Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng giảng về ý nghĩa cầu an

Phật tử đến Việt Nam Quốc Tự cầu nguyện đầu năm Quý Mão (2023) - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Phật tử đến Việt Nam Quốc Tự cầu nguyện đầu năm Quý Mão (2023) - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lễ cầu an là truyền thống của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ ngày mùng một Tết vía Đức Di Lặc kéo dài suốt tháng Giêng, Phật tử thường đi hành hương trẩy hội.

Tuy nhiên, muốn cho lễ cầu an được thể hiện đúng ý nghĩa, mang lại kết quả tốt đẹp, quý Phật tử cần phải cân nhắc việc làm này.

Riêng tôi có một số kinh nghiệm về việc hành lễ cầu an đầu năm để tìm được sự an lạc cho chính mình và ảnh hưởng sự an lành đó cho những người hữu duyên. Tôi muốn chia sẻ những thành quả này với hội chúng để tất cả chúng ta cùng thực hiện và đạt được sự an lạc hoàn toàn trong cuộc sống đúng theo Chánh pháp.

Việc trước tiên của đầu năm mới, chúng ta mừng Xuân Di Lặc, hướng tâm cầu nguyện Bồ-tát Di Lặc là Đức Phật vị lai chưa hiện sanh trên cuộc đời này. Theo kinh Pháp hoa, Đức Phật Thích Ca giới thiệu với chúng ta Bồ-tát Di Lặc đã phát tâm hành Bồ-tát đạo từ thời Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh và từ đó kéo dài suốt đoạn đường tâm linh của Ngài giống như sợi chỉ xuyên suốt từ kiếp này sang kiếp khác, Bồ-tát Di Lặc đã hoàn tất Bồ-tát hạnh, cho nên trong tâm của Ngài luôn luôn được an lạc. Tất cả chúng sanh ở Ta-bà nên nghĩ nhớ đến Bồ-tát Di Lặc, nên chiêm ngưỡng Bồ-tát Di Lặc và tạo mối quan hệ tinh thần với Bồ-tát Di Lặc để nhận được sự chia sẻ của Ngài, giúp cho tâm chúng ta được an vui; vì Bồ-tát Di Lặc có đầy đủ tâm đại bi trải qua quá trình dài hành Bồ-tát đạo. Điều này rất quan trọng, chúng ta cần suy nghĩ.

Pháp hội Dược Sư cầu an đầu năm tại Việt Nam Quốc Tự (Quý Mão - 2023) - Ảnh: Quảng Đạo

Pháp hội Dược Sư cầu an đầu năm tại Việt Nam Quốc Tự (Quý Mão - 2023) - Ảnh: Quảng Đạo

Hành Bồ-tát đạo chủ yếu là tu sáu pháp Ba-la-mật, hoặc thực hành mười pháp Ba-la-mật theo kinh Hoa nghiêm. Tu sáu pháp Ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ và thành tựu sáu pháp này là hoàn tất đạo hạnh Bồ-tát theo kinh Bát-nhã là bộ kinh chuyển tiếp từ kinh Nguyên thủy sang kinh điển Đại thừa.

Cửa Bát-nhã chỉ mở ra cho những hành giả đã thành tựu trọn vẹn 37 Trợ đạo phẩm; nói cách khác, hành giả đã đắc quả vị A-la-hán, hay Bích chi Phật thì cửa Bát-nhã mới mở ra cho họ bước vào để thực hiện sáu pháp Ba-la-mật. Vì vậy, chúng ta học kinh Đại thừa, nhưng không kinh qua giai đoạn Nguyên thủy, mà thực hành sáu pháp Ba-la-mật sẽ gánh lấy kết quả trái ngược, càng tu càng chuốc thêm phiền não khổ đau.

Đối với người tu Pháp hoa, lấy Bát Thánh đạo là đỉnh cao của 37 Trợ đạo phẩm theo Phật giáo Nguyên thủy làm chuẩn để thực tập. Quan trọng nhất là điều chỉnh thân khẩu ý của chúng ta hoàn toàn thanh tịnh; nếu không, cửa Bát-nhã không mở được.

Thật vậy, nếu thân nghiệp chúng ta còn nặng quá, ác nghiệp chưa thanh lọc được, tái sanh trên cuộc đời này sẽ mang thân bệnh, xấu xí, hôi dơ, nghèo đói…, làm sao sống an lạc được. Do đó, đoạn được ác nghiệp của thân, tự nhiên chúng ta có cơ thể tương đối khỏe mạnh, dễ coi. Chúng ta thấy các thiền sư, các bậc A-la-hán không ăn uống nhiều, nhưng có sức chịu đựng, thân thể khỏe mạnh, mới dấn thân hành Bồ-tát đạo được.

Đoạn được ác nghiệp của thân, chúng ta không lệ thuộc ba việc của thân là ăn, mặc, ở. Hãy duy trì nếp sống an lạc giải thoát này, bằng cách tập ăn thế nào cũng được, sống đơn giản cũng xong.

Tôi đã từng trải qua giai đoạn khó khăn, thiếu thốn rất nhiều, nhưng cảm giác không cần ăn nên không bị cái ăn chi phối. Người không cần ăn, nhưng có thức ăn và người không cần ăn nhưng không có thức ăn, cả hai người này đều được giải thoát giống nhau. Có thức ăn hay không có thức ăn, chúng ta không quan trọng, là đoạn được nghiệp của thân; như vậy người khác hoặc xã hội không ràng buộc được mình.

Kế tiếp là đoạn nghiệp của miệng cũng dễ, nhưng nhiều người không cố gắng làm. Có người tu trong đạo tràng không ai muốn nghe họ nói, nhưng lại thích nói, làm cho người khác khó chịu. Theo kinh nghiệm riêng tôi, không nói, chắc chắn không phạm sai lầm. Cố Hòa thượng Huệ Hưng mà tôi kính trọng, suốt ba năm ngài không nói, đến khi bắt đầu nói lại, bị nói đớ, nên ngài không muốn nói nữa. Ai cần chỉ dạy, ngài mới nói.

Chư Tăng Ni cùng Phật tử cùng cầu nguyện - Ảnh: Quảng Đạo

Chư Tăng Ni cùng Phật tử cùng cầu nguyện - Ảnh: Quảng Đạo

Trong khẩu nghiệp có nói dối, nói lời hung ác, nói thêu dệt, nói đâm thọc. Nói nhiều lỗi nhiều, nói ít lỗi ít, không nói không lỗi; vì thế, chúng ta không nói để lỗi của miệng chúng ta không có điều kiện sanh ra, không làm trở ngại cho việc tu hành của chúng ta.

Thứ ba là ý nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong ý, chúng ta phải quét sạch vọng thức là những suy nghĩ không cần thiết để tiềm thức chúng ta được trắng sạch, nhờ đó chúng ta được an lạc. Sở dĩ chúng ta thường khổ tâm, vì chất chứa trong lòng mình quá nhiều dữ kiện mà mình không bằng lòng; đem vào lòng mình những điều mình ghét bỏ, phiền muộn, bực tức, oán hận, làm sao an lạc được. Vì vậy, tu ý nghiệp, chúng ta cầu cho tiềm thức mình trắng sạch, bằng cách gạn bỏ tất cả những điều xấu ác mà chúng ta đã mắt thấy tai nghe qua các mối liên hệ hàng ngày với cuộc đời, hoặc là gạn bỏ tất cả những điều xấu ác tự khởi lên trong tâm tưởng của mình.

Đầu năm, cầu an đi trẩy hội mùa xuân là tạo mối quan hệ giữa mình với tổ tiên ông bà, giữa mình với thế giới tâm linh, cụ thể qua các thần linh chủ yếu là những vị anh hùng dân tộc được nhân dân ta từ thế hệ này sang thế hệ khác kính trọng, thờ phụng. Chúng ta hình dung ra những vị đó đang hiện hữu trong thế giới chúng ta, đang tiếp tục che chở chúng ta, khiến tâm chúng ta cũng cảm thấy bình an. Đó là sự an lành bước đầu nối liền thế giới thần linh và cuộc sống thực của chúng ta.

Tiến xa hơn nữa, chúng ta phải đọc tụng kinh điển Đại thừa để cầu an, giải nghiệp cho mình. Có lần tôi đến vấn an Hòa thượng Trí Tịnh, Ngài cũng gợi ý này. Vào năm 80 tuổi, mắt Ngài không nhìn thấy gì, nhưng nhờ thuộc lòng những bộ kinh Đại thừa, hàng ngày Ngài đọc tụng kinh không cần xem sách và Ngài cảm thấy an lạc, lần lần bệnh của Hòa thượng được hóa giải, Ngài sáng mắt trở lại năm 90 tuổi.

Tụng kinh Đại thừa giải được nghiệp và cuộc sống an lạc là thực hiện đúng nghĩa cầu an. Và đi sâu vào kinh điển Đại thừa, chúng ta thấy Đức Phật giới thiệu hành trạng của chư Phật, chư Bồ-tát; chúng ta đọc và cảm được việc làm cao quý của các Ngài trên bước đường giáo hóa độ sanh, khiến tâm chúng ta được an lạc theo.

Đặc biệt là trong kinh Đại thừa, Đức Phật thường khuyên chúng ta làm theo hạnh của chư Phật, chư Bồ-tát. Thí dụ Bồ-tát Quan Âm phát 12 đại nguyện cứu độ chúng sanh. Chính 12 đại nguyện đó gắn liền Bồ-tát Quan Âm với chúng sanh ở Ta-bà, ai thích hợp với lời nguyện nào, nương theo đó mà tu tập sẽ được an lạc.

Đầu xuân, chúng ta đi trẩy hội chùa Hương, rời bỏ cảnh trần thế mà tìm về cảnh núi non thanh tịnh với niềm tin sâu sắc rằng nơi đó có Đức Quan Âm ngự trị. Mỗi bước chân đi, chúng ta hướng tâm về Bồ-tát Quan Âm để tâm ta tiếp nhận được tâm đại bi của Ngài, Ngài sẽ cứu giúp chúng ta thoát khỏi những nạn tai đúng như hạnh nguyện của Ngài. Khi tâm ta thông được tâm Bồ-tát Quan Âm, chắc chắn ta cảm thấy an lành.

Còn hành hương trẩy hội mà cảnh bên ngoài ồn ào như cái chợ và người đi hành hương để tìm thú vui vật chất, ăn uống đùa giỡn, chẳng thể nào tiếp nhận được sự gia hộ của Bồ-tát, cuộc sống chẳng thể an lạc.

Riêng bản thân tôi ở những giai đoạn cực kỳ hiểm nguy, cũng thường niệm Quan Âm và cảm nhận được lực gia bị của Bồ-tát mà lòng tôi cảm thấy an lạc và hoàn cảnh thực tế cũng được chuyển đổi trở thành bình an thực sự.

Hoặc đầu năm trong tháng Giêng, các chùa thường tổ chức đàn tràng tụng kinhc Sư để cầu an. Nói đến đây, tôi nhớ lại trường hợp Ngọc Lâm quốc sư tiền kiếp là ông Tăng xấu xí đến mức người khác không dám nhìn. Hòa thượng chùa Linh Ẩn khuyên ông nên tụng kinh c Sư, vì Đức Phật Dược Sư phát 12 lời nguyện, trong đó lời nguyện thứ 6 tương ưng với hoàn cảnh của ông: “Ta nguyện đời sau khi chứng Vô thượng Bồ-đề, nếu có hữu tình thân hình hèn hạ, không đủ sáu căn, xấu xí khờ khạo, tai điếc mắt mù, nói năng ngọng liệu, tay chân tật nguyền, lác hủi điên cuồng, chịu nhiều khổ não; nghe được danh Ta, liền được khỏi bệnh, thân hình đoan chánh, trí tuệ sáng suốt”.

Nhờ thọ trì kinh c Sư mà trong kiếp lai sanh, ngài rất thông minh và có tướng hảo, vua Thuận Trị phong ngài làm Quốc sư và chính ngài đóng góp công đức nhiều nhất trong việc xây dựng triều đại nhà Thanh.

Tụng kinh cầu an, điều quan trọng là phải cảm hạnh đức của chư Phật, chư Bồ-tát được nói đến trong kinh điển Đại thừa và nỗ lực thực hành theo hạnh của các Ngài trong cuộc sống hàng ngày, chắc chắn bản thân chúng ta được an lạc mà còn ảnh hưởng cho người thân trong gia đình và bạn bè mình được an lạc theo.

Ngoài ra, hành hương cầu an, chúng ta còn tìm đến điểm cao nhất là Linh Sơn. Thực tập pháp này, tôi tâm đắc làm bài kệ:

Quyết lòng tìm đến Linh Sơn

Cầu xin chư Phật hiện thân đ đời.

Vì hạ quyết tâm phải tới cái đích, chúng ta gạn bỏ những gì mình không ưa thích; nói cách khác, gạt trần thế sang một bên để tìm về Linh Sơn là chân linh của chúng ta, hay chúng ta tìm bạn tri thức chỉ sống với chân linh.

Ảnh: Quảng Đạo

Ảnh: Quảng Đạo

Con người có ba phần gồm phần vật chất và hai phần tinh thần là vọng thức và chân linh. Người sống bằng vọng thức thì hiểu biết nhiều, nói nhiều, nhưng cuộc đời luôn khổ đau. Người cắt bỏ vọng thức, không quan tâm đến cuộc đời, thường sống với chân linh, cho nên họ thấy được sự thật của cuộc đời, mới không bị cuộc đời chi phối.

Cầu an, chúng ta tìm về chân linh của chính mình, hay tìm đến người hiện hữu trên trần thế có đời sống chân linh thực sự, mà mình tiếp nhận được sự bình an. Tôi tiếp xúc với người có đời sống tâm linh cao, không lệ thuộc vật chất, cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an vui. Các Phật tử nếu có cơ hội thân cận với người có tâm hồn bình an, sẽ nhận thấy họ không đòi hỏi mình làm bất cứ điều gì cho họ, mà chỉ san sẻ niềm an lạc cho mình, làm sao chúng ta không an.

Có thể nói cầu an là tìm đến thiện tri thức có cuộc sống bình an để họ chia sẻ bình an cho mình. Điều này thể hiện rõ nét trong cuộc đời giáo hóa độ sanh của Đức Phật. Khi Đức Phật tại thế, những người giàu có như ông Cấp Cô Độc và cả vua chúa như Tần Bà Sa La, A Xà Thế, Ba Tư Nặc đều tìm đến Đức Phật. Đức Phật có gì hơn họ. Đức Phật đã từ bỏ tất cả sự nghiệp vật chất, chỉ là Sa-môn đầu trần chân đất, nhưng họ tìm đến Phật; vì sau những tháng ngày lao theo sự nghiệp vật chất, họ đã chuốc lấy từ khổ đau này đến khổ đau khác, chỉ đến khi được gần Phật, họ mới nhận thấy sự bình an kỳ diệu tỏa sáng nơi Ngài.

Ngày nay, các chùa của chúng ta cầu an là cũng để tìm về với Phật, Đức Phật vĩnh hằng bất tử ở Tịch Quang chơn cảnh và Đức Phật ở trong chính chúng ta.

Sau khi Đức Phật Niết-bàn, có các vị thiền sư, cao tăng, quốc sư hiện thân khắp đó đây. Riêng ở Việt Nam có Pháp sư Ngô Chân Lưu mà Đinh Tiên Hoàng thường đến thăm viếng, hoặc vua Lý Thái Tổ thường đến với Thiền sư Vạn Hạnh, vua Trần Thái Tông viếng Đại Đăng quốc sư. Những vị chân tu này sống với “cái thân ngoại vật”, nghĩa là cuộc sống tự tại, không bị ngũ hành chi phối, không bị lệ thuộc trong ba cõi. Người nào có nhân duyên thấy các Ngài, gần gũi các Ngài, được các Ngài chỉ dạy đều cảm nhận niềm an lạc vô cùng, đều thăng hoa cuộc sống đức hạnh của mình.

Thiết nghĩ Đức Phật và chư vị Tổ sư thể hiện cuộc sống an lạc như thế, nếu chúng ta đi đúng đường của các Ngài, chắc chắn chúng ta cũng được an lành. Không đi theo con đường của Phật, của Tổ, rồi nói thân mình không an, làm sao cầu cho người khác an! Điều này cũng đúng thôi.

Phật tử xin cầu an, không phải ông thầy đọc tên mình an đâu. An hay không là do đạo hạnh của thầy. Nhìn thấy thầy là mình an, vì tâm thầy an, nên chúng ta đến cầu thầy chia sẻ sự bình an đó cho mình.

Như đã nói, những người quyền thế, trưởng giả đến với Phật, đến các thiền sư, vì tâm các Ngài hoàn toàn bình an, không bị sự tác hại của tam giới, mới dẫn dắt được họ đi vào thế giới tâm linh an lành. Lịch sử đã chứng minh điều này, xưa kia vua Trần Thái Tông bị Trần Thủ Độ bứt ngặt làm chuyện vô luân, ông mới trốn lên núi Yên Tử tìm gặp Phù Vân để cầu an (sau này là Đại Đăng quốc sư). Tâm hồn quá ư đau khổ của vua Trần Thái Tông gặp được tâm hồn thanh thoát nhẹ như mây của Thiền sư Đại Đăng mà tất cả buồn phiền khổ đau của triều chính nặng trĩu nơi lòng vua bỗng chốc tiêu tan. Thiền sư Đại Đăng phân tích cho vua thấy cuộc đời của vua và của những người liên hệ với vua về bên ngoài lẫn về tâm lý bên trong, tất cả đan xen hỗn độn như cuộn tơ rối. Và Ngài đã tháo gỡ được cái rối rắm của vua một cách nhẹ nhàng, giúp cho tâm vua lóe sáng, thấy được lẽ sống bình an cho chính ông, cho cả triều thần và cho đất nước này. Vì công ơn tế độ đó mà vua Trần Thái Tông phong cho Phù Vân là Đại Đăng quốc sư, tức ngọn đèn lớn rọi sáng lòng vua.

Tuyên sớ trong nghi thức Pháp hội Dược Sư tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Quảng Đạo

Tuyên sớ trong nghi thức Pháp hội Dược Sư tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Quảng Đạo

Khi Trần Thủ Độ lên rước vua Trần Thái Tông về triều, vua đã làm bài thơ để lại non Yên Tử nói lên tâm trạng mình lúc đến đây:

Phong đã tùng quang nguyệt chiếu đình

Tâm đầu cảnh sắc cộng thê thanh

Cá trung tư v vô nhơn thức

Đương d sơn tăng lạc cộng minh.

Nghĩa là gió thổi lay động hàng cây tùng và ánh trăng rọi sáng sân chùa, phong cảnh ở chùa nên thơ như vậy, cộng thêm niềm tâm sự giữa vua với Thiền sư thực là tâm đầu ý hợp, tạo thành cái vô cùng cao quý mà người ngoài cuộc không thể nào biết được. Nói cách khác, vua Trần Thái Tông đã cảm nhận được niềm an lạc vô cùng tỏa sáng nơi Thiền sư Đại Đăng, một bậc chân tu ngộ đạo không gợn chút lợi danh phiền não. Và chính sự an lạc của Đại Đăng đã truyền sang tâm hồn vua, khiến ông thức suốt đêm trường tràn đầy niềm vui cùng với Ngài, không cần ngủ nghỉ.

Nghe lời dạy của Thiền sư Đại Đăng, vua Trần Thái Tông trở về triều đình; trước khi ra về, vua cảm tác hai câu thơ rất cảm động, nói lên tình thầy trò sâu nặng:

Cảm đức từ bi để nghìn kiếp nguyền cho thân cận

Đi ơn tế độ nát muôn thân thà chịu đắng cay.

Vua Trần Thái Tông bày tỏ công ơn tri ngộ đối với thầy rằng ông cảm đức từ bi của ngài Đại Đăng, nên nguyện đời đời kiếp kiếp sanh ra được gặp Ngài làm thầy mình để nhờ thầy tế độ, sống theo lời dạy của thầy, dù cho phải nát muôn thân cũng chấp nhận. Nhờ sự khai ngộ của Thiền sư Đại Đăng mà vua Trần Thái Tông tìm được niềm an lạc và ông đã trở thành vị minh quân làm được việc lớn cho đất nước; đặc biệt, nhà vua đã biên soạn được sách Thiền uyển tập anh gồm những bài thơ ngộ đạo của các vị thiền sư.

Tóm lại, cầu an là tìm thiện tri thức hiện hữu trên cuộc đời khai mở trí tuệ cho mình để hóa giải khổ đau và có được niềm an lạc trong tâm, trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không gặp được thiện tri thức trong cuộc đời, chúng ta tìm thiện tri thức trong sách vở, trong kinh điển.

Đọc tụng kinh điển Đại thừa, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của chư Phật, chư Bồ-tát và hành trạng của các Ngài mà chúng ta đặt trọn niềm tin nơi các Ngài, hướng tâm trọn vẹn đến các Ngài, suy nghĩ về việc làm của các Ngài và làm theo lời dạy của các Ngài, chắc chắn chúng ta được an lạc trong sự gia hộ của các Ngài.

Riêng tôi luôn nhận được sự an lành trong việc đọc tụng kinh điển Đại thừa, nương theo đó tìm thấy thiện tri thức tháo gỡ cho tôi tất cả những bế tắc trên bước đường hành đạo, giúp tôi luôn vững niềm tin tiến tu đạo hạnh

Tôi mong rằng mỗi người đều tìm được thiện tri thức giải tỏa cho mình mọi điều phiền muộn khổ đau và tiếp nhận được một phần yếu nghĩa của Đức Phật dạy để đời đời kiếp kiếp được sống an lạc trong Chánh pháp.

(Phiên tả từ pháp thoại của Hòa thượng Thích Trí Quảng tại Việt Nam Quốc Tự)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.