Bài trên Báo Giác Ngộ số 1140 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Các triệu chứng thường gặp như mệt mỏi, đau cơ, đau khớp và các bệnh lý thần kinh - cơ. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ này lên đến 50-60% bệnh nhân Covid-19, và được xếp vào nhóm triệu chứng thường gặp nhất. Điều đáng lưu ý, các triệu chứng đau cơ xương khớp không chỉ xuất hiện trong giai đoạn nhiễm SARS-CoV-2 mà còn kéo dài dai dẳng ở giai đoạn sau nhiễm Covid-19.
Đau cơ xương khớp ở bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện khá thay đổi và đa dạng. Một số bệnh nhân bị đau cơ xương khớp trong thời gian ngắn và thoáng qua; trong khi một số khác lại bị đau cơ xương khớp kéo dài thậm chí dai dẳng và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.
Đau cơ xương khớp ở bệnh nhân Covid-19 thường xuất hiện sớm trong quá trình bệnh. Hầu hết các triệu chứng này không nguy hiểm, không đặc hiệu, thậm chí là triệu chứng xuất hiện đầu tiên trước các triệu chứng hô hấp khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Đau cơ xương khớp phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới và có liên quan đến độ nặng ở bệnh nhân Covid-19. Một số bệnh nhân có bệnh nền kèm theo như đái tháo đường khi bị Covid-19 có biểu hiện hoại thư chi, thường gặp ở ngón chân (nên được gọi với thuật ngữ “ngón chân Covid-19”), tụ máu hay các vết loét do tì đè.
Vì sao nhiễm Covid-19 lại gây đau cơ xương khớp?
Tế bào phế nang ở phổi đóng vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp của cơ thể. Tế bào phế nang bị tổn thương sẽ làm suy hô hấp, thiếu hụt oxy cung cấp cho các hoạt động trong cơ thể, kéo theo sự suy yếu các hệ thống và cơ quan khác, trong đó có hệ thần kinh và cơ xương khớp.
Ngoài ra, nhiễm vi-rút sẽ kích hoạt trạng thái viêm toàn thân, phóng thích các hóa chất trung gian gây viêm, làm tắc nghẽn mạch máu, gây các vấn đề về rối loạn tuần hoàn. Do đó cũng gián tiếp tác động đến sự chuyển hóa của hệ cơ xương khớp. Mặt khác, phản ứng viêm tác động tiêu cực đến hệ thống cơ xương khớp. Điều này có thể lý giải vì sao Covid-19 có thể gây ra các biểu hiện như đau cơ, yếu cơ, viêm khớp hay các biểu hiện trên hệ thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất khứu giác, vị giác...
Ngoài ra, các triệu chứng như đau cơ, yếu cơ và đau đầu có thể khiến người bệnh không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, các triệu chứng như yếu cơ có thể dẫn đến các biến chứng như teo cơ và co rút về lâu dài gây ra các di chứng và khuyết tật vận động.
Đau cơ xương khớp hậu Covid-19
“Hậu Covid-19” là một thuật ngữ được các nhà khoa học sử dụng để mô tả các tác động lâu dài của Covid-19 ở những người đã nhiễm SARS-CoV-2. Mặc dù người bệnh đã không còn vi-rút trong cơ thể nhưng vẫn biểu hiện các triệu chứng kéo dài hơn. Các triệu chứng thường được báo cáo ở những bệnh nhân này bao gồm mệt mỏi (53%), khó thở (43%), đau khớp (27%) và đau ngực (22%).
Có nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân Covid-19 có các vấn đề cơ xương khớp 1 tháng sau khi xuất viện. Các vấn đề cơ xương khớp hậu Covid-19 phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, đau lưng, đau khớp, đau cơ và đau cổ. Điều quan trọng là các triệu chứng này xuất hiện dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ, khiến người bệnh khó chịu.
Mặt khác, một số thuốc được sử dụng trong điều trị Covid-19 có thể ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp. Liệu pháp hiện tại cho Covid-19 bao gồm các loại thuốc như thuốc kháng vi-rút và corticosteroid. Mặc dù ít gặp, nhưng y văn đã có ghi nhận bệnh nhân bị đau khớp và đau cơ xương khi sử dụng thuốc kháng vi-rút. Việc sử dụng corticosteroid trong điều trị bệnh nhân Covid-19 khá phổ biến, đặc biệt ở những bệnh nhân nặng hay có bệnh lý nền đi kèm. Sử dụng corticosteroid kéo dài, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị bệnh nặng, sẽ gây nhiều tác dụng phụ trên xương, bao gồm các liên quan đến chứng hoại tử xương, giảm mật độ khoáng của xương (BMD) và loãng xương hoặc cũng có thể dẫn đến teo cơ và yếu cơ.
Tóm lại, các triệu chứng cơ xương khớp hậu Covid-19 cần sử dụng thuốc và cả phục hồi chức năng chỉnh hình. Bệnh nhân nên được thăm khám và có chiến lược điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Việc phát hiện, theo dõi và xử trí kịp thời các triệu chứng là điều quan trọng để giảm thiểu các khuyết tật tiến triển và di chứng lâu dài, đồng thời giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường.