"Một thời Phật du hóa trong nước Ương-già, cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến A-hòa-na, ở tại tịnh xá Kiền-nhã.
Bấy giờ sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y cầm bát đi vào A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Ngài cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng để nghỉ trưa. Vào lúc xế, Tôn giả Ô-đà-di từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:
- Này Ô-đà-di, ông không thiếu thốn gì, được an ổn khoái lạc, sức khỏe vẫn như thường chăng?
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, an ổn khoái lạc, và sức khỏe vẫn như thường.
…
- Bạch Thế Tôn, xưa có một Tỳ-kheo trong đêm tối mịt, trời mưa lâm râm, chớp lóe như lửa xẹt, mà phi thời đi vào nhà người ta khất thực. Bấy giờ người đàn bà đi ngoài rửa chén bát. Khi ấy người đàn bà này trong cơn chớp lóe, trông xa thấy Tỳ-kheo tưởng là quỷ. Thấy rồi, bà ta kinh hãi, lông tóc dựng ngược, thất thanh la lớn, tức thì ngã xuống, miệng nói rằng, ‘Ông là ma! Ông là ma!’. Tỳ-kheo mới nói với người đàn bà ấy rằng, ‘Này cô em, tôi không phải là ma đâu, tôi là Sa-môn đến khất thực’.
Bấy giờ người đàn bà ấy giận và mắng vị Tỳ-kheo rất nhức nhối, rất dữ dằn rằng, ‘Sa-môn hãy vong mạng cho lẹ đi! Bố mẹ Sa-môn hãy chết cho lẹ đi! Dòng họ Sa-môn hãy tuyệt diệt đi! Sa-môn hãy lòi ruột đi! Sa-môn trọc đầu, đen thui, tuyệt tự, không con cái! Hãy cầm dao bén mà tự mổ bụng đi! Chớ đừng đi khất thực phi thời ban đêm. Ôi chao! Tại Sa-môn mà tôi bị té!’.
Bạch Thế Tôn, con nhớ vị ấy rồi tâm sanh hân hoan. Bạch Thế Tôn, con nhờ sự hân hoan này mà sung mãn châu thân, chánh niệm chánh trí, phát sanh hỷ, khinh an, lạc, định. Bạch Thế Tôn, con nhờ định này, sung mãn châu thân mà được chánh niệm chánh trí. Như vậy, bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, thường được an ổn, khoái lạc, khí lực bình thường.
Thế Tôn khen rằng:
- Lành thay! Lành thay! Ô-đà-di, ông nay không phải như người ngu si kia. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói buộc rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ca-lâu Ô-đà-di, số 192 [trích, lược])
Mỗi người một nghiệp, có người ban đêm trở đói nhất định phải kiếm cái gì để ăn. Bởi thế mà có vị Tỳ-kheo đêm hôm mưa gió sấm vang chớp giật phải ôm bát qua hàng xóm xin ăn. Không may cho bà hàng xóm trong ánh chớp lập lòe ngỡ thầy là ma nên thất kinh té ngã. Khi biết là Tỳ-kheo thì bà hết sức tức giận chửi mắng tơi bời. Chuyện này tạo duyên để Thế Tôn chế giới không ăn phi thời và các vị Tỳ-kheo khác lấy đó làm gương mà dằn lòng chịu đựng, chú tâm vào đề mục để không bị phân tâm khi ban đêm bị đói.
Tôn giả Ô-đà-di nhờ quán chiếu sâu sắc về vết nhơ của Tỳ-kheo kia mà kiên định giữ giới không ăn sau giờ ngọ. Nhờ không ăn phi thời mà thân thể nhẹ nhàng, tâm tư thơ thới, lòng đầy hoan hỷ, dễ dàng thể nhập thiền định. Chính sự hỷ lạc của thiền định đã tạo ra năng lượng tích cực, giúp Tôn giả Ô-đà-di nhập chánh niệm chánh trí. Tuy không ăn chiều tối mà Tôn giả vẫn khỏe mạnh, tinh thần sung mãn “không thiếu thốn gì, thường được an ổn, khoái lạc, khí lực bình thường”.
Mới hay, hỷ lạc của thiền định sẽ nuôi dưỡng thân tâm, giúp thân khỏe tâm an, giúp tâm tịnh trí sáng. Định càng sâu dày thì an lạc càng lớn, tràn ngập khắp thân tâm. Bấy giờ, hành giả vượt qua những trở ngại của thân như đói khát, nóng lạnh, đau nhức, kể cả một số bệnh tật… một cách dễ dàng. Sự an định là nền tảng để phát triển trí tuệ, thành tựu giải thoát.