Phát hiện kho báu Phật giáo hàng nghìn năm dưới tượng Phật nằm cổ nhất Thái Lan

Tượng Phật nằm tại Wat Dhammachak Semaram
Tượng Phật nằm tại Wat Dhammachak Semaram
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một kho báu khảo cổ gồm hàng chục hiện vật bằng vàng, bạc và đồng vừa được phát hiện dưới nền Wat Dhammachak Semaram, nơi tọa lạc một trong những tượng Phật nằm cổ nhất Thái Lan. Những hiện vật quý giá này làm sáng tỏ thêm một giai đoạn đầu ít được biết đến trong lịch sử Phật giáo tại vùng Đông Bắc nước này.

Việc khai quật bắt đầu hoàn toàn tình cờ, trong lúc chùa tiến hành dự án cải tạo hệ thống thoát nước ngầm nhằm bảo vệ bệ tượng Phật nằm bằng sa thạch dài 12 mét, được cho là có niên đại khoảng 1.300 năm và là một trong những tượng Phật nằm cổ nhất còn tồn tại ở Thái Lan.

Tại độ sâu chỉ hơn một mét, nhóm công nhân bất ngờ tìm thấy một bình đất nung chứa 33 hiện vật kim loại quý hiếm. Phát hiện này ngay lập tức thu hút sự chú ý của Cục Mỹ thuật Thái Lan. “Những hiện vật này thật sự phi thường. Chúng cho chúng ta thấy được trình độ thủ công tinh xảo và lòng sùng kính Phật giáo của người xưa”, ông Phnombootra Chadrajoti, Tổng Cục trưởng Cục Mỹ thuật chia sẻ với truyền thông địa phương.

Trong số những hiện vật được khai quật bao gồm nhẫn vàng chạm hình búp sen, hoa tai bạc nạm hạt đa sắc, mặt dây chuyền đồng xoắn ốc, một biểu tượng của “sự vô tận” trong tư tưởng Phật giáo. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là những vật phẩm cúng dường được các nhà sư chôn xuống nền chùa trong nghi lễ xây dựng hoặc chú nguyện cho ngôi già-lam hàng thế kỷ trước.

Đáng chú ý nhất là một tấm vàng nguyên chất có kích thước khoảng 8x12,5cm, khắc họa hình ảnh Đức Phật đang thuyết pháp trong tư thế Vitarka Mudra, biểu tượng cho sự giảng dạy và thảo luận trí tuệ. Bức phù điêu này nổi bật với chi tiết cực kỳ tinh xảo: tòa sen biểu trưng cho giác ngộ, hào quang xung quanh, và đôi tai dài. Một hiện vật khác cũng gây tò mò không kém là tấm phù điêu bạc bị sứt mẻ, khắc ba nhân vật thần thánh. Trung tâm là Đức Phật cầm bình bát, bên trái là Phra Phrom (phiên bản tứ diện Thái Lan của thần Brahma), và bên phải là một vị thần chưa xác định, tay cầm cành cây đa.

Các hiện vật được phát hiện

Các hiện vật được phát hiện

Ngoài ra, các chuyên gia còn phát hiện một tấm kim loại chế tác theo kỹ thuật “sandwich”, tức ghép ba lớp kim loại là vàng, bạc và đồng, một kỹ thuật rất hiếm trong nghệ thuật Phật giáo cổ. Ảnh chụp X-quang cho thấy bên trong tấm kim loại là hình bánh xe pháp luân (Dharmachakra) tám nan, biểu tượng cho Bát chánh đạo trong giáo lý nhà Phật.

Phần lớn các hiện vật đều mang dấu ấn nghệ thuật của thời kỳ Dvaravati (từ thế kỷ VI-XXI), một giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo tại vùng Trung và Đông Bắc Thái Lan. Trước đây, các học giả thường cho rằng các trung tâm Phật giáo cổ chỉ tập trung ở vùng Nakhon Pathom, miền Trung Thái Lan. Tuy nhiên, phát hiện lần này cho thấy Nakhon Ratchasima, cách Bangkok khoảng 200km, cũng từng là một trung tâm Phật giáo quan trọng không kém các trung tâm khác. “Những phát hiện này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về bối cảnh tôn giáo và văn hóa của vùng Đông Bắc Thái Lan trong thời kỳ Dvaravati”, đại diện Cục Mỹ thuật cho biết.

Trong đợt khai quật tiếp theo, các nhà khảo cổ còn tìm thấy thêm ba mảnh kim loại mỏng và các mảnh vữa nhỏ gần phần đầu tượng Phật nằm. Dù các hiện vật này còn đang được phân tích, nhưng nhiều khả năng chúng là vật phẩm nghi lễ được tín đồ chôn xuống nền chùa như một phần của nghi thức thờ phụng.

Toàn bộ hiện vật hiện đang được bảo quản, phân tích và lập hồ sơ tại Bảo tàng quốc gia Phimai, tọa lạc gần khu vực khai quật. Các chuyên gia đang nghiên cứu sâu hơn về niên đại, công năng và ý nghĩa tôn giáo của từng hiện vật, trong mối liên hệ giữa Phật giáo Nam tông và Bắc tông ở Đông Nam Á cổ đại. Chính quyền Thái Lan cũng đang xem xét việc xây dựng một không gian trưng bày ngay tại Wat Dhammachak Semaram, nhằm đưa địa điểm này trở thành điểm đến mới cho khách hành hương, khách du lịch văn hóa và giới nghiên cứu Phật học.

Thái Lan là một quốc gia chủ yếu theo đạo Phật, với gần 95% dân số theo truyền thống Theravāda. Hồi giáo và Thiên Chúa giáo là hai tôn giáo thiểu số lớn nhất, chiếm lần lượt 4,29% và 1,17% dân số. Những nỗ lực khảo cổ như phát hiện lần này đang góp phần mở rộng hiểu biết của chúng ta về cách Phật giáo đã được thực hành và thích nghi trong các bối cảnh lịch sử và văn hóa đa dạng của khu vực này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.