Dịch thơ thiền Lý-Trần, hiểu ý chí độc lập của tiền nhân

TS Frank Gerke.
TS Frank Gerke.
Cuối năm vừa qua, Hội Nhà văn VN và đã làm nên một sự kiện, đó là việc tổ chức hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN với sự tham gia đông đảo các nhà văn, dịch giả quốc tế và trong nước. Làm thế nào để giới thiệu văn học VN ra nước ngoài luôn là con đường gian nan, đòi hỏi nhiều tâm sức. Xin giới thiệu hai bài viết riêng của báo về vấn đề này

Hơn hai năm trước, tôi được nhà thơ Nguyễn Duy, chủ biên cuốn Thơ thiền Lý Trần, mời dịch một phần tác phẩm sang tiếng Anh. Cùng tham gia với tôi có dịch giả Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen (Mỹ).

Nguyên bản là ngôn ngữ Hán cổ. Chính vì thế, quan trọng là phải dịch nghĩa trước, sau đó mới chuyển ngữ sang tiếng Anh. Ban đầu, Nguyễn Duy nhờ tôi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhưng tôi đề nghị dịch thơ thiền trực tiếp từ văn bản Hán cổ sang tiếng Đức (vì tôi là nhà Hán học), đỡ hơn nhiều so với việc dịch từ tiếng Việt với nhiều thuật ngữ và khó sát với nguyên bản; sau đó chuyển sang tiếng Anh.

Dịch thơ thiền Lý Trần rất khó. Người dịch đòi hỏi phải có sự hiểu biết cơ bản về Phật giáo. May mắn là tôi từng học qua môn So sánh Tôn giáo học và chọn Phật giáo làm chủ đề nghiên cứu. Công cụ bắt buộc phải có là cuốn từ điển Hán-Việt, giải nghĩa những thuật ngữ Phật giáo, đại từ điển Phật học (Sancrit, Hán, Bali, Việt). Quan trọng nữa là phải am hiểu lịch sử VN và Trung Hoa thời đó.

Trong nhiều bài thơ thiền có nhắc đến sự thay đổi mạnh mẽ của nước Việt trong thời đại Lý-Trần, những vấn đề mà thiền sư tham vấn cho các vị vua, truyền thống của các bậc quân vương nhường ngôi khi nước nhà độc lập và đi tu, ở ẩn… Đồng thời, có sự ảnh hưởng của phái thiền tông từ Trung Quốc sang. Một số thiền sư Trung Hoa sang VN tu nghiệp, tu tâm, làm thơ, có nhắc đến một số sự kiện trong lịch sử Việt Nam-Trung Hoa thời bấy giờ.

Khi dịch, bài nào cũng có những câu, chữ làm tôi rất cảm động, nhất là khi nói về đời sống của người dân thường. Con người trong thơ vừa hư vừa thực, vừa như có, vừa như không. Thơ thiền có vai trò chính trị của nó.

Nhiều bài thơ nói lên khát vọng về một dân tộc VN độc lập, tự chủ. Nhiều thiền sư khuyên nhà vua biết đoàn kết cả dân tộc, được lòng dân thì dân mới theo. Một vài vị vua phải ra trận, chống ngoại xâm, về sau khi nước nhà đã yên, rời bỏ ngai vàng và lên núi tu hành, rửa sạch bụi trần.

Và các nhà sư vẫn thường nhấn mạnh, con đường tốt nhất vẫn là tăng cường ngoại giao, giữ cho được hoà bình. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học Việt trong lịch sử. Trong đó, thơ thiền có một đóng góp rất lớn cho nền văn học VN nói riêng, nền văn hoá VN nói chung thời đó, về sau và bây giờ.

Cho đến hiện tại, những dòng thơ thiền ấy vẫn còn mang giá trị đương đại. Trong thời đại ngày nay, con người có xu hướng chạy theo vật chất, hơn là nuôi dưỡng tâm trí của mình. Tiêu chí về sự thành công trong xã hội dường như đặt nặng giàu, thành đạt, có địa vị; nhưng còn tinh thần, ý chí, ý thức về nền tảng văn hóa dường như bị gạt sang một bên. Đó là một vấn đề lớn, thời đại nào cũng có, nhưng quan trọng là phải nuôi dưỡng cả hai, chứ không chỉ bên trọng, bên khinh.

Cơ chế thị trường cho phép con người năng động hơn, độc lập hơn, tự định hướng sự nghiệp của mình, song cũng cần nghĩ đến việc giữ gìn tri thức văn hóa truyền thống của người xưa.

Hiện tôi đã dịch xong bản thảo, đang nhờ một tiến sĩ ngữ văn Đức - Viện trưởng Viện Goethe ở TPHCM - biên tập lại. Thực ra, với một người dịch chuyên nghiệp như tôi thì có thể hoàn tất công trình trong vòng 3 tháng, nhưng vì chuyện cơm áo hàng ngày mà đành gác lại.

Dịch thơ thiền Lý-Trần khiến tôi hiểu và yêu thêm đất nước mà tôi đã chọn làm quê hương thứ hai này. Song song với tác phẩm này, tôi còn dịch “Đất lửa” của Nguyễn Quang Sáng. Trong đời tôi, may mắn là gặp được những người anh, người bạn như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng…

Tôi hoà nhập và sớm thích nghi, hoà đồng với tầng lớp trí thức ở VN là nhờ ngoài việc nói sõi tiếng Việt, quan trọng là cách suy nghĩ, cảm nhận, cách hiểu về con người và dân tộc VN không khác người Việt là bao. Một dân tộc có tinh thần mạnh mẽ, có sức sống mãnh liệt. Càng đi sâu vào nghiên cứu văn học VN, càng có thể hiểu thêm về điều đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.