GN - Đây là nội dung được Đức Dalai Lama nhấn mạnh trong thông điệp video phát từ Dharamsala (Ấn Độ), gửi đến hội nghị trực tuyến các quốc gia nhóm G7 diễn ra vào trung tuần tháng 9 qua.
Với chủ đề “Nhận diện biến đổi khí hậu trong sự bình đẳng kinh tế và môi trường sống”, Đức Dalai Lama tái khẳng định tất cả các quốc gia trên thế giới cần khẩn trương liên kết hành động để ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Ngài Dalai Lama hưởng ứng chiến dịch "Million Trees" năm 2019 của tạp chí The Mirror (Anh), kêu gọi trồng cây bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu
“Tôi luôn khuyến khích chúng ta nhìn nhận toàn thể 7 tỷ người trên quả đất này là ‘một cộng đồng nhất thể’. Và trong tương lai, chúng ta cũng phải tư duy trên nền tảng lợi ích chung của con người trên hành tinh này, chứ không phải hành động bởi sự dẫn dắt của ý niệm ‘đất nước tôi, dân tộc tôi’ hay ‘nhóm tôn giáo của tôi’. Xuyên suốt trong lịch sử, con người đã vận hành cuộc sống dựa trên quyền lợi quốc gia, tôn giáo riêng lẻ,… Chính điều này tạo ra nhiều vấn đề trong xã hội”.
Thêm vào đó, ngài cũng nói rõ “sự vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân là lối tư duy thiển cận dẫn đến những hành động ích kỷ”. Mỗi người cần nhận thức rằng, tương lai của thế giới phụ thuộc vào từng cá thể đang cùng hít thở một bầu không khí này. Và đã đến lúc mọi người nghĩ, làm vì lợi ích chung của tất cả.
Theo khảo sát của các nhà khoa học, mức độ tập trung khí CO2 trong năm 2020 được ghi nhận ở mức trung bình cao nhất từ trước đến nay. Và hành tinh của chúng ta đã trải qua đỉnh nhiệt độ cao thứ hai lịch sử vào năm 2019. Quả đất đang nóng dần lên, những hệ lụy thời tiết như: các đợt không khí nóng, lốc xoáy, cháy rừng, hạn hán và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng hơn. Sự khô cạn dần của các con sông lớn làm suy kiệt đa dạng sinh thái, nguồn thực phẩm, công ăn việc làm, giao thông và thương mại đường sông tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nói về các đe dọa môi trường, Đức Dalai Lama cũng lưu ý nguy cơ hàng tỷ con người sẽ phải đối mặt do “dấu chân” của biến đổi khí hậu tại vùng Hy Mã Lạp Sơn và cao nguyên Tây Tạng - nơi được xem là “cực thứ ba” của thế giới (bên cạnh Nam và Bắc cực), với các dòng sông băng, các tầng đất băng vĩnh cửu chứa trữ lượng nước sạch lớn của thế giới, nuôi dưỡng dòng chảy của 10 hệ thống sông ngòi lớn nhất ở châu Á.
Và Tây Tạng - nơi được mệnh danh “mái nhà của thế giới”, là nguồn cung cấp nước quan trọng cho một số quốc gia như Trung Quốc (sông Dương Tử), Ấn Độ (sông Brahmaputra) và Pakistan (sông Indus),… Tuy vậy, lượng băng tuyết ở đây ngày một ít dần; và tại Dharamsala, thực trạng tương tự cũng đang diễn ra.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn biến nghiêm trọng và không còn là ý niệm mang tính trừu tượng. Với sự nóng lên toàn cầu, một số nơi ngập úng do mưa; trong khi các nơi khác lại khô cằn. Người dân khắp nơi trên thế giới đang phải gánh chịu vấn nạn môi trường này; đặc biệt là khu vực châu Phi, Ấn Độ và Trung Quốc - Đức Dalai Lama chia sẻ.
Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ
(theo The Buddhist Door, dalailama.com, mirror.co.uk)