Chiến dịch tiêm chủng được triển khai đồng loạt trên cả nước từ tháng 7 với khoảng 19.000 điểm tiêm chủng tại các cơ sở công lập và tư nhân, trong và ngoài ngành y tế.
Tuy nhiên, tùy theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc-xin, kế hoạch này có thể thay đổi.
Trong bối cảnh hiện tại, vắc-xin Covid-19 được ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố:
Nhóm 1, các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho người ở vùng đang có dịch.
Nhóm 2, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ.
Nhóm 3, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.
Nhóm 4, các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, cửa khẩu quốc tế.
Ảnh minh họa |
16 nhóm tiêm chủng
Nhóm được tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.
Cụ thể 16 nhóm như sau:
1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm công lập và tư nhân.
2. Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo chống dịch, làm việc tại khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).
3. Lực lượng quân đội.
4. Lực lượng công an.
5. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài, người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
6. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
7. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước.
8. Giáo viên, học sinh, sinh viên, lực lượng bác sĩ trẻ, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc nhiều người.
9. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
10. Người sinh sống tại các vùng dịch.
11. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
12. Người được cơ quan có thẩm quyền cửa đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
13. Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, dược, vật tư y tế..., cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.
14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.
15. Người lao động tự do.
16. Các đối tượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Y tế hoặc chủ tịch UBND các tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc-xin.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vắc-xin là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc-xin qua nhiều kênh, đến nay khoảng 105 triệu liều từ nhiều nguồn cung ứng được cam kết phân bổ cho Việt Nam.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tiêm chủng. Người dân thực hiện ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại.
Theo đó, người dân có thể tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại di động hoặc truy cập https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký online.
Trường hợp không sử dụng di động, người dân sẽ thực hiện đăng ký bằng giấy và gửi về UBND xã, phường, thị trấn; nội dung tại bản đăng ký giấy sẽ được cơ quan chức năng nhập vào hệ thống phần mềm Sổ sức khỏe điện tử.
Ngoài tính năng đăng ký tiêm, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử còn có Mã số sức khỏe - một QRCode dùng để quét khi đến các cơ sở y tế.
Việc này giúp người dân giảm quy trình và thời gian khai báo theo hình thức thủ công trước đây. Thông tin của người dùng sẽ được đồng bộ trên hệ thống của Bộ Y tế, tránh việc nhập liệu sai và giúp quản lý công tác tiêm chủng chặt chẽ hơn.