Vắc-xin hiệu quả ra sao với biến thể Delta?

Giới chức y tế Anh tiếp tục cảnh báo người dân về biến thể Delta, đang chiếm 95% ca bệnh mới ở nước này - Ảnh: AFP
Giới chức y tế Anh tiếp tục cảnh báo người dân về biến thể Delta, đang chiếm 95% ca bệnh mới ở nước này - Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Biến thể Delta lây lan nhanh và giảm hiệu quả của vắc-xin Covid-19, song vắc-xin hiện hành vẫn có hiệu lực dù mức độ bảo vệ chưa rõ ràng.

Hôm 6-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca ngăn ngừa tốt các bệnh nghiêm trọng do biến thể Delta (lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ) gây ra.

Tuy nhiên, hiệu quả vắc-xin giảm đối với bệnh có triệu chứng.

Dưới đây là hiệu quả của các vắc-xin trong ngăn ngừa bệnh có triệu chứng liên quan đến Delta, dựa trên bốn nghiên cứu mới nhất:

Nghiên cứu của Anh

Một nghiên cứu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) từ tháng 5 cho thấy, hai liều vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer có hiệu quả cao trong ngăn ngừa biến thể Delta, kể từ hai tuần sau liều thứ hai.

Vắc-xin Pfizer: hiệu quả 33% sau một liều, 88% sau hai liều.

Vắc-xin AstraZeneca: hiệu quả 33% sau một liều, 60% sau hai liều.

Nghiên cứu của Canada

Một nghiên cứu của Canada được công bố ngày 3-7 cho thấy hai liều vắc-xin Covid-19 có tác dụng chống lại biến thể Delta như với biến thể Alpha (lần đầu xuất hiện tại Anh). Nghiên cứu chưa được các chuyên gia khác đánh giá.

Vắc-xin Pfizer: hiệu quả 56% từ 14 ngày sau liều đầu tiên, 87% sau hai liều.

Vắc-xin AstraZeneca: hiệu quả 67% từ 14 ngày sau liều đầu tiên. Không đủ dữ liệu về liều thứ hai.

Vắc-xin Moderna: hiệu quả 72% từ 14 ngày sau liều đầu tiên. Không đủ dữ liệu về liều thứ hai.

Nghiên cứu của Israel

Ngày 6-7, Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả của hai liều vắc-xin Pfizer giảm còn 64% khi đối phó với biến thể Delta.

Cụ thể, số liệu của Bộ này cho thấy từ ngày 2-5 tới 5-6, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Pfizer trước Delta là 94,3%. Song, từ ngày 6-6, năm ngày sau khi chính phủ dỡ bỏ các lệnh hạn chế ngăn Covid-19, cho tới đầu tháng 7, tỷ lệ này giảm xuống còn 64%.

Tuy nhiên, khả năng bảo vệ người nhiễm trước nguy cơ bệnh trở nặng và phải nhập viện vẫn duy trì mức cao. Từ ngày 2-5 tới 5-6, tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin trong ngăn ngừa nhập viện là 98,2%, cao hơn một chút so với 93%, ghi nhận từ ngày 6-6 tới 3-7.

Nghiên cứu này phù hợp với các dữ liệu thực tế được Bộ Y tế nước này công bố. Theo đó, trong tuần cuối tháng 6, Israel liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày, mức tăng nhẹ so với nhiều quốc gia, nhưng là con số cao nhất tại nước này kể từ tháng 4. Nguyên nhân phần lớn được cho là bởi biến thể Delta len lỏi trong các trường học. Trước đó, ngày 2-6, 55% số ca nhiễm mới tại nước này là người đã tiêm chủng.

Chính phủ đang cân nhắc khôi phục các hạn chế bổ sung liên quan tới Covid-19, sau khi tái áp đặt lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại không gian kín ở nơi công cộng

Nghiên cứu của Scotland

Theo một nghiên cứu tại Scotland gửi Tạp chí y khoa Lancet vào ngày 14-6, vaccine Pfizer có hiệu quả cao trong ngăn ngừa biến thể Delta, cụ thể:

Vắc-xin Pfizer: 79% sau hai liều, ít nhất 14 ngày sau liều thứ hai.

Vắc-xin AstraZeneca: 60% sau hai liều, ít nhất 14 ngày sau liều thứ hai.

Nguyên nhân khiến số liệu chênh lệch

Hiệu quả của vắc-xin là tỷ lệ số người được bảo vệ đầy đủ sau khi tiêm phòng. Vắc-xin có hiệu quả 80% đồng nghĩa 80% người được bảo vệ và 20% thì không.

Việc tính toán hiệu quả của vắc-xin trong thực tế khó hơn trong thử nghiệm, vì bạn không thể kiểm soát ai được tiêm và ai không được tiêm. Sự khác biệt giữa hai nhóm có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh do Covid-19.

Ngoài ra, các con số khác nhau vì chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm, độ tuổi và tiền sử mắc Covid-19.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.