Phương pháp tu tập thiền định

Phương pháp tu tập thiền định
0:00 / 0:00
0:00

GN - Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, ở rừng cây Kỳ-đà, trong vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bảy xứ thiện, với ba cách quán nghĩa”, thảy đều ở trong pháp này mà lậu hoặc được đoạn tận, do lậu hoặc được đoạn tận mà tâm được giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời tự mình biết rõ, tự thân chứng ngộ đầy đủ và an trụ: "Sự sanh của Ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa".

Kinh ghi - Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú rừng cây Kỳ-đà

Nước Xá-vệ, Cấp Cô Độc gia

Thế Tôn huấn dạy Ma-ha diệu kỳ

Có bảy xứ thiên lưu ly

Ba cách quán nghĩa thoát si nhiều đời

Pháp này lậu hoặc thảnh thơi

Pháp này đoạn tận kiếp người khổ đau

Tâm - tuệ giải thoát trần lao

Ngay đời chứng ngộ làu làu tự thân

An trụ đầy đủ đạo phần

Sự sanh đã dứt, pháp thân vững vàng

Báo thân đạo lực kim cang

Tròn xong hạnh nguyện an nhàn thong dong

Không còn tái sanh long đong

Đời sau tự tại thoát vòng tử sanh.

A. BẢY XỨ THIỆN

“Tỳ-kheo, thế nào là bảy xứ thiện? Tỳ-kheo biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự tận diệt của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự tận diệt của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức”.

I. Bảy pháp Thiền quán về “sắc”

1. “Thế nào là biết như thật về sắc?” Những gì có sắc, tất cả bốn đại và sắc do bốn đại tạo. Đó gọi là sắc. Như vậy là biết như thật về sắc.

Sa-môn công đức thiền hành

Quán biết như thật sắc thanh ở đời

Những gì sắc tướng xinh tươi

Tất cả bốn đại chuyển dời lại qua

Đất nước lửa gió hằng sa

Tướng hình xương, thịt, gân, da… ấy là

Quán như thật mỗi sát-na

Sắc sắc hiện rõ như là sương mai.

2. “Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của sắc?” Ái hỷ là sự tập khởi của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của sắc.

Sự thật về sắc thứ hai

Quán chiếu tập khởi hình hài ra sao!

Ái hỷ… tập khởi muôn màu

Ái hỷ sinh nghiệp lối vào trầm luân.

3. “Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của sắc?” Ái hỷ diệt. Đó gọi là sự diệt tận của sắc. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của sắc.

Thứ ba đoạn tận sắc thân

Ái hỷ diệt… tức đoạn phần khổ đau

Chấp ái hỷ… khổ lao đao

Ái hỷ diệt… sắc trần lao sạch phiền.

4. “Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc?” Là tám Thánh đạo: Chánh kiến, Chánh trí, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện, Chánh niệm, Chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của sắc. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc.

Con đường thế sự đảo điên

Do sắc tập khởi làm duyên buộc ràng

Muốn hết khổ phải biết rằng

Con đường đưa đến diệt phăng khổ buồn

Tám thánh đạo sáng như gương

Chánh kiến, chánh trí, ngữ… hương hoa thiền

Chánh nghiệp, chánh mạng… nối duyên

Chánh tinh tấn, niệm, định… kiền nhất như

Con đường tận diệt sắc thù

Phải là Bát chánh thiên thu đạo hiền.

5. “Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc?” Hỷ lạc do duyên vào sắc mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của sắc.

Biết như thật - sắc là tiên

Vị ngọt của sắc… đảo điên lòng người

Hỷ lạc duyên sắc xinh tươi

Vị ngọt rung động tâm người phàm phu

Hỷ lạc mê hoặc cương nhu

Vị ngọt lôi cuốn trượng phu mềm lòng

Hỷ lạc trăm nẻo đục trong

Vị ngọt trói buộc lâm vòng oan ương.

6. “Thế nào là biết như thật về sự tai hại của sắc?” Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của sắc.

Một ngày sắc hiện tai ương

Một ngày sắc hiện vô thường khổ sầu

Một ngày vị ngọt đổi màu

Trái đắng khổ lụy buộc vào oan khiên

Một ngày vị ngọt hết duyên

Tổn hại cùng cực đảo điên trược phiền.

7. “Thế nào là biết như thật về sự xuất ly sắc?” Đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly sắc.

Thứ bảy xuất ly sắc triền

Biết rõ như thật oan khiên tướng hình

Sắc là giả ảo lung linh

Quán xét chân tướng tự mình ngộ ra

Điều phục dục tham huyễn tà

Đoạn trừ tham dục, vượt qua ma tình

Nhận ra chân tánh chính mình

Buông lìa ảo giác vô minh nhiều đời

Xuất ly sắc, lòng thảnh thơi

Đến đi tự tại… hạnh người chân tu.

II. Bảy pháp Thiền quán về “thọ”

1. “Thế nào là biết như thật về sự hiện hữu của thọ?” Có sáu loại thọ: mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc sanh ra thọ, đó gọi là sự hiện hữu của thọ. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thọ.

Thân người huyễn giả phàm phu

Có sáu cảm thọ luân lưu nghiệp trần

Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân

Sắc, thinh, hương, vị… đối trần ghét thương

Thọ vui, thọ khổ… vấn vương

Đó là thọ khổ trăm đường trầm luân

Cảm thọ hiện hữu nơi thân

Ra vào chi phối vạn phần buồn vui.

2. “Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thọ?” Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thọ.

Tập khởi của thân ngọt bùi

Chính là cảm xúc tới lui nơi mình

Lắng lòng huyễn ảo hư tình

Từng bước tích tụ… nảy sinh trong lòng.

3. “Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của thọ?” Khi xúc diệt, thì đó là sự diệt tận của thọ. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thọ.

Đến khi cảm xúc sạch trong

Xúc diệt đoạn tận thong dong tự mình

Tự mình lìa bỏ vô minh

Tự mình thoát kiếp tử sinh luân hồi.

4. “Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ?” Là tám Thánh đạo: Chánh kiến... cho đến Chánh định, đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của thọ. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ.

Con đường diệt tận khổ người

Bát Thánh đạo giúp thoát đời khổ đau

Chánh kiến, tư duy… nhiệm mầu

Tu tập dứt nghiệp thoát sầu trần nhơ.

5. “Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thọ?” Hỷ lạc do duyên thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thọ.

Như thật vị ngọt thọ… hờ

Hỷ lạc mê đắm như thơ ru hồn

Duyên thọ vị ngọt bồn chồn

Không còn phân biệt thiệt hơn pháp trần.

6. “Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thọ?” Thọ là vô thường, khổ, là biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thọ.

Một ngày khổ thọ lụy thân

Tai hại của thọ muôn phần bi thương

Một ngày cảm xúc vô thường

Khổ hoại biến dịch chuyển đường tử sinh

Thọ khổ đổi tướng thay hình

Đi theo sắc uẩn lụy tình về không?

7. “Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thọ?” Nếu ở nơi thọ mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thọ. Như vậy là biết như thật về sự lìa thọ.

Như thật xuất ly thọ hồng

Tự chủ điều phục sắc không thế trần

Đoạn trừ dục tham phù vân

Vượt khỏi dục tham mộng phần lãng du

An trú tịnh định công phu

Buông lìa cảm xúc, điều nhu thọ tình.

III. Bảy pháp Thiền quán về “tưởng”

1. “Thế nào là biết như thật về tưởng?” Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt; tưởng phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của tưởng.

Tưởng thân có sáu tướng sinh

Từ mắt sinh xúc gợi tình nghĩ suy

Tai, mũi, lưỡi, thân, ý... tùy

Cảm xúc mơ tưởng… nối thì mộng du

Hiện hữu cảm xúc… bi ưu

Ảo mà tưởng thật, như mù sương tan!

2. “Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của tưởng?” Tập khởi của xúc là tập khởi của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của tưởng.

Tập khởi của tưởng như rằng:

Tâp khởi của xúc cũng hằng phiêu diêu

Như thật xúc tưởng diễm kiều

Tưởng lui, tưởng tới… lắm điều hờ ru.

3. “Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của tưởng?” Diệt tận xúc là diệt tận tưởng. Như vậy là biết như thật về sự đoạn diệt của tưởng.

Diệt tận xúc, tưởng biệt mù

Như thật đoạn diệt ngàn thu tưởng sầu

Cảm xúc và tưởng tương giao

Xúc diệt, tưởng tận… một màu hoàn vô.

4. “Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng?” Là tám Thánh đạo: Chánh kiến... cho đến Chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự đoạn diệt của tưởng. Như vậy là biết như thật về con đường đoạn diệt của tưởng.

Con đường đưa đến Nam-mô

Diệt tận của tưởng… như hồ thiên thanh

Tám đường Thánh đạo mới thành

Kiến, tư, ngữ, nghiệp, niệm… hành định cao

Tướng tánh tám nẻo trước sau

Quán tưởng tỏ rõ ra vào nhất như.

5. “Thế nào là biết như thật về vị ngọt của tưởng?” Hỷ lạc nhờ duyên vào tưởng mà sanh ra. Đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của tưởng.

Vị ngọt hỷ lạc thiền thư

Nhờ duyên vào tưởng kết từ sanh ra

Vị ngọt của tưởng nở hoa

Hoa phù du mộng kết tòa phù vân.

6. “Thế nào là biết như thật về sự tai hại của tưởng?” Tưởng là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của tưởng.

Tưởng vô thường, khổ xoay vần

Tưởng biến dịch, tai hại phần đến đi

Một ngày tưởng thọ sầu bi

Thì ra tỉnh ngộ phù trì khứ lai.

7. “Thế nào là biết như thật về sự xuất ly tưởng?” Nếu ở nơi tưởng mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly tưởng. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly tưởng.

Như thật xuất ly tưởng ngoài

Nơi tưởng điều phục, thoát đài dục tham

Đoạn trừ, vượt khỏi muốn ham

Chính là xuất tưởng ly phàm lìa mê

Xuất ly tưởng, trú Bồ-đề

Lìa xa vọng tưởng hướng về chơn không.

IV. Bảy pháp Thiền quán về “hành”

1. “Thế nào là biết như thật về hành?” Có sáu tư thân. Tư phát sanh từ xúc của mắt. Tư phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là hành. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của hành.

Như thật tự thân sáu hành

Từ thân, khẩu, ý… phát sanh xúc từ

Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý… tư

Căn thân hành động chuyển từ nẻo tâm

Đó là hành, đó là thân

Xuất sử gây nghiệp âm thầm hóa sanh.

2. “Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành?” Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.

Tập khởi xúc, tập khởi hành

Xúc - hành tương túc tương sanh khởi sầu

Nghiệp xưa vô tận nguồn sâu

Xúc - hành tập khởi ban đầu mà ra

Muốn ngăn nghiệp chướng quỷ ma

Lìa hành, lìa xúc thì là an thân.

3. “Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành?” Sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của hành.

Diệt tận xúc, diệt tận hành

Xúc diệt, hành diệt đạo lành hóa thân

Xưa nay xúc - hành đạo nhân

Xúc diệt, hành diệt thiên chân an bình.

4. “Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành?” Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến Chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.

Con đường đưa đến cứu tinh

Diệt tận hành… nhận hữu tình độ sanh

Tám đường thánh đạo viên thành

Kiến, tư, niệm, định… đạo lành hòa vui

Ngữ, nghiệp, tinh tấn… ngọt bùi

Ngày ngày tu tập thoát đời khổ đau.

5. “Thế nào là biết như thật về vị ngọt của hành?” Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh ra, nên gọi là vị ngọt của hành. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của hành.

Hỷ lạc, vị ngọt dồi dào

Duyên hành xuất sử ra vào phong quang

Vị ngọt, hỷ lạc hành tràng

Làm cho ưa thích ngổn ngang vui buồn.

6. “Thế nào là biết như thật về sự tai hại của hành?” Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của hành.

Một ngày hành sử vô thường

Khổ lụy, biến dịch vô phương cứu nàn

Tai hại của hành nhập tràng

Ôi thôi! Đau đớn vô vàn bi thương.

7. “Thế nào là biết như thật về sự xuất ly hành?” Nếu ở nơi hành mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua được dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly hành.

Xuất ly hành, lìa vấn vương

Điều phục dục, đoạn tai ương tham sầu

Vượt qua ham muốn cơ cầu

Chính mình tự thắng nghiệp sầu ngàn năm.

V. Bảy pháp Thiền quán về “thức”

1. “Thế nào là biết như thật về thức?” Có sáu thức thân. Thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của thức. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thức.

Như thật về thức tỏ phân

Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý thân hiện bày

Sáu thức theo thân xưa nay

Thấy, nghe, ngửi, nếm… tự rày buồn vui

Thức biết gây nghiệp ngậm ngùi

Vô vàn khổ lụy đời đời trói duyên.

2. “Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức?” Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của thức. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức.

Tập khởi danh sắc tạo phiền

Tập khởi của thức, nối duyên buộc ràng

Thức hiện hữu, thức đa mang

Luân hồi sanh tử càng tăng nghiệp sầu.

3. “Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức?” Sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thức.

Diệt tận danh sắc làm đầu

Biết danh sắc huyễn, khỏi sầu khỏi vương

Thức tánh soi sáng mọi đường

Đến đi, sanh tử… mười phương gọi là

Danh sắc là hương là hoa

Có không phảng phất như tà khói bay.

4. “Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức?” Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến Chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức.

Con đường diệt tận thức này

Tám thánh đạo Như Lai hoằng truyền

Chánh kiến, tư, tấn… trung kiên

Hành tri thẩm thấu thoát miền thức mê.

5. “Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thức?” Hỷ lạc do duyên thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thức.

Hỷ lạc duyên thức đi về

Vị ngọt ru ngủ sơn khê dặm ngày

Đối diện trần cảnh mơ màng

Hỷ lạc vị ngọt mộng vàng phù du.

6. “Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thức?” Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thức. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thức.

Thức vô thường, thức khổ ưu

Là pháp biến dịch ngàn thu khổ buồn

Tai hại của thức sầu tuôn

Muôn điều khổ lụy vấn vương phong trần.

7. “Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thức?” Nếu ở nơi thức mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly thức. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly thức. Tỳ-kheo, đó gọi là bảy xứ thiện.

Xuất ly thức, ngộ huyễn thân

Nơi thức điều phục, đoạn nhân tham cầu

Vượt qua khỏi dục, khỏi sầu

An trú tịnh định, tọa sâu Niết-bàn.

B. BA PHƯƠNG PHÁP QUÁN NGHĨA

“Thế nào là ba phương pháp quán nghĩa?” ‘Nếu, Tỳ-kheo ở nơi hoang vắng, dưới gốc cây, hay nơi đồng trống, quán sát ấm, giới, nhập bằng phương tiện chân chánh mà tư duy nghĩa của chúng. Đó gọi là ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ-kheo’.

“Đó gọi là bảy xứ thiện và ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ-kheo, hoàn toàn ở trong trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng, ‘Sự sanh của Ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa”’.

Tỳ-kheo tìm chốn đạo tràng

Gốc cây, đồng vắng trú an định thần

Quán sát năm ấm… tỏ phân

Mười tám giới - thức, căn, trần… chiếu soi

Sáu nhập đi, đứng, nằm ngồi…

Khứ lai tỏ rõ, nối cười… hạo nhiên

Phương tiện chân chánh diệu huyền

Tư duy nghĩa pháp… sáng miền chơn như

Bảy xứ thiện, ba thiền thư

Tỳ-kheo chứng pháp hương từ long lanh

Tâm tuệ giải thoát vô sanh

Tự tri, tự ngộ viên thành quả chơn

An trụ, cụ túc linh sơn

Phạm hạnh viên mãn, tâm hồn thanh trong

Nhất như chân tánh tự lòng

Bồ-đề vô thượng tươi hồng ngàn sau.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(ĐTKVN, Kinh Tạp A-hàm, tập 1, kinh 42, Thất xứ, tr.88, VNCPH ấn hành 1994)

TX.Ngọc Hòa - Vĩnh Long, mùng 2-9-Tân Mão

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.