Họ thích đề cập đến những vấn đề hiện thực, mắt thấy tai nghe ở hiện tại và cho rằng đó mới là Phật giáo đích thực. Nhưng sự thật có phải như vậy không? Có phải Đức Phật dạy rằng chỉ có cõi người ở hiện tại?
Có một số người quá tin vào thế giới tâm linh, siêu hình đến nỗi đắm chìm trong đó mà quên cả hiện thực cuộc sống. Ngược lại có một số người hoàn toàn cho rằng không có thế giới tâm linh, không có các cõi, không có đời trước và đời sau mà chỉ có kiếp sống của con người ở hiện tại mà thôi.
Cả hai quan niệm như thế đều là cực đoan cả, trong kinh Đức Phật gọi là thường kiến và đoạn kiến, thuộc 62 kiến chấp của ngoại đạo: “Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, sự tiêu thất, sự hủy hoại của loài hữu tình... Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn hoặc Bà-la-môn chủ trương lý thuyết và ý kiến: ‘Vì bản ngã này có sắc, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh ra, khi thân hoại bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã này như thế hoàn toàn đoạn diệt’. Như vậy một số người chủ trương sự đoạn diệt, sự tiêu thất và sự hủy hoại của loài hữu tình” (kinh Phạm võng, Trường bộ kinh).
Luân hồi trong lục đạo là một trong những giáo lý cốt lõi của Phật giáo, được trình bày rất phổ biến trong các kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa, do chính Đức Phật giảng dạy. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, một số Tăng Ni lại có khuynh hướng phủ nhận sự luân hồi mà cho rằng Phật giáo chủ trương chỉ có hiện tại. Những người có quan điểm hay thái độ và giảng giải như thế, theo tôi, là bởi những lý do như sau:
- Thứ nhất, do họ chưa đủ kiến thức để đánh giá một vấn đề như thế. Họ không vững căn bản về giáo pháp mà chỉ suy nghĩ theo cảm tính, suy luận theo hiểu biết cá nhân của mình.
- Thứ hai, một số người có hiểu biết, có học qua kinh điển nhưng lại cho rằng những giáo lý ấy không phù hợp với con người trong xã hội hiện nay. Họ nghĩ rằng trong xã hội hiện đại mà nói đến những vấn đề siêu hình là mê tín làm mất đi giá trị của đạo Phật. Xã hội hiện nay phải “thiết thực hiện tại” thì họ mới theo. Vì để thu hút nhiều người đến với đạo Phật cho nên họ “tùy thuận” tâm lý chung của xã hội, chỉ nói đến những vấn đề thuộc về “bây giờ và ở đây”.
- Thứ ba, do họ quá sùng bái khoa học. Cái gì khoa học nói cũng đều đúng cả. Còn cái gì khoa học chưa chứng minh được thì không nên tin, không nên theo. Cũng không ngoại trừ lý do muốn khoe kiến thức khoa học của mình.
- Thứ tư, do chủng tử ngoại đạo của họ quá sâu dày. Có lẽ do nhiều đời nhiều kiếp họ là ngoại đạo, có thói quen về chấp thường, chấp đoạn… Cho nên kiếp này dù gặp và học Phật pháp nhưng họ vẫn không tin toàn bộ giáo pháp, vẫn nói năng và hành xử theo tà kiến của ngoại đạo.
Tôi có đọc trên Facebook của một vị thầy (xin được ẩn tên) nguyên văn như thế này:
“Phật giáo Đại thừa đề cập đến sáu cõi luân hồi, nhưng thật ra nó hàm ý hướng tới sáu trạng thái tâm lý của từng cõi đó. Ví dụ, cõi trời là ham sắc, muốn hưởng thụ lạc thú. Cõi a-tu-la là biểu hiện sân hận v.v…
Lục đạo luân hồi là tâm trạng sống của con người thông qua những nỗi đau ứng với biểu hiện của từng cõi, bởi thế, chúng ta mới tu để thoát ly ngăn chặn dòng chảy tham, sân, si thì gọi là thoát khỏi lục đạo luân hồi. Còn vụng tu thì cứ trôi lăn trong vòng sanh diệt của lục đạo luân hồi.
Có những thứ chúng ta phải để đúng với lời dạy của Đức Phật, Trung Hoa hay cường điệu hóa màu mè làm cho nhiều người mới vào đạo dễ bị lầm tưởng nên có những trạng thái tiêu cực của kiếp sống con người”.
Thật ra quan niệm “các cõi trong lục đạo chỉ là trạng thái của tâm” không phải mới lạ nên chẳng có gì ngạc nhiên. Sở dĩ tôi đặt lại vấn đề này là vì thấy rằng tại sao một quan niệm thiển cận, sai lạc như thế mà vẫn tồn tại trong tư tưởng của một số người tu Phật. Cái thiển cận của quan niệm trên được thấy ngay trên mặt lý luận.
Nếu nói cõi trời là tâm ham sắc, muốn hưởng thụ dục lạc; cõi ngạ quỷ là tâm đói khát, thèm muốn… thì là đã thừa nhận có sự tồn tại của cõi trời, cõi ngạ quỷ rồi. Bởi vì nếu không có cõi trời, cõi ngạ quỷ thì lấy gì để ví ham muốn dục lạc như chư thiên, đói khát như ngạ quỷ…? Cũng giống như khi ta nói “giàu như nước A” thì trước hết phải có một nước A thật. Bởi vì có nước A thật thì mới có các đặc tính của nước ấy như giàu, nghèo.
Cho nên phải có những cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục trước thì mới có khái niệm, tên gọi những cõi đó cũng như những đặc tính gắn liền với chúng. Chính vì thế, lý luận các cõi chỉ là trạng thái tâm lý ở trong tâm con người là một lý luận tự mâu thuẫn. Hơn nữa, nếu cho rằng các cõi chỉ là trạng thái tâm lý thì lẽ ra cõi người và con người cũng là trạng thái tâm lý chứ không có thật.
Vị thầy nói trên cho rằng hiện thực sáu cõi là do “Trung Hoa hay cường điệu hóa màu mè”. Nói vậy là vị này không đọc kinh điển Nguyên thủy, nên mới không thấy, không biết sáu cõi là do chính Đức Phật Thích Ca nói. Không chỉ nói trong một vài kinh mà trong rất nhiều kinh. Tôi chưa có sự thống kê chính xác, nhưng ước đoán rằng những kinh mà Đức Phật đề cập đến các cõi như địa ngục, ngạ quỷ, chư thiên chiếm khoảng gần nửa số lượng các kinh trong tạng A-hàm và Nikaya. Không ai dám nói rằng chừng ấy bài kinh là do người sau thêm vào, là ngụy kinh, chứ không phải do Đức Phật nói.
Đúng là giáo pháp của Đức Phật có đặc tính “thiết thực hiện tại”. Nhưng hiện tại đó không hề cắt đứt với quá khứ và vị lai. Có thể khẳng định rằng nếu chỉ có đời sống hiện tại mà không có những kiếp sống ở quá khứ và vị lai thì không thể có Phật giáo. Vì sao lại nói như vậy?
Thứ nhất, Đức Phật được cho là đã tu, hoặc đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước đây rồi, và kiếp này là kiếp cuối cùng của Ngài, hoặc Ngài chỉ thị hiện để hóa độ chúng sanh ở cõi đời này. Nếu không có các cõi thì câu nói “Vô lượng sanh tử, ư kim tận hĩ” có nghĩa là gì? Nếu không có sự tu hành trong vô lượng kiếp thì làm sao một hành giả thành Phật được. Mà không thành Phật thì làm sao có đạo Phật. Cho nên nói không có sanh tử trong các cõi thì không thể có đạo Phật là vậy.
Thứ hai, khi nói về sự tu chứng của Tứ quả Thanh văn, Đức Phật dạy rằng quả Tu-đà-hoàn còn gọi là Thất lai, nghĩa là trải qua bảy lần sanh tử nữa sẽ chứng quả A-la-hán; quả Tư-đà-hàm còn gọi là Nhất lai, nghĩa là một lần sanh lên cõi trời rồi một lần trở lại cõi đời này để chứng quả A-la-hán. Tức là có cõi người và cõi trời, có đời này và những đời sau. Thành Phật hay chứng Thánh quả không phải là một hiện tượng đột xuất trong một kiếp tu hành mà là thành quả của vô lượng kiếp. Nếu cho rằng chỉ có kiếp hiện tại của con người thì hóa ra bao nhiêu công phu tu hành đều không còn gì sau khi chết hay sao?
Cuộc đời càng điên đảo thì Phật giáo càng phải nên giữ vững lập trường của mình để hướng dẫn cuộc đời, đưa cuộc đời về nẻo chánh. Nếu Phật giáo cũng “tùy duyên” điên đảo theo đời để “thích nghi”, để lấy lòng họ thì dù có được rất nhiều người theo nhưng không phải cùng nhau về nẻo chánh mà là cùng nhau đi vào con đường băng hoại vậy. Hiện nay không ít bộ phận xã hội sống vội, sống bất chấp, đó chẳng phải là hệ quả của lối suy nghĩ không có Trời, Phật, Thánh, Thần và chết là hết đó sao?