Một thời Phật du hóa tại Chiêm-ba, ở bên hồ Hằng-già. Bấy giờ là ngày mười lăm trong tháng, là ngày Thế Tôn thuyết Tùng giải thoát, trải tọa ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Khi Đức Thế Tôn ngồi xong, liền nhập định và bằng tha tâm trí Ngài quan sát tâm đại chúng. Khi quan sát tâm đại chúng rồi, cho đến lúc hết buổi đầu hôm, hết phần giữa đêm, hết phần cuối đêm, Ngài vẫn ngồi im lặng.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn thuyết pháp Tùng giải thoát.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo vị Tỳ-kheo kia rằng:
- Trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh.
Lúc đó Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng đang ở trong chúng. Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền suy nghĩ thế này: “Vì Tỳ-kheo nào mà Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh? Ta nên nhập định có hình thức như thế, nhân trong định có hình thức như thế, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biết vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh.
Rồi thì, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuất định, đi đến trước vị Tỳ-kheo ấy, nắm tay kéo đi, mở cửa lôi ra bên ngoài mà nói:
- Này người ngu si, hãy đi xa đi, đừng sống ở đây, không được trở lại hội họp với đại chúng Tỳ-kheo, từ nay trở đi ông không phải là Tỳ-kheo nữa.
Ngài đóng cửa, gài chốt then lại, rồi trở về chỗ Đức Phật, cúi đầu sát lạy chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà thưa rằng:
- Vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh; con đã đuổi vị ấy đi rồi. Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn thuyết pháp Tùng giải thoát.
Đức Thế Tôn nói:
- Này Đại Mục-kiền-liên, kẻ ngu si sẽ mắc đại tội nếu gây phiền nhiễu cho Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Như Lai ở giữa chúng bất tịnh mà thuyết Tùng giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mảnh…”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Vị tằng hữu pháp, kinh Chiêm-ba, số 37 [trích, lược])
Hồ Hằng-già xứ Chiêm-ba theo chú giải là hồ sen Gaggarā ở Campā; Tùng giải thoát còn gọi Biệt giải thoát, Giới bổn (Pāṭimokkha). Pháp thoại cho biết đây là kỳ bố-tát vào tháng có trăng do Thế Tôn thuyết giới. Trong những hội chúng khác, vị Tỳ-kheo thượng thủ hoặc vị được chúng Tăng suy cử sẽ tuyên đọc Giới bổn cho đại chúng cùng nghe.
Theo Luật định, trước khi thuyết giới chư Tăng sẽ tác pháp yết-ma, vị nào phạm giới trọng hoặc có hạnh bất tịnh phải tự giác ra khỏi đại chúng. Bấy giờ trong chúng Tăng có người làm hạnh bất tịnh nên Thế Tôn không thuyết giới. Sự việc kéo dài từ đầu đêm đến gần sáng mà Thế Tôn vẫn im lặng. Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập định, dùng tha tâm trí phát hiện ra người bất tịnh và đuổi ra khỏi hội chúng.
Nhân đó, Thế Tôn liền giải thích cho đại chúng biết rằng vì thương vị Tỳ-kheo kia, “nếu Như Lai ở giữa chúng bất tịnh mà thuyết Tùng giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mảnh”. Thế mới biết oai lực không thể nghĩ bàn của Thánh chúng, của Tăng chúng thanh tịnh, nhất là những hội chúng có sự hiện diện của Thế Tôn.
Sự kiện “đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mảnh”, theo chú giải là do các vị Kim cang Hộ pháp thực hiện và đó cũng là biểu hiện của việc người kia bị tổn phước nghiêm trọng. Đức chúng như hải, oai đức của đại chúng như biển mà biển cả vốn không dung chứa tử thi. Nên đối trước chúng Tăng cần khiêm cung, lễ độ. Nếu mình có khiếm khuyết về giới hạnh thì càng khiêm hạ nhiều hơn.
Ngày nay, Tăng chúng hầu hết là người phàm nên khó thiết lập một hội chúng thuần khiết, thanh tịnh như thời Thế Tôn. Vì thế, trước khi thuyết giới mỗi người cần tâm niệm sám hối để tránh tổn giảm phước đức. Oai lực của Tăng chúng thanh tịnh là không thể nghĩ bàn nên người tu khi có lỗi cần biết sám hối, hổ thẹn và khiêm hạ trước chư Tăng. Chính sự phản tỉnh này sẽ giúp ta nỗ lực phục thiện, bảo tồn và tích lũy được phước đức.