giảng "Bồ-tát từ nhân hướng quả" tại chùa Huê Nghiêm

Trong lịch sử nước ta, đặc biệt có vua Lý Thánh Tông, làm vua nhưng cũng là thiền sư. Khi ông đi đánh Chiêm Thành, giao quyền cho Ỷ Lan thứ phi thay vua lo việc nước và bà đã thẳng tay trừng trị các tham quan ô lại. Lịch sử ghi rằng vào năm đó xảy ra nạn mất mùa làm dân chúng đói khổ. Bà ra lệnh mở kho bố thí cho dân. Với trí sáng suốt của người lãnh đạo, bà nói rằng của cải trong kho do dân làm ra, nên dân khổ thì phải lấy của cải đó mà nuôi dân. Các tham quan mừng rỡ vì họ thừa cơ hội này để làm giàu bất chính. Lương thực tới tay dân thì ít nhưng vô túi các quan nhiều hơn. Nhưng họ đâu dễ qua mắt được bà. Bà đã ra lệnh thanh tra, các quan lại vướng vào việc tham ô đều bị trị tội đích đáng. Nhân đây, các ông quan có tài đức được đưa vào thay thế.

Vua phải có tầm nhìn sáng suốt biết sử dụng người tài, điển hình như vua Lý Thánh Tông không giao quyền nhiếp chánh cho bá quan văn võ, mà giao việc cho Ỷ Lan với lời dặn dò rằng khi thay ông điều hành chính sự, có khó khăn gì thì chỉ cần nhiếp tâm thiền định. Nhà vua đã thể hiện trí tuệ sáng suốt, giao việc đúng người, làm thành công, nên ông cũng được tôn là thiền sư với đôi mắt sáng cho đời an vui.

Chùa có nhiều người, nhưng vua Lý Thánh Tông lại tôn thờ Thảo Đường thiền sư. Vị này là tù binh mà ông bắt được khi đánh Chiêm Thành. Nhà vua đã nhận thấy Thảo Đường là bậc chân tu tài đức, nên ông đưa về trụ trì chùa Chân Giáo, nay là chùa Trấn Quốc. Dù được nhà vua kính trọng, nhưng ngài chỉ ngồi thiền trong am tranh, nên được gọi là Thảo Đường. Ngài nói:

Trúc ly mao xá phong quang hảo

Đạo viện Tăng phòng tổng bất như.

Nghĩa là ở chòi tranh vách lá nhưng thấy phong cảnh đẹp hơn, khác với đạo viện có đầy đủ tiện nghi, nhưng bên trong không tốt.

Thực tế chúng ta dễ thấy điều này. Nhìn bề ngoài chùa cao Phật lớn, nhưng các huynh đệ ở đó tu chưa cao nên có những đòi hỏi, tranh chấp, phải trái, hơn thua thực nặng nề. Thiền sư Thảo Đường ở am tranh một mình nhưng an lạc.

Vì vậy, người tu không quan trọng ở chùa lớn hay am tranh, thậm chí ở hang đá cũng vẫn an lạc và có cơm ăn hay nhịn đói cũng an lạc. Đó là người thật tu có thể đắc đạo.

Hàng Bồ-tát Nhị địa tu trì giới thanh tịnh, không phải chấp chặt giới điều, nhưng hạnh tu thể hiện thành giới đức kèm theo ái ngữ khiến cho người kính trọng. Vì kính trọng cái đức của Bồ-tát nên mọi người thuần phục và chiến tranh tự mất. Thực tế là người hợp tác với Bồ-tát Nhị địa có được quyền lợi, nên họ không dám gây chiến. Đó là sự hiện hữu của ông Thánh làm vua trên cuộc đời, vì trí tuệ và đức hạnh cao, thỏa mãn được nhu cầu của tất cả mọi người, nên không có chiến tranh.

Ngoài ra, Thánh vương có đức trị vì, nên trong nước không xảy ra nạn bão lụt, hạn hán, hỏa tai, giặc cướp. Có giặc cướp vì xã hội có nhiều bất công khiến nhiều người không phục, lên rừng tụ họp làm cướp. Nhưng xã hội công bằng, mọi người đều được ăn sung mặc sướng, người ta dễ trở thành lương thiện.

Vì vậy, Bồ-tát tu hành đầy đủ đức độ khiến người kính nể phục tùng, mới làm cho xã hội được bình an. Đó là việc làm của ông vua tu mười pháp Ba-la-mật, lấy giới đức làm chính, đã thành tựu đức hạnh và ái ngữ.

Thành tựu pháp hành của Bồ-tát Nhị địa, qua Bồ-tát Đệ tam địa tu hạnh nhẫn nhục là chính và nhẫn nhục kèm theo lợi hành của Tứ nhiếp pháp, nghĩa là Bồ-tát làm lợi cho người, không nghĩ đến lợi mình. Nói cách khác, Bồ-tát kham nhẫn để làm cho người an vui và sống với pháp Phật. Vì vậy, Phật nói Bồ-tát Đệ tam địa thường làm vua cõi trời Đao Lợi có nhiều phước báu, nhưng không thụ hưởng mà thường dấn thân vào việc giúp đỡ người nhằm chuyển hóa họ theo chánh đạo.

Sau khi thành tựu viên mãn pháp nhẫn nhục cùng lợi hành không rời niệm Phật, Pháp, Tăng, tiến lên hàng Bồ-tát Đệ tứ địa làm vua cõi trời Dạ Ma tu hạnh tinh tấn kèm theo đồng sự nhiếp để hài hòa với mọi người. Thí dụ muốn nhiếp phục người nông dân, Bồ-tát cũng phải khoác áo nông dân, sống chung với họ, cùng lao động với họ. Nói chung, Bồ-tát tinh tấn để dẫn dắt nhiều người về với mình và trở thành quyến thuộc Bồ-đề, thì tất yếu Bồ-tát phải đồng lao cộng khổ với người, mới có thể cảm hóa họ.

Tiến lên Bồ-tát Đệ ngũ địa làm vua ở cung trời Đâu Suất thường sống yên tĩnh trong thiền định hơn là sống với xô bồ bên ngoài. Và Di Lặc Bồ-tát đang làm vua ở Đâu Suất Đà thiên.

Trước kia, tôi đi với Hòa thượng Siêu Việt qua Campuchia, thấy pho tượng mà nhà vua đúc để cầu nguyện cho thái tử Sihanouk. Hòa thượng Siêu Việt giới thiệu đây là tượng Di Lặc Bồ-tát, trong kinh Nguyên thủy có nói vị Bồ-tát này về sau sẽ hạ sanh làm Phật. Tôi liền đến lạy Di Lặc Bồ-tát. Hòa thượng nói ngài không lạy Bồ-tát này vì ông đang làm vua cõi trời Đâu suất, tức còn làm cư sĩ thì mình xuất gia không lạy. Đó là sự khác biệt giữa người tu theo Nguyên thủy và Đại thừa.

Người tu Đại thừa lạy Bồ-tát Quan Âm, Bồ-tát Phổ Hiền là Phật hiện thân làm cư sĩ. Phật giáo Nam tông thờ Đức Di Lặc nhưng không lạy, chờ Ngài Di Lặc hạ sanh làm Phật mới lạy.

Lên Bồ-tát Đệ lục địa ở cõi Hóa lạc thiên tu Bát-nhã Ba-la-mật, tức thực hành trí tuệ là chính. Nếu tu Bát-nhã thì đến đây là kết thúc, vì đã phát sinh trí tuệ, biết được tất cả. Tuy nhiên, theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, hiểu biết và làm được còn có khoảng cách rất xa.

Vì vậy, kinh Hoa nghiêm đưa thêm pháp thứ 7 của Bồ-tát phải thể nghiệm gọi là phương tiện Ba-la-mật. Thật vậy, biết nhưng chưa làm được vì thiếu phương tiện. Thí dụ thấy người khổ, mình thương nhưng không giúp được, vì không có tiền, tức không có phương tiện. Muốn cứu người đói phải cho thức ăn. Muốn cứu người bệnh phải cho thuốc men.

Đối với Bồ-tát Đệ thất địa phải tu tạo nhiều phương tiện trong tay để đáp ứng được mọi nhu cầu khác nhau của cuộc đời một cách tự tại. Và Bồ-tát Đệ thất địa thể nghiệm pháp tu phương tiện Ba-la-mật ở cõi trời Tha hóa tự tại.

Tiến qua Bồ-tát Đệ bát địa cai quản cõi trời Phạm thứ nhất gồm có 1.000 thế giới. Bồ-tát ở vị trí này tu nguyện Ba-la-mật. Vì có nhiều việc muốn làm nhưng chưa làm được, nên Bồ-tát nguyện cố gắng thực hiện cho đầy đủ.

Và hoàn thành viên mãn tất cả việc cứu độ chúng sanh của Bồ-tát Đệ bát địa, nâng lên hàng Bồ-tát Đệ cửu địa thực hành lực Ba-la-mật và cai quản cõi trời Phạm thứ hai gồm có 2.000 thế giới.

Cho đến tận đỉnh của Bồ-tát đạo đầy đủ trí Ba-la-mật là đạt được vị trí của Bồ-tát Thập địa cai quản cõi trời Phạm thứ ba gồm có 3.000 thế giới.

Ở vườn chùa Huê Nghiêm, các thầy thấy tượng của mười chú tiểu tiêu biểu cho quá trình tu của Bồ-tát Thập địa theo Hoa nghiêm nhằm gợi ý cho chúng ta cố gắng tu theo.

Hoàn thành mười pháp Ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện, nguyện, lực và trí là đầy đủ Thập độ Ba-la-mật của Bồ-tát thì đạt quả vị của Bồ-tát Đẳng giác, Diệu giác có đầy đủ điều kiện làm Phật, nhưng phải chờ chúng đủ duyên là chờ người hợp tác có đủ khả năng như Bồ-tát thì mới hạ sanh làm Phật.

Điển hình là Hộ Minh Bồ-tát cũng trụ ở cung trời Đâu Suất đến khi có đầy đủ các Bồ-tát trợ hóa, Ngài mới hạ sanh ở Ấn Độ làm Phật Thích Ca. Thật vậy, chúng ta thấy có sự sắp xếp để các vị Bồ-tát hiện thân lại cùng thời với Đức Phật Thích Ca làm việc hỗ trợ Ngài hoằng dương Chánh pháp. Họ tái sanh trong các thành phần xã hội, có người hiện thân làm giáo chủ các ngoại đạo như ba anh em Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đã nhanh chóng từ bỏ cách tu sai lầm của ngoại đạo để trở thành đệ tử Phật nói lên uy lực vô song của Đức Phật và giáo pháp toàn bích của Ngài.

Có người làm vua như Tần Bà Sa La hộ đạo đắc lực nói lên việc khó làm của người đứng đầu thiên hạ lại cung kính cúng dường nghe lời dạy của Sa-môn sống rày đây mai đó, không có bất cứ tài sản nào. Thậm chí có những người xuất thân giai cấp thấp nhất như người hốt phân Sunita, hay thợ hớt tóc Ưu Ba Ly, cho đến sát nhân Vô Não được Phật giáo dưỡng trở thành Thánh La-hán. Điều này cũng thể hiện trí giác vô thượng của Phật nhìn thấu suốt năng lực tiềm ẩn của những người hữu duyên với Ngài từ nhiều kiếp quá khứ mới có thể chuyển hóa họ từ thành phần kém cỏi bước lên bậc Thánh.

Vì vậy, chỉ có một sát nhân Vô Não hay một người hốt phân Sunita, một thợ hớt tóc Ưu Ba Ly đắc Thánh quả, còn những người thấp kém khác thì họ phải tiếp tục cuộc sống đúng như cái nghiệp báo của chính họ. Phật không độ được vì họ không có duyên với Phật, hay nói đúng hơn, họ không phải là Bồ-tát hiện thân lại trong giai cấp khốn cùng để hỗ trợ Phật tuyên bày chân lý.

Tóm lại, tiến tu Bồ-tát hạnh theo kinh Hoa nghiêm, trải qua 52 cấp bậc, từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng cho đến Thập địa và viên mãn hạnh tu của Bồ-tát Thập địa thì đạt quả vị Bồ-tát Đẳng giác và tiến lên Bồ-tát Diệu giác. Bồ-tát Đẳng giác tương đương với Phật về trí tuệ, nhưng phải thành tựu phần diệu dụng giống như Phật mới ngang bằng với Phật là Diệu giác Bồ-tát, hay còn gọi là Bồ-tát Nhứt sanh bổ xứ. Đó là lộ trình thể nghiệm pháp tu của Bồ-tát từ nhân hướng quả để thành Phật theo kinh Hoa nghiêm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.