GN - Từ thời tiết lạnh giá của mùa đông chuyển sang nắng ấm của mùa xuân, cây cối đâm chồi nẩy lộc ra hoa kết trái. Xuân về như báo hiệu cho chúng ta sự tươi mới. Đất trời, cỏ cây, sông núi và vạn vật có mặt trên đời đều được thay đổi theo chu kỳ xuân hạ thu đông, và mùa nào cũng góp phần để xây dựng nên sự sống tốt đẹp. Tuy nhiên, mùa xuân lại có ý nghĩa thâm sâu hơn, vì thế ai cũng khao khát và mong đợi xuân về!
Đề cập đến mùa xuân là nói đến cái đẹp, sự mới mẻ và niềm tin yêu tràn đầy sức sống. Chính vì mùa xuân biểu tượng cho điều tốt đẹp, niềm an lạc hạnh phúc, nên khi một ai đó biểu lộ sự buồn chán, sầu khổ thì người ta sẽ nói: “Tôi thấy khuôn mặt của bạn không có mùa xuân”. Câu nói ấy thật rõ ràng, khi các tâm lý buồn tủi, lo lắng, sợ hãi và bất an biểu hiện thì chẳng bao giờ ta tiếp xúc được với các vẻ đẹp kỳ diệu của mùa xuân, cho dù ta vẫn có mặt trong thời điểm ấy. Ngược lại, khi tâm hồn trong sáng, an tịnh và hoan hỷ, lúc đó chúng ta mới thực sự sống trọn vẹn với mùa xuân miên viễn.
Và sự thật là như thế nên thi hào Nguyễn Du nói rằng: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cỏ cây, sông núi xưa nay vẫn thế, hoa nở rồi hoa lại tàn, chúng diễn biến theo tiến trình sinh trụ dị diệt là lẽ tất yếu. Do đó, vui hay buồn đều tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta ngay trong mỗi phút giây hiện tại.
Cùng với ý nghĩa này, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành” (Tăng Chi Bộ II).
Nếu chúng ta có quyết tâm tìm hiểu và học hỏi đạo lý, có lòng tin sâu sắc vào Tam bảo, tin hiểu Nhân quả Nghiệp báo, thì ta biết hổ thẹn khi làm điều sai trái và ăn năn sám hối với những hành động bất cẩn, lỗi lầm của mình. Ta biết thiết lập nếp sống có chánh niệm tỉnh thức, tinh cần làm các hạnh lành để vun bồi công đức, chuyển hóa phiền não khổ đau và đạt được trí tuệ viên mãn. Trong đời sống hiện tại, ta luôn luôn thảnh thơi an lạc, sau khi xả bỏ báo thân này thì được sinh về các cảnh giới an lành tương ứng với thiện nghiệp của mình. Là phàm phu thì bất cứ ai cũng có thể phạm phải những lỗi lầm, dù ít hay nhiều. Nhưng, nếu chúng ta biết ăn năn hối cải và làm mới thân tâm thì đời sống sẽ được thăng hoa tốt đẹp. Vì thế, mùa xuân không hẳn chỉ có mặt vào những ngày đầu năm, mà khi nào tâm hồn chúng ta an tịnh và trong sáng, thì đó chính là mùa xuân đích thực hiện hữu.
Thực tế cho thấy, có không ít người trong những ngày Tết đến xuân về mà tâm tư vẫn còn mang nặng nhiều nỗi khổ niềm đau! Các yếu tố tiêu cực ấy vẫn trấn ngự và xâm chiếm cõi lòng, tạo nên sự vô cảm đối với những gì đang xảy ra trong hiện tại. Từ chuyện gia đình chồng con cho đến đời sống kinh tế gặp khá nhiều rối ren và trở ngại, mặc dù họ vẫn tiếp xúc với ngày xuân, nhưng tâm hồn thì lại trơ trọi, khô cứng và thiếu vắng tâm xuân. Phải chăng mùa xuân chỉ hiện hữu với những ai giàu sang sung sướng, vợ đẹp con ngoan, còn những người nghèo khổ, bệnh tật thì không được thừa hưởng? Sự thực không hẳn là như thế. Có những gia đình đời sống kinh tế chật vật, túng thiếu nhưng họ vẫn đón xuân vui vẻ, chan hòa ấm cúng. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ chịu khó tìm hiểu và tiếp nhận những điều hay lẽ phải để vươn lên. Họ biết thân cận bạn tốt và học hỏi đạo lý với các bậc thiện tri thức. Nhờ vậy, cách ứng xử với nhau trong gia đình trở nên thân thương hòa ái, lúc nào cũng có tiếng cười giòn giã, xóa tan đi bao nỗi vất vả lo toan, đem lại sự đầm ấm an vui và hạnh phúc. Với những con người biết trân quý sự sống như thế, chẳng khác gì cành mai vẫn nở rộ vào lúc tàn xuân. Bởi chúng ta chỉ cần có thái độ trong sáng và biết chấp nhận những gì đang có trong hiện tại để phấn đấu đi lên mà không cần phải cố gắng thay đổi hoàn cảnh bằng mọi giá. Đây cũng chính là tinh thần thong dong tự tại mà Thiền sư Mãn Giác đã nhắn gửi:“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một cành mai - Cáo tật thị chúng).
Một cành mai miên viễn chỉ biểu hiện khi tâm ta thực sự định tĩnh và trong sáng. Với người không biết nhìn lại chính mình và quán chiếu hiện thực, thì rất dễ bị vướng kẹt vào hoàn cảnh, âm thanh và sắc tướng. Họ chỉ thấy sự thay đổi sinh diệt trên bề mặt hiện tượng mà không thấu rõ bản chất đích thực của mùa xuân và tâm xuân đang hiện hữu. Vạn vật xưa nay vẫn sinh khởi và hoại diệt, nhưng với cái nhìn thông thái của vị thiền sư thì vượt thoát mọi ý niệm còn mất, sinh diệt. Vì thế, dù tiếp xúc với thời gian hay không gian nào chăng nữa, thì vị thiền sư vẫn ung dung tự tại vì trong lòng đã có sẵn cành mai của tâm xuân bất tận!
Ở một khía cạnh khác, vào ngày đầu năm người Phật tử khắp nơi hân hoan đón mừng Xuân Di Lặc. Họ cùng nhau đến chùa lễ Phật và cầu nguyện cho tự thân cũng như tất cả mọi người, sang năm mới thừa hưởng được một cuộc sống ấm no, an bình và thịnh vượng. Ngoài ý niệm đó, ngày vui xuân cũng là cơ hội để cho người Phật tử tiếp xúc và học theo hạnh nguyện của Đức Phật Di Lặc. Hình ảnh của Ngài Di Lặc là biểu tượng cho niềm hoan hỷ, vị tha. Buông xả những việc khó xả, dù người ta nói ra những lời lẽ nặng nề, sai sự thật hoặc vu oan thì tâm hồn Ngài vẫn an nhiên tự tại. Hình ảnh năm (thực ra là sáu) em bé vây quanh luôn quấy phá Ngài là tượng trưng cho sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái và đối tượng của tâm ý ẩn tàng ở bên trong để điều động và sai khiến con người chạy theo dục vọng. Với những cám dỗ ấy, Ngài Di Lặc luôn cười tươi thong dong tự tại, nhưng với người không có chánh niệm tỉnh giác thì hoàn toàn chịu sự chi phối bởi tham dục, sân hận và si mê. Còn đối với các bậc có trí tuệ sáng suốt, tình thương yêu rộng lớn thì không vướng bận, tự do tự tại đi vào trong cuộc đời để giáo hóa độ sinh. Thế nên, mỗi khi xuân về là dịp cho chúng ta thấy rõ hơn con đường cao đẹp mà mình đang đi, nhằm chuyển hóa tự thân trang điểm cho tâm hồn một cành mai tươi thắm, trên khuôn mặt biểu hiện niềm hỷ lạc an vui, thì đó chính là nội dung thâm thúy của những ngày mừng Xuân Di Lặc.
Để mùa xuân luôn luôn có mặt bên ta, người học đạo cần phải nhìn lại chính mình, nhận diện thân rõ tâm và hoàn cảnh đương tại trong trạng thái yên tịnh và sáng suốt. Với ý thức sáng tỏ ấy, chúng ta sẽ tiếp xúc và cảm nhận được các yếu tố đẹp đẽ đang có mặt xung quanh. Và như thế, tâm hồn ta không còn mang nặng nỗi niềm tuyệt vọng, cô đơn và lạnh lẽo nữa, bởi ánh sáng tỉnh thức của mùa xuân đang hiện hữu ở trong ta.