Màu xanh xứ sở

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Người ta thường hay nói mùa xuân là mùa của hy vọng, ước mơ hay những điều tốt đẹp nhất. Nhưng trong cảm thức của riêng tôi, dường như, xuân còn là mùa của hoài niệm.

Hoài niệm thì đẹp. Tất nhiên, điều đó có thể không đúng với tất cả, nhưng nếu được hỏi, có lẽ đại đa số sẽ đồng tình. Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng con người có khuynh hướng ghi lại trong tâm trí mình những điều tốt đẹp nhiều hơn. Nhưng giả sử nếu điều đó không đúng với tất cả, thì giữa cái êm đềm của tiết trời đang sắp sửa vào xuân, có lẽ, chúng ta cũng nên “ưu ái” phần nhiều để nhắc nhớ về những gì đẹp đẽ. Nhất là khi rất nhiều người vừa đi qua một quãng thời gian buồn thương, mất mát.

Mùa xuân và Tết luôn chất chứa trong mình nhiều hoài niệm, nó có thể là hoài niệm gắn liền với tuổi thơ, gói ghém trong câu chuyện, bản nhạc, hình ảnh hay màu sắc nào đó. Xứ sở quê tôi có những mùa xuân thật êm đềm.

Cuối năm, cái rét căm căm lẫn trong màn mưa dầm dề đã kéo dài suốt mùa đông vơi đi thấy rõ khi tờ lịch trên tường chuyển dần đến những ngày cuối tháng Chạp. Khi ấy, các bà nội trợ bắt đầu lục đục sửa soạn cho dịp trọng đại nhất trong năm. Hàng trăm chậu hoa mai, đào, cúc, thược dược,… với muôn tía nghìn hồng theo những chuyến xe bắt đầu đổ vào thành phố. Những xe máy chở lỉnh kỉnh đồ mã Thổ thần chạy vụt qua trên đường. Trước sân, trên ban-công hay những mái nhà thấp, các bà tranh thủ mấy ngày nắng hiếm hoi để đem mâm dưa kiệu ra phơi cho kịp làm món Tết. Nhìn từ xa xa, những mâm dưa kiệu lấm tấm trắng đỏ như pallet màu của một họa sĩ vô danh nào đó bỏ quên.

Vô số sắc màu điểm vào bức tranh ngày cuối năm. Những sắc màu đơn giản có thể bắt gặp ở đâu đó quanh năm, nhưng dường như, dưới cái nắng hanh hanh trong sắc trời xam xám ảm đạm của mùa đông sót lại nơi tháng Chạp, tất cả như rực rỡ hơn, sống động và đặc biệt hơn, làm nên một thức màu riêng của Tết.

Nhưng với tôi, cái màu đẹp nhất của Tết lại là màu xanh. Màu xanh của cỏ cây, lá cành đương độ đâm chồi nảy lộc. Đọc Nẻo về của ý, tôi bắt gặp cách thầy Nhất Hạnh nhắc đến mùa xuân bằng một tên gọi gợi tả đủ đầy sức sống của thiên nhiên: mùa tuôn dậy. Lúc nào người đời cũng có cảm giác màu xanh của cây cỏ trong mùa xuân đẹp đẽ hơn bao giờ hết, có lẽ cũng vì cái sức tuôn dậy sôi nổi ấy.

Hồi nhỏ, về quê nội, mỗi lần rẽ từ đường cái vào trong làng, là khi mắt tôi bắt gặp màu xanh ngút mắt của những hàng rào chè tàu. Con đường đất chạy thẳng tắp giữa hai hàng lá được cắt tỉa gọn gàng. Cái hàng rào xanh ấy ôm lấy khoảnh sân lát gạch xếp chéo sẫm màu rêu phong, ôm lấy khu vườn rợp bóng cau tre, che chắn cho những ngôi nhà nhỏ nhắn thêm phần riêng tư. Riêng tư nhưng không mấy ngăn cách. Cái rào giậu nửa cẩn mật, nửa mỏng manh ấy dường như chỉ vừa đủ vẽ ra ranh giới để phân chia giữa nhà này với nhà nọ, vẫn thừa cởi mở để người làng giữ gìn cái tình nghĩa bao năm “tối lửa tắt đèn”.

Những ngày giáp Tết, điểm vào bảng màu xanh, là sắc vàng nghệ của những bụi vạn thọ, màu đỏ thẫm của mấy nhành thược dược, hay khối vàng rực rỡ được kết thành bởi hàng vạn đóa hoa bé tí nơi cội mai già mà nhà nào cũng trồng trước ngõ.

Trí nhớ của tôi vẫn in đậm hình ảnh của bà Hai. Bà là chị họ của ông nội tôi, một người đàn bà mang rặt kiểu cách xưa. Bà Hai lấy chồng ở bên kia sông, mỗi năm lại về quê đôi lần vào dịp giỗ chạp.

Một lần nọ, vào ngày rước ông bà cuối năm, bọn trẻ con chúng tôi đang chạy chơi mải mê trước sân, thì ông bà Hai về. Ông nội réo gọi chúng tôi dừng chơi. Tôi đứng lại nhìn ra ngõ. Ông Hai có bộ râu dài, bạc như cước, mặc áo sơmi quần tây, đội mũ phớt, đạp chiếc xe cũ màu đỏ chở bà Hai ngồi phía yên sau. Bà mặc bồ đồ lụa mỡ gà, một tay vịn vào ông, một tay níu chiếc nón lá che đầu. Tôi ngẩn nhìn bóng ông bà chầm chậm đi giữa hai hàng chè tàu xanh mướt rồi quẹo vô sân, bước xuống, dựng chiếc xe đạp dưới gốc mai đương trổ vàng bông. Gió se lạnh đưa hương mai thơm ngát. Trong ý nghĩ trẻ con lúc ấy, tôi tưởng như ông bà Hai như đi ra từ câu chuyện xưa nào đó.

Tôi lớn lên, thời gian đi mãi, dần dần rồi hình ảnh đẹp đẽ ấy chỉ còn lại là một hoài niệm xa xôi.

Tôi từng được nghe rằng Victor Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã từng nói về màu xanh diệu kỳ của xứ sở này; và Jean Tardieu, con trai ông, trong Lettres de Hanoi cũng đã có những dòng viết về màu sắc đẹp đẽ của đất nước mà thời tiết “có một sự sáng tạo phong phú không sao kể xiết”. Tôi không hiểu nhiều về nghệ thuật, nhưng dường như đồng cảm được phần nào sự diệu kỳ của sắc màu xanh mà Tardieu ca ngợi. Và hình như cũng chính màu xanh ấy đã làm nên sắc hoài niệm phủ lên những bức tranh của các họa sĩ thời Đông Dương.

Tôi lớn lên, thời gian đi mãi, ông nội, ông Hai, rồi bà Hai theo chân nhau lìa xa cõi tạm.

Làng quê nay mất dần những hàng rào chè tàu. Những ngôi làng “nông thôn mới” ở quê tôi đã hiện đại hơn, đường sá phẳng phiu, nhà cửa, tường rào kiên cố, đôi khi còn kín mít. Hiếm hoi lắm, tôi mới gặp lại được màu xanh của hàng rào chè tàu, và cũng hiếm hoi lắm, những ngày giáp Tết, tôi mới thấy lại những vạt lay-ơn phớt hồng như ông nội tôi cặm cụi đem giống từ Trà Quế về trồng bên sân mỗi đầu tháng Chạp.

Vài năm trước, tôi vô tình bắt được màu sắc ấy trong dịp Tết ở Huế, khi ghé lên chùa. Bên những hàng chè tàu xanh, lẫn vào sắc mai, thược dược, tiếng tán tụng ngân vọng xuống từ chánh điện, như giữ thời gian ngừng lại đôi chút giữa những rộn ràng. Hình như màu xanh cũng là sắc màu của kinh điển. Đức Phật, trọn cuộc đời hoằng hóa của Ngài gắn liền với thiên nhiên, cỏ cây, những cánh rừng hay khu vườn. Màu xanh của Lâm-tỳ-ni, của Trúc Lâm, Kỳ Viên, của tán bồ-đề xào xạc reo vui trong sớm mai Thành đạo, của rừng Sa-la tịch lặng trong đêm Niết-bàn. Những cây bối diệp cũng từng xanh mướt trên những triền đồi Nam Á trước khi trở thành những mảnh vàng ngà giữ cho Kinh tạng được truyền đời mãi mãi.

Chúng ta vừa đi qua một quãng đau thương của đại dịch, nhưng tôi vẫn tin rằng sau tất cả những mất mát xảy đến, dường như con người vẫn chưa bao giờ vơi đi hy vọng. Có thể mùa xuân này, nhiều gia đình không thể sum vầy, đoàn tụ, nhiều mái ấm sẽ vơi hụt và nhiều dáng hình thân thuộc đã mãi mãi là ký ức. Nhân loại đã từng vô số lần đứng dậy bằng hy vọng, để hồi sinh sau muôn lần đổ nát. Và sau biến cố, mất mát, bên cạnh những đau thương trong quá khứ, chúng ta cũng giữ lại được muôn vàn những hoài niệm đẹp đẽ.

Như màu xanh của cây lá đó, đã muôn lần tuôn dậy mỗi khi nghe tiếng gọi của mùa xuân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.