Chân như sám hối cơ hội chuyển nghiệp

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong thế gian này không một ai dám tự hào rằng tự thân chưa bao giờ sai trái hay lầm lỗi thì cần gì phải sám hối. Chúng sinh bị vô minh che lấp căn tánh nên không biết rằng con người mỗi khi động chân cất bước có thể đã tạo tội.

Trong phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, kinh Hoa nghiêm (Đại 10, 847 thượng), Đức Phật dạy:

“Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sinh ra

Tất cả con nay xin sám hối”1.

Bài kệ toát lên ý nghĩa tinh yếu của sự sám hối. Có thể khẳng định rằng, trong thế gian này không một ai dám tự hào rằng tự thân chưa bao giờ sai trái hay lầm lỗi thì cần gì phải sám hối. Chúng sinh bị vô minh che lấp căn tánh nên không biết rằng con người mỗi khi động chân cất bước có thể đã tạo tội. Bất cứ suy nghĩ, lời nói, hành động dù vô tình hay cố ý cũng đều tạo nghiệp, có thể đem lại khổ đau cho người. Huống gì từ vô thỉ kiếp cho đến nay vì vô minh chúng ta đã tạo bao ác nghiệp nên cần sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng.

Vậy sám hối là gì? Từ điển Phật học Huệ Quang định nghĩa: “Sám nói đủ là sám-ma (S:kasama), nghĩa là nhẫn, tức mong được người khác tha tội; hối nghĩa là truy hối, hối quá-tức hối hận ở quá khứ. Tỏ bày lỗi lầm của mình trước Phật, Bồ-tát, sư trưởng hay đại chúng với mục đích mong được diệt tội, gọi là sám hối”2. Vậy sám hối là hối hận về tội lỗi, tỏ bày tội lỗi của mình và mong được tha thứ.

Luận về sám hối, nếu đứng về mặt giải thoát mà nói thì làm gì có nghiệp, làm gì có hành giả sám hối, vì nhất thiết pháp vô ngã, Không. Nhưng trên mặt tương đối mà nói thì có nghiệp, có hành giả sám hối, cần phải thực hành sám hối. Nương tục đế để đạt đến chân đế, tức nương huyễn để nói chơn. Như hoa sen mọc lên từ bùn nhơ rồi vươn lên khỏi mặt nước, dâng cho đời hương thơm thanh khiết. Hình ảnh bùn tượng trưng cho nghiệp ở quá khứ, quá trình vươn lên khỏi mặt nước, tỏa hương dâng đời là hình thức sám hối.

Trong cuộc trò chuyện giữa Đức Phật và vua A-xà-thế, Ngài dạy có hai hạng người đáng quý: Hạng thứ nhất là người chưa bao giờ tạo tội. Hạng thứ hai có tạo tội mà biết ăn năn sám hối và nguyện không tái phạm. Vì vậy, lễ sám là pháp hành rất quan trọng trong tu tập, giúp cho hành giả diệt trừ nghiệp chướng trong nhiều đời nhiều kiếp.

Có phái ngoại đạo chủ trương giết người không có tội, cũng không có gì là phước mà đó chỉ là hành động như đường kiếm đi ngang qua. Đường kiếm là tứ đại mà con người cũng là tứ đại, thì giết người như đường kiếm đi ngang qua không có gì là tội, là phước cả. Ngược lại, tất cả các nền tảng đạo đức thế thường đều cho giết người là tội nặng nhất. Một trong những mệnh lệnh đạo đức cơ bản là cấm xâm hại đời sống người khác. Trên mặt pháp lý thế gian, giết người phải đền tội và có thể lãnh án tử hình, không thể tha thứ.

Đạo Phật chủ trương sát sinh cùng tạo các ác nghiệp khác đều chịu quả báo nặng nề. Tuy tạo ác nghiệp nhưng cũng có thể sám hối. Lý thuyết sám hối của đạo Phật mở ra cánh cửa chuộc lỗi dù là lỗi lầm lớn nhất. Sám hối là cơ hội để con người có thể chuyển hóa, dứt trừ ác nghiệp. Cơ hội này được thiết lập căn cứ trên lý thuyết tánh Không với cơ sở lý luận khoa học.

Vì vậy, sám hối đích thực là tu tập tánh Không. Tại sao như vậy? Bởi sám hối mà vượt lên tự ngã, là thể nhập tánh Không. Khi lạy, tác ý lạy đó là nhân và đưa tay lên, đưa xuống,... là quả. Nhân là ý muốn lạy và khi lạy ta bỏ được ngạo mạn, buông cái tôi, không còn tôi lạy, không còn người lạy đó chính là quả. Ý làm là nhân, thân làm là quả. Đây là nhân-quả của tác ý và hành động.

Do đâu con người tạo tội, có phải do kiết sử? Bởi còn kiết sử là còn tạo nghiệp và luân hồi, tạo nghiệp qua thân-khẩu-ý. Năm vóc sát đất thì mới dừng ngay tại đó, tức là nhận biết được tham-sân-si và tạm thời giúp hành giả giải quyết được nguyên nhân của khổ đau. Sám hối cũng chính là hành thiền Vipassana, từ đó thấy rõ tánh Không. Bởi tánh Không sẽ làm biến mất các xúc cảm bấn loạn và những gì cản trở sự hiểu biết.

Đứng trên góc độ tục đế mà nói, không thấy ai lạy, mà chỉ chánh niệm trong khi lạy. Tức khi đưa tay lên biết đưa tay lên, khi đưa xuống biết đưa tay xuống. Có nghĩa là tâm đi theo cử động của thân không nghĩ tưởng gì, lúc bấy giờ tâm chỉ ghi nhận cử chỉ khi lạy mà thôi. Gọi là tục đế, vì còn thấy bàn tay bàn chân, đối với chân đế thì không còn thấy tay chân mà thân di chuyển khi lạy gần chạm xuống mặt đất thấy nặng đó là địa đại. Khi thân tiếp xúc mặt đất thấy mát lạnh, rít nhớt, đó là thủy đại. Khi đứng lên hoặc đưa xuống nhờ phong đại đẩy lên. Lạy một lúc thấy nóng bức đó là hỏa đại. Ngay lúc này không còn tôi, ta nào lạy mà chỉ là tứ đại đang hoạt động.

Trong kinh Ánh sáng hoàng kim, Đức Phật dạy: “Thiện nam tử, tất cả các pháp sinh từ yếu tố tương quan; Như Lai đã nói sự thể này sinh thì sự thể khác diệt, vì yếu tố khác biệt với nhau, [nên sám hối sinh thì nghiệp chướng diệt]. Do vậy, ác pháp đã có thì diệt trừ [vì sự sám hối], nên nghiệp chướng không còn sót lại; thiện pháp chưa sinh thì phát sinh [vì sự sám hối], nên nghiệp chướng không thể sinh nữa. Lý do là vì, thiện nam tử, tất cả các pháp toàn là Không; Như Lai đã nói không ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, không sinh không diệt, không cả hành pháp [sám hối]. Thiện nam tử, tất cả các pháp toàn dựa vào căn bản [chân như], nên cũng không thể diễn tả - vì [căn bản chân như] thì siêu việt tất cả trạng thái [sinh diệt]”3.

Nếu như Tịnh tông xem sám hối là trì danh hiệu Đức Phật thì Thiền tông là chánh niệm. Nghĩa là khi chánh niệm thì không tạo tội, không có thiện ác, thực hành chánh niệm trong tứ oai nghi thì đã là sám hối. Ví như ăn biết ăn, nhai rồi nuốt không bị vọng tưởng, nếu có thì ý nhận ra và đưa về thực tại biết cay, đắng, mặn, ngọt,... lúc này tâm không tạo tội, đó là sám hối.

Phẩm 6, kinh Pháp bảo đàn nói: “Đệ tử chúng con, từ niệm trước, niệm này, niệm sau, mỗi niệm đều không bị u mê ô nhiễm, từ trước có bao nhiêu tội ác nghiệp u mê, đều xin sám hối, nguyện một lần tiêu diệt, vĩnh viễn không trở lại […] mỗi niệm không bị kiêu căng dối trá làm ô nhiễm, từ trước có bao nhiêu ác nghiệp kiêu căng dối trá, nay đều sám hối, […] mỗi niệm không bị ganh ghét đều xin sám hối, nguyện một lần tiêu diệt, vĩnh viễn không khởi lại”4. Cần phải sám hối trong từng tâm niệm, niệm trước, niệm sau, niệm hiện tại, bởi do tâm điên đảo vọng tưởng mới sinh ra tội lỗi. Khi chánh niệm tỉnh giác thường trực tức là chuyển đổi tâm điên đảo trở nên thanh tịnh thì tội lỗi tự tiêu trừ. Như vậy, sám hối tất cả tội lỗi có nghĩa đoạn trừ tham sân si để tâm thanh tịnh đó là chơn sám hối.

Điều quan trọng của sám hối là thấy rõ tội lỗi và nghiệp báo của tội lỗi đều Không. Vì nó không thật, duyên sinh, giả hợp thì mới sám hối được. Ví như vua A-xà-thế mang trọng tội giết cha, thường ưu sầu, bất an, nhưng khi sám hối, quy y Tam bảo thì không còn ưu sầu và bất an nữa. Đó chính là “Chân như sám hối”, thấy rõ các pháp tội phước, tánh tướng đều Không, duyên sinh, tâm trống rỗng và nhẹ nhàng đó chính là tánh Không. Mặt khác sám hối diệt trừ nghiệp chướng là vì bản thể vốn là pháp thân thanh tịnh, trong sáng. Ác nghiệp là duyên sinh, giả huyễn, là Không. Mà bản thể của không sinh diệt là Chân như cho nên mới sám hối được. Và cũng từ Không mà viên mãn thệ nguyện, hoàn thành mười địa thực hiện pháp thân.

Thật vậy, khi hành giả thực sự thể nhập tự tánh Không tức hiểu được thể tánh trống rỗng của tâm thì chẳng còn sự đau hay khổ tác động. Bởi chúng ta chưa thực sự hiểu được thể tánh rỗng không của vạn pháp, của tâm cho nên ta dễ dàng khởi niệm tham sân si. Khi nào chứng ngộ bình đẳng tánh Không, thể nhập thật tướng tuyệt đối, thì khi ấy mới hoàn toàn giải thoát, tự tại. Ví như hư không không có gì ngăn ngại. Cũng vậy sám hối đạt đến Không là “tự tánh sám hối”, “Chân như sám hối”. Không ở đây là siêu việt, biện chứng và tích cực; tích cực là “vì Không mà các pháp được thành tựu”.

Với nguyên lý duyên sinh “Do cái này có cái kia có,… Do cái này diệt cái kia diệt”, cũng vậy khi hành pháp sám hối chừa bỏ lỗi lầm thì các thiện pháp sinh khởi và bất thiện pháp biến mất. Tất cả các pháp đều Không, ngay cả hành pháp sám hối. Nên hành pháp sám hối là thể nhập tánh Không.

“Tội từ tâm khởi đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu,

Tội tiêu tâm tịnh thảy đều Không

Thế mới thật là chơn sám hối”.

----------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1- HT. Thích Trí Tịnh dịch (2008), Kinh Hoa nghiêm, Nxb Tôn Giáo.

2- Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang ,tập 3, 4, Nxb Tổng Hợp TP.HCM.

3- Trưởng lão Tỷ kheo Trí Quang dịch (2017), Kinh Ánh sáng hoàng kim, Nxb Hồng Đức.

4- Thích nữ Trí Hải dịch (1998), Kinh Pháp bảo đàn, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.