Chu kỳ mặt trăng và sức khỏe

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Mặt trời và mặt trăng tạo ra các chu kỳ ánh sáng tự nhiên cho Trái đất. Sự chuyển đổi ngày - đêm và chu kỳ mặt trăng giúp sinh vật sinh trưởng, tiến hóa qua cơ chế nhịp sinh học.

Chu kỳ mặt trăng tạo ra các thay đổi ánh sáng ban đêm ảnh hưởng đến loài sống về đêm lẫn ban ngày. Nó gây hàng loạt các tác động lên mô hình giấc ngủ, sinh sản, thậm chí sự sinh tồn. Bài viết này chúng tôi làm rõ vấn đề liên quan giữa chu kỳ mặt trăng và sức khỏe.

Sức hút mặt trăng: Thần thoại hay khoa học?

Mặt trăng gây ra nhịp sinh học với độ dài chu kỳ hàng tháng hoặc nửa tháng. Các nghiên cứu thực nghiệm có hệ thống về vấn đề này chỉ mới thực hiện từ đầu thế kỷ XX. Các nhà khoa học đã làm sáng tỏ giữa niềm tin thần thoại và sự thật khoa học về ảnh hưởng chu kỳ mặt trăng lên sinh vật.

Thuật ngữ “lunacy” bắt nguồn từ chữ Luna - tên nữ thần Mặt Trăng của La Mã. Thuật ngữ này đã được sử dụng từ thời cổ đại để giải thích các vấn đề liên quan đến hành vi và sức khỏe tâm thần. Văn hóa dân gian, thậm chí truyền thuyết như người sói cho thấy rằng các hành vi của con người và động vật đều bị ảnh hưởng bởi các giai đoạn mặt trăng. Hiện tượng giun Palolo sinh sản hàng loạt trong quý cuối cùng của năm âm lịch là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất.

Hiện tại, cơ sở khoa học cho những ảnh hưởng của chu kỳ mặt trăng lên người còn đang được nghiên cứu. Kết quả ban đầu cho thấy, khoảng thời gian xung quanh trăng tròn có liên quan đến việc gia tăng rối loạn giấc ngủ, co giật, các biến cố tim mạch và vấn đề về tâm thần.

Mặt trăng có tác động đến thể chất?

Các hoạt động sinh lý của con người và động vật phụ thuộc vào nhịp sinh học. Mặc dù nhịp sinh học theo mùa và nhịp sinh học theo ngày đã được mô tả khá đầy đủ, nhưng người ta vẫn chưa hiểu hết về tác động của chu kỳ mặt trăng đối với hành vi và sinh lý của con người.

Chu kỳ mặt trăng có ảnh hưởng đến sinh sản của con người, cụ thể là kinh nguyệt và tỷ lệ sinh. Một số nghiên cứu ghi nhận tình trạng nhập viện cấp cứu vì nhiều nguyên nhân khác nhau như đau tim, xuất huyết, tiêu chảy, bí tiểu có mối tương quan với các tuần trăng. Ngoài ra, các sự kiện liên quan đến hành vi của con người như tai nạn giao thông, tội phạm và tự tử cũng có liên quan với chu kỳ mặt trăng. Tuy nhiên, một số báo cáo khác lại không tìm thấy mối tương quan giữa chu kỳ mặt trăng với sự sinh sản của con người hay tình trạng nhập viện cấp cứu.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy chu kỳ mặt trăng có ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý. Ở côn trùng, chu kỳ mặt trăng tạo ra những thay đổi nội tiết tố trong quá trình sinh sản. Ở cá, “đồng hồ” mặt trăng cũng ảnh hưởng đến sinh sản, nó liên quan đến trục nội tiết tố “dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục”. Ở chim, các thay đổi hàng ngày về melatonin và corticosterone biến mất vào những ngày trăng tròn.

Các biến đổi theo chu kỳ về phản ứng miễn dịch của chuột và hồng cầu cừu liên quan đến các giai đoạn của mặt trăng cũng được mô tả. Người ta cho rằng melatonin và các chất steroid nội sinh có thể là trung gian cho những thay đổi sinh lý. Việc giải phóng các chất nội tiết - thần kinh (neurohormone) có thể được kích hoạt bởi bức xạ điện từ và/hoặc lực hấp dẫn của mặt trăng. Cơ chế ảnh hưởng của mặt trăng đối với con người và động vật vẫn còn đang được khám phá thêm.

Trên phương diện thiên văn và địa chất, mặt trăng tạo ra lực hấp dẫn đối với trái đất. Lực hấp dẫn này không giống nhau ở các giai đoạn của tháng âm lịch: trăng non, trăng một phần tư, trăng tròn và trăng ba phần tư. Điều này thể hiện qua biên độ thủy triều khác nhau trong các giai đoạn mặt trăng. Cơ thể người có khoảng 60-70% trọng lượng là nước. Lực hấp dẫn của mặt trăng có thể ảnh hưởng đến các khoang chứa chất lỏng trong cơ thể con người. Do đó hệ thống tim mạch có thể bị ảnh hưởng đầu tiên. Qua nghiên cứu, nhịp tim khi nghỉ ngơi, huyết áp, và chỉ số thể chất có biến đổi trong những giai đoạn của tháng âm lịch.

Các loài linh trưởng bao gồm cả con người có chu kỳ nội tiết với tính định kỳ hàng tháng. Nổi bật nhất là chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Nó gần như chính xác với chu kỳ của tháng âm lịch (29,5 ngày). Các nghiên cứu cũng cho thấy chu kỳ nội tiết tố cũng xảy ra tương tự ở nam giới. Ngoài ra, chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ cũng có liên quan đến giấc ngủ: chất lượng giấc ngủ kém hơn trong giai đoạn tiền kinh nguyệt và kinh nguyệt.

Vấn đề những thay đổi của mặt trăng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt đã có nhiều tranh luận trong nhiều năm, và đã từng bị bác bỏ. Tuy nhiên, chu kỳ mặt trăng chịu trách nhiệm điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt đã được các nhà y học quan tâm trở lại từ cuối thế kỷ XX. Các bằng chứng khoa học cũng được đưa ra để làm sáng tỏ vấn đề này.

Nghiên cứu gần đây khảo sát mối liên quan với việc sinh nở cho thấy chu kỳ mặt trăng không ảnh hưởng đến tổng số lần sinh ở phụ nữ. Tuy nhiên, thời điểm sinh thì có liên quan đến chu kỳ mặt trăng. Theo đó, các ca sinh nở xảy ra thường xuyên hơn vào ban đêm lúc trăng tròn so với các thời điểm khác trong tháng. Ngược lại, những trường hợp sinh con vào ban ngày thường gặp hơn vào khoảng thời gian trăng non.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và giấc ngủ

Mặt trăng (luna) có trong từ tiếng Đức “Laune” (tâm trạng). Từ điển Oxford giải thích từ Latinh cũ “lunaticus” đã tạo thành chữ “lunatique” trong tiếng Pháp hoặc “lunatic” trong tiếng Anh. Tất cả thuật ngữ này nhằm chỉ một số người biểu hiện các triệu chứng của bệnh tâm thần hoặc thay đổi tâm trạng theo chu kỳ.

Vào khoảng trăng tròn, sóng delta lúc ngủ biểu hiện trên điện não đồ (EEG) giảm 30%. Đây là biểu hiện sụt giảm về giấc ngủ sâu. Những đêm trăng tròn, thời gian đi vào giấc ngủ kéo dài thêm 5 phút và tổng thời gian ngủ được đánh giá bằng điện não đồ giảm 20 phút. Đây là bằng chứng cho thấy nhịp mặt trăng có thể điều chỉnh cấu trúc giấc ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Giảm thời gian ngủ sẽ gây hưng cảm ở bệnh nhân rối loạn tâm thần và có thể làm tăng nguy cơ co giật động kinh. Suy giảm giấc ngủ lặp lại hàng tháng có thể hình thành mối liên quan giữa chu kỳ mặt trăng và sức khỏe tâm thần.

Melatonin là chất nội tiết liên quan đến điều hòa giấc ngủ do cơ thể tiết ra vào buổi tối. Các khảo sát cho thấy mức melatonin thấp hơn đáng kể vào khoảng thời gian trăng tròn so với khoảng thời gian khác trong tháng. Một bài báo gần đây đã báo cáo rằng chu kỳ giấc ngủ ở con người dao động trong chu kỳ 29,5 ngày âm lịch. Theo đó, con người đi ngủ muộn hơn và giấc ngủ ngắn hơn vào những đêm trước khi trăng tròn, hoặc khi có ánh trăng vào những giờ sau hoàng hôn.

Vũ trụ có mặt trời và mặt trăng phân chia ngày - đêm. Con người không chỉ tuân theo nhịp điệu của đồng hồ sinh học mà còn theo các chu kỳ được tạo ra bởi mặt trời (theo ngày và theo mùa) và mặt trăng (theo tháng). Các bằng chứng khoa học sẽ làm sáng tỏ niềm tin thần thoại rằng mặt trăng ảnh hưởng lên sức khỏe. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận một sự thật: mặt trăng ở trên cao, con người ở dưới thấp và chúng ta tiếp nhận ánh sáng của mặt trăng theo chu kỳ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.