Bèo nước tương phùng

Bèo nước tương phùng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vị thầy tôi gặp tình cờ trong thoáng chốc như bèo nước tương phùng, song đã thể hiện rất tuyệt nét đẹp của lòng bi, tính chân thành, phụng sự, vị tha. Tôi không nhớ mặt, không biết tên, thậm chí cũng không biết ông ở đâu...

Hồi ấy, vào khoảng giữa thập niên 1980. Tôi được mời dự lễ an vị Phật cho một gia đình nọ. Ông chủ nhà vốn là cán bộ, nghe kể trên tuyến đường giao thông, ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nên phát đại tín tâm, quy y theo Phật, thể hiện lòng biết ân sâu xa với đạo pháp, vì nhờ niệm Bồ-tát Quan Âm mà ông thoát nạn.

Người ta thỉnh chị Thủy và cô trụ trì Viên Chiếu đến an vị Phật cho họ. Tôi cũng được tháp tùng đi theo cho đủ bốn người. Người lái xe đón chúng tôi là con trai gia đình thí chủ. Mặt buồn hiu, ít nói. Chúng tôi lên xe, yên vị xong, mẹ em kể: "Thằng Hai nhà con cưới vợ mới được một tháng, đang sống hạnh phúc thì một hôm đi làm về, vào nhà, nó tìm vợ mãi không thấy. Nghĩ cô vợ tinh nghịch ẩn núp đâu đó như thường ngày cả hai cùng chơi đùa, nó tìm kiếm và phát hiện vợ nó nằm bất động dưới gầm giường, mình đầy máu… thế là nó quỵ xuống, choáng váng…

Vợ nó bị cướp giết, giấu xác dưới gầm giường. Nỗi đau mất vợ chưa xong, lại còn bị tình nghi giết vợ. Bị ngờ vực như vậy là chuyện thường tình, nhưng rồi sự việc cũng sáng tỏ, nhưng nó đau lòng và nhớ vợ nên mặt mày cứ dàu dàu...".

Nghe kể ai cũng xót xa. Tôi nhìn chú tài xế, hèn gì mà mặt mày áo não. Thế gian này có hạnh phúc nào trọn vẹn đâu? Mong là nỗi đau của chú sẽ dần dà nguôi ngoai.

Xe đi được một lúc thì dừng lại, chúng tôi gặp một vị Tăng, cũng được gia chủ thỉnh tới, từ bên chiếc xe khác đang bước xuống đường, mỉm cười chào chúng tôi và bàn chuyện với nữ gia chủ.

Vị Tăng độ bốn mươi, dáng vẻ bình thường, song đã để lại ấn tượng rất tốt, rất sâu nơi chúng tôi. Tôi nhìn ông trao đổi vài câu với gia chủ, mỗi cử chỉ đều toát lên vẻ hiền thiện, chân thành. Ông khiến người đối diện mang cảm giác mình đang giao tiếp với một bậc "vô ngã", khiêm cung, hết lòng với người.

Ông hướng dẫn chủ nhà tổ chức buổi lễ, chỉ bảo tỉ mỉ cách thức thỉnh sư, mà những vị sư được thỉnh có là ai khác đâu, ngoài nhóm Ni giới chúng tôi.

Lễ an vị được tổ chức trang trọng tôn nghiêm. Dân lân cận đến dự rất đông. Tụng kinh xong, chị Thủy phải thăng tòa thuyết pháp ngót hai tiếng. Vị Tăng vẫn đi tới lui hết lòng chỉ bảo, hướng dẫn gia chủ. Nhìn thầy có vẻ gì đó, tận tụy từ bi. Không hề có chút ý thức hay phô trương về mình. Ông khiến tôi có cảm giác ông không hiện hữu mà chỉ có chúng sinh, những người nơi đây hiện hữu. Những gì cần giúp thì ông hết lòng. Cũng chẳng thấy có gì chống trái khi Ni giới đăng đàn thuyết pháp còn ông là Tăng lại thầm lặng đi tới lui hướng dẫn.

Khi chị Thủy giảng, tôi thành người vô sự rảnh rang, nhưng tôi vẫn được hưởng mọi cúng dường ưu đãi như chị Thủy, tôi thấy tội nghiệp khi nhìn chị giảng toát mồ hôi, mặt xanh lè, gân cổ nổi lên, khô môi, nhọc hơi. Chị uống ly sinh tố bự thì tôi cũng hưởng tương đương. Có khác chăng là tôi thuộc dạng vô công thọ lộc... Tôi thoáng có chút xấu hổ, cảm giác mình công đức chưa đủ mà vẫn thọ hưởng tràn đầy. Đồ ăn ở đây ngon quá, mọi thứ rất tuyệt. Chủ nhà tiếp đãi thật nồng hậu, cư xử tế nhị, khéo léo. Chẳng biết đồ chay họ nấu hay mua mà rất ngon. Tôi thích nhất là đồ chay được dọn ra mang bầu không khí thanh thoát giống như ở chùa, không thoảng chút hơi đồ mặn như các nhà thế tục thường có.

Xong buổi lễ tôi đi quanh nhìn xem cách kiến trúc bài trí của gia chủ. Các phòng nào tường cũng ốp gạch men, vẽ hoa lên tới trần. Ông chủ nhà này từng là chủ tiệm vàng. Sau buổi lễ các bà các cô đang tụ hội ở phòng khách trên lầu, họ khoe nhau y phục, trang sức.

Cái túi xách đắt tiền làm bằng da cá sấu, cái bóp dát vàng lấp lánh…

Mọi thứ đều chứng tỏ gia chủ và thân hữu của họ rất giàu.

Tôi không chóa mắt vì sự giàu có của họ. Ai có cái phúc bất thường cũng hay có cái họa bất thường. Thế gian là vậy - Phúc họa luôn song đôi. (Như kinh Niết Bàn đã diễn tả, hễ có Công đức thiên là phải có Hắc ám).

Dạo ấy cuộc sống người dân phần đông vẫn còn túng bấn và chật vật.

Chùa cũng "tiên phong" trong nhịp quay này, thường phải giật gấu vá vai, thắt lưng buộc bụng.

Tôi đã tách ra ở riêng bên cốc, sống nhàn nhã hơn, không còn phải lao động nặng, tha hồ hưởng thú "thanh bần". Tuy vật chất thiếu thốn nhưng mà an lạc. Có nghĩa là tan lễ, tôi sẽ về lại cốc mình, sẽ xài tiết kiệm tối đa với một - hai lít dầu cho cả năm. Kinh tế khá thì ăn ngày ba bữa, không khá thì một bữa… chẳng đói là được rồi. Tôi cứ sống nhàn tản, không có gì để mất và không sợ mất gì. Buổi tối sau thời tụng kinh xong là cây đèn dầu trứng vịt được dụi tắt, đêm tha hồ tối thui, ngồi thiền đâu cần ánh sáng bên ngoài? Nhờ vậy chai dầu ít vơi, cứ còn để tôi xài hoài. Muốn nhen lửa nấu bếp thì đã có cỏ tranh, tôi chỉ cần nấu nồi cơm nhỏ, đợi cơm cạn, ụp rau vào hấp ké là xong. Vừa có món cơm vừa có rau. Nấu một lượt như vậy thiệt khỏe, chị Thủy mỗi lần đến thăm, thường bảo tôi làm giống kiểu cho heo ăn, vậy mà vẫn thấy hạnh phúc.

Hồi đó "gia tài sự nghiệp" của tôi chỉ có cái rương quần áo, trộm có lần vào cốc, cốc tối thui, nó đi loạng choạng bá cái rương đồ, hết hồn phải chạy khập khiễng trở ra, từ đó nó không thèm vào cốc tôi chôm chỉa nữa, bởi chẳng có gì để lấy.

Tôi nhập thất trong cốc, cửa mong manh, có hôm còn quên cài chốt. Khung tre thưa rỉnh, trăng sáng ngoài trời chiếu cả trong nhà, khỏi cần đèn. Cái gì mình không có thì xài ké của thiên nhiên… Nhưng hôm nay khi đi an vị Phật về, lòng tôi cảm thấy ấm áp hưng phấn, vì chủ nhà thật đôn hậu, tử tế. Còn vị Tăng lạ dù chỉ tương hội trong thoáng chốc nhưng khiến người cảm phục và nhớ mãi. Hoàn lễ, gia chủ thân hành tiễn chúng tôi hồi cố xứ. Trên đường về, chị Thủy hỏi nữ gia chủ: " - Cô kiếm đâu ra vị sư hay quá! Cung cách thiệt dễ thương, ổng ở đâu vậy?

- Dạ, con cũng không biết, hình như thầy ở miền Tây, tình cờ con gặp, rồi thầy thuận tiện chỉ bảo giùm. Nói thiệt, thầy mà ở gần đây chắc tụi con đeo theo quá cô ơi!

Tôi mỉm cười, đó là câu nói thực lòng. Vị thầy ấy không những đã làm Phật tử "nghiêng ngửa" mà cả chúng tôi cũng… nghiêng ngửa, song ông không hề hay biết. Xong lễ ông đã ra đi, lặng lẽ - "Như gió sớm không định hướng, như mây trời không định nơi"… Điều khiến con người ta nghiêng ngửa - Không phải tài năng, mà chính là lòng nhân và đức hạnh!

- Chúng sinh luôn có khuynh hướng đeo theo những ai tốt với mình, yêu thương mình - Cho dù ta xấu đến mấy, xấu đến cả thế gian này có thể ruồng rẫy ta, nhưng ta biết Phật chẳng hề từ bỏ mình, do vậy mà ta thích đeo theo Ngài… Ta có thể ái ngại, e dè khi đến với ai đó, nhưng với Phật thì không. Ta có thể đóng chặt cửa lòng, không cởi mở với ai, nhưng trước Phật ta có thể thố lộ hết, vì tin rằng Phật luôn từ ái với ta.

Nếu chúng ta yêu thương người giống như Phật yêu thương chúng sinh, thì có lẽ thế gian này nụ cười hiện hữu nhiều hơn nước mắt. Nhưng, tiếc thay, ta thích nương tựa mà không khéo làm điểm tựa cho người. Ta thiếu lòng bao dung, quan tâm, tha thứ… thiếu sự thành thật, vị tha…

Thiếu rất nhiều! - Ta xưng mình là con Phật, nhưng giống Ngài quá hiếm hoi! Nên những ai giống Phật - dù là chút ít, đều được chúng sinh đeo theo, vọng hướng.

Ta rao giảng những bài kinh đại bi, nhưng tim ta khô cằn lòng lân mẫn. Ta dạy phải thương hết tất cả chúng sinh, nhưng ta thương không nổi người bên cạnh. Ta có thể tốt cực kỳ với một người ở cách xa (tận bên kia nửa vòng trái đất), nhưng lại xử tệ với người gần ta. Phật dạy ta tương giao nên ái ngữ, nhu hòa, chân thật… nhưng ta chẳng để ý đến điều này, ta không ngần ngại buông lời thô ác khiến người đau lòng, phóng túng dối gian đến thành quen… Và chính những nhân gieo không tốt, những thói tật độc đoán, ích kỷ, lộng quyền đã khiến ta chiêu cảm sự cô đơn, bị người xa lánh… Nếu phật ý thì ta có thể trách móc hệt như Khuất Nguyên (trước khi nhào xuống sông tự vận ông đã rên rỉ):

"Đời đục cả, chỉ có mình ta trong!"… Chính cái tư tưởng cho "thiên hạ xấu, chỉ có riêng mình tốt" mới là tự hại, biến ta thành "đục", thiên hạ "trong"… Ta chẳng hề nhận ra rằng: - Mọi người đang phải chịu đựng ta, chứ không phải ta chịu đựng họ, bởi ta luôn vô tình làm người bên cạnh tổn thương, đau khổ… đến độ họ không dám thân cận, phải đứng xa ta để bảo vệ sự an ổn cho mình.

Vị thầy tôi gặp tình cờ trong thoáng chốc như bèo nước tương phùng, song đã thể hiện rất tuyệt nét đẹp của lòng bi, tính chân thành, phụng sự, vị tha. Tôi không nhớ mặt, không biết tên, thậm chí cũng không biết ông ở đâu, nhưng cách hành xử của ông vô hình trung đã lưu lại ấn tượng sâu sắc. Nhưng có gì đáng ngạc nhiên đâu, đứng trước một người nào đó thực sự yêu thương chúng sinh thì người ta hay nhớ mãi.

Viết đến đây trái tim tôi ấm lại. Bây giờ cuộc sống người dân đã khả quan hơn. Đất nước mấy mươi năm sau thời bình, đang trên đà phục hưng đổi mới. Tôi không phải mỏi mắt kiếm tìm một vì sao sáng trong đêm nữa, bởi bầu trời hiện có muôn vì sao lấp lánh. Bây giờ vẫn có biết bao tu sĩ hết lòng yêu thương chúng sinh - đã và đang, sẽ… còn mãi tiếp tục hiện diện để dìu dắt chúng sinh. Bằng chứng là những đạo tràng thanh tu đang phát triển rất mạnh, không ngừng hướng dẫn Phật tử đồng tu, tận tâm chia sẻ kiến thức đạo pháp, để họ cùng thực hành, chung hưởng niềm pháp lạc.

Mỗi lần nghe những đĩa kinh hoằng pháp, ngắm các Phật tử đến chùa nghe pháp, tham gia hội tu tập thể, lòng tôi vô vàn cảm động... Xin cảm ơn những đạo tràng thanh tu đã ban cho tôi niềm vui bất tuyệt, đã hoàn thành tốt trọng trách của người con Phật, góp phần làm đẹp cõi nhân gian. Cầu mong những đạo tràng này luôn tồn tại vững bền, phát huy mạnh mẽ, để nỗi khổ chúng sinh tiếp tục được xoa dịu, hạnh phúc trải rộng hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.