Nhà tâm lý học và nữ diễn giả Delphine Py giải mã sự kết nối nền tảng này và chia sẻ những điểm then chốt để nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần bền vững. Bài được xuất bản trên báo Le Figaro của Pháp.
* Khi đề cập sức khỏe tinh thần, người ta nói đến điều gì?
- Delphine Py: Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa sức khỏe tinh thần như là một trạng thái khỏe mạnh thể chất, tinh thần và xã hội chứ không đơn thuần là không mắc các chứng rối loạn.
Không chỉ đơn giản là vấn đề về hạnh phúc hay những dịp vui, mà là sự cân bằng, riêng cho mỗi người, cho phép chúng ta tiến về phía trước một cách thanh thản trong cuộc sống.
* Bà có thể giải thích rõ hơn, sự cân bằng này là ở đâu?
- Đó là cảm giác cân bằng ngang hàng, không cảm thấy bị vượt qua bởi những gì xảy đến với chúng ta. Ví dụ, đôi khi chúng ta có thể bị căng thẳng vào lúc nào đó vì công việc, điều này có thể tích cực vì nó sẽ giúp chúng ta vượt qua giới hạn của mình. Nhưng nếu sự căng thẳng (stress) trở thành mãn tính, nó có thể phát triển rối loạn. Cuối cùng, nếu tình trạng này cứ mãi tiếp diễn, chúng ta bị bào mòn, dẫn đến kiệt sức. Cảm giác ngang hàng này không phụ thuộc vào cảm xúc khơi dậy hoặc điều kiện tạo tác, mà phụ thuộc vào ý nghĩa mà chúng ta đặt vào từng sự việc.
Có thể hình dung, làm một nghề nặng nhọc hoặc căng thẳng là gánh nặng nếu chúng ta quy vào bổn phận. Nhưng nếu chúng ta linh hoạt một trong những giá trị của mình - cho gia đình, để chia sẻ, xây dựng hoặc thậm chí là sự tò mò - thì ngay cả khi có khó khăn, công việc này cũng sẽ mang một ý nghĩa và nhận thức về nó sẽ thay đổi. Đây chính là sức khỏe tinh thần: một sự cân bằng giữa những gì chúng ta làm và ý nghĩa mà chúng ta gán cho công việc đó.
* Những điều gì là cốt lõi của một sức khỏe tinh thần tốt?
- Đầu tiên là mối quan hệ chặt chẽ giữa thân và tâm. Cái này ảnh hưởng liên tục đến cái kia. Để có sức khỏe tinh thần tốt, bạn cần có sức khỏe thể chất tốt, và ngược lại. Ví dụ, trạng thái lo lắng có xu hướng làm rối loạn giấc ngủ, khiến người ta cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh. Ngược lại, giấc ngủ hồi phục cho phép chúng ta tiếp cận các tình huống trong cuộc sống theo cách tích cực và còn hơn thế nữa. Tập thể dục giúp điều chỉnh cảm xúc và làm bạn thư giãn. Nhưng khi chúng ta cảm thấy không khỏe, nội lực sẽ bị thiếu hụt và cuối cùng, nó sẽ gây ra ảnh hưởng lâu dài. Sự chuyển dịch giữa thân và tâm, hoặc theo vòng lẩn quẩn tai hại hoặc theo vòng lành mạnh.
Ngoài ra, sức khỏe tinh thần của chúng ta còn lệ thuộc vào khả năng tận hưởng cuộc sống và biết cách vươn lên khi gặp khó khăn. Không thể có con đường sống bằng phẳng. Mọi người đều trải qua những biến động với thử thách và đau khổ. Điều quan trọng là khả năng huy động nguồn lực bên trong của chúng ta để hướng tới sức khỏe tinh thần tốt. Khả năng này phụ thuộc vào di truyền, môi trường, thói quen trong cuộc sống và cả sự tập luyện khả năng này.
* Vậy theo bà, sức khỏe tinh thần là một trạng thái có thể học được phải không?
- Chính xác! Hãy lấy ví dụ về sức khỏe thể chất. Chúng ta luôn luôn được dạy phải chăm sóc cơ thể mình. Chơi thể thao, đánh răng, đi khám bác sĩ, đều là những thói quen đã ăn sâu vào chúng ta. Ngược lại, chúng ta chưa bao giờ được dạy phải chú ý đến sức khỏe tinh thần của mình. Khái niệm này thậm chí còn rất mới vì bước ngoặt đã xảy ra trong thời gian cách ly năm 2020, vào thời điểm đại dịch Covid-19. Khi chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của chứng rối loạn lo âu và trầm cảm, chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị khích lệ chúng ta. Cũng giống như cách chúng ta học cách chăm sóc cơ thể vật lý, chúng ta cũng có thể học cách chăm sóc sức khỏe tinh thần.
* Làm thế nào để phát triển khả năng chăm sóc bản thân một cách tự nhiên?
- Trước hết, bạn phải cảm thấy mình chính đáng trong tiến trình này và thực sự tin một cách chân thành rằng việc chăm sóc sức khỏe là quan trọng. Sau đó, chúng ta phải tự hiểu để phát hiện xem cảm xúc của mình là phản ứng đối mặt với một tình huống hay đó là cách chúng ta diễn giải về tình huống đó. Có phải một nỗi buồn gợi lên khi một người bạn chậm gọi lại, là cảm xúc đáp lại ý của bạn tránh xa chúng ta, hay chỉ đơn giản là sự im lặng? Điều quan trọng cần nhớ là bạn không cần phải đợi đến khi sức khỏe tinh thần của bạn suy yếu mới bắt đầu chăm sóc nó mà hoàn toàn ngược lại! Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
* Những hành động đơn giản nào để phòng hộ sức khỏe tinh thần?
- Có một số bài tập tác động đến thân và tâm, và có thể dễ dàng tích hợp trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, để học cách điều hòa cảm xúc, sự liên kết với tim là rất hiệu quả. Mỗi ngày, trong các buổi tập kéo dài năm phút, việc thực hành thở đều đặn giúp cân bằng hệ thần kinh đối giao cảm, giúp thư giãn, và hệ thần kinh giao cảm, liên quan đến hành động. Ngay lập tức, chúng ta đạt đến giai đoạn dễ chịu về cảm xúc, kéo dài từ một đến hai giờ. Nhưng lợi ích còn hơn thế nữa, vì khi luyện tập thường xuyên, chúng ta sẽ nhận thấy hiệu quả tổng thể trên cảm xúc, với những căng thẳng và chất lượng giấc ngủ.
Chánh niệm là một bài tập khác nhằm giúp chúng ta thoát khỏi cuộc sống bận rộn và chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại. Nguyên tắc là tập trung làm lắng dịu năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Thôi suy tư về những gì đã qua và không băn khoăn dự đoán những tình huống sắp đến, từ đó chúng ta tránh kích động cảm xúc, neo mình vào hiện tại và bình thản với những gì đang có (dù là cảm xúc dễ chịu hay không). Cuối cùng, cho phép mình nghỉ ngơi bằng cách ngồi trên ghế sofa và đọc sách, đó cũng là một cách tự chăm sóc mình.
(Cao Huy Hóa dịch)
Nguồn: Bài phỏng vấn trên Le Figaro.fr ngày 10-3-2025: “Pour avoir une bonne santé mentale, il faut une bonne santé physique, et inversement”.