Câu chuyện hậu đại dịch

Câu chuyện hậu đại dịch
0:00 / 0:00
0:00
GN - Với hai “cú đấm” từ biến thể Delta và Omicron xảy ra gần như cùng lúc trong vài tháng qua, các nhà khoa học đã cho rằng chúng ta đang bắt đầu tiếp cận được phương thức miễn dịch tập thể ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nước đang dần dần tiến đến trạng thái “trở lại bình thường”; bãi bỏ lệnh giãn cách xã hội; mở lại các hoạt động buôn bán, kinh doanh và mở cửa biên giới để phát triển thương mại và du lịch. Sau tất cả những gì mà nhân loại đã chứng kiến trong trận đại dịch khủng khiếp hơn 2 năm qua, thì liệu các quốc gia có còn hành động chỉ vì lợi ích đơn phương, có còn thường xuyên gây mâu thuẫn với các nước láng giềng và các cộng đồng trên toàn cầu hay không? Liệu những bài học trong suốt thời gian qua có thể đưa đến một sự công nhận về mối liên kết chặt chẽ của các quốc gia trong thời đại toàn cầu mới và sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của sự hợp tác và làm việc cùng nhau trong mọi lĩnh vực, từ y tế đến kinh tế?

Đại dịch toàn cầu

Trong những ngày đầu của đại dịch, sự chia rẽ Đông - Tây đã xảy ra. Các nước châu Á chủ yếu nỗ lực để hạn chế giao thông biên giới và nhanh chóng cô lập bất kỳ trường hợp nào nhiễm Covid-19. Rõ ràng nhất là Trung Quốc. Quốc gia này đã đóng cửa toàn bộ thành phố Vũ Hán từ ngày 23-1 đến ngày 8-4-2020 và sau đó là Tây An từ 23-12-2021 đến 24-1-2022. Mặc dù rất gần với nơi đầu tiên bùng phát Covid-19, nhưng trong những tháng đầu của đại dịch, những nơi ban hành các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt như Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam lại rất ít xuất hiện các trường hợp lây nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, ở những nơi xa xôi với Vũ Hán như Iran và Ý, các đợt dịch đã lây lan với tốc độ chóng mặt và các ca nhiễm hầu như xuất hiện ở khắp mọi nơi. Ở nhiều quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ, trong khi đã có quá nhiều trường hợp dương tính thì những đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã giúp kiểm soát dịch bệnh một cách đáng kể. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng khả năng miễn dịch cộng đồng có thể là một kết thúc hoàn toàn hợp lý. Chính phủ Thụy Điển đã đi theo con đường dễ thấy nhất, đó là chỉ cố gắng bảo vệ những người dễ bị ảnh hưởng, những người có sức khỏe yếu và mắc bệnh nền nghiêm trọng, trong khi cho phép dịch bệnh lây lan tự do trong cộng đồng.

Tuy nhiên, thử nghiệm ban đầu của Thụy Điển về khả năng miễn dịch tập thể đã phản tác dụng. Các nỗ lực bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương đã không thể thực hiện được một cách tốt đẹp và rất nhiều người đã tử vong bởi vì không thể tách biệt những đối tượng đó khỏi cộng đồng một cách tuyệt đối được. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5-2020, Tiến sĩ Anders Tegnell, nhà dịch tễ học Thụy Điển cho biết: “Số người chết đã khiến chúng tôi rất sốc. Chúng tôi vốn nghĩ rằng những ngôi nhà tách biệt dành cho người già sẽ tốt hơn nhiều trong việc bảo vệ họ”.

Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược, vào thời điểm phỏng vấn, tỷ lệ tử vong của Thụy Điển cao hơn nhiều so với các nước láng giềng và những quốc gia đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt và đảm bảo sự giãn cách xã hội. Đến nay, Thụy Điển, với dân số khoảng 10 triệu người, đã có hơn 16.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19.

Như vậy, những phân tích trên là minh chứng cho thấy rằng cho dù là biên giới quốc gia, lệnh phong tỏa thành phố, hay những khu nhà tách biệt cũng không thể chống lại mối liên kết chặt chẽ giữa người với người, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác và giữa quốc gia này với quốc gia khác.

Ở châu Á, các đợt bùng phát cuối cùng đã xảy ra ở hầu hết các quốc gia, và một số nước hiện đang có số lượng ca nhiễm cao nhất kể từ trước cho đến nay. Trong khi châu Âu và các bang của Hoa Kỳ bắt đầu chuyển sang giai đoạn “sống chung với Covid”, thì những động thái tiếp theo ở châu Á ít chắc chắn hơn. Sự khác biệt bây giờ chính là vắc-xin.

Một tương lai với bệnh Covid đặc hữu

Khi các công ty dược phẩm liên tục tung ra hàng triệu liều vắc-xin và những loại vắc-xin mới vẫn còn được nghiên cứu và sản xuất thì vẫn còn có hy vọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng vi-rút có thể đột biến theo những cách không thể lường trước được, điều đó có nghĩa là chúng ta luôn thấy mình đi chậm một bước.

Đối với những người khỏe mạnh đã được tiêm vắc-xin, vi-rút chỉ có thể gây ra những triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường hoặc cúm mùa. Tuy nhiên, với nhiều đối tượng khác, Covid-19 vẫn là mối lo ngại hàng đầu. Covid-19 là một căn bệnh mới, nên những ảnh hưởng lâu dài của nó vẫn chưa thể lường trước được. Gần đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những triệu chứng sức khỏe hậu Covid như tần số rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về sức khỏe tinh thần tăng cao cũng như nguy cơ mắc bệnh tim, ngay cả đối với những trường hợp nhẹ.

Các quốc gia phải đưa ra quyết định khó khăn trong những tháng tới. Rõ ràng, hầu hết các nước đều ủng hộ sự cần thiết phải mở cửa để phục hồi lại nền kinh tế của họ cũng như trở về trạng thái bình thường trước đại dịch. Tuy nhiên, Tiến sĩ Elisabetta Groppelli, một nhà vi-rút học tại Đại học London, cảnh báo rằng tuy cũng có những người may mắn trong đại dịch nhưng “đối với thế giới, Covid-19 vẫn là một đại dịch và là trường hợp khẩn cấp”. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho rằng chúng ta còn lâu mới có thể gọi Covid-19 là một loại bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, để góp phần vào sự trở lại nhanh chóng của trạng thái bình thường mới, nhân loại cần phải nỗ lực để vượt qua những quan niệm hạn chế của mỗi cá nhân và thậm chí là mỗi cộng đồng. Các cơ quan y tế phải khôi phục lại lòng tin của công chúng, bằng cách thực hiện vai trò của mình cũng như đảm bảo rằng những công việc và thông điệp đưa ra không bị ảnh hưởng bởi nhu cầu kinh tế và chính trị. Các chính phủ và các tổ chức quốc tế nên loại bỏ những rào cản về vắc-xin để chúng được cung cấp đến bất kỳ nơi nào cần.

Cũng giống như Đức Phật giác ngộ về sự thật của khổ đau, khi nhận ra những sai lầm này và mối liên kết toàn cầu, chúng ta sẽ phải làm gì? Có phải chúng ta đứng đó để trách móc những người thiếu hiểu biết và dại dột hay không? Hay chúng ta sẽ bắt đầu những cuộc đối thoại để tuyên truyền và lan tỏa những điều đúng đắn cho những người xung quanh và những cộng đồng trên khắp thế giới? Và liệu chúng ta có xây dựng các mối quan hệ để gắn kết mọi người cũng như để những đợt bùng phát Covid-19 và các bệnh dịch tương tự trong tương lai sẽ được giải quyết theo cách hài hòa và nhân ái không?

Nhiều sự thay đổi đang diễn ra. Chúng ta có thể ý thức về sự toàn cầu hóa rõ hơn khi nhận ra rằng một vấn đề xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh này đều là vấn đề chung của toàn thế giới. Sự tương tác đa dạng giữa địa phương và toàn cầu, đây là một đặc tính rất phù hợp với tinh thần của Phật giáo về sự liên hệ giữa y báo và chánh báo, cũng như minh chứng cho một nguyên lý rằng chúng ta đều gắn bó với nhau thông qua những sự luân chuyển không ngừng của nhân và quả. Vì vậy, đừng bỏ lỡ cơ hội để thể hiện lòng trắc ẩn một cách sâu sắc và rộng rãi hơn, dù xa hay gần.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.