Lễ tưởng niệm 46 năm ngày Hòa thượng Thích Trí Hải viên tịch

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 1-7 (nhằm ngày 7-6 năm Ất Tỵ), tại chùa An Lạc (phường Bến Thành, TP.HCM), môn đồ tổ đình Tế Xuyên tại miền Nam thành kính tổ chức Lễ tưởng niệm 46 năm ngày Hòa thượng Thích Trí Hải viên tịch.
Trang nghiêm khóa lễ
Trang nghiêm khóa lễ

Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm theo truyền thống nghi lễ thiền môn miền Bắc. Chư tôn đức Tăng Ni thuộc sơn môn Tế Xuyên và các tự viện tại TP.HCM đã vân tập chánh điện tụng kinh, cầu nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Sau thời kinh của đại chúng, môn đồ pháp quyến đã cử hành nghi thức tiến Giác linh Hòa thượng tại tổ đường chùa An Lạc.

Hòa thượng Thích Trí Hải là một danh Tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX của miền Bắc. Ngài sinh năm 1906 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 17 tuổi, ngài xuất với Hòa thượng Thích Thông Dũng, chùa Mai Xá (Hà Nam). Năm 20 tuổi, ngài được Bổn sư cho thọ giới Tỳ-kheo và theo học hạ suốt 5 năm.

Chư Tăng Ni, Phật tử tụng kinh cầu nguyện
Chư Tăng Ni, Phật tử tụng kinh cầu nguyện

Năm 19 tuổi (1925), ngài cùng với một số vị Tăng trẻ thành lập Đoàn Thanh niên Tăng lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ. Năm 1932, ngài cùng với chư Tăng và cư sĩ Phật tử thành lập Ban Phật học Tùng thư để nghiên cứu, phiên dịch và ấn hành kinh sách với mục đích truyền bá giáo lý.

Năm 1934, nhận thấy phong trào chấn hưng Phật giáo toàn miền Bắc cần phát triển sâu rộng, ngài đã cùng với chư Tăng và Phật tử có đạo tâm, uy tín tiếp nhận chùa Quán Sứ làm trụ sở Trung ương và thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Năm 1936, ngài quyết định đại trùng tu xây dựng chùa Quán Sứ và tự tay phác họa bản vẽ sơ thảo với quy mô kiến trúc kiểu mới. Cũng trong năm này, ngài thành lập Tăng học đường tại chùa Bồ Đề (Long Biên).

Chân dung Hòa thượng Thích Trí Hải
Chân dung Hòa thượng Thích Trí Hải

Trong suốt những năm sau, Hòa thượng cùng với các ngài Tuệ Tạng, Tố Liên, Cư sĩ Thiều Chửu… mở các trường học, lớp giáo lý để đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1951, Phật giáo 3 miền họp tại chùa Từ Đàm (Huế) thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, ngài được suy cử làm Phó Hội chủ.

Năm 1952, Giáo hội Tăng-già Việt Nam được thành lập tại chùa Quán Sứ, ngài làm Trị sự trưởng.

Năm 1954, Hòa thượng về Hải Phòng vận động xây dựng chùa Phật giáo Hải Phòng và chỉ trong vòng 3 tháng ngôi chùa được hoàn thành. Đây cũng là nơi ngài lưu trú và hoằng đạo đến cuối đời.

Ngoài thời gian dấn thân cho phong trào chấn hưng Phật giáo, với các Phật sự tạo dựng và kiến thiết cơ sở cho Phật giáo, Hòa thượng còn dành nhiều thời gian cho công tác phiên dịch, trước tác, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao. Trong hoạt động truyền bá Chánh pháp trên lĩnh vực báo chí, năm 1935, Hòa thượng cùng với Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập báo Đuốc Tuệ, tiền thân của các báo Diệu ÂmPhương Tiện sau này, cùng với việc thành lập nhà in. Ngài cũng chủ trương thành lập tờ nhật báo Tinh Tiến. Hòa thượng đã viết hơn 200 bài cho các tờ báo trên.

Năm 1979, sau khi vào miền Nam thăm đệ tử tại chùa An Lạc và học trò tại các ngôi tự viện, ngài trở về Bắc và ở tại chùa Phật giáo Hải Phòng. Thuận theo vô thường, Hòa thượng đã viên tịch vào ngày 7-6-Kỷ Mùi; trụ thế 74 tuổi, 54 hạ lạp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.