Triết học phương Tây có thể giúp gì cho người Phật tử?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - William Edelglass khuyên rằng: Hãy nhìn lại triết học phương Tây, nó có thể gần gũi với Phật giáo hơn bạn nghĩ!

Vào đầu những năm 2000, tôi từng giảng dạy triết học phương Tây cho các tu sĩ Tây Tạng tại Học viện Biện chứng Phật học ở Dharamsala, Ấn Độ. Họ rất hào hứng khám phá những góc nhìn mới về các vấn đề mà họ đã nghiên cứu trong triết học Phật giáo, cũng như những câu hỏi hoàn toàn mới mà họ chưa từng xuất hiện bên trong họ. Gần đây, tôi bất chợt nhớ lại trải nghiệm đó khi một người bạn Phật tử hỏi tôi rằng: “Tìm hiểu về triết học phương Tây mang lại lợi ích gì cho một hành giả Phật giáo ngày nay?”.

Phật giáo có một truyền thống triết học và đạo đức vô cùng phong phú. Tuy nhiên, một truyền thống chỉ có thể tồn tại nếu nó đã, đang và sẽ giải quyết những vấn đề và mối quan tâm của từng thế hệ mà nó gắn bó, kể cả thế hệ hiện tại. Trong thời đại chúng ta, có những vấn đề quan trọng và cấp thiết như công bằng xã hội, bất bình đẳng, cách chung sống hòa bình trong xã hội đa văn hóa, biến đổi khí hậu, và ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Để biết cách ứng xử, suy nghĩ và hành động khéo léo trong bối cảnh hiện đại, chúng ta cần đối diện và tìm cách giải quyết với những vấn đề này. Vì vậy, là người Phật tử, chúng ta không nên ngần ngại để học hỏi từ triết học phương Tây khi nó có thể giúp ta giải quyết những thách thức ấy.

So với Phật giáo thời tiền hiện đại, khái niệm “công bằng” đã là mối quan tâm chính của triết học phương Tây từ thời các triết gia Plato và Aristotle. Lý thuyết chính trị phương Tây, với các khái niệm về phẩm giá con người và quyền con người, có thể giúp Phật giáo nhập thế đưa ra những phản hồi mang tính đạo đức đối với những vấn đề nan giải của xã hội. Triết học về môi trường phương Tây cũng góp phần định hình Phật giáo sinh thái (eco-buddhism), một cách tiếp cận mới của Phật giáo đối với vấn đề mà các bậc thầy Phật giáo cổ đại chưa từng đối diện. Các hệ thống triết học của phương Tây cung cấp cho chúng ta công cụ để suy xét và hành động có trách nhiệm hơn trong một thế giới đang đối mặt với sự rối ren của xã hội và suy thoái môi trường.

Nhưng không chỉ trong lĩnh vực đạo đức, chúng ta cũng nên cởi mở suy xét đến triết học phương Tây trong những vấn đề mà Phật giáo đã phân tích rất sâu sắc, như bản chất của tâm thức, thế giới và ý nghĩa cuộc sống. Các triết gia phương Tây cũng đã từng đào sâu những câu hỏi này; vì vậy, đôi khi quan điểm và lập luận của họ có thể giúp làm sáng tỏ những phân tích của Phật giáo. Vì tuệ giác là điều kiện thiết yếu để giác ngộ, và cũng như nhiều học giả Phật giáo đã nhấn mạnh, một trong những phương pháp quan trọng để đạt được tuệ giác là lập luận lý trí và thiền quán phân tích, nên chúng ta cần sẵn sàng tiếp nhận những tri thức mới, cho dù chúng đến từ đâu.

Quan trọng hơn nữa, để hiểu sâu hơn các kinh điển Phật giáo, chúng ta cũng cần nhận thức về những khuôn khổ tư duy mà chúng ta sử dụng để tiếp cận và diễn giải kinh điển. Đối với nhiều người trong chúng ta, điều này có nghĩa là suy xét đến quan điểm của các quan niệm triết học và văn hóa hiện đại phương Tây trong khi nghiên cứu Phật giáo. Ví dụ, tại sao một số người lại thấy hấp dẫn và bị cuốn hút đối với một hình thức Phật giáo nhấn mạnh tâm lý học, sự sáng tạo, thiên nhiên, dấn thân xã hội, và việc sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, đồng thời ít chú trọng đến truyền thống, thần thoại và nghi lễ? Nếu không ý thức được những khuôn khổ tư duy này, chúng ta có thể chỉ nhìn thấy trong Phật giáo một hình ảnh phản chiếu từ hệ tư tưởng của chính mình, thay vì để kinh điển Phật giáo thực sự thử thách và dẫn dắt tư duy của chúng ta.

Trong suốt tiến trình lịch sử, khi Phật giáo phát triển tại Ấn Độ và lan rộng sang các nền văn hóa khác, các nhà tư tưởng Phật giáo đã tiếp thu những nguồn tư tưởng mới, tùy vào nhận thức của vùng miền đó, để diễn đạt giáo lý. Phật giáo không ngừng tiếp biến và bị biến đổi bởi những nền văn hóa mà nó tiếp xúc, đúng như giáo lý về duyên khởi và vô thường mà Đức Phật đã chỉ ra. Các học trò của tôi ở Dharamsala đang tiếp nối một truyền thống lâu đời của các tu sĩ và luận sư Phật giáo, những người nghiên cứu các giáo lý cả trong và ngoài Phật giáo, đánh giá và tổng hợp những ý tưởng có giá trị giúp đạt được tuệ giác và chuyển hóa khổ đau. Vì vậy, khi du nhập vào phương Tây, thì Phật giáo đã là một hệ tư tưởng được kết hợp nhiều truyền thống trí tuệ và văn hóa khác nhau.

Sự kết hợp giữa Phật giáo châu Á và tư tưởng phương Tây có thể khiến một số người lo ngại, đặc biệt là những ai mong muốn tìm thấy một hệ thống giáo lý “nguyên chất”, không bị ảnh hưởng bởi phương Tây. Quả thực, chúng ta cần thận trọng với một hình thức Phật giáo tách rời khỏi Phật giáo truyền thống; bởi vì niềm tin vào Đức Phật, giáo pháp, Tăng đoàn, và vào khả năng tự chuyển hóa của chính mình là những yếu tố quan trọng trên con đường tu tập. Tuy nhiên, sự cởi mở trước những đóng góp của triết học phương Tây trong việc giúp chúng ta giải thoát tâm trí khỏi mê lầm và phản ứng một cách thiện xảo đối với những vấn nạn của chúng sinh là hoàn toàn phù hợp với truyền thống Phật giáo. Dù cuối cùng giáo pháp vượt lên trên mọi khái niệm và ngôn từ, chúng ta vẫn nên hoan nghênh sự tiếp nối của Phật pháp tại phương Tây, nơi tôn giáo này đang dần thích nghi để đáp ứng nhu cầu của một thế hệ mới.

Về tác giả: William Edelglass là Giám đốc Nghiên cứu mới tại Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Barre và là Giáo sư Triết học và Nghiên cứu môi trường tại Cao đẳng Marlboro ở Vermont. Ông đã từng đến Dharamsala, Ấn Độ, nơi ông giảng dạy cả triết học phương Tây cho các nhà sư Tây Tạng tại Viện Biện chứng Phật giáo và triết học Phật giáo cho sinh viên đại học Hoa Kỳ trong chương trình nghiên cứu về Tây Tạng.

Thiện Quang dịch

Nguồn: https://www.lionsroar.com/how-buddhists-can-benefit-from-western-philosophy/

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.