Rời Huế cổ kính với nhiều di tích của kinh đô một thời, cảnh sắc thiên nhiên đẹp như bức tranh màu nước. Thời gian ở Huế gắn với nhiều kỷ niệm thú vị: được hóa trang thành vua chúa, hoàng hậu ở Nhà hàng Cung Đình, dạo thuyền trên sông Hương ban đêm nghe ca Huế trong ánh sáng lung linh huyền ảo, thưởng thức đồ chay rất tuyệt của "kinh đô Phật giáo" khiến nhiều người lưu luyến đến… tương tư, câu chuyện cởi mở và ấm áp giữa các thành viên trong đoàn… Đoàn lại tiếp tục về Nam.
Đà Nẵng
Phái đoàn đến Đà Nẵng bằng xe, lúc trời đã sụp tối. Nhân viên Khách sạn Riverside nồng nhiệt đón chào chúng tôi. Khách sạn Riverside là cao ốc 12 tầng hướng ra biển, thang máy trong suốt được thiết kế nằm ngay mặt tiền, nên khi đi thang máy chúng tôi tha hồ ngắm toàn cảnh biển từ trên cao. Chúng tôi ở tầng sáu, nhưng chú Thịnh trong đoàn đã nhiệt tình giới thiệu cảnh Đà Nẵng và bấm cho thang lên tận lầu 12 để chúng tôi tha hồ ngắm cảnh cho mãn nhãn. Chúng tôi lưu lại đây ba đêm. Trong phòng, mỗi ngày khách sạn đều có tặng hai gói cà phê cho khách dùng miễn phí nhưng tôi không biết uống cà phê, đành chịu. Sáng nào chúng tôi cũng dùng điểm tâm nơi restaurant của khách sạn. Dù thức ăn chay ở đây không nhiều bằng Khách sạn Parkview tại Huế nhưng mỹ vị rất tuyệt. Tôi tưởng Đà Nẵng hiếm đồ chay, nhưng nếm qua thực đơn ở đây rồi thì cũng có thể xếp loại chỗ này đáng mặt "tể tướng đồ chay" lắm lắm. Tôi thích nhất món rau trộn ở đây, ngon cực kỳ. Hình như buổi sáng ở các khách sạn, thức ăn toàn là buffet, (khách tha hồ tự chọn, lấy dùng tùy thích). Yên chí là rau ở khách sạn luôn sạch và an toàn nên sáng nào tôi cũng ních ba dĩa rau trộn bự.
Giám đốc khách sạn là ông Nguyễn Quang Vinh, ngày nào cũng hỏi thăm chúng tôi: - Quý vị ngủ có ngon, ăn có vừa miệng không?...
Cả đoàn ai cũng khen ông dễ thương, còn trêu rằng ông chắc người ở thượng giới, vì chúng tôi đi khắp các khách sạn, chỉ duy nhất có mình ông là quan tâm hỏi thăm và ân cần đón nhận những lời góp ý. Tất nhiên chị Liên không bỏ qua cơ hội chọc ghẹo người lạ, ráng kiếm ra điều gì đó để phàn nàn, ông Vinh luôn tươi cười tiếp thu: - Dạ, vâng!...
Đêm đầu tiên, Trình giới thiệu ở Đà Nẵng có cầu quay sông Hàn, nửa đêm nhịp giữa sẽ tách ra xoay ngang để cho thuyền bè tiện việc qua lại, ai muốn ngắm thì ra xem. Nhưng chả ai chịu thức tới 12 giờ khuya.
Buổi sáng đầu tiên ở Đà Nẵng chúng tôi đi tham quan Ngũ Hành Sơn. Chị Cúc leo được nửa núi thì mặt xanh như tàu lá, khó thở, ói và suýt xỉu. Mọi người đều lo chị sẽ "nhập niết bàn" tại đây. Thế là chị đành dừng lại lưng chừng núi để dưỡng sức. Tôi thì không đến nỗi xỉu, ói như chị Cúc nhưng leo cao hết nổi, thế là tôi đành ngồi cạnh chị, nhìn mọi người leo núi đi tham quan khắp nơi.
Hôm sau chúng tôi đi Bà Nà. Tôi rất thích. Khi vào trong cáp treo, vừa hồi hộp vừa thú vị - vì cảm giác mình được lơ lửng trên không, tha hồ ngắm phong cảnh rừng cây, ghềnh đá, suối và các thác nước tuyệt đẹp phía dưới - cảnh đẹp đến độ chúng tôi không ngừng xuýt xoa và cứ mở to mắt nhìn, như muốn ngốn hết vào mắt. Hương tiếc rẻ không thể quay phim. Nhưng dù có quay phim hay chụp hình, thì những hình ảnh được ghi lại không thể nào tuyệt vời bằng toàn cảnh mình đang chiêm ngưỡng. Càng lên cao, lỗ tai tôi càng ù, nhỏ Hoa Phượng bày: - Cô uống một ngụm nước là hết ù ngay. Tôi làm theo, thật hiệu quả. Ngồi cáp treo chừng sáu cây số thì lên đến đỉnh núi.
Trên đỉnh Bà Nà dù nhiệt độ chỉ 22-23 nhưng lạnh buốt, vì gió thổi mạnh, áo chúng tôi bay phần phật. Thời tiết đang mùa bão nên không thấy ánh mặt trời. Mới đầu tôi không thấy Đại tượng Phật lộ thiên ngồi trên cao vì tượng Phật màu trắng bị mây sương bao phủ mịt mù. Sương giăng dày đến nỗi tôi có cảm giác nơi này giống cõi tiên. Nếu mọi người ở đây đều mặc y phục cổ trang, giắt sau lưng vài thanh kiếm, bảo đảm giống y.
Tôi thích khí hậu, nét thanh thoát và cảnh trí cực kỳ quyến rũ ở đây. Có lẽ cái gì không thể sở hữu, không thể với tới thì nó càng đẹp.
Lúc ngồi cáp treo đi xuống, tôi không thấy thú vị bằng đi lên, bởi không còn cảm giác háo hức, và có lẽ vì tôi phải chia tay Bà Nà.
Phố cổ Hội An
Đêm đầu tiên ở Đà Nẵng chúng tôi nhận được tin Lạt ma Hùng Kha (Hungkar) từ Mỹ qua thăm Việt Nam, đang dừng chân ở Hội An. Lạt ma Hùng Kha là vị cao tăng thánh đức, năm 1995 ngài được Đức Đạt-lai Lạt-ma ban lời nguyện trường thọ, từng khen ngợi như sau:
"Ngài là bậc đại tu chứng khéo văn tư tu… giáo pháp thâm diệu viên mãn của Đức Phật. Để lưu truyền Chánh pháp của đấng Điều Ngự trong tinh thần vô tranh, mong Tôn giả Hùng Kha trụ thế lâu dài như một bậc thành tựu thượng thặng vô song, tương tự như các vị Tổ đại pháp vương Longchenpa, Jigme Lingpa đã khai sáng Mật tạng… Nguyện đời ngài tiếp nối những tấm gương mà các bậc Đại pháp vương đã lưu truyền. Cầu chúc thọ mạng, sinh lực, oai đức phúc khí Tôn giả luôn tăng trưởng"…
Do vậy mà cả phái đoàn đều muốn đến thăm Lạt ma Hùng Kha. Tôi cũng tò mò muốn biết ngài ra sao? Lạt ma hiện đang ở Khách sạn The Nam Hai Hội An.
20h30, chúng tôi ghé The Nam Hai, ban đêm, khách sạn hiện ra đẹp huyền ảo lung linh nhờ những hồ nước phản chiếu màu xanh ngọc. Trong khách sạn xài toàn nến. Chủ nhân khách sạn này là người Mỹ nhưng thiết kế xây dựng là người Nhật. Khách sạn mang đầy tính chất thiên nhiên, thơ mộng, hữu tình.
Tất nhiên giá thức dùng ở đây đều tính bằng ngoại tệ. Chúng tôi bước vào khách sạn, phục vụ mang khăn lau mặt còn nóng ấm thoảng mùi hương sả. Vào đây ngồi mà không ăn uống gì thì kỳ, mà ẩm thực thì tiền tốn không nhỏ, chúng tôi bấm bụng gọi thức uống. Phần đông đều kêu nước suối, Hương còn làm sang, gọi cho tôi ly nước táo. Khi ngồi nơi bàn chờ, nó nhón một hạt điều nhai thử, tôi liền nhắc: - Tiền đô không đó, coi chừng!
Hương toét miệng cười, bỏ thêm một hạt điều nữa vào miệng. Chốc lát có phục vụ viên người Mỹ đến xổ một tràng tiếng Anh với Hương, nó điếc tịt, đực mặt nhìn…. Các Việt kiều bàn bên vội trả lời thay và chúng tôi cùng lên xe điện đi đến chỗ của Lạt ma.
Lạt ma Hùng Kha ở trong căn nhà bằng gỗ với hai vị sư tùy tùng (nghe nói cũng là những bậc hóa thân bốn - bảy đời gì đó). Hai vị sư đi kèm này một già một trẻ, vị già mặt rất hiền đức, vị trẻ nhìn hơi nghiêm. Còn Lạt ma Hùng Kha là người giản dị, hoan hỷ. Một điều tôi nhận thấy ở các vị Lạt ma là dù được sùng kính trọng vọng nhưng các ngài hoàn toàn không có ý thức tự ngã hay ra vẻ ta đây.
Lạt ma nói đôi điều về đạo, vui vẻ hứa sẽ dành buổi sáng để chúng tôi dùng cơm chung với ngài tại khách sạn.
Nhưng mỗi khẩu phần điểm tâm ở đây giá 50 đô. Tôi nói nhỏ với trưởng đoàn: - Chị Cúc ơi, dân Việt Nam cỡ tụi em không ai dám dùng điểm tâm sáng tới 50 USD đâu!
Chị Cúc cười: - Việt kiều như tụi này cũng không dám! Buổi sáng bên Mỹ mình cũng ăn có mấy đô hà!
Thế là chị gãi đầu, cười lỏn lẻn, thưa với Lạt ma: - Thầy ơi, dân Việt Nam tụi con bên đây túi tiền khiêm tốn, không ai dám dùng điểm tâm ở khách sạn cao giá nước ngoài … Lạt ma bật cười to - vì hiểu ra - tỏ vẻ rất đồng tình, cảm thông. Thế là bữa ăn chung được dời sang hôm sau tại một tiệm chay Việt Nam giá phải chăng. Và lần này chúng tôi được các đệ tử Việt Nam của Lạt ma khoản đãi. Dùng cơm xong chúng tôi sẽ cùng đi bộ, ngắm phố cổ Hội An.
Lạt ma dạo khắp phố cổ, ngài có vẻ thích thú. Tôi và Hương còn ráng dừng lại mua mười hai con giáp được làm bằng đất nung ở các tiệm ven đường, chúng dùng làm kèn thổi, âm thanh phát ra ngộ nghĩnh, rất to và hay.
Đi bộ chung, tôi cảm nhận Lạt ma bình dị, thân thiện, từ trường các ngài tỏa ra trong sáng, mát mẻ.
Hôm sau, dùng điểm tâm ở Khách sạn Riverside xong thì đoàn trả phòng, "rời bến". Giám đốc Nguyễn Quang Vinh và các nhân viên đồng ra trước khách sạn tiễn chúng tôi.
Chị Cúc mỉm cười ngâm:
Đoàn đi rồi giám đốc đứng ngẩn ngơ
Lặng lẽ ngó theo, mặt thẫn thờ…
Giám đốc bật cười, người đi kẻ ở cùng vẫy tay chào nhau. Phần tôi, dẫu có lưu luyến cũng không thể nói "See you again" (hẹn gặp lại), vì tôi biết đây là chuyến đi hãn hữu, hiếm có dịp tái lai.
(Còn tiếp)