GN - Về lịch sử, chúng ta có thể thấy từ Phật giáo Nguyên thủy tiến lên Phật giáo Bộ phái, cho đến Phật giáo Đại thừa. Vì vậy, Phật giáo Đại thừa được coi là đỉnh cao trí tuệ của đạo Phật. Và khi chúng ta có cái nhìn xuyên suốt về sự diễn tiến của Phật giáo như vậy thì tất yếu chúng ta cũng nhận thấy tư tưởng Đại thừa phát xuất từ Nguyên thủy mà phát triển lên.
Hãy suy nghĩ xem tư tưởng Nguyên thủy nhìn về bộ kinh quan trọng của Đại thừa là kinh Hoa nghiêm như thế nào.
Trong kinh Nguyên thủy ghi nhận Đức Thích Ca ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng trong 21 ngày, Ngài chứng Vô thượng Chánh đẳng giác là vị Phật hiện hữu trên cuộc đời này. Không phải Ngài tự xưng mình là Phật, nhưng dân chúng ở vùng Ưu Lầu Tần Loa tôn xưng Ngài là Phật, nghĩa là bậc Toàn giác.
Nhưng Toàn giác của Phật như thế nào thì kinh Nguyên thủy không diễn tả được, vì không có đối tượng để Phật thuyết pháp. Thật vậy, Phật thuyết pháp tùy theo đối tượng, tức tùy theo trình độ, hoàn cảnh, phong tục tập quán và thời gian mà Phật giảng khác nhau. Điều này chúng ta thấy rõ suốt cuộc đời Phật thuyết pháp không có thời pháp nào giống nhau, vì đối tượng khác, nên Ngài diễn tả khác, nhưng cũng không rời Tứ Thánh đế. Tất cả giáo pháp Phật nằm gọn trong Tứ Thánh đế. Tứ Thánh đế thể hiện rõ nét trong cuộc sống, nên loài người dễ hiểu, dễ chấp nhận.
Trước nhất, Phật dạy Khổ đế. Chúng ta phải công nhận như Phật đã nói cuộc sống con người là khổ, khổ vì sanh, già, bệnh, chết; khổ vì phải sống với người mình chán ghét, khổ vì phải xa lìa người mình thương quý… Nói chung, con người luôn gánh chịu tất cả các loại khổ đau bất tận, đó là sự thật hiển nhiên gọi là Thánh đế thứ nhất mà con người hiểu được, chấp nhận được.
Thánh đế thứ hai nói về tất cả khổ đau đều có nguyên nhân, nhưng vì con người không nhận biết, nên họ không muốn khổ mà lại tạo hoài cái nhân khổ. Vì vậy, Phật dạy dứt trừ nguyên nhân khổ thì không khổ. Nguyên nhân khổ do tham lam, bực tức, si mê, tức vô minh là gốc của tất cả sai lầm và tất cả sai lầm đều dẫn đến khổ đau.
Theo Phật dạy, khi biết được cái gốc khổ đau là vô minh, các thầy phải đoạn vô minh bằng cách thực hiện 37 Trợ đạo phẩm và cuối cùng thành tựu trọn vẹn Bát Chánh đạo, chứng Niết-bàn là hoàn toàn tự tại, tự do, giải thoát, đó là cuộc sống lý tưởng của đệ tử Phật.
Kinh Nguyên thủy chỉ ghi nhận như vậy thôi, nhưng năm anh em Kiều Trần Như nỗ lực tu thì chứng quả vị A-la-hán, tiếp theo là ba anh em Ca Diếp và 1.000 đệ tử của họ, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cùng 200 đồ đệ của họ, tất cả những người này thực hành 37 Trợ đạo phẩm cho đến hoàn thành Bát Chánh đạo thì họ cũng đều chứng A-la-hán. Số người chứng La-hán đông như vậy khiến người ta có cảm giác rằng các La-hán hoàn toàn không giống nhau. Và đó cũng là điều gợi cho chúng ta phải suy nghĩ.
Thật vậy, tuy cuộc sống tu hành giống nhau, nhưng thực sự trình độ hiểu biết của mỗi người hoàn toàn khác nhau, từ đó dẫn đến sự phát triển tư tưởng Đại thừa. Vì vậy, có thể nhận thấy rõ nền tảng của tư tưởng Đại thừa phát xuất từ Nguyên thủy mà căn bản là giới, định, tuệ.
Người giữ giới ép mình trong khuôn khổ giới luật có cuộc sống khác, hiểu biết khác, đạo lực khác…, mặc dù hình thức giống nhau, nhưng thực tu thì khác là vậy. Thí dụ cho dễ hiểu, nhiều người cùng học chung một lớp nhưng ra trường, có người thành đạt, có người không làm được gì. Tinh thần Đại thừa nhìn vào sự thật này và chấp nhận sự thật này, cho nên hiểu được tại sao các La-hán không giống nhau. Mười đại đệ tử của Phật đã thể hiện rõ lý này, Xá Lợi Phất trí tuệ đệ nhất, Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, Phú Lâu Na thuyết pháp đệ nhất, Ưu Ba Ly trì luật đệ nhất, A Nan đa văn đệ nhất, La Hầu La mật hạnh đệ nhất…
Qua thực tế này khiến cho người cầu tiến theo tinh thần Đại thừa nhận thấy rõ sự khác nhau trong nhận thức, trong việc hành đạo của các Đại đệ tử Đức Phật. Và từ đó, tất yếu chúng ta cũng nhận thấy được người giữ giới khác với người không giữ giới, người có Chánh niệm cũng khác với người tà niệm, người có Chánh định hiểu Phật giáo khác với người không có Chánh định.
Trở lại Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật đã giảng những bài pháp khác nhau cho người thực trong cuộc sống và Ngài cũng thuyết pháp cho người có giới có định có tuệ. Và nâng lên một bậc, Đức Phật thuyết pháp bằng cách tam chuyển pháp luân là thân chuyển, khẩu chuyển và ý chuyển thì Phật lại nói pháp khác nữa. Chuyển pháp luân bằng thân, khẩu, ý nghĩa là hình thức sống của Đức Phật đã thể hiện rõ nét những bài pháp quý báu. Đối với phàm phu thì những gì người ta nghĩ, nói và làm hoàn toàn khác nhau. Nhưng đối với Phật, những gì Ngài nói là Ngài đã làm, tức lời nói và việc làm của Phật khớp nhau.
Phật nói việc Ngài làm và xa hơn, Phật nói những việc Ngài không làm trong hiện tại, nhưng Ngài đã từng làm trong các kiếp quá khứ. Điển hình như Phật giải thích trong hiện đời, Ngài sanh trong dòng họ cao quý, khỏe mạnh, thông minh, tướng hảo… hơn tất cả người khác, vì Ngài đã làm vô số việc thiện lành trong quá khứ. Điều này được ghi rõ trong kinh Bản sanh nói về tiền thân Phật.
Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… chưa làm như vậy trong quá khứ, nên Phật khuyên nay các ông có điều kiện làm thì nên phát tâm Bồ-đề. Ở Lộc Uyển, Phật đi khất thực để năm anh em Kiều Trần Như tu, đắc La-hán rồi mới đi giáo hóa chúng sanh là phát tâm Bồ-đề, không được trụ Niết-bàn.
Đắc La-hán là các ông đã thấy sự thật, thấy chỗ có duyên nên tới hành đạo. Điều này rất thực tế trong cuộc sống mà tôi đã trải nghiệm có kết quả tốt đẹp trên bước đường hoằng pháp. Thấy được chỗ có duyên, vì không có lòng tham; còn trước kia không sáng mắt vì tham nên tự đút đầu vô chỗ chết.
Kinh Nguyên thủy dạy rằng người thấy nhân duyên là thấy pháp. Nhân duyên là giữa mình và chỗ đó đã có mối quan hệ từ quá khứ. Đắc La-hán thấy 500 kiếp trước, hàng Sơ quả thấy được ba kiếp trước, nhưng chưa đắc Sơ quả cũng thấy được một kiếp. Riêng tôi thấy bằng niềm tin, nên thấy lờ mờ nhưng đúng. Thấy sai mà làm chắc chắn gặp nguy hiểm, nên Phật không cho làm.
Thấy đúng là đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Đúng lúc mới làm được, thí dụ mười năm trước (2012), tôi xin xây dựng Học viện này được vì tôi đã thực hiện đúng lúc, tức là đúng thời điểm đó mới được cấp đất chính thức làm trường và được phép xây dựng trường. Còn trước thời điểm này, xin xây trường không được, vì chưa đúng lúc, mặc dù bấy giờ, vị thế của Hòa thượng Minh Châu rất lớn, ngài là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Viện trưởng Học viện kiêm Đại biểu Quốc hội.
Vì vậy, việc quan trọng là chúng ta phải tu giới định tuệ và làm thế nào có trí tuệ để nhận biết đúng lúc mà làm. Các La-hán thấy chưa đúng lúc thì các ngài trụ định, không làm. Nói đến đây gợi tôi nhớ đến Trí Giả đại sư ở Trung Hoa. Ngài học với Huệ Tư đại Thiền sư ở núi Đại Tô, lúc đó ngài Huệ Tư nói với Trí Giả rằng bây giờ là tới lúc ông ra làm đạo, nếu bỏ qua cơ hội này thì hỏng. Trí Giả vâng mệnh ngài Huệ Tư, xuống Kim Lăng thuyết pháp (thủ đô của nhà Trần ở Trung Hoa). Và Trí Giả thuyết pháp khiến vua có thiện cảm đặc biệt với ngài đến mức độ vua đã ra lệnh bãi chầu để các quan đi nghe pháp.
Với trí tuệ vô thượng, nhận thức của Phật siêu việt, hoàn toàn chính xác, cho nên như đã nói chỉ trong một thời gian ngắn, Phật đã cảm hóa được 1.250 người phát tâm tu theo Ngài. Trí lực và đạo lực của Phật như vậy đã đánh động vua Tần Bà Sa La, thúc đẩy ông phải đến thăm đạo chúng của Phật để xem như thế nào. Và tận mắt nhìn thấy đạo lực trang nghiêm thanh tịnh của cả hội chúng khiến nhà vua phát tâm cúng dường xây dựng Trúc Lâm tịnh xá. Phật đã thấy đúng lúc, đến đúng chỗ và độ đúng người, nên Ngài hoàn toàn thành công. Còn trước đó, khi Phật chưa đắc đạo, vua Tần Bà Sa La đã có duyên gặp Phật khi Ngài đi khất thực. Chỉ mới thấy tướng hảo trang nghiêm của Phật lúc đó, vua đã thỉnh Ngài về cung nhưng Phật liền từ chối và nói chưa đúng lúc.
Có thể khẳng định rằng độ người đúng lúc thì thành công; nếu không có trí tuệ thì làm sớm, hay làm trễ đều không được. Không cố định thời gian nào, điều chính yếu là phải thấy nhân duyên.
Ngoài ra, trên bước đường tu, điều tôi muốn lưu ý các huynh đệ là nghe pháp bằng ngôn ngữ khác với nghe pháp bằng Chánh định. Có Phật tử thưa với tôi rằng con đi nghe pháp, trước khi giảng, thầy vừa niệm Phật là con bắt đầu buồn ngủ và ngủ luôn, nhưng đến khi thầy kết thúc bài giảng và hồi hướng thì con tỉnh bơ, hết ngủ. Tôi nói bà bị quỷ ám, quỷ này là ngũ ấm ma bên trong tác động ma bên ngoài làm bà mê tâm. Tôi bảo bà hãy chuyên lạy Hồng danh sám hối, miệng đọc Hồng danh Phật, thân lạy Phật và tâm nghĩ đến Phật, vì bà không thể ngồi yên nghe pháp.
Và quả tình, khi áp dụng pháp lạy Phật, niệm Phật một thời gian thì khai được tâm, nên bà đã nghe pháp được, không còn buồn ngủ và càng nghe pháp, trí càng sáng và tâm càng hoan hỷ. Bà thưa với tôi rằng lúc này con nghe thầy giảng giống như thầy nói riêng với con vậy.
Nói về nghe pháp, ngài Trí Giả dạy rằng có người nghe âm thanh ngôn ngữ nhưng không nghe được pháp âm Phật, vì họ chỉ nghe và học ngôn ngữ, rồi chấp vào ngôn ngữ, chấp vào văn tự nên không hiểu được nghĩa lý sâu tiềm ẩn bên trong, đó là bệnh của người chấp pháp.
Hạng người thứ hai nghe ngôn ngữ và lãnh hội được nghĩa sâu xa là nghe mà thấm được pháp vào tâm, giống như trường hợp tôi vừa nói, tôi giảng cho đại chúng nghe, nhưng Phật tử này có cảm nhận như tôi giảng cho bà nghe vậy. Sự tiếp nhận giáo nghĩa Phật dạy có nhiều cách khác nhau mà kinh thường diễn tả là Phật thuyết nhứt âm, chúng sanh tùy loại giải. Vì vậy, chúng ta hiểu khác, vì trình độ khác, nên thực hành cũng khác. Tinh thần Đại thừa y cứ vào nền tảng này mà phát triển.
Một trong những bộ kinh Đại thừa thể hiện tinh thần phát triển là kinh Hoa nghiêm. Kinh này ghi nhận rằng Đức Phật ngồi ở cội bồ-đề, phá ma binh và thành Vô thượng Chánh đẳng giác, nhưng thành Vô thượng Chánh đẳng giác là thành gì. Điều này không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, không thể thấy bằng mắt; chỉ người có Chánh niệm hiểu. Kinh Hoa nghiêm triển khai lý này và nói Phật thuyết kinh Hoa nghiêm trong 21 ngày. Ý này diễn tả sự thành đạo của Đức Phật mà con người không thể hiểu được, vì trình độ chưa tới chỗ này.
Chúng ta thắc mắc tại sao kinh Hoa nghiêm nhiều vậy mà Phật nói chỉ có 21 ngày. Kinh Pháp hoa ít hơn mà Phật nói 8 năm và Phật nói kinh Bát-nhã 22 năm. Điều này không thực tế trong cuộc sống nhưng lại thực tế trong việc tu hành. Thật vậy, Phật nói Bát-nhã 22 năm. Bát-nhã này nhằm hướng dẫn đệ tử diệt trừ hết phiền não nhiễm ô. Hễ còn trần lao, nghiệp chướng, phiền não nhiễm ô, tức còn buồn giận lo sợ thì vẫn phải nói Bát-nhã.
Và kinh Pháp hoa Phật nói 8 năm là gì. Khi Phật 79 tuổi, Ngài nhìn lại thấy tất cả những người hỗ trợ Ngài trong việc hoằng pháp độ sanh như Mục Kiền Liên, Ca Diếp, năm anh em Kiều Trần Như, La Hầu La, Cấp Cô Độc, vua Tần Bà Sa La, vua Ba Tư Nặc đều chết hết. Và từ thành Xá Vệ, Đức Phật trở về Vương Xá thành, lên núi Linh Thứu, Ngài tập hợp tất cả Tăng Ni để nghe Phật giảng kinh Pháp hoa trong 8 ngày. Thuyết xong kinh Pháp hoa, Phật trở về thành Tỳ Da Ly an cư lần cuối trước khi vào Niết-bàn. Đó là ghi nhận theo Nguyên thủy.
Lịch sử ghi 8 ngày Phật nói Pháp hoa, nhưng theo Đại thừa và đặc biệt là theo ngài Trí Giả, Phật không nói Pháp hoa 8 ngày mà Phật nói Pháp hoa 8 năm. Cũng như lịch sử nói 21 ngày Phật kinh hành quanh cây bồ-đề. Điều này Đại thừa lý giải đó là hiện tướng bên ngoài của Phật, nhưng quan trọng là suy tư bên trong của Phật. Theo tôi, anh em phải nhớ lý này. Thí dụ Thiền sư ngồi yên không nói, nhưng đầu của ông nghĩ gì mới quan trọng, gọi là thuyết pháp trong thiền định thì người thấy Thiền sư trụ định, họ phát tâm. Cũng như các Phật tử nói họ sang Lào, Campuchia, thấy các nhà sư đi khất thực khiến họ phát tâm là đi khất thực có Chánh niệm, có Chánh định. Trong niệm của sư là gì, trong định của sư là gì, chúng ta không thấy bằng mắt thường và các sư không thuyết pháp bằng ngôn ngữ nhưng đã thuyết bằng pháp ngữ.
21 ngày tư duy ở cội bồ-đề là sự đắc đạo của Đức Phật mà sau kinh điển ghi rằng Phật biết tất cả quá khứ, hiện tại cho đến vị lai, gọi là Phật chứng Tam minh. Kinh chỉ ghi như vậy thôi, không nói Phật thấy gì trong quá khứ, trong hiện tại, trong vị lai và kinh cũng ghi những gì Phật biết như lá trong rừng, những gì Phật nói như lá trong tay. Đại thừa khai thác nghĩa lý của lá trong rừng là lá sống, hay sự sống. Từ đó, việc quan trọng chúng ta tu theo Phật phải thấy được sự sống, phát triển được sức sống trong hiện thực cuộc sống cho tốt đẹp, không để kẹt vào những gì đã chết, tức không còn lực sống nữa. Trên nền tảng như vậy, Đại thừa Phật giáo phát triển theo tuệ tri.
Có thể nói kinh Nguyên thủy phát triển cho phù hợp với thực tại cuộc sống của từng thời kỳ khác nhau, từng quốc gia khác nhau mà hình thành kinh điển Đại thừa, trong đó nổi bật bộ kinh Hoa nghiêm. Vì vậy, điều tôi muốn chia sẻ với huynh đệ rằng kinh Đại thừa và kinh Nguyên thủy phải khớp với nhau. .
Phật vào Niết-bàn, Tăng Ni phải lấy giới luật làm thầy, giới luật còn là Phật pháp còn, vì giới luật là thọ mạng của Phật pháp. Đó là cái gốc của Phật giáo Nguyên thủy. Nhưng điều này bằng tuệ tri, chúng ta thấy sao. Giới luật Phật nói có phải là 5 giới, 10 giới, 250 giới… hay không. Tại sao khi chưa có giới luật, ai tu cũng đắc La-hán, nhưng có giới luật, sao không ai đắc La-hán và hiện tại đắc La-hán còn khó hơn nữa. Vì vậy, có trí tuệ phải thấy giới luật là gì mà nói giới luật là thọ mạng của Phật pháp.
Khi Phật Thích Ca tu hành, đắc đạo và Ngài thuyết pháp từ Lộc Uyển cho đến thành Vương Xá, trong suốt 12 năm, chưa có giới. Như vậy, thử nghĩ thanh tịnh Tỳ-kheo có giới hay không. Nếu nói không có giới là sai, là không hiểu giới luật của Phật. Giới này là giới thể thanh tịnh. Nếu chúng ta truyền giới tướng Tỳ-kheo thì phải có 250 giới. Vì vậy, khi Xá Lợi Phất theo Mã Thắng đến gặp Phật Thích Ca, Phật chỉ nói đơn giản rằng thiện lai, Tỳ-kheo thì Xá Lợi Phất liền chứng La-hán, nghĩa là vì giới thể thanh tịnh của ông đã có, nên nghe Phật ấn chứng, ông liền đắc La-hán.
Đối với tôi, giới thể thanh tịnh rất quan trọng, bên trong giải thoát thì hiện tướng bên ngoài giải thoát. Phải nhớ rằng giới thể Tỳ-kheo thanh tịnh, Phật pháp còn, Tỳ-kheo chỉ còn giới tướng sẽ khiến Phật pháp suy yếu.
Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi Phật vào Niết-bàn thì Tỳ-kheo tu hành, chỉ nương giáo pháp và nương tự thân mình. Và Phật nói thêm, giáo pháp của Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, như thuyền bè để qua sông, cho nên chúng ta phải tự hành trì pháp và nương vào chính mình mà thôi.
Lý này được Phật giáo Đại thừa triển khai thành đồng thể Tam bảo. Nghĩa là trong thân chúng ta đều có Phật, Pháp, Tăng, tức Tỳ-kheo phải có trí tuệ, không phạm sai lầm nào và phải hòa hợp được với tất cả, hòa hợp với Tăng đoàn, với tất cả mọi người, với vũ trụ; vì nếu không hòa hợp, chắc chắn không thể tồn tại. Từ lý này, kinh Hoa nghiêm muốn chỉ chúng ta rằng Tỳ-kheo phải hòa với sự sống là chính.
Ngày xưa, tôi chấp giới nên thường đau yếu, nhưng về sau, tôi phát hiện mình phải hòa với vũ trụ, mình là tiểu vũ trụ phải hòa với đại vũ trụ, từ đó bệnh không sanh ra. Vì vậy, thiền sư dạy phải điều hòa ăn uống, ngủ nghỉ, nếu không thì dễ sanh bệnh. Điều này Phật ví như dây đàn căng quá thì đứt dây, dây đàn chùng thì không ra tiếng.
Tu hành ở trong chúng, bằng mọi cách phải hòa với nhau. Cơ thể phải hòa với trời đất, đầu tiên là hòa với thức ăn, không ăn thiếu, không ăn dư, ăn đủ sống. Sáng nay, tôi ăn một chút phở thôi, vì thừa thì thành bệnh, thiếu không bổ sung cũng bệnh. Ngài Trí Giả dạy không ăn những thức ăn không thích hợp. Ngày nay thức ăn độc hại nhiều, gây trở ngại đến sức khỏe người tu.
Trở lại vấn đề giáo pháp, người Đại thừa nhìn về giáo pháp và có nhận xét rằng trong 300 hội Phật thuyết, không có thời pháp nào giống nhau và giới tướng Tỳ-kheo cũng không giống nhau. Vì vậy, phải tìm cốt lõi bên trong của pháp Phật dạy để chúng ta thực tập. Phải lựa pháp thích hợp với hoàn cảnh của mình, người xuất gia, hàng cư sĩ, người khỏe mạnh, người bệnh, người thông minh, người chậm hiểu… đều tu khác nhau, không thể tu giống nhau.
Phật giáo Nguyên thủy lấy giáo pháp làm thầy, làm người chỉ đạo. Nhưng theo Đại thừa, khi Phật còn tại thế, Ngài nói pháp các chỗ đều khác nhau và không còn Phật trên thế gian này, giáo pháp lại trở nên cứng nhắc vì chấp pháp. Thí dụ trên bước đường du hóa, Phật gặp khúc gỗ trôi sông, Ngài ví dụ người tu như khúc gỗ trôi sông, trôi thẳng một mạch ra đại dương, không để bị giạt vào hai bên bờ, không để mắc cạn cho người ta vớt lên. Hoặc Phật gặp cậu bé chăn trâu thì Ngài dạy đại chúng phải thuần dưỡng tâm mình một cách miên mật và an trú trong thiện pháp giống như người chăn trâu điều khiển trâu thuần thục. Tùy vào hoàn cảnh mà Phật nói pháp tương ưng khác nhau, không phải lúc nào Phật cũng nói khúc gỗ trôi sông, hay cậu bé chăn trâu.
Với tinh thần tùy duyên, theo Đại thừa, giáo pháp không phải là 12 bộ kinh, nhưng bỏ 12 bộ kinh cũng không có giáo pháp. Trên nền tảng giáo pháp phát triển thích hợp với sự sống của loài người, Đại thừa đề xướng giáo pháp là Pháp thân Phật. Và Đại thừa nói thêm rằng ngoài giáo pháp, còn có Báo thân thuyết pháp. Báo thân là tư tưởng của Phật và việc làm của Phật, từ đó chúng ta suy nghĩ nhằm rút ra những gì thích hợp với mình để tiến tu sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp, không phải chấp pháp.
Theo Đại thừa, ngoài giáo pháp Pháp thân và Báo thân Phật, còn có Tăng đoàn hòa hợp gọi là Tăng đoàn Pháp thân. Kết hợp giáo pháp Pháp thân và Tăng đoàn hòa hợp sinh ra trí tuệ tập thể là kinh Hoa nghiêm.
Kinh Hoa nghiêm ghi rằng 6.000 Tỳ-kheo ở Đại bảo phường đình tập hợp lại để nghe Văn Thù thuyết pháp. 6.000 Tỳ-kheo tiêu biểu cho Tăng đoàn Pháp thân. Và hình ảnh Văn Thù Bồ-tát, theo tôi đó là trí tuệ tập thể của Đại Tăng, nên gọi là Ngũ trí nghiêm thân. Ngũ trí do các Tỳ-kheo tập hợp lại, đưa ra những điều sáng suốt mà họ nhận biết được. Nếu chỉ chấp pháp, chấp hình thức, chấp giới luật, mọi việc sẽ thất bại, chẳng hạn như cọng cỏ cũng không dám giết thì Phật giáo sẽ ra sao, chắc chắn là thê thảm như lịch sử Phật giáo Ấn Độ đã cho thấy. Hoặc thấy Phật độ Sunita làm nghề hốt phân hay Phật độ Liên Hoa Sắc, chúng ta bắt chước, tập hợp người nghèo đói và người ăn chơi sa đọa cho họ xuất gia là đẩy Phật giáo xuống vực thẳm. Ngày nay, Tăng Ni phải qua kỳ thi do Phật giáo các tỉnh thành tuyển người xuất gia có trình độ văn hóa và để vào Học viện phải qua kỳ thi tuyển nữa, nghĩa là người tu phải có trí tuệ. Còn trước kia, ai cũng cho tu thì nguy hiểm.
Trên bước đường hành đạo, nhìn thấy bề ngoài như vậy nhưng chúng ta phải suy nghĩ. Văn Thù Sư Lợi thấy, hay Đại Tăng thấy là thấy nếu lực lượng người tu đông mà tập trung lại thì giải quyết đời sống cách nào đây. Vì vậy, mỗi thầy phải đi làm đạo ở chỗ khác nhau, hay đúng hơn, đi tìm nhân duyên chỗ nào mình làm đạo được.
Văn Thù Sư Lợi nói ngài phải đến Phước Thành là chỗ có Thiện Tài đồng tử. Ông sanh ra thì thành phố này giàu có và ông rất thông minh. Điều này nhằm chỉ người có phước đức, có trí tuệ mới dựng nên sự nghiệp; người có khả năng hiểu biết mới truyền trao hiểu biết được. Vì vậy, chúng ta là phàm phu, Nhị thừa không hiểu được Phật, nên phải có Bồ-tát thì Phật mới truyền được.
Tỳ-kheo thông minh mới học giỏi. Tỳ-kheo có phước đức mới xây dựng được tòng lâm. Qua lịch sử, chúng ta nhận thấy rõ thời kỳ nào có Thánh Tăng đầy đủ phước đức và trí tuệ thì Phật giáo hưng thạnh. Không có Tỳ-kheo phước trí trang nghiêm, Phật giáo phải suy vi.