Vui tết, cảnh giác những kẻ 'phá đám' sức khỏe

Người dân đi chơi tết tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn
Người dân đi chơi tết tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
Tết là dịp gia đình đoàn tụ, bạn bè lâu ngày gặp gỡ... cũng là thời điểm mọi người dễ gặp các vấn đề sức khỏe do tâm lý lơ là, 'tết mà'.

Đặc biệt với người cao tuổi, những vấn đề này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Do đó cần phải dự phòng, không để những 'kẻ phá đám' làm tết mất vui.

Tiểu đường: Với người có tiền sửa tiểu đường, cần chuẩn bị thuốc uống hạ đường huyết (cho người tiểu đường týp 2). Nên luôn có sẵn dụng cụ thử đường huyết.

Bệnh tim mạch: Người bị bệnh tim mạch nên có sẵn thuốc bác sĩ chỉ định để sử dụng thường ngày, không bao giờ được ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Nếu đã bị cơn đau thắt ngực, nên có sẵn thuốc dãn mạch (như trinitrine) trong nhà để dùng. Trường hợp trước đây đã có sẵn những đợt suy tim, cũng cần có thuốc điều trị (như thuốc lợi tiểu tác dụng nhanh) để dùng kịp thời.

Tăng huyết áp: Mức huyết áp sẽ thay đổi theo sự hoạt động của cơ thể và thời gian trong ngày, dù ở nhà hay đi chơi xa cũng không nên bỏ thói quen đo huyết áp hằng ngày.

Uống thuốc kiểm soát huyết áp đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ, không được bỏ thuốc dù huyết áp có vẻ luôn ổn định.

Ngoài ra, cũng nên dự phòng tình huống bị một số rối loạn thông thường như: cảm sốt, khó tiêu đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, dị ứng do ăn uống, ngộ độc thực phẩm, chấn thương phần mềm, say rượu…

Cảm sốt: Nên có paracetamol hoặc các biệt dược có paracetamol để trị cảm sốt, đau nhức. Hoặc có thể áp dụng các biện pháp dân gian như sau.

- Cạo, đánh gió bằng dầu xoa, dầu gió. Cũng có thể dùng một củ gừng tươi, giã nhuyễn, vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho tới khi người nóng lên.

Lưu ý, chỉ nên cạo, đánh gió cho người lớn và không nên quá mạnh tay đến độ bầm tím; thực chất hiện tượng bầm tím mà một số người gọi là "có gió" chính là xuất huyết dưới da. Không nên cạo, đánh gió cho trẻ con vì có thể gây nhầm lẫn dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ.

- Dùng nồi xông với nắm lá xông chứa tinh dầu như lá sả, lá bưởi, lá ngũ trảo, ngãi cứu, lá bạch đàn…

- Dùng cháo giải cảm là cháo trắng thêm rau thơm như tía tô, kinh giới, vài lát gừng tươi, thêm nhiều hành, tiêu. Ăn khi cháo còn nóng và hít hơi nóng từ tô cháo càng nhiều càng tốt.

Khó tiêu đầy bụng: Khó tiêu đầy bụng là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày.

Nên quan tâm đến cách ăn uống để tránh chứng khó tiêu đầy bụng như ăn chậm, nhai kỹ, tạo không khí thoải mái trong bữa ăn, tránh dùng thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ, không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích quá đáng.

Có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước, hoặc xắt lát một củ, hòa với nước âm ấm uống.

Trong trường hợp bị trướng bụng do bí trung tiện (tức không đánh hơi được), ta có thể áp dụng biện pháp dân gian là dùng 1-2 tép tỏi giã nhỏ đắp lên rốn trong vòng 2 phút.

Có thể trữ thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi simethicon (Simelox) hoặc thuốc làm tăng nhu động dạ dày domperidon (Motilium-M), metoclopramid (Primperan) và dùng theo chỉ dẫn.

Nôn ói: Có nhiều nguyên nhân gây buồn nôn, nôn như ngộ độc thực phẩm (nôn được xem là phản ứng cần thiết loại chất độc ra khỏi cơ thể bằng đường miệng), do say tàu xe, máy bay.

Nếu đi chơi xa, có thể thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt sự kích thích dẫn đến say tàu xe bằng cách: ngồi ở chỗ thoáng mát, đầu tựa nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn quá uống quá no… Ta cũng có thể dùng gừng ngậm trong miệng để phòng chống nôn, say tàu xe.

Tiêu chảy: Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu nhiều lần trong ngày và lỏng (phân có khi chỉ là nước) do ruột tăng cường sự co thắt và nước không hấp thu qua niêm mạc ruột để vào máu mà bị thải ra ngoài.

Tiêu chảy cấp là triệu chứng do khá nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt trong dịp Tết, thường do nhiễm độc khuẩn thức ăn. Để phòng tránh tiêu chảy do nhiễm độc khuẩn thức ăn, nên nấu ăn cho từng bữa, thức ăn nấu chín cần ăn ngay, nếu thừa cho lần ăn sau phải đậy kỹ hoặc để trong tủ thức ăn thông thoáng và trước khi ăn phải nấu lại kỹ.

Cần thực hiện triệt để nguyên tắc: "Thức ăn loại nấu nếu để quá 6 giờ cần đun nấu lại kỹ mới được ăn, và nếu có mùi vị lạ cần hủy bỏ".

Do tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải nên trước khi tính chuyện cầm tiêu chảy, hãy dùng gói ORESOL.

Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc, dùng thuốc cầm ngay tiêu chảy sẽ không có lợi, cơ thể cần tiêu chảy tống chất độc ra khỏi cơ thể. Chỉ khi tiêu chảy kéo dài mới tính tới chuyện dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamid (Imodium….). Nếu tiêu chảy hơn 3 ngày, nên đi khám bác sĩ để định bệnh.

Cuối cùng, thế giới cũng như Việt Nam đang có dịch COVID-19. Vì vậy mọi người luôn nhớ 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.