Một ngày có ba buổi: sáng, trưa, tối, thì ắt phải có ba bữa ăn theo ba buổi của trời đất. Nếu số bữa ăn ít đi thì chuyện ăn xem như khác thường.
Tuy nhiên, sự khác thường có vẻ như càng ngày càng dễ thấy hơn, ngay ở nước ta. Một hiện tượng lặng lẽ, thanh thản chỉ có trong Phật giáo: tôi muốn nói đến những vị sư trong các chùa Nam tông, ăn mỗi ngày một bữa trước ngọ, theo truyền thống từ thời Đức Phật. Thời đó, Đức Phật cùng Tăng đoàn của Ngài, sáng tinh mơ đi vào xóm làng hay thị tứ để hoằng pháp và khất thực, rồi về tụ hội tại một trú xứ hay một gốc cây nào đó, thọ thực trước ngọ.
Nhiều người cứ đinh ninh rằng, quý sư chẳng qua vì tu mà chịu khổ (!?), ai ngờ thời đại văn minh tột bậc ngày nay lại có nhiều vấn nạn toàn cầu khiến các nhà lãnh đạo và giới khoa học lo lắng cho sự tồn vong của trái đất và sức khỏe của con người và chúng sinh: đó là sự tàn phá thiên nhiên, đó là màu xanh trái đất giảm đi, đó là con người ăn phóng túng và tham lam, đó là nạn đói và thiếu dinh dưỡng… nên đặt lại từ căn cơ, trong đó có chuyện ăn. Nhiều giải pháp được đặt ra: ăn đúng mực, ăn ít lại, ăn cân bằng.
Bởi vậy mà một vị bác sĩ - tiến sĩ ở Nhật, một chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe trở nên nổi tiếng nhờ phương pháp… nhịn ăn!
Nhiều người cứ đinh ninh rằng, quý sư chẳng qua vì tu mà chịu khổ (!?), ai ngờ thời đại văn minh tột bậc ngày nay lại có nhiều vấn nạn toàn cầu khiến các nhà lãnh đạo và giới khoa học lo lắng cho sự tồn vong của trái đất và sức khỏe của con người và chúng sinh: đó là sự tàn phá thiên nhiên, đó là màu xanh trái đất giảm đi, đó là con người ăn phóng túng và tham lam, đó là nạn đói và thiếu dinh dưỡng… nên đặt lại từ căn cơ, trong đó có chuyện ăn.
Bác sĩ Yoshinori Nagumo đã quảng bá cách ăn, mỗi ngày ăn một và chỉ một bữa, và ông vẽ ra tương lai tươi sáng: bớt béo phì, cơ thể đẹp hơn và sống thọ hơn. Ông nâng chuyện ăn “khổ” như thế thành nghệ thuật, và ông đã cho xuất bản trên thế giới cuốn sách mà ông là tác giả: L’art japonais du jeûne (Nghệ thuật nhịn ăn).
Nhịn ăn mà nghệ thuật, vậy thì người đọc chắc cũng được trấn an.
Bác sĩ Yoshinori Nagumo là người tiên phong phát triển khái niệm nhịn ăn Nhật Bản bằng cách kết hợp các nguyên tắc nhịn ăn cách quãng với truyền thống ăn uống điều độ của Nhật Bản.
Trái ngược với các phương pháp nhịn ăn nghiêm ngặt khác, cách nhịn ăn Nhật Bản dựa vào cách tiếp cận khoan dung hơn, không hàm ý các khoảng thời gian dài thiếu thức ăn. Cách tiếp cận mới mẻ này đã thu hút sự chú ý của nhiều “tín đồ” sức khỏe và hưng vượng đang tìm kiếm một phương pháp nhịn ăn dễ dàng thích nghi hơn với lối sống của họ.
Làm thế nào để thực hành nhịn ăn kiểu Nhật đúng cách?
Nhịn ăn theo kiểu của người Nhật chủ yếu là hạn chế tiêu thụ thực phẩm. Điều này thường liên quan đến việc giảm thời gian ăn xuống còn một bữa mỗi ngày. Bác sĩ Nagumo khuyên bạn nên ăn bữa tối để giúp cho giấc ngủ tốt.
Ý tưởng là cho phép cơ thể dành nhiều thời gian hơn ở chế độ nhịn ăn, từ đó cải thiện độ nhạy insulin, giúp giảm cân và khuyến khích autophagie - một quá trình tái tạo tế bào có lợi.
Để thực hành nhẹ nhàng, tốt nhất là bắt đầu giảm lượng thức ăn nạp vào. Ví dụ, bạn có thể loại bỏ từ từ một số món ăn nào đó, như món dẫn nhập, món khai vị hoặc món tráng miệng. Cũng nên giảm khối lượng khẩu phần bằng cách điều chỉnh theo nhu cầu của bạn.
Bằng cách hạn chế lượng thức ăn của bạn chỉ một bữa mỗi ngày, điều chính yếu là phải chăm chút chất lượng thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng của bữa ăn. Ngoài ra, điều cần thiết là phải giữ nước trong thời gian nhịn ăn bằng cách uống nhiều nước và trà thảo dược không đường để tránh mất nước.
Những lợi ích sức khỏe
Nhịn ăn Nhật Bản có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau. Ngoài việc hỗ trợ giảm cân và dè chừng cân nặng, phương pháp nhịn ăn vừa phải này có thể giúp cải thiện tiêu hóa và điều chỉnh sự trao đổi chất. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nhịn ăn cách quãng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol và huyết áp.
Mặt khác, cách nhịn ăn kiểu Nhật Bản có thể có lợi cho tinh thần sáng suốt và định tâm, vì cơ thể dùng năng lượng theo cách hiệu quả hơn trong những chu kỳ nhịn ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kết quả có thể khác nhau từ người này sang người khác. Điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi bắt tay vào bất kỳ chế độ nhịn ăn nào.
Nhịn ăn kiểu Nhật Bản không phải là một cách tiếp cận phù hợp với tất cả. Một số người trên 50 tuổi có thể thấy có lợi khi điều chỉnh thời gian nhịn ăn hoặc chọn phương pháp nhịn ăn ít thường xuyên hơn, dựa trên nhu cầu cá nhân của họ.
Chống chỉ định chung
Mặc dù nhịn ăn kiểu Nhật Bản được coi là một phương pháp vừa phải và an toàn đối với hầu hết mọi người, nhưng có một số hoàn cảnh có thể không phù hợp. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, những người bị rối loạn ăn uống, những người có vấn đề về trao đổi chất hoặc nội tiết tố đáng kể, cũng như người già và trẻ em nên tránh thực hành nhịn ăn kiểu Nhật.
Cũng rất cần lắng nghe cơ thể của bạn trong thời gian nhịn ăn. Nếu bạn bị chóng mặt, buồn nôn, choáng váng hoặc bất kỳ cảm giác bất thường nào khác, vậy thì phải kết thúc nhịn ăn và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế.
Khi con người già đi, sự thiếu hụt dinh dưỡng nhất định có thể thường xuyên hơn. Hãy chăm chút nhiều loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của bạn để tránh sự thiếu hụt tiềm ẩn.
Bắt đầu dần dần
Tốt nhất là không nên nhịn ăn theo kiểu Nhật nghiêm ngặt ngay từ đầu, đặc biệt nếu bạn không quen với việc nhịn ăn. Nên bắt đầu bằng cách giảm dần lượng thức ăn trong khoảng thời gian nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Ưu tiên dinh dưỡng
Hãy chắc chắn rằng bữa ăn của bạn trong thời gian ăn có chứa thực phẩm bổ dưỡng, giàu protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Khi con người già đi, sự thiếu hụt dinh dưỡng nhất định có thể thường xuyên hơn. Hãy chăm chút nhiều loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của bạn để tránh sự thiếu hụt tiềm ẩn.
Nhịn ăn kiểu Nhật không phải là một giải pháp kỳ diệu, và nó phải đi kèm với chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên để đạt được kết quả lâu dài.
*
Trong sách L’art japonais du jeûne, bác sĩ Yoshinori Nagumo đã chủ trương đi ngược lại thói quen tiêu thụ của chúng ta lâu nay cho rằng việc ăn 3 bữa một ngày là bình thường và nhất là tốt cho cơ thể. Chúng ta cứ quen với việc ăn vào một thời điểm nhất định, đôi khi ăn mà không đói, chẳng qua chỉ vì đó là lúc ăn theo tập quán...
Chúng ta bị cai trị một mặt bởi thói quen, nhưng mặt khác cũng bởi tham ăn. Không thể kiềm chế cảm giác thèm đường, muối và chất béo, chúng ta - đôi khi không nhận thức được điều đó - vượt quá ngưỡng no, do đó trớ trêu thay, chúng ta đặt cơ thể vào tình huống xấu. Kết quả là, điều này dẫn đến lão hóa sớm các cơ quan, làn da, sự xuất hiện của các bệnh và do đó có thể gây ra cái chết sớm (ung thư, đột quỵ, tiểu đường, v.v.).
Ông trần tình: “Thói ăn quá nhiều, không thích đáng, có thể dẫn đến béo phì, đã ăn sâu vào xã hội của chúng ta. Chỉ ăn một bữa mỗi ngày, nghe có vẻ không tự nhiên, đi ngược lại lẽ thường, tuy nhiên, tiêu thụ một bữa ăn mỗi ngày cho phép cơ thể sử dụng các gen dành dụm của nó, vốn không hoạt động trừ khi đói hoặc lạnh. Cơ chế như vậy chuyển sang chế độ ‘sinh tồn’, kích hoạt một loại gen gọi là ‘la fontaine de Jouvence’ (suối thanh xuân), được gọi theo khoa học hơn là sirtuin”.
Bác sĩ Nagumo Yoshinori cũng cho biết ông chỉ ăn một bữa mỗi ngày (vào buổi tối, vì ông thường được mời ăn tối bên ngoài), và trên hết, ăn hết cả trái và rau quả, tức là ăn cả vỏ. Ông giải thích sự cần thiết này bởi thực tế là chúng có chứa các đặc tính chống oxy hóa và chữa bệnh trong vỏ trái cây.
Trong thời đại ngày nay, cách nhịn ăn kiểu Nhật Bản của Tiến sĩ Nagumo Yoshinori là bài học và lời khuyên quý báu cho những người gặp vấn đề về sức khỏe do ăn uống vô độ, thừa thãi, thiếu kiềm chế, cho dầu chuyện ăn ngày một bữa cũng rất khó, nhất là ban đầu.
Qua cách ăn này, phải chăng ta có thể đặt câu hỏi lựa chọn: Ăn bao nhiêu bữa mỗi ngày là tốt? Bình thường 3 bữa? có thể 2 bữa? có thể vào giai đoạn nào đó ăn 1 bữa? Phải chăng ít hay nhiều bữa (không quá 3) là do thể trạng và hoàn cảnh của từng người, miễn sao sức khỏe thể chất và tinh thần tốt?
Suy cho cùng, Phật tử chúng ta trở về lại căn cơ của vấn đề (nỗi khổ) mà Đức Phật nêu ra: Tham - Sân - Si, trong đó tham ăn cũng là nhân của Khổ. Một cách đơn giản, Đức Phật đã dạy vua nước Kosala:
Thời Đức Phật đang ở Sàvatthi - kinh đô của vương quốc Kosala, vua nước này thường đến gặp Ngài để nghe pháp. Nhà vua là người ham mê ẩm thực và thường ăn thỏa thích những gì mình muốn. Một hôm, sau bữa ăn thịnh soạn, no nê, vua Pasenadi đến đảnh lễ Phật và ngồi xuống một bên.
Đức Phật bèn nói bài kệ:
“Con người thường chánh niệm
Được ăn, biết phải chăng
Chừng mực, cảm thọ mạnh
Già chậm, tuổi thọ dài”.
Sau này nghe lời Phật, vua Pasenadi tuần tự hạn chế, cho đến khi chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika (một ống, một chai – theo Tự điển Pali-Việt – có thể hiểu là lượng ít).
Một thời gian không lâu, vua nhận thấy thân thể mình trở nên khỏe mạnh. Ông sung sướng thốt lên: “Ôi, thật sự Đức Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”.
(Theo Tương ưng bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Đại thực)
Vậy thì, ăn cho sướng, ăn cho đã, đâu phải là thưởng xuân?
---------------------------------
Tài liệu tham khảo:
Jeûne Japonais – Un Allié Minceur Très Modéré; website happy-50plus.com.
Livre // “L’art japonais du jeûne” du Dr NAGUMO Yoshinori; website japanmagazine.fr.