Có thể nói rằng ánh sáng góp phần tạo ra sự sống và phát triển cho muôn loài. Bài viết này, chúng tôi phân tích vai trò của ánh sáng đối với sức khỏe con người.
Các chu kỳ ánh sáng mặt trời, mặt trăng điều chỉnh phần lớn nhịp sinh học của sự sống trên trái đất. Sự phát triển của xã hội loài người ngày càng cô lập và đảo lộn với các nguồn ánh sáng tự nhiên này. Do điều kiện sống cải thiện, chế độ dinh dưỡng, làm việc dưới ánh sáng nhân tạo đã khiến nhiều người tin rằng sinh học của con người hoạt động độc lập với các chu kỳ ánh sáng tự nhiên. Liệu đây có phải là sự ngộ nhận?
Ánh sáng mặt trời
Các nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò chủ đạo của đồng hồ sinh học trong việc duy trì các chức năng sinh lý cơ thể. Thời gian thức-ngủ được thiết lập bởi một chương trình bên trong cơ thể mà ánh sáng mặt trời là tín hiệu điều khiển.
Các sinh hoạt đi ngược nhịp sinh học ngày đêm sẽ gây tổn hại nghiêm trọng nhiều cơ quan như hệ miễn dịch, sinh sản, tiêu hóa, xương khớp, nội tiết, thận và tim mạch. Đồng thời việc này cũng góp phần gây ra các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, béo phì, trầm cảm, rối loạn cảm xúc và giấc ngủ.
Ánh sáng mặt trời giúp cơ thể sản xuất ra vitamin D. Lượng vitamin D tạo ra tỷ lệ thuận với thời gian cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Thiếu vitamin D là bệnh lý phổ biến nhất với tỷ lệ hiện mắc trên 50% dân số thế giới. Nguyên nhân hàng đầu của bệnh thiếu vitamin D là do ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Điều này do lối sống và công việc tránh các hoạt động ngoài trời, mặc trang phục che kín cơ thể hoặc sử dụng kem chống nắng. Hiện nay, chúng ta thường dành khoảng 88% thời gian trong các tòa nhà kín, tránh ánh sáng tự nhiên. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng ít tiếp xúc với ánh nắng.
Hàng loạt khảo sát đã chứng minh vai trò không nhỏ của vitamin D đối với nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Thiếu vitamin D có liên quan đến nhiều bệnh tật như: tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh thận mạn, bệnh lao, bệnh truyền nhiễm, ung thư…. Và thậm chí, thiếu vitamin D còn liên quan đến tỷ lệ tử vong chung ở người trưởng thành.
Người trưởng thành cần 800 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Tắm nắng toàn bộ cơ thể 10-15 phút giữa ngày hè hoặc phơi nắng đến khi da ửng đỏ tương đương với uống 15.000 đơn vị vitamin D (cholecalciferol). Trên cơ sở đó, tắm nắng vùng mặt, tay và bàn tay (chiếm khoảng 15% bề mặt cơ thể) trong 5-15 phút, mỗi tuần 4-6 lần cũng tạo được 1.000 đơn vị vitamin D.
Tắm nắng trong thời gian ngắn cũng có hiệu quả sản sinh vitamin D. Tăng diện tích da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp giảm thời gian cần tắm nắng. Thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên dưới một nửa lượng thời gian cần thiết cho da chuyển sang màu hồng để tránh những tổn thương cho da. Mặt trời phải chiếu sáng trực tiếp trên da mà không bị chặn bởi kem chống nắng, kính và các sản phẩm nhựa thì khả năng tổng hợp vitamin D mới hiệu quả.
Ánh sáng mặt trăng
Mặt trăng từ lâu được cho là có ảnh hưởng đến hành vi và sinh lý của con người. Melatonin và các chất steroid nội sinh có thể gây ra các thay đổi theo chu kỳ trong cơ thể tương ứng với chu kỳ mặt trăng. Melatonin ngoài việc lợi cho giấc ngủ, còn giúp giảm stress oxy hóa, hiện tượng viêm, giảm protein niệu và tổn thương thận tiến triển. Sản xuất melatonin bị sụt giảm do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và mặt trăng.
Những đêm sáng trăng, đặc biệt là ba ngày quanh trăng tròn thường thúc đẩy các công việc về đêm, săn bắt hoặc du lịch. Do đó, giấc ngủ ban đêm của con người bị giảm theo vào khoảng thời gian này. Thời gian ngủ ít sẽ gây hưng cảm ở bệnh nhân rối loạn tâm thần và cũng có thể làm tăng nguy cơ co giật động kinh.
Ánh sáng mặt trăng ảnh hưởng đến sự biểu hiện của gen điều hòa nhịp sinh học và các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Có mối tương quan của tần suất cơn đau quặn thận với các giai đoạn mặt trăng. Tỷ lệ mắc bệnh này được ghi nhận cao nhất vào khoảng trăng tròn (ngày 14–17 âm lịch). Có lẽ chu kỳ âm lịch ảnh hưởng đến cân bằng chất lỏng và nồng độ của nước tiểu, ảnh hưởng đến chức năng thận và tần suất của cơn đau quặn thận.
Ánh sáng nhân tạo
Ánh sáng nhân tạo ra đời cách đây khoảng 200 năm. Nó đã chấm dứt sự phụ thuộc của con người vào mặt trăng như một nguồn ánh sáng ban đêm duy nhất. Khoảng 75% dân số thế giới tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm. Ánh trăng hay ánh sáng nhân tạo đều có khả năng kích thích hoạt động về đêm và ức chế giấc ngủ. Xã hội công nghiệp với các nguồn ánh sáng nhân tạo phổ biến, cho phép con người điều chỉnh chế độ ngủ - thức theo nhu cầu. Ánh sáng nhân tạo có thể ức chế giấc ngủ dẫn đến việc đi ngủ muộn và thời gian ngủ ngắn hơn.
Đáng chú ý, các nguồn sáng nhân tạo đã và đang thay đổi cường độ tăng đến 20% mỗi năm. Các thiết bị điện tử cá nhân cũng là nguồn sáng nhân tạo phổ biến. Thành phần quang phổ các nguồn sáng nhân tạo khác biệt so với ánh sáng mặt trời hoặc mặt trăng. Các thiết bị này phát ra ánh sáng xanh lam đơn sắc. Các tế bào võng mạc đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng ở bước sóng này, gây giảm sản xuất melatonin về đêm. Dùng các thiết bị điện tử cá nhân ban đêm sẽ làm chậm giấc ngủ, giảm sự tỉnh táo vào sáng hôm sau. Việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trong thời gian ngắn vào ban đêm cũng gây ra sự thay đổi đáng kể trong nhịp sinh học, dẫn đến các hành vi cáu kỉnh, lo lắng, trầm cảm, giảm trí nhớ, giảm hiệu quả học tập, làm việc.
Tóm lại, trong cuộc sống hiện đại, chúng ta ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày nhưng lại tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm. Hậu quả làm rối loạn nhiều quá trình sinh học của cơ thể và tác động xấu đến sức khỏe. Mặt trời và mặt trăng không chỉ được nhắc tới trong truyền thuyết hay y học cổ truyền do có liên quan đến sức khỏe. Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh ảnh hưởng của ánh sáng đối với sức khỏe con người, đôi khi có thể sử dụng chúng như một phương pháp điều trị.