"Sing me a song" - Chuyện trên vùng núi

Một cảnh trong bộ phim "Sing me a song"
Một cảnh trong bộ phim "Sing me a song"
0:00 / 0:00
0:00
GN - Sing me a song là phần tiếp theo của bộ phim cùng tác giả với tựa đề Happiness ra đời trước đó vào năm 2013, đã giành giải thưởng điện ảnh của Sundance.

Bộ phim này nhận được nhiều lời khen ngợi sau khi được chiếu lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto 2019 (TIFF) và sau đó đã được công chiếu đến rộng rãi quần chúng vào ngày 1-1-2019, đồng thời có mặt trên các kênh truyền hình cáp của Hoa Kỳ cũng như được phổ biến trên iTunes, Amazon, Prime Video, VUDU, Google Play, YouTube, Microsoft và Vimeo.

Sing me a song là phần tiếp theo của bộ phim cùng tác giả với tựa đề Happiness ra đời trước đó vào năm 2013, đã giành giải thưởng điện ảnh của Sundance. Theo chia sẻ của vị đạo diễn này với Buddhistdoor Global, đó là lần đầu tiên ông đi đến một khu làng chỉ để ghi lại những tác động của các loại màn hình (bao gồm tivi, máy vi tính và điện thoại thông minh) đối với những người chưa bao giờ tiếp xúc với công nghệ. Tuy nhiên, dự án điện lực tại đây bất ngờ bị trì hoãn, buộc Balmès phải thực hiện kế hoạch của mình dưới một góc độ tiếp cận khác.

“Chỉ vì điều kiện khí hậu ở khu vực đó khiến dòng điện không thể đến được, đã khiến bộ phim Happiness ra đời, với nội dung kể về một nhà sư trẻ đang mong chờ có điện”, Balmès giải thích, “Tôi không nghĩ Sing me a song là phần tiếp theo của Happiness. Kế hoạch ban đầu của tôi chính là bộ phim Sing me a song, và Happiness chỉ là phần tiền truyện”.

Sing me a song mở đầu bằng những phân cảnh nhà sư 8 tuổi Peyangki, do Balmès thực hiện từ 10 năm trước. Phong cảnh miền núi nơi cậu bé Peyangki vui đùa vô cùng đẹp đẽ, và lời nguyện trở thành một nhà sư của cậu ấy cũng rất ấn tượng. Khung hình chuyển tiếp đến thời điểm hiện tại, những tác động của công nghệ đối với một ngôi làng khép kín lập tức hiện rõ: điện thoại thông minh dường như tràn ngập mọi ngóc ngách đời sống trong tu viện. Balmès đã ghi lại cảnh các cậu bé bị mê hoặc bởi các thiết bị thông minh ngay từ khi thức dậy, lúc tụng kinh hay thực hiện các nghi thức tôn giáo và trong các sinh hoạt hàng ngày. Ngay cả đến lúc đi ngủ, tất cả những gì có thể thấy được chỉ là những khuôn mặt dán chặt vào ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị cá nhân.

Hình ảnh trích từ phim "Sing me a song"

Hình ảnh trích từ phim "Sing me a song"

Nét ngây thơ, hồn nhiên hoàn toàn biến mất khi phim chiếu cảnh một nhóm các cậu bé mang trang phục tôn giáo, nhập vai chiến tranh với một kho súng đồ chơi. Đặc biệt, sự đảo lộn của các giá trị được làm nổi bật hơn nữa thông qua nhân vật chính Peyangki, bấy giờ đã là một thanh niên chịu quá nhiều cám dỗ của thế giới hiện đại. Hơn thế nữa, cậu thấy bản thân vô cùng nghi hoặc về quyết định sống cuộc sống ẩn dật của một nhà sư. Cậu quen một người bạn gái trên mạng, và cũng giống như nhiều người bạn khác, cậu dường như không thể bỏ điện thoại xuống để học hành. Việc Peyangki thiếu tập trung và chuyên tâm khiến thầy giáo của cậu rất phiền lòng.

Thay vì nghe theo lời khuyên của thầy mình, Peyangki rời tu viện đến thủ đô Thimphu, nơi cậu gặp Ugyen, người bạn gái bí ẩn trên mạng. Mặc dù hồi 8 tuổi, Peyangki từng mơ ước rằng một ngày nào đó sẽ nhìn thấy máy bay và những tòa nhà cao chọc trời trong thành phố, nhưng giờ đây, cuộc sống nơi thành thị lại không như những gì cậu tưởng tượng trước đó. Cậu phát hiện ra việc mình bị người yêu trực tuyến lừa dối: cô ấy già hơn cậu nghĩ và đã có một đứa con. Cậu có vẻ thờ ơ với môi trường mới và dành phần lớn thời gian để chơi điện tử trong những nơi có internet, với ánh sáng lờ mờ.

Tuy vậy, ngược lại với bối cảnh khắc nghiệt này, tính nhân văn trong Peyangki lại nổi bật lên bởi những khoảnh khắc vô cùng gần gũi như lúc cậu ấy rơi nước mắt khi phải rời xa người mình yêu.

Theo Balmès, dự án của bộ phim này đã cho phép anh ghi lại những khoảnh khắc như thế một cách tự nhiên: “Khi bạn dành 10 năm để theo dõi một người thì bạn đã phát triển một số tình cảm rất đặc biệt đối với họ. Và bạn có thể hình thành sự tin tưởng rất lạ lùng. Đối với tôi, căn bản là tôi không cố gắng thao túng mọi thứ và cũng không có kế hoạch nào từ trước. Tôi chỉ để mọi thứ phát triển theo cách của chúng”.

Nhìn chung, bộ phim phản ánh phương pháp luận của đạo diễn và nó giống như một câu chuyện “chỉ cho thấy, đừng kể”, do đó cho phép khán giả tự đưa ra nhận định riêng của mình về sự biến đổi nghiêm trọng của một ngôi làng trong khoảng thời gian ngắn như thế. Có thể nói rằng mức độ tuyệt đối của các cảnh quay mà trong đó các nhân vật mê đắm vào các thiết bị đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Chẳng hạn như khi đi ngủ, Peyangki đã nhắc bạn mình rằng ti vi vẫn đang bật nhưng cuối cùng họ quyết định không tắt nó. Có phải các cậu thiếu niên này đã bị dính chặt vào mạng 24/7? Có lẽ câu trả lời là phải. Mặc dù Sing me a song mang phong cách riêng của Bhutan, nhưng nó cũng đặt ra những câu hỏi đối với cả nhân loại trong thời đại toàn cầu hóa này. Trong đó, câu hỏi quan trọng nhất là: những giá trị nào đang bị gạt ra khỏi vòng tay chứa đầy công nghệ của chúng ta? Và chúng ta có sẵn sàng để bước đi tiếp trên con đường này không?

Sing me a song là một bộ phim tài liệu của đạo diễn người Pháp Thomas Balmès. Trong đó, ông đã thể hiện những khía cạnh mà sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tác động đến vùng núi hẻo lánh Laya tại Bhutan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.