Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Hòa thượng Thích Huệ Tài nói về Phật giáo tỉnh An Giang

2 vị Trưởng lão Hoà thượng Chau Ty và Hoà thượng Thích Huệ Tài tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang - Ảnh: Hạnh Đăng
2 vị Trưởng lão Hoà thượng Chau Ty và Hoà thượng Thích Huệ Tài tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang - Ảnh: Hạnh Đăng
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang (1993-2023), Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty và Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Tài, đồng Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang cũng đã có những chia sẻ cùng Giác Ngộ.

* Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang:

“Trong ba mươi năm qua, Phật giáo Nam tông Khmer đã có nhiều bước phát triển nổi bật, như mở được các lớp học Pali ở nhiều chùa trên địa bàn tỉnh; chư Tăng và Phật tử đã có sự hòa nhập phát triển tốt hơn trong cộng đồng Phật giáo; GHPGVN và lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm hỗ trợ rất lớn trong sự phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer. Đặc biệt, tôi rất vui mừng khi nhận thấy Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng hòa nhập và gắn kết với các hệ phái Phật giáo Việt Nam.

Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang
Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang

Đối với văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer, điều trăn trở nhất đối với tôi là việc duy trì và phát triển nghệ thuật viết kinh trên lá buông. Tôi rất mong muốn mở lớp dạy và bảo tồn việc viết kinh - những lời dạy của Đức Phật trên lá buông, nhưng hiện nay nguồn cung về lá rất hiếm. Mặc dù, đã nhiều lần trồng thử nhưng cây lá buông rất khó trồng và không thể phát triển như mong muốn.

Hiện tại ở huyện Tri Tôn cũng có được vài cây nhưng cây khá nhỏ, lá chưa đủ lớn để có thể viết kinh. Tôi rất muốn truyền dạy lại cho hàng hậu học để giữ gìn nét đẹp văn hóa này. Nếu không đủ duyên trồng và sử dụng lá buông viết kinh phổ biến rộng rãi, tôi chỉ mong trồng được một, hai cây tại chùa, để có thể truyền tải được lịch sử văn hóa cho thế hệ mai sau biết đến việc người xưa đã dùng lá buông để viết kinh.

Tôi mong rằng Phật giáo tỉnh nhà sẽ ngày càng phát triển, các hệ phái sẽ luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong sự hài hòa, cùng nhau phát triển. Phật giáo Nam tông Khmer sẽ luôn quan tâm chú trọng công tác giáo dục chư Tăng để góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam”.

* Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Tài, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang:

“Sau khi GHPGVN thành lập (1981), các tỉnh thành lần lượt tổ chức đại hội, chính thức thành lập Ban Trị sự, nhưng riêng Phật giáo tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn về nhân sự nên chỉ thành lập được Ban Vận động thống nhất Phật giáo An Giang, gồm có 8 vị. Phật giáo An Giang đã kiên trì, tâm huyết, phấn đấu phải đến mười năm sau (1993) mới vận động tổ chức được Đại hội Phật giáo tỉnh chính thức và Hòa thượng Thích Chánh Đạo làm Trưởng ban Trị sự đầu tiên, liên tục sau đó với ba nhiệm kỳ.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Tài, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang
Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Tài, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang

Trong 30 năm qua, với sự hòa hợp của các hệ phái, Phật giáo An Giang đã trải qua các giai đoạn thăng trầm và đến nay đã được ổn định phát triển, mọi chương trình hoạt động đều được hanh thông, góp phần nào cho sự phát triển chung cho Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc. Phật giáo tỉnh An Giang được ổn định phát triển là nhờ vào trí tuệ và sự quyết tâm của các bậc tiền nhân, đặc biệt là các vị tôn đức trong Ban Vận động Đại hội Phật giáo tỉnh nhà.

Đến nhiệm kỳ này, Phật giáo tỉnh nhà đã suy cử Hòa thượng Thích Thiện Thống làm Trưởng ban Trị sự, một vị thầy có nhiều công sức trong Ban Vận động Phật giáo tỉnh nhà về mặt hành chánh Giáo hội, thầy cũng là một vị Tăng tài tuổi trẻ vừa phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời đại phát triển công nghệ số. Có thể nói, hiện nay Phật giáo tỉnh An Giang rất ổn định đi vào nề nếp, tất cả các chùa trong tỉnh được quan tâm tu bổ phát triển, các đạo tràng tu học dành cho Phật tử ngày một đông; duy trì khóa bồi dưỡng trụ trì hàng năm...

Phật giáo tỉnh luôn đề cao chuẩn mực đạo đức của người tu sĩ, lấy Giới luật, Giáo luật làm thước đo nhắc nhở Tăng Ni. Tôi tin chắc rằng, trong hiện tại và tương lai Phật giáo An Giang sẽ không ngừng phát triển, góp phần ổn định bền vững cho GHPGVN”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.