Bạn trẻ làm phim ngắn gửi gắm thông điệp "Nẻo về bình an”

Bạn trẻ làm phim ngắn gửi gắm thông điệp "Nẻo về bình an”
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Nẻo về bình an” là phim ngắn được hai bạn trẻ là Phật tử tại Hà Nội thực hiện với thông điệp: Trước những biến động của cuộc sống, nẻo về bình yên nhất của đời người chính là quê hương, gia đình và mái nhà tâm linh.

“Nẻo về bình an” có độ dài gần 7 phút - tựa như phim ngắn thể loại quà tặng tâm hồn, kể câu chuyện cuộc đời, sự trưởng thành của một người thông qua các mốc thời gian (sáng - trưa - chiều), địa điểm (bờ bãi quê hương - phố thị - chốn thiền môn), trang phục và những tựa đề gợi mở của các tập sách.

Video mở đầu với không gian bờ bãi sông Hồng buổi sáng bình yên, chàng thanh niên trẻ trong trang phục màu trắng (như sự trong trẻo, tinh khôi của ngày mới, của một cuộc đời) thả bước chân trần trên bờ cát, nghe tiếng sóng vỗ, ngắm nhìn nhịp sống lao động yên bình từ những con thuyền sinh hoạt trên sông. Giữa những thanh âm tươi mới, reo vui của thiên nhiên và cuộc đời, chàng trai trẻ ngồi trên con thuyền nhỏ, mơ mộng cùng cuốn sách “Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người” - những rung động đầu đời của tuổi mới lớn.

“Gió sông Hồng thổi mỗi lối tôi đi/ Mách lẻo với bước chân – tôi là kẻ du ca đi tìm mình trong câu hỏi tâm linh ngàn năm khắc khoải.../ Tôi là ai?/ Rời giấc mơ thương yêu của mẹ, tôi về đâu giữa dòng người?”

Lời tự sự, trăn trở đi tìm mình theo bước chân đã đưa nhân vật đến chốn thị thành phồn hoa, trong không gian một quán café vào buổi trưa (như nửa đời người - thời điểm của sự trưởng thành, đầy năng lượng và muốn bung ra, khám phá bản thân, cuộc đời). Trong bộ đồ vest màu xanh, chàng trai suy ngẫm về tuổi trẻ cùng cuốn sách “Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc”, thấy cuộc đời mình là một hành trình, như con tàu lạc qua rất nhiều sân ga, loay hoay tìm một điểm dừng, bến đỗ bình an.

Rồi từ chiếc laptop - qua internet và nhân duyên hội tụ, chàng trai tiếp xúc với một video nói về bước chân thảnh thơi chốn thiền môn. Đó như dòng suối mát lành làm dịu lại mọi lo toan của cuộc đời, một tiếng chuông thức tỉnh cho tâm hồn, giải đáp được mọi băn khoăn trên hành trình tôi đi tìm tôi, đi tìm bình an giữa cuộc đời.

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

Trong trang phục màu áo nâu Phật tử, giữa tiếng chuông chùa ngân vang “Bu-uông… Bu-uông…” từng hồi (như lời nhắc cần buông xuống những ruổi rong, tính toan, mỏi mệt), người đàn ông ngồi tìm trầm ngân cùng cuốn sách “Về nhà đi”, tìm thấy trong cuốn sách một chiếc lá bồ đề có viết thư pháp dòng chữ “Bình an”.

Không có quá nhiều nhân vật hay những tình huống gay cấn, phức tạp, “Nẻo về bình an” như một bài thiền ca được hát lên bên bậc thềm chốn thiền môn, đủ để khơi mở và truyền cảm hứng trở về với cội nguồn tâm linh cho bất kỳ ai còn đang ruổi rong, lang thang kiếm tìm bình an, đi tìm ý nghĩa và giá trị cuộc đời.

Phim ngắn do Phật tử Lương Đình Khoa viết kịch bản và là nhân vật chính trải nghiệm, dưới ống kính máy quay của Phật tử trẻ Hồ Hải Nam. Lương Đình Khoa cho biết anh và quay phim Hải Nam có duyên gặp nhau tại chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), và thường xuyên trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm đối diện với những biến động của cuộc sống để truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho nhau. Trong những ngày này, trước những lo lắng bởi diễn biến phức tạp của tình hình Covid-19, kéo theo nhiều biến động, xáo trộn trong đời sống và tâm hồn của con người, hai Phật tử trẻ nảy ra ý định cùng thực hiện một video để lan tỏa thông điệp bình an tới mọi người.

Bình an là một hành trình, không phải là đích đến...

Bình an là một hành trình, không phải là đích đến...

“Bình yên sâu thẳm nhất, là bình yên của yêu thương, của sự tiếp nối...Như dòng sông, mái nhà, mảnh vườn ấu thơ và tiếng chuông chùa… Nơi đó có những giọt mồ hôi, nụ cười chảy từ tổ tiên, ông bà đến cha mẹ và mỗi chúng ta, chảy từ mái nhà tâm linh qua muôn kiếp luân hồi để hôm nay mỗi chúng ta là một sự tiếp nối...” - Lương Đình Khoa nói.

Thông điệp này cũng được nhấn mạnh qua lời tự sự của nhân vật khi kết thúc video: “Ta - những kẻ rời nhà ra phố tìm mình trong một giấc mơ vương bụi thị thành. Một lúc nào đó mỏi mệt, đừng quên về lại bên khu vườn tháng năm, gom nhặt cho mình những bình yên vẫn vương vãi đầy tràn trong tâm linh, trong cây cỏ, thong dong soi tìm lại chính mình của ngày hôm qua”.

Hồ Hải Nam cho biết, “Nẻo về bình an” được quay trong gần 4 giờ đồng hồ tại khu bãi sông Hồng thuộc huyện Mê Linh (Hà Nội), và đăng tải trên YouTube và được chia sẻ rộng rãi trong các nhóm, diễn đàn.

Nhà giáo, nghệ sĩ guitar Hawaii Bùi Bạch Liên (79 tuổi, Hà Nội) sau khi xem xong video đã chia sẻ trong phần bình luận: “Tôi cũng đã từng mong đợi, đi tìm bình an trên suốt cả hành trình đã sống, nay gần hết một đời người mới có duyên tiếp xúc nhiều hơn với tinh thần của đạo Phật. Xem video ngắn “Nẻo về bình an”, tôi nhận ra bình an là một hành trình, không phải là đích đến. Không có sự bình an trong cuộc đời, mà chỉ có bình an trong tâm hồn người biết sống. Bình an không đến từ cuộc đời và cũng không đến từ người khác, mà bình an chỉ nảy nở trong mỗi người, trong mỗi bước chân và hơi thở khi ta biết sống trọn vẹn với chính mình và với những gì mình đang có”.

Đại đức Thích Tâm Phong (Tăng chúng chùa Địa Tạng Phi Lai) bày tỏ: “Mọi người vẫn hay nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Vạn vật xung quanh vẫn cứ chảy trôi, biến đổi, chuyển hóa theo lẽ vô thường, theo luật nhân quả của nó. Chỉ có lòng người biến động, khoác cho cuộc sống quanh mình những hình hài, sắc màu mà tâm tự khởi ra. Tâm bình thế giới bình. Khi tâm an vui, thì bình yên cũng theo đó mà nương vươn, như những tua bám của bầu của gấc tỏa lan, trổ mầm. Phim ngắn “Nẻo về bình an” đã phần nào khơi mở được điều đó, và chỉ ra được lối về an lạc cho mỗi bước chân. Đó chính là sự bình an của nội tâm nơi quê hương nguồn cội và mái nhà tâm linh”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.