Và mảnh đất vỏn vẹn 16.000m2 ấy còn là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử bi tráng, bi hùng của dân tộc Việt Nam.
Thành cổ được xây dựng từ năm 1809 dưới triều vua Gia Long, đến đời Minh Mạng được xây lại bằng gạch theo lối Vauban kiên cố. Qua thời nhà Nguyễn và cả thời Pháp thuộc, nơi đây từng là trung tâm hành chính, quân sự của tỉnh. Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, Thành cổ trở thành chiến địa khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Suốt 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9, bom đạn trút xuống như mưa. Trung bình mỗi mét vuông đất hứng chịu hơn ba tấn bom. Biết bao chiến sĩ đã ngã xuống nơi này phần lớn không ai biết tên, không ai tìm thấy hài cốt.
Trung tá Nguyễn Việt, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Bình Trị Thiên năm ấy đã từng nói trong một lần trở lại Thành cổ: “Ngày thứ 55 của trận chiến, tôi qua sông Thạch Hãn, đến từng chốt kiểm tra. Các em lính trẻ phần lớn mới ra trận lần đầu. Mặt vẫn còn nét học trò. Tôi chỉ nói một câu: ‘Chỉ cần vượt sông Thạch Hãn sang đây giữ chốt, các em đều xứng đáng được tặng huân chương.’ Nhưng nhiều em không sống để mang huân chương ấy về…”.1
Đã có những người thanh niên ra đi khi tuổi đời còn chưa kịp chạm ngưỡng đôi mươi, chưa một lần về phép, chưa kịp ngỏ lời yêu,… Họ đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đất mẹ. Họ đã chọn hiến dâng cả tuổi xuân rực rỡ mà không mong đền đáp để sống trọn vẹn cho lý tưởng: quê hương còn, Tổ quốc còn. Với họ, được lặng lẽ bám chốt, giữ thành, gìn giữ từng tấc đất, từng viên gạch… là một vinh dự thiêng liêng hơn mọi phần thưởng. Đó cũng chính là tính can trường, là tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ anh hùng, của một dân tộc anh hùng.
Chuyện kể rằng, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, trước khi ra trận, anh viết một bức thư gửi mẹ, dặn dò đầy yêu thương: “Nếu một mai con không trở về, mẹ đừng buồn. Mẹ hãy hãnh diện vì con đã sống trọn một đời trai, một đời chiến sĩ. Khi đất nước sạch bóng quân thù, mẹ hãy đến Thành cổ, nơi con yên nghỉ, để thấy tự hào: con đã hóa thân vào đất này”. Người chiến sĩ ấy đã hy sinh ở tuổi 22. Bức thư ấy được gia đình lưu giữ gần 30 năm trước khi hiến tặng Bảo tàng Thành cổ.
"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".
(Lê Bá Dương)
Giữa khói lửa chiến tranh, chùa Tỉnh Hội - Trụ sở Phật giáo tỉnh Quảng Trị đã trở thành nơi nương tựa tinh thần cho các chiến sĩ, đồng bào. Mái chùa ngói lợp thô sơ, bức tường lem dấu đạn - nơi ấy, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Ân Cần, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực,… đã âm thầm giữ ngọn đèn đạo. Chùa đã trở thành nơi trú ẩn, là trạm cứu thương cho các chiến sĩ. Giữa lằn ranh sinh - tử trong mưa bom bão đạn, một tiếng chuông ngân, một thời kinh cầu nguyện vang lên là bến neo cho tâm hồn của bà con trong đêm trường loạn lạc.
Giờ đây, chùa Tỉnh Hội vẫn đứng đó, lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông Thạch Hãn. Trong xao xác gió, tiếng chuông chùa ngân vang trong chiều vàng bảng lảng không chỉ khơi gợi sự thức tỉnh nơi mỗi con người mà còn là nơi để tìm về an trú của những vong linh chiến sĩ đã nằm lại dưới lòng sông. “Tôi không biết anh nằm ở đâu. Nhưng mỗi lần nghe chuông chùa, tôi lại thấy anh mỉm cười. Tôi hứa sẽ sống tốt… cho cả phần của anh nữa.”, bà cụ - vợ của một anh hùng liệt sĩ đã hy sinh nghẹn ngào.
Ngày 27-7 hàng năm, chính quyền, các đoàn thể, người dân lại trở về Thành cổ Quảng Trị, thắp hương tưởng niệm, tri ân. Phật giáo cũng đồng hành cùng dân tộc. Chư tôn đức cùng các Phật tử tổ chức các buổi lễ cầu siêu, thắp hoa đăng cầu nguyện bên dòng Thạch Hãn.
Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, không phải nghe tiếng bom giày đạn xéo, không bước qua chiến hào,… Lời biết ơn thế hệ ông cha đã ngã xuống để chúng ta có được ngày nay, nói biết bao nhiêu cho đủ? Cho nên tri ân không chỉ nên dừng lại ở tinh thần biết ơn mà còn phải thể hiện bằng sự tiếp nối lý tưởng sống cao đẹp, làm việc cống hiến, góp phần xây dựng quê hương và sống có trách nhiệm với chính mình.
Mảnh đất Thành cổ Quảng Trị thở bằng ký ức, thì thầm bằng xương máu. Những bức tường thành đã loang lổ vết bom đạn, gạch đá ngả màu thời gian hằn sâu vô số “vết thương” - là dấu tích của một thời khốc liệt đã qua. Và giữa Bảo tàng Thành cổ, bức ảnh chùa Tỉnh Hội âm thành hiển hiện không tiếng, không lời là chứng tích cho một niềm tin chưa từng tắt, rằng giữa tro tàn, vẫn có ánh sáng; giữa tận diệt, vẫn còn từ bi. Và cứ thế:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
---------------------------
1 Câu chuyện thành cổ của một cựu chiến binh - Báo Quân đội Nhân dân