Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Tích góp phước lành
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn có một sự khác biệt rõ ràng giữa những người luôn cố gắng tích góp, tu tạo phước lành và những người không làm gì cả. Ý tôi là gì khi nói đến việc tích góp phước lành? Trước tiên, thông qua đó, chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng từ bi, xuất phát từ sự vị tha và mong muốn làm những việc lợi ích cho mọi người xung quanh. Chúng ta có thể giúp đỡ người khác theo những cách khác nhau, như đưa ra lời khuyên, thể hiện sự rộng lượng, nghiêm khắc hay kiên nhẫn của bản thân, và thực hiện mọi việc với sự sẵn sàng và mong muốn giúp đỡ mọi người một cách trong sáng và chân thành nhất.
Hơn thế nữa, nếu đã phát nguyện trở thành một người Phật tử thực thụ thì chúng ta nên “hướng lên trên để cúng dường” và “hướng xuống dưới để thực hành bố thí”, nghĩa là việc cúng dường nên được thực hiện với những bậc cao hơn chúng ta, như đối tượng mà chúng ta quy y, chư Phật, các bậc thầy tâm linh, Tăng đoàn và các vị đồng tu. Đồng thời, hãy hướng tâm đến những người còn đang khó khăn và ngụp lặn trong những vấn đề của họ để thực hành bố thí một cách chân thành. Là một người Phật tử, chúng ta nên cúng dường và thực hành bố thí thường xuyên để gieo trồng phước lành, tập hạnh buông xả và nuôi dưỡng lòng từ bi ngày một thêm lớn.
Chính những hành động tốt đẹp khi được thực hiện với một động cơ trong sáng sẽ giúp bạn tích góp được công đức và phước lành. Với một tâm hồn rộng lớn và bao dung như thế, chúng ta sẽ gặp ít trở ngại và chướng duyên hơn trong cuộc sống này, mục tiêu của cuộc đời sẽ được hoàn thành và mọi việc sẽ suôn sẻ hơn đối với chúng ta.
Tìm kiếm và thực hành theo những tấm gương tốt đẹp
Ngoài việc tích đức, chúng ta cũng cần những tấm gương sáng để noi theo. Là Phật tử, tấm gương vĩ đại nhất là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cuộc đời của Ngài là những bài học đắt giá và cũng là niềm cảm hứng bất tận cho những ai đang đi trên con đường hướng đến giác ngộ và giải thoát, những công hạnh và lời dạy của Ngài luôn là kim chỉ nam đối với tất cả chúng ta.
Đã hơn 2.500 năm kể từ khi Đức Phật Thích Ca nhập Vô dư Niết-bàn, nhưng sự truyền bá giáo lý vẫn được những vị đệ tử của Ngài, những vị thiện tri thức, các bậc chân sư uyên thâm và trí tuệ thực hiện và duy trì cho đến ngày nay. Các bậc thầy như thế, giờ đây, là các tấm gương xuất sắc cho chúng ta noi theo. Hơn nữa, những trải nghiệm quý giá của họ trong việc tu tập và hành đạo cũng đáng cho chúng ta học hỏi và chiêm nghiệm.
Đối với bản thân tôi, mặc dù đã trở thành giáo viên của nhiều người, nhưng tôi vẫn luôn hướng về hai bậc chân sư của mình là Kyabje Tulku Urgyen Rinpoche và Kyabje Nyoshul Khen Rinpoche. Cả hai vị thầy này đều là những vị thiền sư xuất chúng, họ vô cùng tử tế, tốt bụng, rộng lượng và kiên nhẫn với tất cả mọi người. Vì vậy, bạn cũng cần tìm cho mình một tấm gương lý tưởng và tốt đẹp, họ là những người có phẩm chất thực sự xuất sắc để hướng đến và xứng đáng để chúng ta noi theo.
Bằng cách dựa vào những hình mẫu tốt đẹp, chúng ta sẽ nhanh chóng uốn nắn và có động lực để thay đổi, chuyển hóa những thói quen xấu và các hành vi của mình trở nên tích cực hơn rất nhiều; nếu được như thế, cuộc sống sẽ bớt khó khăn và chướng ngại hơn đối với chúng ta.
Cố gắng thực hiện mọi việc bằng trí tuệ
Bất kỳ hoạt động nào mà chúng ta thực hiện hay tham gia, dù là thế tục hay tâm linh, chúng ta cần phải tiếp cận và giải quyết bằng trí tuệ và sự khôn ngoan của mình. Những lúc như thế, chúng ta cần tự hỏi bản thân rằng: “Những phẩm chất nào cần thiết để hoàn thành công việc này? Nhiệm vụ này nên được thực hiện như thế nào? Những thông tin nào là cần thiết?”. Ở một mức độ cơ bản, chúng ta nên sở hữu những kỹ năng và những phẩm chất cần thiết để có thể lắng nghe và học hỏi từ người khác, cũng như thay đổi và chuyển hóa bản thân theo hướng tích cực hơn.
Về lý thuyết, mọi người đều biết đến những kỹ năng này, nhưng đôi khi rất khó để thực sự lắng nghe và học hỏi từ người khác, tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực rèn luyện những điều đó cho đến mức thuần thục. Cuối cùng là tỉnh thức để nhận diện rõ ràng về bản thân, nếu thấy mình thiếu một số phẩm chất cần thiết thì hãy học cách trau dồi và phát triển chúng. Đồng thời, chuyển hóa những khuyết điểm của bản thân, đừng để chúng y nguyên từ năm này sang năm khác. Đó chính là cách dùng trí tuệ để phát triển chính bản thân mình.
Đối với việc tu tập Phật pháp, chúng ta cần sự tỉnh thức và trí tuệ để nhận biết về trạng thái cân bằng và không bao giờ xa rời Bồ-đề tâm (tâm giác ngộ). Ngày nay, thật đáng tiếc khi một số hành giả đang đánh mất Bồ-đề tâm của chính mình. Đôi khi tôi cũng tự hỏi: “Liệu tôi có thể thực sự đạt đến giác ngộ được không? Có phải trong mọi trường hợp, sự giác ngộ đều có thể mang đến lợi ích cho người khác và cho chính bản thân mình hay không?”.
Nhưng sau đó, tôi quả quyết và tin chắc rằng trạng thái giác ngộ chính là hạnh phúc và an lạc tối thượng, và thực sự có thể đem đến lợi ích cho bản thân và cho người khác. Vì vậy, chúng ta cần phải phát nguyện và quyết tâm để đạt được giác ngộ và giải thoát. Là những người Phật tử, chúng ta nên học hỏi giáo pháp từ những bậc thầy, suy tư, chiêm nghiệm thật sâu sắc và thực hành một cách chân chính.
Xây dựng phẩm giá và lòng tin của chính mình
Đôi khi chúng ta gặp phải những vấn đề, thử thách và thậm chí là thất bại trong cuộc sống. Những lúc như vậy, chúng ta không nên để những điều tiêu cực đó cướp đi phẩm giá và lòng tin của bản thân đối với cuộc sống này. Thay vào đó, chúng ta nên tiếp cận với tình huống xảy ra theo hướng tích cực và xây dựng. Hãy nghĩ rằng “Được rồi, tôi đã không thành công tại thời điểm này. Tại sao lại như thế? Tôi đã thiếu sót điều gì? Và tôi đã bị nhầm lẫn ở điểm nào?”. Hãy xem tất cả như một trải nghiệm cần thiết. Sau đó, suy nghĩ, loại bỏ những lỗi lầm và sai sót đã gây ra vấn đề để bạn có thể tiến bộ hơn trong tương lai.
Hơn thế nữa, bạn cũng nên cảm thấy tự tin về bản thân mình: “Đúng vậy! Tôi có thể đạt được giác ngộ, cũng có thể làm lợi ích cho chúng sinh. Ngay khi còn ở trong vòng luân hồi, tôi có thể giúp đỡ gia đình của mình, hỗ trợ Tăng đoàn và làm lợi ích cho nhiều người khác nữa. Bản thân tôi có thể đạt được nhiều thứ và có thể sống một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa”. Bằng cách này, chúng ta có thể nuôi dưỡng phẩm giá và lòng tin bên trong nội tâm ngay cả khi đối mặt với rất nhiều thử thách.
Lòng tin là một phẩm chất rất quan trọng, đặc biệt đối với các hành giả, đó là điều không thể thiếu. Kyabje Tulku Urgyen Rinpoche nói rằng nếu không có lòng tin thì bạn không thể thành tựu trong việc thực hành giáo pháp, đặc biệt là thiền định. Phẩm chất này đóng vai trò như một loại dũng khí, dứt khoát, chắc chắn và vững chãi không gì có thể lay chuyển được. Đó không phải là một trạng thái tâm lý run rẩy hay do dự, kiểu suy nghĩ như “Ồ, tôi không chắc liệu thiền có thực sự mang lại lợi ích hay không. Thiền có phù hợp với tôi hay không?...”, và chúng ta sẽ không thể đạt được bất kỳ điều gì nếu cứ mãi nghi ngờ như thế.
Có người biết và hiểu giáo pháp, nhưng họ vẫn cứ thắc mắc và nghi ngờ. Đây là một dấu hiệu rất rõ ràng của sự thiếu lòng tin. Dĩ nhiên, nếu bạn không hiểu hoặc không biết về điều gì đó thì bạn cần phải hỏi khi thấy thắc mắc; nhưng khi đã biết và hiểu nhưng vẫn nghi ngờ thì đó là dấu hiệu của việc thiếu lòng tin vào pháp cũng như vào chính bản thân mình.
Vì vậy, hãy thường xuyên tìm mọi phương pháp để củng cố niềm tin của mình đối với chư Phật, Pháp và Tăng đoàn. Đồng thời, rèn luyện những phẩm chất bên trong để tăng giá trị của bản thân. Nếu cảm thấy quá nghi ngờ, hãy tìm đến những bậc thầy lỗi lạc và trí tuệ để thưa hỏi cách khắc phục cho riêng bản thân mình. Cuối cùng, nếu bạn là hành giả Kim Cang thừa, hãy cầu nguyện trước chư Phật và Bồ-tát để có thể nhanh chóng trau giồi những phẩm chất bên trong của chính mình.