Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty: Người giữ hồn và sự sống tiếp nối của kinh lá buông

Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN, đang ân cần hướng dẫn các sư viết kinh trên lá buông theo truyền thống Khmer - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN, đang ân cần hướng dẫn các sư viết kinh trên lá buông theo truyền thống Khmer - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
GNO - Kinh viết trên lá buông, một trong những dạng thư tịch truyền thống đặc sắc của Phật giáo Nam tông Khmer, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang dần bị lãng quên trong cộng đồng Phật tử Khmer và đối diện với nguy cơ bị thất truyền nếu không có kế hoạch bảo tồn đúng cách.

Trước thực trạng đó, Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, vị giáo phẩm Khmer năm nay đã 82 tuổi, hiện trụ trì chùa Soài So (H.Tri Tôn, tỉnh An Giang), được xem là người duy nhất còn lại thông thạo kỹ thuật viết kinh lá buông tại An Giang hiện nay, đã có cuộc trò chuyện với báo Giác Ngộ về những trăn trở trong việc bảo tồn loại kinh này.

Nói về nhân duyên học viết kinh trên lá buông, ngài cho biết:

- Vào những năm 1964, khi đó tôi chừng 24 tuổi thì có duyên lành gặp được cụ ông Chau Riêng sống gần chùa Soài So. Ông là người nổi tiếng có chữ viết đẹp và thành thạo kỹ thuật viết kinh lá buông trong vùng lúc bấy giờ. Chính vì yêu thích và mong muốn học cách viết kinh trên lá để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc, tôi đã mời ông qua chùa để học hỏi thêm.

Nhờ sự chỉ dạy tận tình của cụ ông, cùng với niềm đam mê nên chỉ trong 2 - 3 buổi học và thực hành, tôi đã nắm vững hầu hết các kỹ thuật để tạo nên một bộ kinh hoàn chỉnh. Từ việc chọn lá, kẻ hàng, chà mực lên lá kinh và đặc biệt là kỹ thuật khắc kinh tôi đều thành thạo. Có thể nói, việc viết kinh trên lá không khó, chỉ cần mình có niềm yêu thích, ham học và cần cù thì có thể làm được.

Sau khi học xong, tôi bắt đầu việc viết kinh để vừa rèn luyện tay, vừa tạo ra các bộ kinh cho nhà chùa, chư Tăng sử dụng khi giảng pháp hay tụng đọc vào các ngày lễ lớn của người Khmer. Là người tu theo đạo Phật, cả đời chỉ muốn làm sao cho Phật pháp được lưu truyền và phổ biến rộng đến Phật tử, cho nên các bản kinh mà tôi viết có nội dung chủ yếu về truyện tiền thân Đức Phật, những lời dạy của Ngài và các câu truyện dân gian, bài học đạo đức, khuyên người hướng thiện, giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1202 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1202 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

* Được xem là người thông thạo về kỹ thuật viết kinh trên lá buông duy nhất tại An Giang hiện nay, vậy theo ngài, những khó khăn, thử thách khi học viết loại kinh này là gì, bạch Hòa thượng?

- Trong bất kỳ sự học nào, mong muốn có được tri thức là điều không phải dễ. Với tôi, phải chăng nhờ có nhân duyên lớn với kinh lá buông nên tiếp thu cũng rất thuận lợi. Tuy nhiên, học là một việc, làm sao để tạo nên một bộ kinh lá buông đẹp, đúng kỹ thuật thì thật sự không dễ.

Việc chọn lựa lá buông là một quá trình dài và rất kỳ công, đòi hỏi phải chọn loại lá khỏe, không quá non hoặc già, vì nó dễ phai chữ khi viết. Lá được xem là đủ điều kiện phải có độ rộng khoảng 5 cm, và độ dài 60cm, để mỗi lá kinh viết được 5 hàng chữ. Sau khi thu hoạch phải mang ra phơi nắng cho lá săn lại, rồi phơi sương để tạo độ dẻo dai, quy trình đó lặp đi lặp lại 6 - 7 lần thì mới có thể dùng được.

Chữ trên phiến kinh phải được khắc từng nét bằng bút Dek-cha, loại bút làm bằng gỗ với đầu bút là thanh kẽm nhỏ gắn liền vào thân. Mực để chà lên lá cũng là một loại nguyên liệu được làm khá công phu, than hoặc lõi than bên trong pin sau khi tán nhuyễn xong sẽ trộn đều với dầu chai và dầu hỏa, sau đó chà lên các lá kinh đã khắc chữ, để chữ nổi màu dễ đọc. Các lá kinh sau khi chà mực rồi đem phơi khô và xử lý vệ sinh một lần nữa mới được gọi là hoàn thành. Công đoạn cuối cùng là đóng chúng lại thành xấp, phân loại kỹ càng và bảo quản trong túi vải để tránh bị ẩm mốc.

Trong các công đoạn để viết kinh lá buông thì kỹ thuật khắc chữ lên lá là giai đoạn kỳ công nhất, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung của người viết. Bởi trong quá trình viết, nếu sai một chữ là hư toàn bộ lá kinh đó, phải viết lại từ đầu. Chưa kể, người viết cũng phải am hiểu chữ viết Khmer, Pali và có kiến thức về đạo lý Phật giáo, để lựa chọn ra những lời dạy của Đức Phật phù hợp với nhận thức của cộng đồng.

* Hòa thượng có nhận định gì về kinh lá buông trong văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer? Việc bảo tồn nó đã được thực hiện như thế nào để không bị mai một?

- Kinh lá buông là nét văn hóa đặc thù của đồng bào Khmer nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng. Nó không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn chứa đựng lịch sử quá trình phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer trên đất nước Việt Nam.

Nội dung trên đó tường thuật lại những lời dạy của Đức Phật, triết lý Phật giáo và các câu truyện nhân gian của người Khmer, góp phần giáo dục con người hướng đến điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những bản kinh này còn có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng người Khmer, đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn và lưu truyền chữ viết của người Khmer từ trước đến nay.

Thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn loại kinh này, năm 2013, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh An Giang tạo điều kiện mở lớp dạy viết kinh lá buông cho các sư trong tỉnh học tập và thực hành viết kinh trên lá. Lớp học có khoảng 14 vị sư theo học trong 20 ngày. Thời gian sau, tôi có gặp một số sư đã từng theo học khóa học đó, đa phần đều không còn tiếp tục học hỏi cách viết kinh trên lá nữa, trong 14 sư thì chỉ còn duy nhất một sư cho đến hiện tại vẫn còn tự học tập và thực hành tại chùa của mình.

* Thưa Hòa thượng, điều gì khiến những nhà sư đó không mấy mặn mà với việc học và lưu truyền loại kinh này?

- Đây là điều trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay trong việc bảo tồn loại kinh này. Người biết viết kinh trên lá không còn nhiều, các vị sư không có sự yêu thích và mong muốn học cách viết nữa. Bây giờ đa số mọi người đều làm việc trên máy vi tính, ưu tiên sử dụng các công nghệ là chính, việc viết chữ bằng bút bình thường còn hiếm chứ nói gì đến viết bút gỗ, khắc từng nét chữ, phơi từng phiến lá nữa.

Ngoài ra, nguồn thu nhập về mặt kinh tế của kinh lá buông là không có nên hiếm có người muốn học. Và nguyên liệu để viết kinh lá buông đang trong tình trạng khan hiếm vì nhiều lý do khác nhau. Hiện tại ở Việt Nam ít có lá buông, cây buông thì có nhiều nhưng trồng khó sống, và sau khi trồng sống rồi nếu cây ra trái sau 1-2 năm thì nó sẽ chết. Cho nên, đa số chúng ta đều nhập từ Campuchia với chi phí khá đắt đỏ.

* Với những khó khăn đó, Hòa thượng có ý kiến gì để góp phần bảo tồn kinh lá buông hay không?

- Tôi cảm thấy tiếc nuối và xót xa khi thấy nét văn hóa của dân tộc đang dần bị mai một. Mỗi lần nhìn vào các bản kinh, tôi chỉ mong sao chúng được lưu truyền rộng rãi và phát triển hơn, vì đó là một cách lưu giữ con chữ cũng như cái hồn của dân tộc được lâu đời.

Đối diện với việc khan hiếm nguồn lá, tôi đang nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây lá buông tại chùa để chủ động hơn trong vấn đề này, nhưng buồn thay, nó đang có nguy cơ bị chết. Một số chùa có sử dụng giấy để mô phỏng và viết lại kinh, tuy nhiên bộ kinh làm ra không đẹp, tính thẩm mỹ chưa cao và bảo quản không được lâu.

Tuy vậy, với tôi điều đó không khó bằng việc, người có đủ kỹ năng và sự am hiểu để hướng dẫn viết kinh trên lá buông cũng như người muốn viết nó không còn nhiều nữa. Nguồn nguyên liệu chúng ta có thể giải quyết được bằng việc kêu gọi sự ủng hộ của bá tánh, còn con người thì không thể cưỡng cầu. Chúng ta không thể ép người khác từ bỏ những thuận tiện trước mắt họ để lưu giữ những phương thức xưa cổ, truyền thống, có khi họ còn gọi điều đó là lạc hậu. Việc mình bảo tồn mà phải ép người này hoặc người kia theo học thì họ cũng không thể nào học tốt được.

Tôi sẵn sàng truyền đạt lại tất cả kiến thức về nghệ thuật viết kinh này một cách tận tình cho những ai mong muốn theo học và giữ gìn nó, dù cùng hay khác sắc tộc, miễn có lòng yêu thích văn hóa nghệ thuật này là được. Bởi trong Phật giáo không có phân chia giai cấp, không có phân biệt sắc tộc, tất cả đều bình đẳng và có bổn phận giữ gìn, duy trì tốt những giá trị tâm linh Phật giáo tốt đẹp đến các thế hệ mai sau.

* Nhân sự kiện hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể kinh lá buông, Hòa thượng có kỳ vọng gì vào kết quả của hội thảo này hay không?

- Điều đáng mừng là trong hội thảo lần này có một buổi triển lãm kinh lá buông, gom lại tất cả các bộ kinh lá buông cũ và mới ở các chùa trong tỉnh An Giang để trưng bày. Đây cũng là cơ hội để thống kê lại số lượng và tuổi thọ của kinh lá buông hiện đang tồn tại, giúp chúng ta có kế hoạch cụ thể để bảo tồn nó.

Hiện tại, một số chùa đã có nhiều sự quan tâm hơn về kinh lá buông như sử dụng chúng trong các buổi giảng pháp và tìm mua kinh về để nghiên cứu. Đó có thể nói là tin vui của kinh lá buông. Tôi cũng hy vọng thông qua hội thảo lần này, chúng ta sẽ tìm ra được một giải pháp thực sự hiệu quả, đúng với thực tế trong việc bảo tồn và phát huy loại kinh này, tránh để chúng bị thất truyền trong tương lai.

Chân thành tri ân Hòa thượng đã dành thời gian chia sẻ những trăn trở rất tha thiết này với bạn đọc báo Giác Ngộ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.