Nền giáo dục nữ giới trong Phật giáo: Từ kinh văn cổ đến sự phục hưng thời hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sự giáo dục dành cho phụ nữ được đề cập trong các văn bản cổ đại của Phật giáo là vô cùng hạn chế. Gần như không có bằng chứng rõ ràng hoặc ghi chép cụ thể về việc họ được giáo dục bài bản, dù là trong gia đình hay trong các môi trường học tập chính thức. 
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1309 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1309 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tuy nhiên, trong một số bản kinh văn như Jataka, Avadanasataka và Therigatha vẫn có một số phụ nữ có học thức.

Chẳng hạn, trong Bhaddasala Jataka có kể về Vasabhakkhatthiya (mẹ của Vidudabha) là người biết chữ và có thể viết. Trong Avadanasataka, một phụ nữ tên Soma được miêu tả là một học giả lỗi lạc và là người rất giỏi trong việc lắng nghe và có trí nhớ rất tốt. Bà là con gái của một vị Bà-la-môn ở Xá-vệ, và rất có thể đã được học cùng cha và các học trò của ông. Khi người cha dạy các thần chú (mantra), bà có thể lĩnh hội nhanh chóng và nhớ ngay lập tức. Danh tiếng của bà vang xa đến mức nhiều người từ khắp nơi tìm đến bà để học hỏi.

Một văn bản đặc biệt mang giá trị cao trong việc nghiên cứu về nữ giới thời cổ là Therīgāthā – bộ sưu tập những bài kệ của các vị Trưởng lão Ni (therī). Văn bản này cho thấy rằng không có vị Ni nào xuất gia từ khi còn bé. Tuy không ghi rõ việc họ học ở nhà hay ở nơi nào cụ thể, nhưng cách hành xử và phẩm chất của họ thể hiện rằng họ đã được giáo dục tốt. Rất có thể họ đã được đào tạo trong đời sống thế tục trước khi bước vào nền giáo dục tu viện khi gia nhập Tăng đoàn.

Hầu hết các vị Ni trưởng đều là đệ tử của Đức Phật. Những bài kệ mà họ để lại chứng tỏ họ có sự thấu triệt sâu sắc đối với giáo pháp và triết lý của Đức Phật. Chân lý tâm linh được thể hiện qua lời kệ của họ cho thấy họ sánh ngang với các bậc Trưởng lão Tăng đã chứng A-la-hán. Các bản văn Phật giáo sơ kỳ mô tả cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni chứng quả A-la-hán như một “giai cấp Thánh nhân” của thế gian, điều này nhấn mạnh sự bình đẳng vượt lên trên sự khác biệt về giới tính. Những người phụ nữ trong “giai cấp” này, không bị ràng buộc bởi sợ hãi hay nghi ngờ, dũng cảm vượt qua nguy hiểm và những bất lợi để truyền bá giáo lý của Đức Phật. Họ thành tựu thiền định, dấn thân tu tập trong rừng sâu mà không chút sợ hãi. Những người phụ nữ đã rời bỏ đời sống thế tục vào thời Đức Phật không chỉ giải thoát khỏi ràng buộc xã hội, mà còn thoát ly khỏi chính những yếu kém và vấp ngã của bản thân. Các câu chuyện được ghi lại trong Therīgāthā cho thấy rằng ngay cả những nữ nô lệ, khi có cơ hội được học tập, cũng có thể chuyển hóa bản thân và cả những định kiến của người khác.

Ví dụ, Purna, con gái của một nữ nô lệ trong nhà vị đại thí chủ Cấp Cô Độc (Anathapindika), đã trở thành một đệ tử thuần thành của Đức Phật sau khi nghe bài pháp nổi tiếng Mahāsīhanāda Sutta (Kinh Đại Sư tử hống). Hàng ngày, cô có nhiệm vụ đi lấy nước cho gia chủ. Một mùa đông nọ, khi đang gánh nước, cô gặp một vị Bà-la-môn tin rằng tắm sông thiêng có thể gột rửa mọi tội lỗi. Dựa vào sự hiểu biết Phật pháp của mình, Purna đã khéo léo thuyết phục vị Bà-la-môn ấy quy y theo giáo lý của Đức Phật. Nhờ công đức đó, Purna được Cấp Cô Độc giải thoát khỏi kiếp nô lệ. Sau đó, cô xin xuất gia, mong cầu giải thoát luân hồi và cuối cùng đã chứng quả A-la-hán.

Trong Therīgāthā, những vị Ni sư như Abhayamātā, Vimala, Addhakasi và Ambapali từng là các kỹ nữ nổi tiếng được nhiều người mến mộ trước khi gia nhập Tăng đoàn. Những bài kệ của họ cho thấy họ là những phụ nữ có địa vị cao, giàu có và được giáo dục toàn diện về âm nhạc, nghệ thuật và văn hóa. Khi đã xuất gia và thọ giới đầy đủ, họ đã hoàn toàn từ bỏ đời sống thế tục. Bằng sự nỗ lực cá nhân, họ đã đạt được sự thấu hiểu sâu xa nhất về Phật pháp.

Trong số các vị Ni, Tỳ-kheo-ni Sukka nổi tiếng với tài thuyết pháp như được ghi lại trong Sagāthāvagga của Tương ưng bộ kinh (Saṃyutta Nikāya). Tại thành Vương Xá, bà từng giảng một bài pháp vô cùng cảm động và thấm đẫm trí tuệ cho một đám đông lớn. Những người nghe ví lời bà như mật ngọt rót vào lòng. Kể từ đó, mỗi lần bà thuyết pháp tại Vương Xá, dân chúng lại tụ hội đông đảo, tràn đầy lòng tôn kính và hoan hỷ.

Ngoài ra, sau khi Đức Phật nhập diệt, Dipavamsa – bộ sử ký cổ của Tích Lan – ghi chép rằng có nhiều vị Ni Phật giáo tại kinh đô Anuradhapura được ca ngợi vì học vấn uyên thâm và khả năng giảng dạy kinh điển Pāli. Trong số đó, nổi bật nhất là Tỳ-kheo-ni Sanghamittā, con gái của vua A Dục (Aśoka). Một vị Ni khác, Tỳ-kheo-ni Anjalī, rất thông thạo Luật tạng và Vi diệu pháp (Abhidhamma). Theo ghi chép, hoàng hậu Anulā cùng năm nữ thị tỳ của bà đã được Tỳ-kheo-ni Sanghamittā truyền giới để gia nhập Ni đoàn. Ngoài ra, Dipavamsa còn nhắc đến nhiều phụ nữ tài năng khác như Sivalā, Mahiruha, Hema và Agnimitrā – tất cả đều tinh thông Phật học, triết học và từng học tập tại kinh thành Anuradhapura.

Cuối cùng, Sāsanavasa – bộ sử Phật giáo Miến Điện được biên soạn vào năm 1861 – cũng ghi lại rằng nhiều phụ nữ tại đây đã học thuộc toàn bộ Tam tạng Pāli, và có thể tụng lại hàng loạt bài kinh kệ Phật giáo. Khi việc học bị gián đoạn do công việc hay bổn phận gia đình, họ cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Tác phẩm thậm chí còn kể về một cô gái quê bình thường nhưng rất giỏi ngữ pháp Pāli.

Sự phục hưng hiện đại của nền giáo dục Phật giáo dành cho phụ nữ

Dù trong lịch sử đã có nhiều bằng chứng khẳng định tầm quan trọng của sự giáo dục đối với phụ nữ và những đóng góp trực tiếp của phụ nữ có học thức đối với giáo pháp của Đức Phật, nhưng lý tưởng này đã từng bị mai một nghiêm trọng. Điều này đặc biệt rõ nét khi Ni đoàn trong truyền thống Theravāda gần như biến mất vào khoảng thế kỷ thứ X hoặc XI. Sau một thời kỳ dài suy tàn, Ni đoàn Theravāda mới được tái lập vào năm 1998, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo Quốc tế Sakyadhita và dưới sự bảo trợ giới luật (Vinaya) của tổ chức Phật giáo Phật Quang Sơn tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều phụ nữ được truyền giới Cụ túc tại Sri Lanka, Thái Lan, Bangladesh và nhiều quốc gia khác, trong đó một số vị Tỳ-kheo-ni đã trở thành những lãnh đạo có ảnh hưởng trên thế giới.

Trong những thập kỷ gần đây, nhiều Phật tử nữ và nam đã nỗ lực loại bỏ định kiến về giới trong cộng đồng của họ, song song với các phong trào toàn cầu về nâng cao vai trò và giá trị của phụ nữ. Nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ Phật giáo trên toàn thế giới, tổ chức Sakyadhita đã được thành lập vào năm 1987.

Việc tái lập Ni đoàn Theravāda, dù gặp nhiều khó khăn pháp lý cũng như sự phản đối từ văn hóa và thể chế truyền thống, đã đánh dấu một bước ngoặt đầy hứa hẹn trong việc phục hưng nền giáo dục Phật giáo dành cho phụ nữ trong thế giới hiện đại. Đây không chỉ là sự khẳng định niềm khát khao chính đáng của người phụ nữ trong đời sống tâm linh, mà còn mở ra cơ hội lớn cho Phật giáo được tiếp nhận những đóng góp quý báu từ nữ giới Phật giáo.

Các mục tiêu cốt lõi của Sakyadhita bao gồm: Thành lập một mạng lưới quốc tế dành cho phụ nữ Phật giáo; thúc đẩy đời sống tâm linh và thế tục của phụ nữ toàn cầu; hướng đến bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, cấu trúc thể chế và hệ thống truyền giới trong Phật giáo; tăng cường sự hòa hợp và đối thoại giữa các truyền thống Phật giáo cũng như với các tôn giáo khác; khuyến khích nghiên cứu và xuất bản các chủ đề liên quan đến phụ nữ Phật giáo; nuôi dưỡng hành động xã hội mang tinh thần từ bi vì lợi ích nhân loại; thúc đẩy hòa bình thế giới thông qua giáo lý của Đức Phật.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đó, Sakyadhita tổ chức hội nghị quốc tế hai năm một lần. Năm nay, Hội nghị Sakyadhita lần thứ 19 đã diễn ra từ ngày 16 đến 20-6 tại Sarawak, Malaysia, với chủ đề “Chuyển hóa trong Thời đại Biến động: Vai trò Phụ nữ Phật giáo trong Thời kỳ Chuyển tiếp”. Sự kiện quy tụ nhiều chương trình văn hóa và âm nhạc đặc sắc, kết hợp với các buổi hội thảo, thiền tập và hoạt động giao lưu văn hóa phong phú.

Việc tái lập Ni đoàn Theravāda, dù gặp nhiều khó khăn pháp lý cũng như sự phản đối từ văn hóa và thể chế truyền thống, đã đánh dấu một bước ngoặt đầy hứa hẹn trong việc phục hưng nền giáo dục Phật giáo dành cho phụ nữ trong thế giới hiện đại. Đây không chỉ là sự khẳng định niềm khát khao chính đáng của người phụ nữ trong đời sống tâm linh, mà còn mở ra cơ hội lớn cho Phật giáo được tiếp nhận những đóng góp quý báu từ nữ giới Phật giáo.

Phật giáo là một con đường tâm linh hướng đến sự hiểu biết sâu sắc về thực tại như nó đang là. Các phương thức hành trì như thiền định chính là phương tiện chuyển hóa, giúp con người phát triển chánh niệm, lòng từ và trí tuệ. Con đường ấy sẵn sàng tiếp nhận tất cả những ai mong cầu đạt được giác ngộ hay thành Phật – không phân biệt giới tính.

Một bậc giác ngộ là người thấu triệt bản chất của thực tại với sự minh triết hoàn hảo và hành xử hoàn toàn phù hợp với chân lý ấy. Sự thực chứng đó mang lại sự chấm dứt khổ đau cho bất kỳ ai đạt được, bất kể là nam hay nữ. Điều đó cũng chính là cứu cánh tối hậu của con đường Phật giáo. Do đó, giáo dục cho phụ nữ có ý nghĩa và giá trị ngang bằng với giáo dục cho nam giới trong mọi phương diện.

Tâm Tuệ dịch, theo The Buddhistdoor

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.