Xung đột nội tâm của chúng ta ngày càng lớn khi có những ước mơ mà chúng ta muốn thực hiện cũng như những thứ chúng ta muốn làm nhưng rồi phải từ bỏ vì hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta không cho phép.
Có một người đàn ông ở độ tuổi 30 đã phàn nàn với tôi rằng anh ấy phải từ bỏ ước mơ của mình để xoay xở cho cuộc sống, anh cảm thấy rất bất hạnh và không thỏa mãn với hiện thực của chính mình hiện tại. “Nếu có đủ điều kiện, tôi muốn tiếp tục học ngành thiết kế. Tuy nhiên, kể từ khi tôi cưới vợ và có con, thật khó để tôi có thể bỏ việc và theo đuổi ước mơ của mình. Tôi không biết liệu mình có ổn không khi từ bỏ ước mơ và cứ sống cuộc sống thế này”, anh giải thích.
Thông thường, chúng ta nghĩ rằng sẽ rất hạnh phúc nếu chúng ta được làm một công việc thuộc sở trường của mình. Nhưng thực sự, năng khiếu hay sở trường chỉ quan trọng đối một số ngành nghề chứ không phải tất cả mọi công việc. Ước mơ của tôi chính là trở thành một nhà khoa học và tôi nghĩ rằng tôi có năng khiếu về khía cạnh đó. Nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra mình có thể trở thành một nhà sư Phật giáo. Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng ra tôi đã trải qua bao nhiêu dằn vặt và xung đột nội tâm để sống một cuộc đời của một nhà sư thay vì một nhà khoa học.
Tuy nhiên, kể từ khi xuất gia vào năm 16 tuổi, tôi đã cố gắng áp dụng khoa học vào cuộc sống của mình theo những phương thức mới. Tôi quan tâm đến khoa học, vì vậy, tôi có thể dễ dàng bảo vệ mình trước những điều mê tín dị đoan. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi: “Tôi nên làm gì để giúp mọi người có thể hiểu được lời dạy của Đức Phật một cách dễ dàng hơn?”. Do đó, trong các bài pháp thoại của mình, tôi cố gắng truyền đạt Phật pháp một cách mạch lạc, chặt chẽ và hợp lý hơn. Tóm lại, bất kể bạn làm công việc gì thì nó đều bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng cá nhân của chính bạn.
Bạn có thể nói rằng: “Tôi có thiên phú về khoa học, vì vậy tôi phải làm một nghề gì đó liên quan đến khoa học”. Liệu đây có phải là một chân lý cố định?
Bạn không thể chắc chắn rằng sở trường của bạn chỉ thích hợp cho một số việc nhất định. Và nếu nỗ lực hết mình trong công việc thì bạn có thể bộc lộ hết tài năng và điểm mạnh của bạn ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Tôi thường bảo những người trẻ tuổi đang tìm kiếm việc làm rằng: “Hãy dấn thân vào những việc gì mà bạn thực sự muốn làm. Hãy thực hiện những gì khiến trái tim của bạn đập nhanh hơn”. Họ cần phải suy nghĩ cẩn thận hơn về ý nghĩa của những câu nói này. Những người trẻ tuổi nên tìm những việc thích hợp với họ thay vì cố gắng để trở thành những bác sĩ, luật sư hay các công chức nhà nước với mong muốn được nhiều tiền bạc, địa vị hay sự an toàn cho bản thân.
Cũng vậy, nếu có công việc nào mà bạn nghĩ rằng bạn giỏi và thực sự muốn làm, bạn nên theo đuổi những công việc đó ngay cả khi không được trả tiền nhiều vào những ngày đầu và họ không cần phải chú ý người khác nói công việc đó có tốt hay không. Những nghề nghiệp mà nhiều người nói ổn chưa chắc đã tốt với tất cả mọi người, vì vậy, bạn không nên mù quáng chạy theo những nghề nghiệp của đa số những người khác.
Tuy nhiên, bạn không cần phải tự dằn vặt mình với những câu hỏi như “Tại sao tôi không có đam mê với bất cứ thứ gì?” hoặc “Tại sao tôi không tìm thấy thứ gì khiến tôi muốn cống hiến cả đời?”. Bởi vì có những người có đam mê, có người không. Nhưng có lẽ tốt hơn hết là không nên chấp chặt vào bất kỳ công việc nhất định nào. Nếu được như thế thì bạn sẽ có thể làm bất kỳ chuyện gì được giao và bạn sẽ tự do hơn. Bạn có thể nấu ăn, giặt giũ, thuyết giảng hay làm việc đồng áng khi cần thiết. Đó chính là cách sống của những người giác ngộ.
Người ta có thể được tự do bằng cách không khăng khăng rằng “đây là con đường duy nhất của tôi”. Nhưng hầu hết mọi người không thể nghĩ được như thế, họ chỉ cố gắng tập trung vào một thứ và cố gắng làm tốt điều đó. Vì vậy, bạn không cần phải lo lắng về việc không đam mê bất cứ ngành nào cụ thể trong thời điểm hiện tại.
Cũng như thế, bạn không nên thất vọng nếu không thể làm những điều bạn mong muốn. Giả sử, bạn muốn học thiết kế nhưng hoàn cảnh của bạn không cho phép. Nhưng bạn có thể cố gắng kết hợp thiết kế vào công việc hiện tại của mình thay vì lo lắng hay buồn rầu về việc không thể nghiên cứu sâu về nó.
Giả sử người này trở thành một nhà sư. Liệu anh ta có còn cơ hội để thiết kế không? Câu trả lời là có. Trong thời gian rảnh rỗi, anh ta có thể nghiên cứu việc thiết kế y áo của các nhà sư, tái tạo cảnh quan sân chùa hoặc thiết kế mô hình chùa chiền nhằm bảo tồn vẻ đẹp truyền thống của các công trình kiến trúc. Không quan trọng là bạn thực hiện công việc gì hoặc bạn làm loại thiết kế nào. Khi làm việc theo cách của riêng mình thì bạn sẽ tìm thấy sở trường và phát huy được thế mạnh của bạn một cách thích hợp.
Nếu chỉ chờ đợi một cách đơn thuần thì sẽ chẳng mang lại một tương lai tốt đẹp. Nhưng bằng cách luôn tìm tòi, khắc phục và vượt qua những khó khăn, chúng ta có thể biến những giấc mơ của mình trở thành hiện thực.
Trong khi theo đuổi ước mơ của bạn và với tay muốn chạm đến những hạnh phúc trong tương lai nhưng lại phớt lờ thực tại chẳng khác gì việc xây một tòa lâu đài trên không. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào việc kiếm sống ở hiện tại sẽ khiến bạn mất hy vọng vào tương lai. Vì vậy, mọi người luôn cảm thấy đau đầu về việc có nên theo đuổi lý tưởng của mình hay tập trung vào hoàn cảnh hiện tại của họ. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa lý tưởng và hiện thực không có mâu thuẫn. Bởi vì đôi chân của bạn phải trụ vững vàng trên nền tảng của thực tế trong khi đôi mắt hướng về lý tưởng của bạn.
Nếu chỉ chờ đợi một cách đơn thuần thì sẽ chẳng mang lại một tương lai tốt đẹp. Nhưng bằng cách luôn tìm tòi, khắc phục và vượt qua những khó khăn, chúng ta có thể biến những giấc mơ của mình trở thành hiện thực.
Thiền sư Pomnyun